Hoảng hồn với những phim kinh dị "hạng B" ám ảnh của thế kỉ 20

Minh Phúc, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 11/04/2015

“Hạng B” từ lâu vẫn là tên gọi chung của những phim có kinh phí thấp. Tuy nhiên, chính những bộ phim này đã tạo ra hàng loạt những bộ phim kinh dị làm lại sau này.

“Hạng B” từ lâu vẫn là tên gọi chung của những phim có kinh phí thấp, đạo diễn trung bình, diễn viên kém tên tuổi và không có chiến lược quảng bá rầm rộ. Tuy nhiên những phim kinh dị nửa đầu thế kỉ 20 lại là tiền đề và niềm cảm hứng cho các phần phim ăn khách, các tựa đề ăn theo ra mắt sau này.
 
1. Night of the living dead (George A. Romero, 1968)

Nếu là những người yêu thích phim về zombie (Tạm dịch: Xác sống) thì bạn không thể không biết đến George A. Romero. Khi làm Night of the Living Dead, ông không ngờ rằng mình đã “khơi nguồn” cho lịch sử của dòng phim về zombie rất ăn khách sau này. Bộ phim đã tạo nên một cuộc cách mạng lớn trong lịch sử phim kinh dị, đưa xác sống trở thành một trong những nhân vật ăn khách nhất.


Phim có nội dung rất đơn giản, kể về một đêm xấu trời khi toàn bộ xác chết ở nghĩa trang bỗng nhiên “bật dậy” và đi săn não của người sống. Với kinh phí vẻn vẹn là 114,000 USD bộ phim đã thu lại 18 triệu USD trên toàn cầu. Night of the Living Dead cũng được đánh giá là 1 trong top 10 phim hay nhất năm 1968 và thành cảm hứng cho rất nhiều phim cùng đề tài về sau.
 
2. Texas Chainsaw Massacre (Tobe Hooper, 1974)

Với những ai là fan của dòng phim kinh dị Slasher (giết người hàng loạt) thì không lạ gì “tượng đài” này. Bộ phim còn được vinh danh tới ngày nay vì ở những năm 70 nó đã tạo nên một cơn sốt lớn bởi lấy đề tài về những kẻ ăn thịt người.


Mang mặt nạ làm từ da người, Leatherface sẽ săn lùng những nạn nhân trẻ tuổi, đặc biệt là phụ nữ để... nấu bữa tối cho đại gia đình phàm ăn của hắn. Đoạn cuối phim rất kì quặc, đáng sợ nhưng đầy tính thẩm mĩ. Trong ánh hoàng hôn le lói, Leatherface huơ cao chiếc cưa máy đang kêu rè rè của mình và nhảy một điệu tango ăn mừng sự chết chóc.
 
3. Cannibal Holocaust (Ruggero Deodato, 1980)
 
Người Ý vốn chuộng sự lãng mạn, nhưng một khi đã làm phim kinh dị thì họ tuyệt đối không thua bất kì quốc gia nào. Cannibal Holocaust kể về một đoàn làm phim bị mất tích sau khi xông vào rừng Amazon để quay phim tài liệu về bộ tộc ăn thịt người. Nhà nhân chủng học Harold Monroe dẫn đầu đội cứu hộ đi tìm kiếm các đồng nghiệp nhưng tại đây ông chỉ tìm thấy những cuộn băng - di vật duy nhất còn sót lại.


Ê kíp làm phim ở ngoài đời đã phải tiếp xúc với tộc ăn thịt người thật, thậm chí có tin đồn là giết người để hoàn thành bộ phim. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử mà một đạo diễn phải ra tòa vì khán giả và giới phê bình không xác định được đây là sản phẩm của Hollywood hay là một bộ phim hoàn toàn được quay thực tế. Đạo diễn Deodato phải ngồi tù 4 tháng, phim bị gắn mắc 18+ và bị cấm chiếu tại hơn 50 quốc gia nhưng Cannibal Holocaust vẫn được đánh giá là một làn gió mới của phim kinh dị thời bấy giờ.
 
4. The Toxic Avenger (Lloyd Kaufman, 1984)

Melvin Ferd làm việc ở trạm y tế địa phương, vì hiền lành mà anh chàng hay bị đồng nghiệp, thậm chí cả bọn nhóc con bắt nạt. Một ngày nọ anh bị đuổi đánh nên lao qua cửa sổ và rớt ngay vào thùng hóa chất ở bên dưới. May mắn không chết nhưng cơ thể Ferd bị biến dạng xấu xí và có sức khỏe như siêu nhân.


