Đặt “Hot boy nổi loạn” và “Cảm hứng hoàn hảo” lên bàn cân

Việt Nữ, Theo 00:00 06/11/2011

Thắng – thua có lẽ đã quá rõ.

Cùng "đánh vào" đề tài đồng tính, lại ra mắt ở thời điểm gần kề, thế nên không mấy khó hiểu khi "bộ đôi" Hot boy nổi loạn - Cảm hứng hoàn hảo được dư luận gắn mác “đối thủ” và đặt lên bàn cân.

Tính nhân văn: Kẻ tám lạng, người nửa cân

Không thể phủ nhận ngay từ đầu, cả hai đạo diễn Vũ Ngọc Đãng Nguyễn Lê Dũng đều làm phim với mục đích tốt đẹp. Tuy nhiên cần phải xác định rõ ràng, dù cùng lựa chọn đề tài đồng tính nhưng mục đích của hai người hoàn toàn khác biệt, thậm chí là trái ngược.

"Hot boy nổi loạn" và thông điệp bình đẳng giới

Đối với Hot boy nổi loạn, Vũ Ngọc Đãng cho người xem sự cảm thông với giới tính thứ ba, để từ đó chấp nhận, bao dung họ. Còn với Cảm hứng hoàn hảo, Nguyễn Lê Dũng dường như lại có ý phủ nhận đồng tính thì đúng hơn. Nói đơn giản, nếu Vũ Ngọc Đãng cổ vũ bình đẳng giới thì Nguyễn Lê Dũng muốn “uốn cong thành thẳng”.

"Cảm hứng hoàn hảo" có xu hướng phủ nhận giới thứ ba?

Vậy tính nhân văn của Cảm hứng hoàn hảo ở đâu? Trước đây, đạo diễn Nguyễn Lê Dũng đã chia sẻ về điều này. Cảm hứng hoàn hảo tuy đánh vào đề tài đồng tính nhưng thông điệp mà ông muốn truyền tải lại không thuộc vấn đề nói trên. Tình cảm gia đình, nỗ lực vươn lên… mới là điều đạo diễn Nguyễn Lê Dũng hướng đến.

Nội dung: Chuyện dưới đất, chuyện trên trời

Thiên hạ có câu “nói thì dễ, làm mới khó”. Mặc dù cùng xuất phát từ ý đồ tốt đẹp nhưng khi bắt tay dựng thành phim thì mỗi người lại có cách thể hiện riêng. Đến đây thì ai hay – ai dở mới chính thức được xếp hạng.

Chuyện của Hot boy nổi loạn rõ ràng là một câu chuyện… dưới đất, với các tình tiết "rất đời". Còn chuyện của Cảm hứng hoàn hảo thì chắc do mải đuổi theo cái toàn mỹ quá nên xa rời thực tế, và thế là "lên mây" luôn.

Trong đời thật, không khó để chúng ta trông thấy những điều rất… Hot boy nổi loạn: những khu ổ chuột xập xệ, những con phố tối đèn - nơi các chàng trai bán mình, những trò lừa bịp, những câu chửi bậy sỗ sàng… Ở đó có những người giống như LamKhôi - thành phần bị gia đình và xã hội chối bỏ, những cuộc tình xuất phát từ sự đồng cảm giữa người lạc lối với kẻ cùng đường. Không lấp liếm che đậy, không cố tình tô vẽ đẹp đẽ, Vũ Ngọc Đãng chiếm được sự đồng cảm từ khán giả bởi những điều bình thường, chân thật nhất.

Chuyện "dưới đất"

Thế nhưng, để thấu hiểu được Cảm hứng hoàn hảo thì người xem cần “level” cao lắm. Phải có một “tinh thần thép”, “da mặt dày” và một tâm hồn “rộng mở… tan hoang” để chấp nhận những hy sinh cao cả... quá đà của những người chị gái: khỏa thân cho em trai vẽ, thuê đại một cô gái ngoài đường về dụ dỗ em mình, thậm chí dùng chính cơ thể để kích thích bản năng đàn ông trong em… 

Chuyện "trên trời"

Thêm vào đó, phim có rất nhiều tình tiết “ảo tung chảo”, đòi hỏi trí tưởng tượng phong phú để liên tưởng ra chất đời thật và ậm ừ “có thể lắm chứ”. Đặc biệt, phải có một niềm tin bất diệt thì mới dám tin tưởng việc “uốn cong thành thẳng” cho một chàng thích mặc váy đầm, tô son trát phấn – đây rõ ràng không còn là "gay ngầm" mà đúng hơn là "bóng lộ". Bởi vì đòi hỏi quá nhiều "khả năng cao siêu" như vậy nên khán giả khó lòng đáp ứng được để mà đồng cảm với nhân vật, với bộ phim. Thôi thì chỉ biết kêu lên hai tiếng “bó tay” chứ sao!

Nghệ thuật: Một trời, một vực

Nếu các khung hình trong Hot boy nổi loạn được khen nức nở, cũng như album nhạc phim do Hồ Vĩnh Khoa thể hiện cứ "tằng tằng" lọt vào danh sách nghe nhiều nhất trên mạng, thì chất lượng hình ảnh và âm thanh trong Cảm hứng hoàn hảo lại là cả một vấn đề nhức nhối.

"Hot boy nổi loạn" tuy nghèo nhưng đẹp

Mặc dù chọn toàn bối cảnh sang trọng đẹp đẽ như biệt thự, nhà lầu, khách sạn… nhưng màu sắc tối xỉn trong Cảm hứng hoàn hảo khiến nhan sắc của diễn viên tụt vài bậc. Thêm vào đó, việc hạn chế ngoại cảnh mà cứ luẩn quẩn trong “nhà cao cửa rộng” khiến không gian phim khá ngột ngạt và người xem nhàm chán. Cảnh sắc Việt Nam đa dạng, phong phú là thế nhưng lại không được khai thác chút nào xuyên suốt bộ phim.

"Cảm hứng hoàn hảo" xấu nhưng được cái sang

Về âm nhạc, dám chắc Cảm hứng hoàn hảo không thể tung một album nhạc phim như Hot boy nổi loạn chứ đừng nói đến chuyện ăn khách hay không. Ngoài ca khúc chủ đề được phát đi phát lại mỗi khi nhân vật Hải bỏ nhà đi lang thang thì phim hầu như chỉ sử dụng nhạc nền cho bớt… trống chứ không hề đầu tư, trau chuốt.

Đây là vấn đề không của riêng ai mà thuộc về rất nhiều nhà làm phim Việt. Họ xem thường âm nhạc trong phim mà quên rằng nó là chất xúc tác giúp khán giả hòa mình vào tác phẩm, đồng cảm với nhân vật.

Khán giả chọn “nổi loạn” một cách hoàn hảo hay “hoàn hảo” một cách… loạn tùng phèo?

Sau khi xem Hot boy nổi loạn, tuy còn không ít người bĩu môi trách sao Vũ Ngọc Đãng làm phim… ghê quá đi nhưng phần lớn khán giả đã mở lòng với giới thứ ba. Người xem tiếc cho một tình yêu đẹp còn giới chuyên môn đánh giá: Vũ Ngọc Đãng đã tiến thêm một bước trong cách làm phim nghệ thuật mà vẫn hút “thị trường”.

Phim nghệ thuật vẫn đắt khách như thường

Còn với Cảm hứng hoàn hảo, tuy chưa thể khẳng định thành công hay thất bại khi bộ phim chỉ vừa mới ra rạp vài ngày, nhưng câu hỏi đặt ra ở đây: Ai sẽ là người đồng cảm với câu chuyện của đạo diễn Nguyễn Lê Dũng? Những người kỳ thị đồng tính - họ sẽ... không xem phim. Những người bao dung với giới thứ 3 - họ thắc mắc: “Đồng tính có xấu xa đến mức phải “bẻ cong thành thẳng” như thế?”. Những người trong cuộc - họ cũng chẳng bao giờ đồng tình với việc phủ nhận giới tính. Vậy số lượng khán giả có thể mở lòng đón nhận, đồng cảm với Cảm hứng hoàn hảo là rất ít. Và rõ ràng, giới chuyên môn cũng không thể đánh giá cao một bộ phim điện ảnh có chất lượng hình ảnh và âm nhạc như… phim truyền hình.

Hồi hộp chờ phản hồi từ khán giả
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày