Lễ hội carnival dưới mưa, dàn nhạc giao hưởng và những dự án du lịch dành tặng Hà Nội

Bài: Thẩm Quỳnh Trân; Thiết kế: Tuan Maxx, Theo Trí Thức Trẻ 08:30 06/10/2017

Ở Hà Nội chơi gì, xem gì và thưởng lãm nghệ thuật ra sao vốn là điều trăn trở với người dân và cả những du khách phương xa. Cũng vì vậy mà bất cứ hoạt động hay dự án giải trí nào đang mấp mé "chào đời" đều để lại sự mong ngóng nhất định trong lòng người dân Thủ Đô.

Còn nhớ tháng 9 năm ngoái, khi có một thông báo về việc cả một khu vực rộng lớn ở Trung tâm Hà Nội sẽ bị cấm tất cả phương tiện giao thông di chuyển đã khiến nhiều người khó chịu. Lúc ấy, người ta không hình dung được 16 tuyến phố đi bộ quanh Hồ Gươm để-làm-gì? Nhưng rồi khi đưa vào hoạt động, phố đi bộ trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu cho người dân Thủ đô. Mọi người có nhiều hơn một lựa chọn để giải trí vào cuối tuần, không chỉ quanh quẩn ở các rạp cine hay ngồi hàn thuyên những quán cafe đã cũ.  

Lễ hội carnival dưới mưa, dàn nhạc giao hưởng và những dự án du lịch dành tặng Hà Nội - Ảnh 1.

Phố đi bộ vẫn đón hàng trăm nghìn lượt khách, khi âm nhạc và nghệ thuật đường phố của các nhóm tự phát đang có chiều hướng nhạt dần, chủ tịch TP Hà Nội đã đưa ra đề xuất với một Tập đoàn tư nhân về việc duy trì các hoạt động biểu diễn nghệ thuật quy củ, đều đặn và mang tầm cỡ quốc tế trên 16 tuyến phố. May mắn ra Hà Nội đúng vào dịp đầu tiên đưa vào thử nghiệm trình diễn nghệ thuật quốc tế trên phố đi bộ, tôi đã có cơ hội được gặp gỡ và hòa cùng dòng người Thủ đô để xem Lễ hội carnival - Lễ hội mà 86 nghệ sĩ châu Âu đã khởi hành từ đỉnh Bà Nà ở Đà Nẵng để đến với phố đi bộ Hà Nội trong mưa bão.  

Lễ hội carnival dưới mưa, dàn nhạc giao hưởng và những dự án du lịch dành tặng Hà Nội - Ảnh 2.

Đó là một tuần giữa tháng 9, thông tin về màn trình diễn carnival ở phố đi bộ Hà Nội đã được phát đi trước đó khi cơn bão số 10 vẫn đang đổ bộ vào các tỉnh miền Trung. Do ảnh hưởng của bão, Hà Nội chìm ngập trong những đêm mưa trắng trời. Một tối thứ 6 trước đêm diễn, người dân còn râm ran hỏi nhau trên Facebook về việc có nên ra phố đi bộ xem biểu diễn carnival hay không, nhiều người tiên lượng về buổi diễn này sẽ bị "bể show" ra sao, thất bại thế nào, một số còn quy chụp đây là một hình thức marketing ồn ào gây sự chú ý...

Cơn mưa hôm ấy dứt vào 5 giờ sáng thứ Bảy. Đến 9 giờ, nắng đã len vào từng con phố và dòng người bắt đầu quây quần bên sân khấu nhỏ nơi mà các nghệ sĩ nước ngoài đang tranh thủ trang điểm, tập dợt trước giờ diễn. Tôi cũng đã hòa vào đám đông hôm ấy để cảm nhận rõ sự háo hức của từng người, của cả những đứa bé mừng rỡ như thấy hoàng tử và công chúa trong cổ tích, của những cô bác lớn tuổi chắp tay chờ xem họ sẽ được thưởng thức điều gì, và của những người vốn đã có dịp được xem đoàn nghệ thuật này trình diễn ở Bà Nà Hills trước đó.  

Và rồi các nghệ sĩ bắt đầu di chuyển, dòng người cũng hồ hởi chạy theo hai bên. Đi được một đoạn, họ dừng lại và biểu diễn, múa hát, xiếc, nhào lộn, tung hứng... Cả một góc phố đi bộ rộn ràng hẳn lên, có lẽ đã lâu rồi họ mới có điều gì để trông chờ mà thưởng thức như thế này. 4 show diễn trong vòng 2 ngày, có những lúc đang biểu diễn thì trời đổ mưa, dòng người hối hả chạy tìm mái hiên để trú thì 86 nghệ sĩ vẫn nguyên nụ cười trên môi và múa đều tăm tắp trong cơn mưa bất chợt đó.

