Làm quen với “phim ngắn 48 giờ” cực chất của dân Hà Thành

Mèo 3 Chân, Theo 00:01 16/11/2011

Và nghe chính tác giả chia sẻ những cảm xúc, kỷ niệm làm phim nhé!

Bắt đầu từ năm 2001, cuộc thi Làm phim 48 giờ đã trở thành sân chơi quốc tế hấp dẫn cho các bạn trẻ yêu thích điện ảnh. Năm ngoái, Việt Nam lần đầu tiên góp mặt trong cuộc thi, với các tác phẩm đến từ TP.HCM. Phim ngắn Ngày đẹp trời để chết đã được bình chọn là phim hay nhất và được công chiếu tại Liên hoan phim Cannes hồi tháng 5 vừa qua. Năm nay, Làm phim 48 giờ “vươn tay” ra miền Bắc với địa điểm tổ chức là thủ đô Hà Nội. Cuộc thi đã diễn ra từ ngày 14/10 đến 16/10 và tổ chức lễ trao giải khu vực vào 12/11 vừa qua.

Clip giới thiệu về "Làm phim 48 giờ"

Dựa trên luật chơi của Làm phim 48 giờ quốc tế, mỗi cuộc thi như thế này sẽ có những yếu tố bắt buộc phải có trong tác phẩm. Các nhóm làm phim sẽ bốc thăm thể loại, sau đó cùng nhau xây dựng kịch bản, tuyển diễn viên, quay phim, dựng phim… tất cả trọn vẹn trong 2 ngày và nộp sản phẩm. Với vòng chơi tại Hà Nội vừa qua, Làm phim 48 giờ đưa ra nhân vật bắt buộc là Lê Văn Danh (nam) hoặc Lê Vân Dung (nữ) làm nghề giáo viên, đạo cụ bắt buộc là một chiếc ô, câu thoại bắt buộc là “Cô ấy/Anh ấy/Nó chỉ có vẻ bề ngoài mà thôi”.



Đã có tới gần 50 nhóm đăng ký tham gia Làm phim 48 giờ tại Hà Nội và 43 nhóm hoàn thành tác phẩm kịp thời hạn. Ban giám khảo của cuộc thi, bao gồm đạo diễn Hollywood (phim Salt với diễn xuất của người đẹp Angelina Jolie) – Phillip Noyce và 3 đạo diễn Việt Nam Nguyễn Quang Dũng, Nguyễn Vinh SơnPhan Đăng Di, đã có một tuần vất vả để chọn ra tác phẩm xuất sắc nhất.


Poster sáng tạo nhất

Theo đó, giành được nhiều thành tích hơn cả là các phim: Két an toànLam Thiên (giải Bộ phim hay nhất, Kịch bản hay nhất, Nhân vật xuất hiện hợp lý nhất), Ngày đầu tiên của mùa ThuThe First WAFM (Bộ phim hay nhì, Đạo diễn xuất sắc nhất: Đỗ Quốc Trung, Sử dụng đạo cụ phù hợp nhất), Chiếc váyNII Media (Quay phim xuất sắc nhất, Biên đạo nghệ thuật xuất sắc nhất, Âm nhạc hay nhất, Phục trang tốt nhất), Trễ NhịpChú Tễu Film (Kịch bản hay nhất, Âm thanh hay nhất, Đồ họa đẹp nhất), Cầu tình yêuTrailer Factory (Dựng phim hay nhất, Poster sáng tạo nhất, Trailer ấn tượng nhất)…

Đạo diễn Phillip Noyce công bố giải nhất của cuộc thi

Ngay lập tức, chúng tớ đã “đặt gạch” phỏng vấn tác giả của hai bộ phim xuất sắc nhất và nhì trong cuộc thi Làm phim 48 giờ vừa qua. Đầu tiên, cùng nghe anh Nguyễn Hồng Quân - đạo diễn của Két an toàn, giới thiệu về tác phẩm nhé.



Anh có thể nói qua về bộ phim "Két an toàn" được không ạ?

Bộ phim Két an toàn của nhóm Lam Thiên được hình thành ý tưởng khi bốc thăm trúng thể loại phim về trộm cắp (Heist Film). Tác phẩm bắt đầu từ chuyện tên trộm móc được chiếc ví của một người đàn ông. Khi mở ra, trong đó không có tiền mà chỉ có danh thiếp đề tên Giáo sư Lê Văn Danh và địa chỉ, cùng một mẩu giấy vẽ hình két sắt và mật mã để mở. Tên trộm này lần theo địa chỉ, tìm thấy và mở chiếc két ra một cách dễ dàng. Tuy nhiên, chuyện xảy ra sau đó mới là phần hay ho của tác phẩm. Hơi tiếc là vì Két an toàn còn phải tiếp tục “tham chiến” ở vòng thi thế giới nên chưa thể công bố online.

