10 bộ trang phục thảm họa trong phim siêu anh hùng

Minh Phúc, Theo Trí Thức Trẻ 09:34 31/03/2015

Hình tượng nhiều nhân vật trong truyện tranh siêu anh hùng đã in đậm trong tâm trí độc giả hàng chục năm trước khi những bộ phim ra đời.

Điều này đặt ra không ít thách thức cho các nhà thiết kế khi họ phải sáng tạo ra những bộ trang phục vừa trung thành với phiên bản truyện tranh vừa phải có nét độc đáo riêng để làm hài lòng cả những khán giả thông thường. Những nỗ lực sáng tạo ấy nhiều lúc thành công nhưng cũng không ít lần thất bại. Khán giả đã nhiều lần “gai mắt” trước những “bộ cánh” hoặc quá lố bịch hoặc khác xa so với hình ảnh thân thuộc của các anh hùng và kẻ phản diện trong tác phẩm truyện tranh gốc.

1. Juggernaut trong X-Men: The Last Stand (2006)


Trong X-Men: The Last Stand, các nhà sản xuất đã quyết định lờ đi mối liên hệ giữa Juggernaut với Charles Xavier (Giáo sư X) cũng như nguồn gốc bí ẩn sức mạnh của gã khổng lồ này. Thay vào đó, họ giới thiệu nhân vật này đơn thuần như một tên đánh thuê cơ bắp cuồn cuộn. Dẫu cho rằng đây không phải là thiếu sót lớn đi chăng nữa thì bộ trang phục của Juggernaut cũng khiến khán giả không khỏi thất vọng. Bộ áo giáp hở lỗ chỗ cùng chiếc mũ bảo hiểm che hết khuôn mặt khiến Juggernaut hoàn toàn lạ lẫm so với nhân vật trong truyện.

2. Sabretooth trong X-Men Origins: Wolverine (2009)


Về mặt diễn xuất, không thể phủ nhận Sabretooth của Live Schreiber trong X-Men Origins: Wolverine ấn tượng hơn hẳn so với của Tyler Mane trong X-Men. Nhưng về khoản trang phục, nhân vật của Schreiber có vẻ lép vế so với Tyler Mane. Vẫn tốc độ nhanh như chớp, bộ móng sắc nhọn và tính hung tợn ấy nhưng bộ trang phục quần dài, áo sơ mi đen cùng chiếc áo khoác đen đơn điệu khiến Sabretooth trông như vừa bước ra từ loạt phim The Matrix.

3. The Thing trong Fantastic Four (2005)


Màn trình diễn tuyệt vời của Michael Chiklis trong Fantastic Four (2005) là không thể tranh cãi, nhưng diện mạo của anh ấy sau khi biến hóa thật không thể so sánh nổi với hình tượng nhân vật trong truyện tranh. So với quái vật đá khổng lồ chiến đấu chống lại những kẻ phản diện như Doctor Doom, Mole Man trong truyện, The Thing trong phim trông như phiên bản bắt chước nhợt nhạt có phần nhân tạo một cách phi tự nhiên. Dù CGI (công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính) năm 2005 chưa đạt đến mức tinh xảo như ngày nay nhưng những tiến bộ về hiệu ứng hình ảnh tại thời điểm đó hoàn toàn có thể giúp các nhà làm phim tạo nên một nhân vật ấn tượng hơn thế này nhiều.

4. Daredevil (2003)


Matt Murdock có thể là người đàn ông không hề biết sợ , nhưng bộ trang phục mà anh khoác lên người khi chiến đấu với bọn tội phạm thực sự không thể dọa được kẻ xấu nào ngoài đời thật. Bộ suit trong truyện có màu đỏ thẫm, nhưng khi đưa lên phim các nhà thiết kế đã quyết định dùng tông màu tối hơn để tăng vẻ nam tính cho Daredevil. Tuy nhiên, sử dụng chất liệu da cho toàn bộ suit có vẻ là quyết định không mấy khôn ngoan. Trớ trêu hơn nữa, chiếc dây kéo dư thừa kết hợp với bộ mặt nạ da bó sát mặt có hai “chiếc sừng” tí hon khiến nhân vật của Ben Affleck thêm phần… nữ tính. Niềm an ủi đối với fan của bộ truyện này là trong phiên bản truyền hình sắp chiếu trên Netflix trong năm nay, tạo hình của Daredevil hoàn toàn trung thành với truyện gốc và khá đẹp mắt.

5. Green Goblin (Yêu tinh xanh) trong Spider-Man (2002)


Khi Norman Osborn (tên thật của Yêu tinh xanh) khoác lên mình bộ suit quân đội màu xanh lá bằng kim loại, các fan của bộ truyện tranh Spider-Man không khỏi nổi điên bởi trong nó quá lạ lẫm so với tinh thần chính của nhân vật. Đến nỗi ca sĩ - “Weird Al” Yankovic gọi đấy là “mặt nạ Power Rangers ngu ngốc” trong ca khúc Ode to a Superhero. Norman Osborn có thừa độ điên khùng, nhưng có lẽ thiếu mắt thẩm mỹ trong việc chọn trang phục chiến đấu.