Cũng bởi xiêu lòng trước sự máu lửa của các nghệ sĩ và sự tận tụy của các thành viên trong Ban tổ chức hôm đó mà tôi đã tìm gặp vị đại diện của đơn vị tổ chức để tìm hiểu thêm về chuyện hậu trường của mọi người. 

Lễ hội carnival dưới mưa, dàn nhạc giao hưởng và những dự án du lịch dành tặng Hà Nội - Ảnh 4.

Anh Hoàng Việt Cường, Phó tổng giám đốc Sun Group, người dành thời gian tiếp chuyện tôi sau khi show diễn kết thúc cũng nhiệt thành chia sẻ: "Có người nói chúng tôi tổ chức để marketing, nhưng thật ra mọi người không có nhu cầu bỏ nhiều tiền và công sức như vậy cho một chiến dịch quảng cáo. Chỉ đơn thuần là làm tặng cho Hà Nội, tặng cho người dân Thủ đô những trải nghiệm mới".

Lễ hội carnival dưới mưa, dàn nhạc giao hưởng và những dự án du lịch dành tặng Hà Nội - Ảnh 5.

Từ anh, tôi mới hiểu cả đoàn diễn đã gặp rất nhiều khó khăn trước ngày ra mắt: Họ đã lên kế hoạch chương trình, 100 vé máy bay từ Đà Nẵng đến Hà Nội đã đặt trước 1 tháng, nhưng rồi ngày diễn cũng là ngày cơn bão số 10 đổ về.  

"Gần 90 nghệ sĩ rất lo lắng chuyến bay sẽ bị hoãn vì bão hướng về miền Trung, cũng trong hôm đó, hai xe tải chở đạo cụ và quần áo cho nghệ sĩ cũng bị tắc lại ở Quảng Bình, Quảng Trị và Hà Tĩnh. Ban tổ chức rất nóng ruột vì đã phát đi thông báo sẽ có biểu diễn carnival cuối tuần nên không thể không diễn. Các diễn viên, nghệ sĩ ra đến Hà Nội thì đứng ngồi không yên vì đạo cụ vẫn chưa đến. Rất may là 5 giờ sáng thứ 7, khi chỉ còn 4 tiếng trước giờ diễn thì hai xe tải đã đến nơi".

Cũng hay ở chỗ là, một số thành viên ban tổ chức, trước đó vốn là nhân viên bàn giấy cũng xuống phố để dàn hàng nắm tay, lập "hàng rào sống" bảo vệ khu vực mà các nghệ sĩ biểu diễn khi đoàn người ở phố đi bộ mỗi lúc một đông và không ngừng chen lấn xô đẩy về phía trước.

Hỏi mọi người cảm xúc sau hai ngày tổ chức biểu diễn, tôi chỉ thấy những nụ cười mãn nguyện: "Chúng tôi hạnh phúc vì nhận được hiệu ứng tốt từ cộng đồng "  

Lễ hội carnival dưới mưa, dàn nhạc giao hưởng và những dự án du lịch dành tặng Hà Nội - Ảnh 6.

Có một câu chuyện từng được kể nhiều lần trên báo chí: Trước khi sang Bulgaria học, Giáo sư âm nhạc Vũ Hướng nhắn nhủ với vợ rằng ông mong con trai sẽ đi theo con đường âm nhạc của mình. 4 tuổi, Anh Tuấn được học đàn piano trong 2 năm như một bước đệm để đến với Violencelle. Từng theo học lớp sơ cấp ở tại Nhạc viện Hà Nội và là thành viên chơi bass của nhóm nhạc Desire, nhưng rồi cái tên Anh Tuấn suốt 20 năm vẫn gắn liền với VTV trong vai trò là BTV, MC truyền hình.

Không ai có thể luận bàn thêm về lựa chọn của Anh Tuấn, bởi ở một thành phố mà âm nhạc hàn lâm vẫn là một khái niệm xa vời và số vé bán ra ở các buổi hòa nhạc không đủ để nuôi sống nghệ sĩ, thì việc phải từ bỏ dàn nhạc hoa niên của Anh Tuấn cũng là điều dễ hiểu.  