Coi trailer của "Két an toàn" hấp dẫn không này



Anh và cả ê-kíp đã cảm thấy như thế nào khi tác phẩm của mình giành chiến thắng?

Nhóm Lam Thiên đến với 48 giờ mang theo quan điểm là cùng nhau tham gia một cuộc chơi và làm hết sức mình. Chính vì vậy khi công bố giải thì nhóm vô cùng vui và bất ngờ. Còn hạnh phúc hơn nữa là nhóm đã được nghe những nhận xét tuyệt vời từ đạo diễn nổi tiếng Hollywood Phillip Noyce. Khi Mr. Noyce nói đến chi tiết “bị nhốt” thì nhóm đã đoán được kết quả và hét lên sung sướng. Có lẽ đó là cảm giác không thể quên đối với tất cả các thành viên.


Anh có thể chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình thực hiện bộ phim chứ?

Trong quá trình làm phim, nhóm anh có rất nhiều kỷ nệm. Ví dụ, khi quay cảnh móc túi ở bến xe, diễn viên chính suýt… bị đánh vì mọi người tưởng là móc túi thật. Hoặc trong quá trình di chuyển giữa các bối cảnh, hai thành viên trong nhóm đã bị ngã xe, phải băng bó. Chính vết thương này đã trở thành 1 chi tiết ở cuối phim! Và còn rất nhiều kỷ niệm khác nữa…





Giờ, chúng mình sẽ cùng nghe “Đạo diễn xuất sắc nhấtĐỗ Quốc Trung giới thiệu về Ngày đầu tiên của mùa Thu nhé.

Trung có thể giới thiệu về nhóm “The First WAFM” và “con cưng” của mình không?

Nhóm The First WAFM gồm 7 thành viên nhưng trừ đạo diễn và quay phim học tại trường Sân Khấu - Điện Ảnh thì tất cả các thành viên còn lại đều không theo học chuyên nghiệp. Tuy nhiên cả 7 người chúng mình đều trưởng thành từ dự án Chúng ta làm phim (WAFM) của trung tâm TPD.



Còn về tác phẩm Ngày đầu tiên của mùa Thu thì trong cuộc thi, thể loại nhóm bốc được là du hành thời gian. Đây là một thể loại khá mở và nhóm rất thích thú với thể loại này. Bộ phim xoay quanh một bà giáo già dùng chiếc ô kỳ lạ để quay về thời trẻ. Bà luôn mang theo bên mình những kỷ niệm buồn ngày xưa. Và nay, bà hy vọng có thể thay đổi được quá khứ. Bộ phim dù mang hơi hướm bi kịch nhưng nó là một câu chuyện tình đẹp, nhẹ nhàng. Nhóm đã cố gắng tiết chế để có được một không khí buồn man mác trong phim. Đó cũng là lý do phim có tên: Ngày đầu tiên của mùa Thu.

Phim ngắn "Ngày đầu tiên của mùa Thu"

Với những giới hạn của cuộc thi, nhất là quãng thời gian 48 tiếng đồng hồ, nhóm đã gặp những khó khăn gì và vượt qua nó như thế nào?

Thực ra, đã làm phim thì chắc chắn là khó khăn và nhóm nào cũng đều gặp phải những trở ngại như vậy. The First WAFM thì xác định khó khăn lớn nhất là tìm được câu chuyện vừa phải, để có thể thực hiện trong khoảng thời gian ngắn nhưng vẫn đảm bảo sự chặt chẽ, hợp lý và thú vị. Nhóm đã cãi nhau ầm ỹ từ 8h tối thứ 6, khi nhận được đề bài, đến tận 3h sáng thứ 7 mới lựa chọn được kịch bản và tiến hành mời diễn viên, chuẩn bị bối cảnh, đạo cụ ngay vào lúc ấy.


Khó khăn nhất là mời nhân vật bà giáo già và cậu bé 6 tuổi. Lúc đó cả 2 đều đã đi ngủ mà lại không có di động. Nhóm không muốn làm phiền đến gia đình nên phải chờ đến 6h sáng mới liên lạc và 7h tới quay luôn. Ngay cả 2 bạn sinh viên trong phim nhận lời lúc 3h sáng mà nhóm cũng không thể kể câu chuyện cho họ chuẩn bị được, vì lúc đó vẫn đang… nghĩ dở mà! Bọn mình chỉ biết nói là: “Cậu diễn được. Vai này không khó đâu, chút đến tớ phổ biến cho” (cười).



