Đất sống nào cho phim nghệ thuật nước ngoài tại Việt Nam?

Ân Nguyễn, Theo Trí Thức Trẻ 16:00 17/10/2015

Không riêng gì phim Việt, ngay cả phim nghệ thuật ở nước ngoài cũng thất bại về doanh thu ở Việt Nam.

Ở những nước có nền điện ảnh phát triển, luôn có một thị phần khán giả dành riêng cho phim nghệ thuật, những người giúp những phim khó xem như The Hurt Locker hay Beasts of the Southern Wild hòa vốn hoặc thậm chí có lời. Đáng tiếc là phân khúc này dường như không tồn tại tại Việt Nam. Chưa nói đến những phim Việt hàn lâm như Chơi vơi hay Đập cánh giữa không trung, mà ngay cả phim nghệ thuật của nước ngoài cũng thất bại về doanh thu khi nhập về Việt Nam.

Thị trường Việt Nam

Nếu như năm 2013, có đến bảy phim được đề cử Oscar được nhập về Việt Nam, bao gồm Django Unchained, Les Misérables, Life of Pi, Lincoln, Silver Linings Playbook, Zero Dark Thirty, và Beasts of the Southern Wild, thì năm vừa rồi chỉ có duy nhất hai phim là Boyhood và The Theory of Everything. Năm nay thì những ứng cử viên tiềm năng như Steve Jobs, Bridge of Spies, Joy, The Revenant, The Hateful Eight cũng chưa thấy động tĩnh gì.

cang-ngay-cang-it-phim-nghe-thuat-toi-viet-nam_23140f7bbd-164fc
"Django Unchained" của đạo diễn Quentin Tarantino

Cũng khó trách các nhà phát hành vì ngay cả những tác phẩm nghệ thuật của Hollywood có ngôi sao, được chứng nhận tại các liên hoan phim quốc tế, vẫn có thể chết yểu khi nhập về Việt Nam. Trước đây, để nâng tầm thị hiếu khán giả Việt, Megastar (tiền thân của CGV) từng thực hiện dự án Megastar Picks để đưa về những bộ phim nghệ thuật như The King's Speech, 127 Hours, hay Black Swan. Đó là một nỗ lực dũng cảm đáng được ghi nhận trong thời điểm thị trường còn chưa định hình rõ. Đáng tiếc là sau vài năm, thẩm mỹ của số đông khán giả dường như vẫn dậm chân tại chỗ.

Thích khách Nhiếp Ẩn Nương của đạo diễn kỳ cựu Hầu Hiếu Hiền là bộ phim công phu, được Đài Loan cử đi dự Oscar, song các suất chiếu khán giả bỏ về quá nửa là chuyện bình thường. Tác phẩm này bị đánh giá là chán và khó tiếp thu. Đầu năm nay, một phim khác là Boyhood từng cạnh tranh quyết liệt với Birdman cho ngôi vị Phim hay nhất ở Oscar cũng khá vắng khách, chỉ thu hút người yêu điện ảnh là chính.

shuqit-8d2bb
"Thích Khách Nhiếp Ẩn Nương" có sự tham gia của Thư Kỳ

Hai phim kể trên thì quả là kén người xem, nhưng một số phim nghệ thuật “dễ xem” hơn cũng chịu chung số phận. The Theory of Everything có nội dung kể về nhà vật lý lừng danh Stephen Hawking, cộng thêm diễn xuất tuyệt vời của Eddie Redmayne, nhưng số lượng suất chiếu cũng lác đác. Hay như gần đầy, tác phẩm hình sự Sicario nhận nhiều lời khen ngợi cũng gần như biến mất chỉ sau hai tuần.

