"Búp sen vàng” - sân chơi của nhà làm phim THPT

Cây Dương, Theo Trí Thức Trẻ 12:00 26/07/2012

Cùng làm quen với một số phim ngắn ấn tượng của các bạn tuổi teen sẽ tham gia tranh giải vào ngày 29/7 tới nhé!

Lễ trao giải Búp sen vàng 2012, dấu mốc quan trọng kết thúc một năm hoạt động tích cực của dự án Chúng ta làm phim sẽ diễn ra vào ngày 29/7 tới. So với hai mùa hè trước, Búp Sen vàng năm nay hứa hẹn mang đến nhiều yếu tố bất ngờ hơn do có sự xuất hiện của những đạo diễn còn rất trẻ. 


Chúng tớ sẽ giới thiệu một số ứng cử viên sáng giá cho các bạn nhé!

Chiếc vòng
Tác giả: Mai Thanh An 
Năm sinh: 1994
Học sinh trường THPT Thăng Long, Hà Nội

Chiếc vòng là câu chuyện chân thực và xúc động về cuộc sống của những đứa trẻ đường phố. Phim được thể hiện một cách giản dị qua lăng kính non trẻ và còn ít va vấp của tác giả.


Nhắc lại quá trình sản xuất Chiếc vòng, Thanh An xúc động cho biết, lần đầu tiên đảm nhận vị trí đạo diễn, cô bạn đã không ít phen bối rối vì những tình huống bất ngờ xảy ra. Nhưng cũng nhờ thế mà bạn đã tích luỹ được kha khá kinh nghiệm sống thú vị. Đồng thời An cũng nhận ra rằng, làm phim là quá trình đòi hỏi sự đầu tư của mỗi cá nhân cũng như tinh thần hợp tác của cả một tập thể. 

Thần tượng hoá học
Tác giả: Trần Hải Linh
Năm sinh: 1994
Học sinh trường THPT Kim Liên, Hà Nội


Thần tượng hóa học là câu chuyện dí dỏm kể về cuộc sống của một bác học nhí. Sống cô độc một mình do bố mẹ đi công tác nước ngoài lâu ngày, vô tình cậu phát minh ra công thức giảm béo vô cùng hiệu quả. 


Khác với các tác giả khác, Hải Linh không lựa chọn thể loại phim bi, mà hướng đến thể loại hài vốn được nhiều người đón nhận. Cô bạn dễ thương này cho biết, Thần tượng hoá học dường như là một sự phản ánh con người thật của mình, cũng vui vẻ, cũng hồn nhiên và đôi lúc hơi… điên cuồng một chút: 

Mẹ ơi!
Tác giả: Ngô Đức Anh
Năm sinh: 1995
Học sinh trường THPT Phạm Hồng Thái


Tập trung phản ánh hiện tượng cha mẹ ép buộc con cái học hành, Mẹ ơi! của tác giả Đức Anh giống như một tiếng kêu thống thiết mà những đứa con luôn muốn giãi bày với cha mẹ.


Thông qua câu chuyện nhỏ của mình, Đức Anh muốn giúp các bậc làm cha làm mẹ tìm ra một hướng đi tích cực hơn trong việc giáo dục con cái. Cậu thẳng thắn chỉ ra quan điểm của mình: “Đầu tư cho con học tập là tốt, nhưng sa đà vào việc đấy thì không chừng lại phản tác dụng”

Nhà tôi có osin
Tác giả: Phạm Như Phương
Năm sinh: 1995
Học sinh trường THPT Kim Liên, Hà Nội


Bộ phim Nhà tôi có osin của tác giả Phạm Như Phương ngay từ tên gọi đã khiến không ít khán giả bị thu hút. Đây là một trong số các tác phẩm hiếm hoi được tối giản một cách triệt để. Phim lấy bối cảnh bó hẹp trong một ngôi nhà, cùng câu chuyện xoay quanh cuộc “chiến đấu” của cậu chủ quái chiêu và cô bé giúp việc hiền lành. 


Như Phương cho biết, trước khi thực hiện bộ phim này, bạn từng thoả sức sáng tạo với kha khá các kịch bản khác, nhưng đáng tiếc là đều rơi vào tình trạng bất khả thi. Bạn chân thành bộc bạch: “Phim ảnh có thế nào cũng phải bắt nguồn từ cuộc sống, chứ không thể bịa ra được. Cho nên mình đã thử quan sát những câu chuyện có thật quanh mình, từ đó biến hoá chúng thành một bộ phim”. 

Cho tôi một vé về tuổi thơ
Tác giả Nguyễn Minh Phương
Năm sinh: 1995
Học sinh trường THPT Trần Phú, Hà Nội

Cho tôi một vé về tuổi thơ kể lại cuộc xung đột gay gắt giữa người cha, người mẹ với đứa con của họ, mà trong đó, tác giả chính là cầu nối liên kết hai thế hệ với nhau. Những sự kiện mang tính đời thường được kể lại chính là mấu chốt tạo nên sức hút cho bộ phim, khiến những ai xem nó đều thực sự mong ước được về với tuổi thơ của chính mình. 


Nhắc lại quá trình quay phim, Minh Phương xúc động chia sẻ: “Mình cứ ngỡ bố mẹ và em trai là những người thân thiết nhất của mình, nên mình hiểu rất rõ về họ. Nhưng Cho tôi một vé về tuổi thơ khiến mình nhận ra mọi chuyện không đơn giản như vậy. Quá trình làm phim khiến mình thấm thía nỗi lòng cha mẹ cũng như đồng cảm hơn với tâm lý của đứa em trai”.