Ấn tượng riêng của Trung về cuộc thi lần này như thế nào? Trung có thể chia sẻ cảm xúc của mình khi bộ phim của nhóm nhận tới 3 giải thưởng lớn, vượt mặt rất nhiều “đối thủ” không?

Làm phim 48 giờ năm nay lần đầu tiên tổ chức ở Hà Nội mà có hơn 50 nhóm tham gia là điều bất ngờ nhất với mình. Đây thực sự là một liên hoan để cho các nhà làm phim phía Bắc gặp gỡ và học hỏi lẫn nhau, điều mà TP.HCM đã làm được lâu rồi. Qua các tác phẩm dự thi, khán giả, những nhà chuyên môn cũng phần nào nhìn nhận được mặt bằng chung, khuynh hướng sáng tác, gu thẩm mỹ... của các nhà làm phim trẻ phía Bắc.


Còn về lễ trao giải thì thực sự dùng từ “đối thủ” không chính xác lắm. Công việc làm phim không phải để tranh đấu, không ai thắng, không ai thua. Khi chúng ta làm phim và phim được chiếu ở rạp đã là chiến thắng rồi. Giải thưởng không đánh giá được hết, nó chỉ như 1 buổi tổng kết mà thôi. Thế nên được nhận giải thì cả nhóm đều rất vui, nhất là khi… cúp quá đẹp. Các liên hoan phim ở Việt Nam cúp không đẹp như vậy! (cười).



Trung có thể chia sẻ với mọi người kỷ niệm vui khi làm phim cũng như khi nhận giải thưởng không?

Kỷ niệm đáng nhớ thì chắc là việc nhìn thấy túi xôi trên tay bạn sản xuất mang đến phòng dựng sáng chủ nhật. Lúc đó cả nhóm đều ngán vì đã 4 buổi phải ăn xôi cho tiện, rẻ và đảm bảo tiến độ. Thế nên nhìn thấy xôi là cả nhóm quay đầu vào làm việc tiếp luôn, làm bạn sản xuất nghệt mặt ra không biết làm thế nào.



Một kỷ niệm rất đáng nhớ nữa là nhân vật nữ chính trong phim của nhóm được đề cử giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất. Tuy nhiên, khi liên hệ thì nhóm được biết bà đang nằm viện. Cả nhóm rất buồn và định sau lễ trao giải đến thăm bà luôn. Nhưng không ngờ, 15 phút sau khi sự kiện bắt đầu, bà xuất hiện tại nhà hát lớn. Dù không đoạt giải nhưng bà rất hạnh phúc vì đã đến để chung vui cùng cả đoàn. Trong quá trình quay gấp, nhóm chẳng chụp được 1 bức ảnh chung nào. Đến hôm trao giải mọi người mới làm được. Giải nhì là món quà tinh thần mà cả nhóm gửi đến bà trong đêm đó để bà mau bình phục.


Và khi nhận được giải Đạo diễn xuất sắc nhất thì mình thật sự thấy xúc động. Mình rất sợ những giải thưởng vì nó thường huyễn hoặc người trẻ, khiến họ đánh giá sai và ngộ nhận về bản thân. Vì vậy niềm vui của mình trên sân khấu không phải vì giải thưởng mà là việc nhận ra được tình cảm mọi người dành cho mình.


Đạo diễn Đỗ Quốc Trung - Phó đạo diễn Nguyễn Lê Hoàng Việt

Cuộc thi Làm phim 48 giờ tại TP.HCM cũng đã diễn ra vào 4-6/11 vừa qua với 63 sản phẩm hoàn thành từ 75 nhóm tham dự. Từ ngày mùng 5 đến 7/12, các phim ngắn hấp dẫn này sẽ được công chiếu tại Megastar Hùng Vương. Lễ trao giải khu vực TP.HCM sẽ diễn ra vào 8/12.

Chúng mình cùng thưởng thức 1 số trailer và phim ngắn khác rất thú vị trong Làm phim 48 giờ Hà Nội nhé!

"Kế hoạch đơn giản" - Wingsteam (Giải khán giả bình chọn)

Trailer của "Trễ nhịp" - Chú Tễu Film

Trailer của "Chiếc váy" - NII Media

Trailer của "Cầu tình yêu" - Trailer Factory

Trailer của "Qua ánh cầu vồng" - Etherium Sky (Giải "Chỉ đạo nghệ thuật tốt nhất")