Batman v Superman: Dawn of Justice - Fanboy sẽ phát cuồng, người thường thì chưa chắc

Ân Nguyễn, Theo Trí Thức Trẻ 00:14 27/03/2016

Cuộc chạm trán của Batman và Superman đủ để thu hút người hâm mộ, nhưng đạo diễn Zack Snyder không thành công trong những gì ông muốn truyền tải.

Tác phẩm Batman v Superman được lên kế hoạch ngay sau khi Man of Steel công chiếu vào năm 2013. Lúc đầu, dự án được gọi Man of Steel 2 và tập trung vào Siêu Nhân. Thế rồi Warner Bros. quyết định đưa thêm Batman vào, biến tên phim thành Batman v Superman: Dawn of Justice và dời ngày công chiếu sang năm 2016. Tác phẩm này cũng được xem là viên gạch mở đường cho sự xuất hiện của nhóm Justice League trên màn ảnh.

Batman v Superman: Dawn of Justice - Fanboy sẽ phát cuồng, người thường thì chưa chắc - Ảnh 1.

Sự "nhồi nhét" này của Warner Bros. khiến các fan của DC thích thú, nhưng với khán giả đại chúng, có lẽ chừng đó là quá nhiều trong cùng một phim. Một Batman mới, một Lex Luthor mới, một Wonder Woman mới và cameo của… 3 thành viên khác trong Justice League. Một trong số 3 vai đó thậm chí còn có một phân đoạn hết sức quan trọng, nhưng khá khó hiểu với những ai chưa quen thuộc với các khái niệm trong truyện tranh.

Dường như, hai nhà biên kịch Chris Terrio và David S. Goyer đã quá ôm đồm với các tuyến truyện phụ. Chúng ta được chứng kiến câu chuyện của Batman, rồi phản ứng của thế giới với Superman, rồi đến nhánh chuyện của Lex Luthor và cuộc điều tra vô cùng… tẻ nhạt của Lois Lane. Bộ phim rẽ vào nhiều con đường phụ đến nỗi ta cảm thấy nó khá mơ hồ, chông chênh. Có cảm giác như đây là Justice League 0.5, còn trận chiến của Batman và Superman chỉ dọn dẹp cho những gì Warner Bros. muốn đem tới.

Batman v Superman: Dawn of Justice - Fanboy sẽ phát cuồng, người thường thì chưa chắc - Ảnh 2.

Mọi người ngóng chờ Batman "củ hành" Superman… hơi lâu

Lúc mới được tuyển, Ben Affleck đã nhận nhiều chỉ trích vì… khả năng diễn xuất kém cỏi, hoàn toàn trái ngược với biệt tài của anh khi làm đạo diễn. Trong những phân cảnh đời thường của Bruce Wayne, nam diễn viên chưa thể hiện được thần thái của một tỷ phú, nhưng cũng may cho anh là phần đánh đấm của Batman gỡ gạc lại được. Zack Snyder cho Kỵ Sĩ Bóng Đêm đánh theo lối có phần "cục súc" nhưng hiệu quả, và có cảm giác mạnh mẽ hơn Batman của Nolan. Điểm trừ nằm ở cảnh đua xe của Batman với ánh sáng quá tối, và một cảnh đánh nhau ở sa mạc có biên đạo tồi tệ như phim truyền hình (cũng có thể vì đây chỉ là cảnh trong mơ).

Batman v Superman: Dawn of Justice - Fanboy sẽ phát cuồng, người thường thì chưa chắc - Ảnh 3.

 Ben Affleck diễn không tồi

Henry Cavill đã tiến bộ từ sau Man of Steel khi thể hiện một nhân vật bị giằng xé về nội tâm. Dân chúng có người xem anh như thần thánh, như đấng cứu thế của nhân loại, nhưng cũng lắm kẻ xem anh là mối họa tiềm ẩn, có sức mạnh hủy diệt toàn bộ nhân loại. Bên cạnh đó là các chính trị gia liên tục đưa ra các yêu cầu và muốn khống chế Superman. Sự mâu thuẫn giữa Superman và Batman được gia tăng ngấm ngầm, khi Clark không thích cách Batman tự thực thi công lý, còn Batman e sợ sức mạnh của Superman sẽ hủy diệt nhân loại.

Batman v Superman: Dawn of Justice - Fanboy sẽ phát cuồng, người thường thì chưa chắc - Ảnh 4.

Mặc dù vậy, giọt nước làm tràn ly khiến cả hai đánh nhau lại là Lex Luthor, do Jesse Eisenberg thủ vai. Nam tài tử lừng danh qua bộ phim The Social Network đã có nhiều cố gắng, nhưng lối diễn của anh lại khá "nông" và lạm dụng kỹ thuật. Người ta chỉ thấy Lex Luthor là một tên "trẻ trâu" láu lỉnh và điên rồ chứ chưa cảm nhận được chiều sâu của nhân vật. Những đoạn thoại của Lex lại cố tô vẽ quá nhiều triết lý thoạt nghe tưởng như "so deep", nhưng thật ra lại rất sáo rỗng và nhạt nhẽo, điểm yếu này cũng giống như Ultron trong Avengers 2.

Batman v Superman: Dawn of Justice - Fanboy sẽ phát cuồng, người thường thì chưa chắc - Ảnh 5.

 Lex Luthor chưa đủ chất

Sự dàn trải những pha hành động của tác phẩm là không đều khi nửa đầu không có màn chiến đấu hoành tráng nào. Sau hơn 1 tiếng chịu đựng, khán giả mới được dẫn dắt đến trận chiến giữa Batman và Superman. Thế nhưng, những ai kỳ vọng vào cuộc đụng độ này sẽ có đôi chút hụt hẫng vì biên đạo hành động khá buồn tẻ. Batman đánh vài đòn và Superman chịu trận, sau đó Superman đánh lại và Batman chịu trận, cứ như thế, trận đấu này có nhịp điệu như một… trận đô vật WWE, có sức mạnh nhưng không tinh tế.

Batman v Superman: Dawn of Justice - Fanboy sẽ phát cuồng, người thường thì chưa chắc - Ảnh 6.

Cũng may là Zack Snyder còn giữ lại quân bài tủ là quái vật Doomsday cho trận chiến thứ hai hoành tráng hơn. Với khả năng hủy diệt của mình, sinh vật này tàn phá mọi thứ và đe dọa cả thế giới. Đó là khi Wonder Woman (Gal Gadot) xuất hiện và "steal the show" từ Superman và Batman. Màn chiến đấu ấn tượng của cô tạo được sự hào hứng với cả những "fanboy" và khán giả thông thường. Đối với fan DC, họ sẽ phải khóc thét khi thấy Trinity (Batman, Superman và Wonder Woman) hội ngộ trên màn ảnh rộng lần đầu tiên trong lịch sử.

Batman v Superman: Dawn of Justice - Fanboy sẽ phát cuồng, người thường thì chưa chắc - Ảnh 7.

 Wonder Woman quá chất

Đạo diễn Zack Snyder vẫn giữ nguyên cá tính của mình. Từ Man of Steel đến Batman v Superman, dường như ông đã tiêm thêm một liều huyết thanh Siêu chiến binh của Captain America. Những gì tốt sẵn trở nên tốt hơn, song những gì không hay lại trở nên tệ hại. Ưu điểm của Zack là phần hình ảnh nên thơ cùng hiệu ứng slow-motion càng trở nên lung linh hơn (tất nhiên cũng vì ông… có nhiều tiền hơn, khi mà Batman v Superman có kinh phí lên đến 250 triệu USD).

Nhưng bên cạnh đó, sự lủng củng trong cách xây dựng kịch bản cũng lan rộng, khi đạo diễn này không kết nối được mọi thứ mà ông muốn truyền tải. Với 300, Zack có một câu chuyện đơn giản để thỏa sức tung hoành, với Watchmen, ông có câu chuyện gốc tuyệt vời để bám sát nên khuyết điểm này không lộ ra. Song, càng về sau này trong sự nghiệp, nhà làm phim 50 tuổi càng bị sa đà theo hướng "style over substance", chú trọng bề ngoài hơn nội dung. Nhạc của Hans Zimmer thì hay thật, dồn dập thật nhưng ở đôi chỗ cũng bị Zack lạm dụng, phân cảnh không có gì cũng chơi nhạc nặng nề để tạo cảm giác căng thẳng.

Batman v Superman: Dawn of Justice - Fanboy sẽ phát cuồng, người thường thì chưa chắc - Ảnh 8.

Trong các vai phụ, Jeremy Irons ghi dấu ấn khi hóa thân thành bác quản gia Alfred. Nhân vật này lì lợm giống trong truyện tranh chứ không hiền lành như do Michael Caine thể hiện trong bộ ba của Nolan. Chán nhất là vai Lois Lane (Amy Adams) khi biên kịch cố tình đưa cô vào mọi lúc mọi nơi, đến nỗi cụm từ "Lois Lane is everywhere" lại một lần nữa rộ lên trong cộng đồng mạng để mỉa mai việc này.

Là một fan của truyện tranh, người viết bài này rất hào hứng, thậm chí còn vỗ tay khi Wonder Woman xuất hiện, hay lúc Trinity sát cánh bên nhau. Song với quan điểm của một khán giả thông thường, có rất nhiều điều để chỉ trích bộ phim, đặc biệt là khâu kịch bản và nhịp điệu. Số điểm thảm hại trên Rotten Tomatoes cũng phản ánh góc nhìn khắt khe từ các nhà phê bình. Những người hâm mộ của DC Comics xem phim này sẽ thỏa mãn về những tình tiết chiều fan, còn với khán giả bình thường, hãy thưởng thức với tinh thần thoải mái, cố chờ qua một tiếng đầu để "xem tụi nó đập nhau".