Ngày 20/9, tôi được tham dự buổi ra mắt Hội đồng điều hành Dàn nhạc giao hưởng Mặt trời (SSO), tại đây, Tập đoàn Sun group dũng cảm đưa ra cam kết: Họ sẽ là những người hậu cần phía sau các nghệ sĩ, tổ chức, xây dựng và nuôi dưỡng những tài năng âm nhạc của SSO. Thậm chí lên kế hoạch xây dựng một Nhà hát Opera đầu tiên ở Hà Nội - để các nghệ sĩ có cơ hội tỏa sáng thực sự và yên lòng cống hiến cho nền âm nhạc cổ điển Việt Nam.  

Lễ hội carnival dưới mưa, dàn nhạc giao hưởng và những dự án du lịch dành tặng Hà Nội - Ảnh 7.

Tôi vẫn nhớ buổi tối hôm ấy, trước các nghệ sĩ và báo chí, MC Anh Tuấn bước lên bục và xúc động gửi lời tâm sự đến bố mình: "Con đã làm việc rất nhiều trong suốt 20 năm rực rỡ đời mình. Nhưng đến ngày hôm nay, con xin phép bố được quay trở lại với nghề". Trong lần trở lại này, Anh Tuấn đảm nhiệm vai trò là Giám đốc sản xuất của SSO. Sau hàng chục năm, cuối cùng đã có một dàn nhạc tư nhân được ra đời với mục đích nuôi dưỡng tâm hồn nghệ thuật, để những cậu bé như Anh Tuấn ngày xưa không phải chọn một nghề tay trái để lo cơm áo gạo tiền...

Anh Cường nói với tôi rằng, việc tài trợ phi lợi nhuận vào lĩnh vực "âm nhạc bác học" chỉ với mong muốn có thể lan tỏa tình yêu âm nhạc đến với mọi người, vì âm nhạc làm cho con người hướng thiện hơn.

Lễ hội carnival dưới mưa, dàn nhạc giao hưởng và những dự án du lịch dành tặng Hà Nội - Ảnh 8.

Liệu rằng chúng ta có thể sẽ lại được thấy một buổi trình diễn carnival trong thời gian sắp tới không? Sẽ có, nhưng chắc chắn là một chương trình biểu diễn khác hẳn 2 ngày diễn vừa rồi - anh Cường khẳng định như thế. Về lâu dài, những con người này sẽ thực hiện thường xuyên hơn các chương trình nghệ thuật ở phố đi bộ nhưng sẽ thay đổi mới lạ, không lặp lại. Có thể hôm qua chúng ta hoà với không khí sôi động của lễ hội phương Tây thì chỉ tuần sau thôi, hãy xúng xính áo dài cách tân để phiêu theo điệu dân ca, điệu hò thân thương miền non nước.  

"Chúng tôi sẽ thuê một tổng đạo diễn để lên concept cho các chương trình biểu diễn, đảm bảo các show diễn luôn được đổi mới để trở thành món ăn tinh thần mà người dân Hà Nội háo hức mong chờ. Làm du lịch thì phải hướng đến cộng đồng và làm những điều mới mẻ." Đầu tư vào nghệ thuật đường phố, âm nhạc hàn lâm... là tâm huyết của những người đứng sau sự kiện phố Ta, văn hoá Tây quyện hoà vừa rồi. Người dân đang thiếu điều gì, cần cái gì, họ sẽ làm.  

Chắc hẳn chúng ta đã từng có nhiều giấc mơ nơi trời Tây, có thể là định cư hay du lịch ngắn hạn nhưng điều chúng ta phấn khích khi đến nước bạn là được trải nghiệm các công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới trong các công viên giải trí tiêu chuẩn quốc tế. Mang công nghệ về với Việt Nam để người dân trải nghiệm ngay trên chính đất nước của mình, đó là cũng động lực khiến Tập đoàn này đầu tư xây dựng Công viên Kim Quy với diện tích hơn 100ha ở Đông Anh, Hà Nội. Trong tương lai, người dân Thủ đô có thể trải nghiệm những trò chơi công nghệ cao hàng đầu thế giới, game thực tế ảo... và xem các show diễn lớn ở quần thể khu nghệ thuật ngay trong Công viên.  

Lễ hội carnival dưới mưa, dàn nhạc giao hưởng và những dự án du lịch dành tặng Hà Nội - Ảnh 10.

"Tất cả chúng tôi đang gắng gia tăng sự độc đáo của các sản phẩm du lịch để thu hút lượng du khách nước ngoài đến Việt Nam, để họ có thể thoải mái vui chơi và có ấn tượng tốt về đất nước mình".

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày