Chuyện làm phúc phải tội: Chọn vô tâm, ta sẽ không gặp nạn, nhưng lòng ta sẽ không bao giờ bình yên...

Quỳnh Trân, Theo Trí Thức Trẻ 00:04 18/02/2017

Tôi nghĩ, điều quan trọng nhất sau sự việc này là người xấu cần bị trừng phạt theo pháp luật và người tốt cần được động viên và bảo vệ. Đó là cách mà chúng ta có thể làm để xã hội tốt lên sau những vấp váp niềm tin như thế.

Những ngày qua thật nặng nề, khi người ta bắt đầu bàn tán về việc cứu người thì bị đâm thấu phổi ở Bắc Ninh, giúp người thì bị "phang tới tấp" ở Lâm Đồng. Câu chuyện về lòng tốt bị đặt trong một mối e dè khiến những người xung quanh tôi có xu hướng thu mình lại để bảo vệ bản thân. Có buồn không khi ai ai cũng cảm thán bằng câu nói quen thuộc: "Thấy chưa, lo chuyện bao đồng ngoài đường, chết lúc nào không hay!"

Thật khó để đưa ra lời khuyên cho mọi người trong lúc này. Vì cứ có những người sẵn sàng lao vào đánh ân nhân của bạn hay đang cứu người bị nạn thì bị "phang" đến nhập viện, thì ai còn dám làm việc tốt nữa? Rồi những người tốt sẽ ngày càng ẩn mình vì họ không còn được bảo vệ khi lăn xả chuyện nghĩa hiệp trên đường phố nữa, sẽ như thế không?

Chuyện làm phúc phải tội: Chọn vô tâm, ta sẽ không gặp nạn, nhưng lòng ta sẽ không bao giờ bình yên... - Ảnh 1.

- Nếu gặp người bị nạn trên đường, cậu có cứu họ không?

- Có!

- Cậu có sợ bị đâm thấu phổi không?

- Sợ!

- Vậy cậu còn dám cứu người nữa không?

- Cứu!

- Rồi bị đâm thì sao?

- Thì chịu chớ sao!

Đó là cuộc hội thoại với cô bạn kỳ lạ của tôi, người mà gặp bất cứ chuyện gì trên đường đều phải dừng lại xem xét. Có lần 12 giờ trưa đi ngang qua đường Chu Văn An, quận Bình Thạnh, thấy một người đàn ông nằm dài ở vỉa hè, nó cũng nằng nặc đòi tôi phải dừng lại cho bằng được để xem ông ấy bị gì. Tôi thì sợ, sợ lắm, vì ông ấy có thể là người nghiện, người giả ăn xin, hoặc giả đây là một vụ dàn cảnh cướp của mà tôi thường đọc trên báo chí, chúng tôi có thể sẽ phải trả giá cho hành động được xem là "bao đồng" của mình.

Nhưng khi chúng tôi cùng bước xuống xe để đỡ người đàn ông kia dậy, nhiều người đi đường và người dân cũng đã dừng công việc lại để cùng chung tay. Ông bị say nắng nên ngất giữa đường, hoặc bệnh tim, hoặc tụt huyết áp. Chúng tôi mua khăn lạnh để thấm mồ hôi cho ông, cho ông uống nước, và một bác xe ôm tốt bụng cùng cậu thanh niên ở gần đấy đã chạy ra, vác ông ấy lên xe chở đến BV Gia Định. Sau đó đám đông lại rã nhóm, ai nấy lo việc của mình.

Chỉ ít phút trước thôi, tôi đã là một phần của đám đông e ngại ấy, nghĩa là chúng ta chỉ sẵn sàng hành động khi thấy một ai đó hành động, và cô bạn của tôi là người bước qua ranh giới của sự e dè đó để đưa tay cho người đàn ông kia.

Những người như cô bạn của tôi, hay các hiệp sĩ vô danh đâu đó ở Sài Gòn, sẵn sàng "rước họa vào thân" chỉ vì họ không làm khác được. "Tớ không giải thích được vì sao tớ làm việc đó, nhưng nếu không làm, tớ sẽ bị ám ảnh và day dứt cả ngày, tớ không thể ngược đãi cảm xúc của mình như thế được!". 

Và đó là lý do mà cuộc đời này tồn tại những người tử tế, những người không ngược đãi lương tâm của họ chỉ vì sợ phiền phức.

Chuyện làm phúc phải tội: Chọn vô tâm, ta sẽ không gặp nạn, nhưng lòng ta sẽ không bao giờ bình yên... - Ảnh 2.

Bạn tôi nói đúng, nó không có sự lựa chọn nào khác, nếu nó chọn cách vô tâm, nó sẽ không bao giờ gặp nạn, nhưng lòng nó sẽ không bao giờ bình yên. Đó là tính thiện và lòng trắc ẩn trong mỗi người mà ai cũng có, nhưng vì chúng ta đã cho nỗi sợ lấn át để rồi do dự đưa ra một quyết định có nên cứu hay không cứu.

Chắc hẳn bạn còn nhớ câu chuyện một người tài xế đã dừng lại bên đường để sơ cứu và đưa một thanh niên bị tai nạn giao thông đến bệnh viện ở Hải Phòng? Anh Đỗ Tuấn Anh, người đã đưa nạn nhân với máu me be bét lên ô tô của mình để chở đi cấp cứu, là một người đã bước qua được nỗi sợ đó.

Thật may vì lần đó anh đã không phải chuốc họa vào thân, bởi nếu anh gặp một tai nạn hiểu lầm như anh Sơn, liệu ai sẽ là người cứu anh, và liệu anh vẫn sẽ không ngần ngại cứu người gặp nạn trên đường như thế nữa hay không?

Chuyện làm phúc phải tội: Chọn vô tâm, ta sẽ không gặp nạn, nhưng lòng ta sẽ không bao giờ bình yên... - Ảnh 3.

Trả lời phỏng vấn của chúng tôi vào những ngày trước Tết, anh nói: "Thực ra nói là không sợ hãi gì thì không đúng nhưng khi cứu người là tôi chấp nhận chuyện mình có thể gặp rắc rối. Tôi không nghĩ được nhiều chỉ biết có người cần cứu, mình có thể cứu thì mình phải giúp họ".

Những người dân ở Bắc Ninh, những người thường xuyên giúp đỡ người gặp nạn ở khu vực mình, mong rằng họ sẽ nhanh chóng lấy lại niềm tin để tiếp tục nâng đỡ người bị nạn.

Sáng nay, một đồng nghiệp của tôi nói rằng có mạnh thường quân muốn ủng hộ 10 triệu đồng cho gia đình anh Sơn, khắp trên mạng xã hội, người ta bảo nhau nên lập một quỹ ủng hộ "thanh niên cứu người", để lấy lại niềm tin cho anh, cho gia đình anh và cho những người dân nghĩa hiệp ở Bắc Ninh.

Tôi nghĩ, khi người tốt rước họa vì một người xấu, anh sẽ được đền đáp bởi vạn người tốt. Người xấu cần bị trừng trị theo pháp luật và người tốt cần được động viên và bảo vệ. Đó là cách mà chúng ta có thể làm để xã hội tốt lên sau những vấp váp niềm tin như thế.

Chuyện làm phúc phải tội: Chọn vô tâm, ta sẽ không gặp nạn, nhưng lòng ta sẽ không bao giờ bình yên... - Ảnh 4.