Article Lead - wide1000717545gjsuq0image.related.articleLeadwide.729x410.gjsull.png1443241058097.jpg-620x349-c08f4
"Sicario" có sự tham gia của Emily Blunt

Thị hiếu của khán giả Việt

Có một nét đặc trưng là khán giả Việt khá sợ phim có tiết tấu chậm, nhiều thoại. Kiểu ngôn ngữ điện ảnh lòng vòng như Boyhood hay The Tree of Life thì lại càng làm họ dị ứng. Nhất là khi các phim này không có yếu tố hài hước thì khả năng khán giả bỏ về là rất cao. Mà hầu hết các phim hàn lâm là theo dạng này, hiếm có những phim nào cân bằng tốt giữa yếu tố nghệ thuật và giải trí như Life of Pi hay Gravity. Một số khán giả thích xem phim nghệ thuật thì ngại ra rạp vì không khí xô bồ, những lời bình luận khiếm nhã, hay đơn giản là nhiều người bỏ về quá làm họ… cụt hứng. 

cang-ngay-cang-it-phim-nghe-thuat-toi-viet-nam_86a416b30b-8ac76

Sự “hiểu nhầm” của khán giả cũng dễ dẫn đến thất vọng khi phim không như mong đợi. Nhiều người trước khi vào rạp nghĩ rằng Nhiếp Ẩn Nương là một phim võ thuật bay nhảy như Anh Hùng hay Ngọa Hổ Tàng Long, để rồi hụt hẫng khi đây là tác phẩm theo trường phái ước lệ. Hay như Sicario với poster hầm hố được “mặc định” là phim hành động bắn giết, nhưng hóa ra phim lại khai thác về chiều sâu nội tâm con người.

Ngồi nhà xem phim sướng hơn

Một “kẻ thù” khác của phim nghệ thuật Hollywood ở Việt Nam chính là… Internet. Trong thời đại bùng nổ như ngày nay, những trang xem phim online cũng liên tiếp mọc lên với hàng ngàn lựa chọn. Việc xem phim trên mạng quá đơn giản, chỉ cần vài thao tác thì ai cũng có thể thưởng thức các tác phẩm một cách dễ dàng, có thể xem cả trên máy tính hay điện thoại, máy tính bảng.

Các phim bom tấn của Hollywood thường ra rạp Việt Nam ở thời điểm tương tự với Bắc Mỹ, lúc này phim lậu chỉ có bản Cam, nên khán giả còn có động lực đến rạp để thưởng thức với chất lượng hình ảnh cao và chỗ ngồi thoải mái. Ngược lại, các phim nghệ thuật của Hollywood chỉ nhập về vài tháng sau ngày công chiếu. Thường thì khi đó hầu hết đã có bản đẹp nên chẳng ai “dại” gì mà ra rạp xem.

cang-ngay-cang-it-phim-nghe-thuat-toi-viet-nam_f8e068d1b0-6d249

Điều này cũng đưa nhà phát hành vào thế khó. Nếu nhập trễ thì không ai đi xem, nếu nhập sớm thì phải trả khoản tiền lớn hơn cho hãng phim, mà cũng chưa có gì bảo đảm khả năng ăn khách. Dù các nhà phát hành như CGV hay Galaxy chia sẻ rằng họ nhập phim là để giới thiệu tác phẩm hay để khán giả thưởng thức, nhưng doanh thu kém thì có lẽ cũng khiến họ phải chùn tay. Một vấn đề khác là ở Việt Nam hiện nay phim thương mại đang chiếu lẫn lộn với phim nghệ thuật, nên phim nghệ thuật dễ văng khỏi rạp chiếu nếu không cạnh tranh được.

Những người yêu điện ảnh đích thực luôn mong ước được xem những tác phẩm có giá trị và nghệ thuật sâu sắc. Thế nhưng nhưng việc nhập và phát hành các phim này ở Việt Nam dường như vẫn là bài toán hóc búa dành cho các hãng. Vấn đề này cần đến một chiến lược lâu dài, ít nhất phải có thêm nhiều “Megastar Picks” nữa, rồi sẽ tiến hành quảng bá mạnh mẽ để đưa các phim nghệ thuật đến gần hơn với khán giả.