5 chân lý đậm chất võ hiệp được truyền tải qua series "Kung Fu Panda"

Ân Nguyễn, Theo Trí Thức Trẻ 19:00 26/03/2016

"Vô chiêu thắng hữu chiêu" hay "Chân nhân bất lộ tướng" chỉ là một trong số ít triết lý võ thuật của "Kung Fu Panda".

Kung Fu Panda là một loạt phim vô cùng thú vị khi kết hợp những tinh túy của cả phương Tây và phương Đông. Ba tập phim được thực hiện bằng kỹ xảo đỉnh cao của Hollywood, nhưng về cốt lõi bên trong, tác phẩm mang đậm màu sắc võ hiệp của Trung Quốc. Nếu là một người ghiền những tác phẩm văn học hoặc chuyển thể từ truyện của Kim Dung hay Cổ Long, hẳn bạn sẽ ngộ ra rất nhiều triết lý quen thuộc.

1. Vô chiêu thắng hữu chiêu

Trong Tiếu Ngạo Giang Hồ, ai cũng tưởng Phong Thanh Dương của phái Hoa Sơn đã chết từ lâu. Thế rồi đại cao thủ ấy xuất hiện như cơn gió thoảng, truyền thụ Độc Cô Cửu Kiếm cho Lệnh Hồ Xung thi triển thần oai. Triết lý cơ bản của bộ kiếm pháp vô địch đó là "vô chiêu thắng hữu chiêu". Kẻ học võ xưa nay vốn ôm đồm, thích lập ra những hệ thống phức tạp với, hàng ngàn chiêu số, đòn này tiếp theo đòn khác, tuôn ra ào ào như sóng biển đánh hết lớp này đến lớp khác. Thế nhưng khi làm vậy, họ cũng vô tình đánh mất hết sự sáng tạo, gò bó mình vào những khuôn khổ.

5 chân lý đậm chất võ hiệp được truyền tải qua series Kung Fu Panda - Ảnh 1.

Thần Long Bí Kíp phản chiếu khuôn mặt của người cầm nó

Võ học nên thuận theo tự nhiên, chiêu số là phần tĩnh, người phát chiêu mới là phần động. Chỗ nào không làm được thì đừng làm, chỗ nào phải thôi thì thôi ngay. Chính vì vậy, Độc Cô Cửu Kiếm đánh ra trơn tru như nước chảy, tưởng là không có gì nhưng hóa ra tham tàng tầng tầng lớp lớp. Trong phần 1 của Kung Fu Panda, chú báo Tai Lung cả đời say mê và đi tìm bí kíp Thần Long, nhưng hỡi ôi, đó chỉ là một tờ giấy trắng!

Công phu của đệ nhất cao thủ không nằm trong một tờ giấy, mà ở trong bản thân họ. Tờ giấy trắng là đại diện cho tinh thần "vô chiêu thắng hữu chiêu", chính vì vậy, chỉ có duy nhất gấu Po với tâm hồn phóng khoáng, trong trẻo như Lệnh Hồ Xung là lãnh hội được. Ngay cả thầy của cậu là Shifu và các sư huynh sư tỉ là nhóm Ngũ Hùng cũng không thể hiểu được, họ vẫn phụ thuộc vào chiêu số, còn Po đã đạt đến cảnh giới ra đòn tự nhiên như nước chảy, từng cái nhấc chân, động tay đều trùng hợp với đạo trời đất.

2. Dĩ nhu khắc cương

5 chân lý đậm chất võ hiệp được truyền tải qua series Kung Fu Panda - Ảnh 2.

Po đấu với Tai Lung

Gấu trúc là loài mang hai màu trắng đen như xoáy âm dương, nền tảng của triết học cổ Trung Quốc. Gấu Po được lựa chọn làm nhân vật chính như đại diện cho triết lý phương Đông này. Trong truyện võ hiệp, có một dòng võ học đề cao chân lý "dĩ nhu khắc cương". "Thiên hạ chi chí nhu, trì sánh thiên hạ chí cương" (cái mềm nhất của thiên hạ có thể buộc được thứ cứng nhất thiên hạ). Nguyên tắc này cũng là nền tảng cho sở học của Po, khi cậu thường đánh theo kiểu mượn sức của địch để chống địch, thể hiện rõ trong trong phần một khi đại chiến với Tai Lung, và trong phần hai, khi xoay người mềm dẻo để đỡ lấy viên đạn của Shen rồi ném ngược lại.

3. Chân nhân bất lộ tướng

Có một mô típ lặp đi lặp lại trong các tác phẩm võ hiệp Kim Dung, các nhân vật cao thủ đến hóa cảnh thường là những kẻ lánh đời, không màng thế sự. Trong Tiếu Ngạo Giang Hồ, đó là Phong Thanh Dương của Hoa Sơn. Trong Thiên Long Bát Bộ, đó là Vô Danh Tăng, người tinh thông hết tuyệt kỹ Thiếu Lâm, chỉ vừa bước ra đã khống chế cả hai đại cao thủ hàng đầu đương thời là Tiêu Viễn Sơn và Mộ Dung Bác dễ như trở bàn tay.

5 chân lý đậm chất võ hiệp được truyền tải qua series Kung Fu Panda - Ảnh 3.

Sư phụ Oogway là nhân vật được nhiều người yêu thích nhất loạt phim

Quy Lão trong Kung Fu Panda là nhân vật đại diện cho sự trầm mặc, thâm tàng của văn hóa phương Đông. Ông rùa giỏi nhất thế gian nhưng không tranh giành với đời, ẩn thân sâu trong võ quán. Quy Lão cũng là người biết được định mệnh của gấu Po, trong khi không ai tin cậu có thể trở thành Thần Long Đại Hiệp. Võ công càng cao thì càng muốn lánh mình khỏi chốn thị phi, không phải như lũ hậu sinh ngày đêm thi thố, tranh quyền đoạt lợi.

4. Học võ chỉ để xưng bá sẽ không thể vươn đến đỉnh cao

Kim Dung đề cao sự cân bằng giữa vạn vật trong tự nhiên, sự an nhiên tự tại trong tâm hồn. Có lẽ vì vậy, những kẻ quá tham vọng trong thế giới của ông thường nhận kết cục cay đắng. Nặng thì điên loạn như Mộ Dung Phục, Âu Dương Phong, mất mạng như Nhạc Bất Quần, nhẹ thì cũng mất hết võ công như Cưu Ma Trí, hoặc được cảm hóa như Tiêu Viễn Sơn, Mộ Dung Bác. Trong 3 kẻ phản diện của Kung Fu Panda, ngoại trừ Shen trong phần 2 dựa vào vũ khí hiện đại, cả Tai Lung và Kai đều muốn trở thành cao thủ đệ nhất, dùng võ công để thống nhất giang hồ.

5 chân lý đậm chất võ hiệp được truyền tải qua series Kung Fu Panda - Ảnh 4.

Chú trâu Kai là nạn nhân mới nhất của gấu Po

Rốt cục, cả Tai Lung và Kai đều có thứ mình cần là Thần Long Bí Kíp và khí của Quy Lão, nhưng rồi chúng đều bị đánh bại. Đó là lời cảnh tỉnh dành cho những ai muốn dùng vũ lực để thống trị, muốn dùng võ học để tranh quyền đoạt lợi. Trong thế giới của Kim Dung, những ai học võ vì mục đích chính đáng luôn đến được đỉnh cao và ngược lại. Điều này có thể liên hệ đến Diệp Vấn, loạt phim vừa kết thúc cách đây ít lâu. Diệp Vấn là nhất đại tông sư nhưng trong suốt 3 phim, ông không hề muốn "oai chấn giang hồ" hay trở thành "đệ nhất cao thủ" gì cả, ông chỉ bảo vệ những gì mình yêu thương, còn những kẻ muốn thách thức Diệp Vấn đều phải thất bại.

5. Cao thủ phải chiến thắng bản thân mình trước

Dù là truyện Kim Dung, Cổ Long hay Ngọa Long Sinh cũng đều đề cao sự tĩnh tại, an nhiên trong tâm hồn. Người học võ mà tâm hồn càng bình an, thư thái thì càng dễ vươn đến đỉnh cao (như Trương Tam Phong, Vô Danh Tăng hay Chu Bá Thông), trường hợp ngược lại dễ đi vào bế tắc, hay thậm chí tẩu hỏa nhập ma.

5 chân lý đậm chất võ hiệp được truyền tải qua series Kung Fu Panda - Ảnh 5.

Gấu Po trong phần 2

Trong phần 2, gấu Po đi tìm "inner peace", một trạng thái bình yên tuyệt đối trong tâm hồn. Khi tâm đã sáng, đánh võ hay đi đứng, ăn uống, cái gì cũng thoải mái, trôi chảy như dòng nước. Trong phần 3, chú ngộ ra lời giải đáp cho câu hỏi muôn thuở: "Mình là ai?", qua đó lại đạt đến một cảnh giới mới và đánh bại được chú trâu Kai với "võ trang đầy mình". Nếu thật sự hiểu bản thân mình và trả lời được câu hỏi "Mình là ai?", mọi thứ khác dường như đều thông suốt, con người như hòa mình với tạo hóa và sở hữu sức mạnh vô cùng vô tận.

Bên cạnh đó, nhà sản xuất của The Kung Fu Panda 3 cũng tung ra một đoạn TV Spot hài hước khi có các fan tại Việt Nam thâm gia sự kiện để quảng bá cho phim tại Việt Nam.

Clip "Vui tẹt ga cùng Panda"

Nhân dịp Kung Fu Panda 3 được chiếu tại Việt Nam, hãng phát hành dành tặng khán giả 3 kính 3D, 5 áo thun. Bạn hãy bình chọn xem nhân vật nào là ấn tượng nhất trong series Kung Fu Panda cùng lý do và gửi vào hòm thư cinegame@kenh14.vn kèm thông tin cá nhân chi tiết. Chúc bạn may mắn!