Fred trở thành quái vật nhưng đồng thời anh cũng là anh hùng khi liên tục cứu giúp người dân địa phương. Kịch bản có vẻ “nhân văn” nhưng Toxic Avenger vẫn bị xếp vào dòng phim kinh dị vì những màn xử lí bọn xấu của anh hùng quá mức nặng tay. Tiêu biểu ở một cảnh đánh nhau trong bếp, Fred đã dí đầu một gã cướp vào máy cắt lát khoai tây. Sau đó chàng ta rắc bột, trứng và gí thẳng máy trộn bột cầm tay vào gã còn lại.

5. Hellraiser (Clive Barker, 1987)
 
Nhà văn Clive Barker đã chuyển thể quyển tiểu thuyết kinh dị mang tên The Hellbound Heart của chính mình trở thành bộ phim Hellraiser, mở đầu cho loạt phim kinh dị cùng tên kéo dài 9 phần. Chiếc hộp cổ kì lạ từ một tên buôn đồ cấm tưởng chừng vô hại, nhưng lại là chìa khóa đưa những sinh vật bóng tối mang tên Cenobites đến với thế giới người sống. Các Cenobites sẽ giết bất cứ kẻ phàm tục nào đã triệu hồi chúng.


Người xem hiện đại vẫn sẽ phải trầm trồ trước công nghệ hóa trang của những năm 1980. Hình ảnh Frank - nạn nhân đầu tiên của các Cenobite ngoi lên từ đống bầy nhầy, dần trở thành một bộ xương nhớp nhúa. Thêm vào sự kinh hoàng ấy là khuôn mặt vô hồn găm đầy đinh của Pinhead - thủ lĩnh các Cenobite, cùng sự ám ảnh khi hắn chậm rãi bước đi săn mồi với tiếng móc sắt cào xé sau lưng.
 
6. Killer Klowns from Outer Space (Stephen Chiodo, 1988)

Những ai luôn mắc chứng sợ hề và tin rằng những gã ăn mặc lòe loẹt như thế đáng sợ hơn là đáng yêu sẽ càng củng cố niềm tin sau khi xem phim này. Thay vì mang niềm vui cho mọi người, những sinh vật ngoài hành tinh mang hình dạng chú hề lại thích giết người bằng súng bỏng ngô, tạo một cái bóng hình con khủng long trên tường và nuốt hết khán giả hay vươn bàn tay dài bóp chết nạn nhân.


Bên cạnh những trò giết người, bộ phim còn tăng thêm không khí quái ác bằng tiếng cười điên dại của lũ hề hay bản nhạc "Killer Klowns" của nhóm The Dickies được chơi đi chơi lại nhiều lần. Hiện tại bộ phim cũng có kế hoạch sản xuất lại dưới định dạng 3D, dự kiến sẽ ra rạp vào năm 2016.

7. Halloween (John Carpenter, 1978)

Được xem là một trong những bộ phim “nền tảng” để tạo nên một đế chế phim đầy những chuyện kinh dị trong ngày Halloween, tác phẩm ra đời năm 1978 này nói về cậu nhóc 6 tuổi Michael Myers đã cầm dao đâm chị mình ngay ngày lễ ngày. 15 năm sau, Michael Myers trốn tù về nhà và theo dõi cô gái trẻ Laurie Strode và bạn bè của cô. Bác sĩ tâm thần Dr. Sam Loomis nghi ngờ hắn sẽ tạo ra một vụ án mạng còn ghê gớm hơn vụ án mạng 15 năm trước nên quyết tâm theo dõi Myers và cố gắng chặn đứng vụ án.


Dù bị chỉ trích là bộ phim mang yếu tố thúc đẩy tâm lý giết người của giới trẻ và coi thường, đe dọa tình dục tới phụ nữ nhưng không thể phủ nhận Halloween đã tạo một cơn sốt ngay khi ra mắt. Mang kinh phí 300,000 đô la nhưng bộ phim đã thu lại $47 triệu đô la khi công chiếu tại nước Mỹ. Bộ phim cũng được giới phê bình đánh giá cao tích cực. Những câu thoại, những tình tiết của Halloween được xuất hiện rất nhiều trong những phim kinh dị sản xuất sau này. Đạo diễn Rob Zombie cũng reboot lại bộ phim thành 9 phần tiếp theo, phần Halloween II được công chiếu năm 1981, và phần cuối cùng ra mắt năm 2007.

8. A Nightmare on Elm Street (Wes Craven, 1984)

Cũng thuộc dòng “slasher movie” nhưng “A Nightmare on Elm Street” đẳng cấp hơn khi kẻ giết người không xuất hiện trong đời thực mà lại giết người trong những giấc mơ. Freddy Krueger xuất hiện trong những giấc mơ của bọn trẻ với làn da cháy sạm, móng tay kim loại dài nguệch ngoạc, mặc áo sọc đỏ - xanh và ám ảnh cho tới lúc nạn nhân gặp ảo giác và chết đi thì thôi.

Đạo diễn Wes Craven đã có những nghiên cứu kĩ càng khi sáng tạo ra nhân vật này. Ban đầu là cảm hứng từ một căn bệnh lạ ở châu Á mang tên: Brugada Syndromeor Sudden Unexpected Death Syndrome (chết trong lúc ngủ một cách bất ngờ), tiếp theo là màu xanh - đỏ: màu tạo ám ảnh thi giác con người, Freedy đã ra đời. Đây được xem như một nhân vật kinh điển và tượng đài lớn trong dòng phim kinh dị. Đoạn nhạc trong phim: “One, Two, Freddy's Coming For You” cũng gây được ấn tượng không hề nhỏ.

Bộ phim có sự tham gia diễn xuất của tài tử Johnny Depp lúc trẻ

9. Friday the 13th (Sean S. Cunningham, 1980)

Sau thành công vang dội với Halloween, John Carpenter tiếp tục có một bộ phim để đời là “Friday the 13th”. Nếu từng xem qua “Friday the 13th” bản phim năm 2009 bạn sẽ thấy đây là bộ phim làm lại từ phiên bản 1980. Bản phim 1980 cũng được xem là một trong những phim đầu tiên của dòng “slasher” đã đề cập ở những phim trên.


Bộ phim nói về một nhóm thanh thiếu niên bị giết từng người một trong khi cố gắng mở lại một khu cắm trại bị bỏ hoang. Kẻ giết người là một bà mẹ tâm thần (Mrs. Voorhees) đang cố gắng trả thù cho đứa con trai Jason bị giết vào năm 1957. Tiếp nối thành công của phiên bản năm 1980, các phần phim sau của Friday the 13th tập trung vào đứa con trai Jason Voorhees với rất nhiều biến thể khác nhau. Khi thì các nhà làm phim cho Jason đánh nhau với Freddy Krueger và có khi hắn là một tên tội phạm bất tử được giam giữ trên phi thuyền vũ trụ.



Trong phiên bản reboot sẽ được ra mắt vào năm 2016, nhà sản xuất - Brad Fuller hứa hẹn phim sẽ lý giải vì sao Jason thường bị giết vào cuối mỗi phim nhưng đều sống lại vào phần sau. Bên cạnh đó, ông cũng phủ nhận tin đồn rằng phần reboot này sẽ được quay theo kiểu found-footage và cho biết rằng họ đang nhắm ngân sách của phim vào khoảng 3 tới 20 triệu $.

10. Dead Alive (Peter Jackson, 1992)

Thật khó tin khi đạo diễn Peter Jackson lừng danh của bộ ba The Lord of the Rings”và The Hobbit lại từng làm một phim kinh dị hạng B. Do thời đó Peter Jackson xin được ngân sách quá ít nên phần hình ảnh, kĩ xảo của Dead Alive khá chán. Cốt truyện thì lại khá chặt chẽ và có thể chấp nhận được. Theo bật mí từ nhà sản xuất, họ đã tốn 300 lít máu giả để chuyển tải hết sự máu me gớm ghiếc ở phim này.


Trong một lần đi thăm vườn thú, mẹ của Lionel bị một con khỉ cắn, bà gần như phát điên và trở nên cuồng sát. Vì quá sợ hãi, Lionel giấu mẹ xuống tầng hầm. Nhưng cũng có những người khác bị khỉ cắn và trở thành zombie. Vào một ngày tất cả zombie rủ nhau đi cắn người, mẹ của Lionel dù bị phân hủy xác nhưng cũng xuất hiện với bộ dạng vô cùng khủng khiếp để đi tiêu diệt cậu con trai.