"Chuyến Đi Cuối Cùng Của Chị Phụng": Một chuyến đi không hồi kết

Lim Dim, Theo Trí Thức Trẻ 09:00 02/01/2015

Bộ phim "Chuyến Đi Cuối Cùng Của Chị Phụng" đã để lại cho người xem nhiều cảm xúc khó quên.

Chuyến Đi Cuối Cùng Của Chị Phụng là câu chuyện xoay quanh cuộc sống của đoàn hát hội chợ mà đa phần thành viên là những người "phụ nữ" đặc biệt và những chuyến rong ruổi đi diễn của họ ở quanh miền Tây Nam Bộ. Ở những vùng quê này, sự xuất hiện của đoàn hát sẽ khuấy động cuộc sống trầm lặng của người dân ở đây, mà đặc biệt hơn là đoàn hát của chị Phụng thì càng làm người ta chú ý. Đúng như theo lời của đạo diễn Nguyễn Thị Thắm: "Nhìn họ vừa tò mò vừa đáng sợ".

"Chuyến Đi Cuối Cùng Của Chị Phụng": Một chuyến đi không hồi kết 1

Chủ của đoàn hát hội chợ là chị Bích Phụng, cùng với những chị em khác trong đoàn, đều là những người phụ nữ tháo vát, hát hay, may vá giỏi trừ việc họ sinh ra dưới cái lốt đàn ông. Những con người này tìm đến đoàn hát của chị Phụng giống như tìm thấy người có cùng cảnh ngộ, để được bao bọc, yêu thương, được chia sẻ và quan trọng hơn nữa là được công nhận. Để làm bật lên được những số phận này, thật không dễ dàng chút nào cho đạo diễn Nguyễn Thị Thắm. Chị đã phải mất gần 5 năm để hoàn thành bộ phim. Thắm đã phải đi với đoàn hát từ nơi này đến nơi khác, cùng ăn, ngủ và lắng nghe những tâm sự của mọi người trong đoàn để chắt lọc lại một bộ phim tài liệu 86 phút. Đổi lại, đạo diễn đã làm được việc xóa nhòa đi ranh giới giữa chiếc máy quay và những con người trong đoàn để có những góc quay tự sự thật riêng tư, chân thực và trần đầy cảm xúc.

"Chuyến Đi Cuối Cùng Của Chị Phụng": Một chuyến đi không hồi kết 2

Từng thước phim là những trải lòng về cuộc sống gia đình, cha mẹ, người họ yêu thương, cuộc sống và thân phận của một kiếp "bóng gió", "pê đê" bị xã hội kỳ thị và xua đuổi. Chị Phụng cho rằng: 
"Bóng gió cũng có dăm ba đường bóng gió, con trai con gái bình thường cũng có người tốt kẻ xấu, trai thì có đứa hút chích, gái có đứa làm đĩ, bóng gió cũng có đứa tốt đứa xấu". Chị Phụng luôn cố gắng trở thành một người tốt, chị là một người tuân thủ pháp luật, sống có tình thương và trách nhiệm với những người xung quanh. Chị vì thương những đứa em không nhà không cửa nên cưu mang và cho chúng đi cùng đoàn hát phụ việc và kiếm sống. Nhưng cứ xểnh ra là chúng phá phách, đánh nhau và làm loạn gây ảnh hưởng đến cả đoàn. Tuy nhiên, chị Phụng vẫn kiên nhẫn dạy dỗ và bảo ban từng ngày chứ không nỡ đuổi chúng đi như những gánh hát khác.

"Chuyến Đi Cuối Cùng Của Chị Phụng": Một chuyến đi không hồi kết 3

Bên cạnh cuộc sống mưu sinh, họ chấp nhận sự đùa nghịch của tạo hóa, họ vẫn tiếp tục sống với đúng thân phận của mình. Đưa bản thân mình vào những lời ca, họ hát về thân phận, tủi thân nhưng không oán hận: "Đời tôi pê đê nên yêu ai cũng không thành". Những câu hát nghe vừa buồn cười nhưng thật đau lòng. Tuy nhiên, những người như chị Phụng làm vậy không phải để cầu xin sự thương xót mà chỉ muốn cho mọi người hiểu hơn về thế giới của LBGT và chấp nhận họ.

"Chuyến Đi Cuối Cùng Của Chị Phụng": Một chuyến đi không hồi kết 4

Xen lẫn những tự sự đầy cảm xúc là giây phút bỗ bã và đùa giỡn của mọi người trong đoàn hát, nó làm rõ hơn mối quan hệ gắn bó giống như một gia đình của đoàn hát hội chợ, những điều mà chị Phụng luôn cố tạo ra. Những người phụ nữ này không chỉ có những muộn phiền, họ cũng có những giây phút vui vẻ với bạn bè, mơ ước được yêu thương và sống hạnh phúc. Như ước muốn của chị Hằng, chị luôn muốn tìm một người chồng và nhận một đứa con nuôi để cho bố mẹ chị có một đứa cháu nội.

"Chuyến Đi Cuối Cùng Của Chị Phụng": Một chuyến đi không hồi kết 5

Chuyến đi của chị Phụng cũng như đoàn hát kết thúc khi đám cháy xảy ra, toàn bộ gia sản của chị và công cụ của gánh hát đã thiêu trụi sau một đêm. Sau đó ít lâu, chị Phụng và chị Hằng qua đời vì bệnh AIDS. Cái kết tạo ra sự hụt hẫng, nó làm cho người xem băn khoăn về số phận của đoàn hát hội chợ. Trong phim, chị Phụng luôn thổ lộ muốn được nghỉ hưu và giao cho người khác quản lý đoàn hát, tuy nhiên chị sợ người kế nhiệm sẽ làm hỏng những thành quả mà chị gây dựng được và bỏ bê mọi người. Có lẽ, để hoàn tất được chuyến đi đầy trắc trở của chị Phụng, đạo diễn Nguyễn Thị Thắm nên tiếp tục cuộc hành trình với những con người còn lại của gánh hát, đưa cho họ một tiếng nói và niềm hy vọng. Để cho những ước nguyện và giấc mơ của chị Phụng sẽ không bao giờ chấm dứt.