6. Two-Face trong Batman Forever (1995)


Tính hai mặt là điểm đặc trưng của nhân vật Two-Face, nên dễ hiểu khi bộ trang phục của hắn cho thấy sự đối lập rõ ràng. Công bằng mà nói, tạo hình của Two-Face (Tommy Lee Jones) trong Batman Forever diễn tả khá đạt tính cách nhân vật, chỉ trừ việc bộ trang phục của hắn quá lố bịch. Sau khi khuôn mặt của Harvey Dent bị biến dạng, hắn quyết định khoác lên người nửa bộ suit in bốn loại da thú vằn vện, mang giày đinh tán và đeo găng tay hở ngón để trở thành Two-Face. Đó là bộ trang phục kì dị ngay cả vào thập niên 90.

7. New Goblin trong Spider-Man 2 (2003)


Dù bộ trang phục của Willem Dafoe trong Spider-Man (2002) khá xấu xí nhưng ít ra nó cũng giúp nhân vật của ông trông giống yêu tinh, không như bộ trang phục của James Franco. Khi Harry Osborn sử dụng kho vũ khí của cha hắn để giết Peter Parker, hắn khiến mình trông giống một vận động viên trượt tuyết công nghệ cao thay vì một yêu tinh như người cha quá cố. Chiếc ván trượt của Harry trông như ván trượt tuyết bay và mặt nạ của hắn trông như mặt nạ mà vận động viên đeo khi trượt xuống dốc. Những thiết bị trông quá đỗi vô hại này kết hợp với bộ đồ vừa khít hết sức bình thường khiến Harry hoàn toàn đối lập so với một Harry trong truyện – kẻ thủ ác đã mặc lại bộ trang phục của Yêu tinh xanh.

8. Catwoman (2004)


Bộ phim mang về cho minh tinh Halle Berry giải Mâm xôi vàng này có đủ thứ dở tệ để đem ra mổ ra xẻ: nội dung, diễn xuất… và dĩ nhiên không thể thiếu trang phục. Chất liệu da thường tôn lên vẻ nổi loạn và quyến rũ của phụ nữ. Tuy nhiên, bộ trang phục da dành riêng cho Catwoman đã thất bại hoàn toàn trong việc phát huy tác dụng vốn có của nó. Catwoman mặc độc một chiếc áo ngực bằng da trông vô cùng luộm thuộm kết hợp với chiếc quần bó có những đường cào rách thiếu tinh tế. Đã thế, chiếc mũ mà ả mang trên đầu trông cồng kềnh, vướng víu nhiều hơn là khiến ả trở nên bí ẩn.

9. Steel (1997)


Cơ bản là bộ trang phục người sắt của Shaquille O’Neal khiến anh trông giống một người đàn ông khốn khổ hơn là một siêu anh hùng. Dĩ nhiên Steel không thể thiếu thứ vũ khí chiến đấu thân thuộc - chiếc búa đồng thời là súng laze. Tuy nhiên, bộ áo giáp trừ gian diệt bạo của Steel trong bộ phim thất bại này y như được nhặt ra từ bãi phế liệu, không có nét gì là giống với bộ trang phục của anh trong loạt truyện tranh ra mắt bốn năm trước đó. Khó có thể hình dung Steel sẽ chiến đấu với những tên phản diện sừng sỏ như thế nào trong bộ dạng tàn tạ thế này.

10. Batman trong Batman & Robin (1997)


Người bảo vệ công lý của thành phố Gotham xuất hiện vào đầu phim trong bộ trang phục đen tuyền đầy dũng mãnh, nhưng đến cuối phim bộ trang phục đã hóa ra màu… xanh đen lốm đốm vàng vì… bay màu. Ngoài ra, thiết kế hai “đầu ti” nhân tạo lộ lên khỏi ngực áo với mục đích tôn lên cơ bắp của Người dơi lại khiến siêu anh hùng trông khá phản cảm. Đó là chưa kể hàng loạt bộ trang phục thảm họa của các nhân vật khác như bộ giáp cồng kềnh của Mr. Freeze, bộ đồ múa ba lê xanh lá của Poison Ivy, mặt nạ quái lạ và bồ đồ tôn cơ bắp quá lố của Bane, bộ trang phục nâng đẩy vòng một của Batgirl…  Có thể nói, mọi nỗ lực biến hình tượng của người thật giống hệt nhân vật truyện tranh đã đi quá đà và phản tác dụng.

(Tổng hợp)