Chuyện kể của "tiền vô hình": Vì sao cả thế giới đang cố gắng xóa sổ tiền mặt?

Lana Trần; Thiết kế: Tuấn Maxx, Theo Trí Thức Trẻ 00:04 01/07/2020

Cashless payment - Giao dịch không-tiền-mặt, từ lâu đã là từ khoá mơ ước của các nước. Vậy vì sao chuyện từ bỏ tiền giấy tiền xu lại hấp dẫn đến vậy?

Bạn có để ý rằng dạo gần đây Việt Nam mình rất năng nổ thúc đẩy “xã hội không tiền mặt” (cashless society)? Ngày 16/6 trở thành Ngày Không Tiền Mặt. Các ngân hàng, ví điện tử thi nhau “tưởng thưởng” cho khách hàng giao dịch qua thẻ, qua ví.

Thật ra, Việt Nam chỉ là nhân tố mới trên đường đua đến một “xã hội không tiền mặt” mà thôi. Cashless - từ lâu đã là từ khóa mơ ước của rất nhiều các nước phát triển. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu: Tại sao chuyện từ bỏ tiền giấy, tiền xu lại hấp dẫn đến vậy?

Câu chuyện 1: Một thế giới nhanh, gọn, lẹ

Gần 10 năm trước, vì hay đi nước ngoài công tác nên tôi đã làm thẻ tín dụng để có thể quẹt xuyên biên giới. Lúc ấy, tôi vẫn sống nặng về tiền mặt. Mỗi lần sang nước ngoài, trong túi luôn dày cộm ngoại tệ. Tôi chỉ đem theo cái thẻ để cảm thấy an tâm hơn, lỡ bị... móc túi thì vẫn không đến mức cùng đường đi ăn xin.

Thói quen chẳng biết đã hình thành từ lúc nào. Có thể nó bắt đầu từ một vài lần đầu quẹt thẻ ở Bangkok, ở Singapore đã khiến tôi nhận ra cái thẻ tín dụng quốc tế này tiện lợi thật. Có nó, mỗi lần ngồi máy bay tôi chẳng còn căng như dây đàn vì sợ sơ sẩy rớt mất cọc tiền nữa. Trước mỗi chuyến đi, thay vì phải lập cập đi đổi ngoại tệ, tôi chỉ cần chắc ví một hai thẻ tín dụng quốc tế (Visa, MasterCard, JCB…) là ngon rồi.

Chuyện kể của tiền vô hình: Vì sao cả thế giới đang cố gắng xóa sổ tiền mặt? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (Nguồn: Freepik)

Thế giới không tiền mặt chưa dừng lại đó. Một ngày, tôi nhận ra ngành tài chính và công nghệ đã phát triển lên đến level thần kỳ mà ở đó tôi không cần kè kè đem theo thẻ ngân hàng nữa vẫn có thể mua sắm trơn tru.

Đó là vào đầu năm 2019, trong một buổi sáng lang thang tại San Francisco (Mỹ), tôi lạc vào cửa hàng tiện lợi “đến từ tương lai” Amazon Go. Sau khi tải app Amazon Go, tôi chỉ việc quẹt điện thoại vào cổng từ để đi vào bên trong tiệm. Ở trong đó, tôi tha hồ nhặt nhạnh những món đồ mình cần - các hộp thức ăn làm sẵn, lon cà phê, chỉ nha khoa, mì gói, nước uống – rồi cho chúng vào túi xách và cứ thế đi ra. Đúng vậy, không cần thanh toán, và trong Amazon Go cũng chẳng có quầy thanh toán. Ngay sau khi tôi bước ra khỏi cửa tiệm, thẻ tín dụng quốc tế có liên kết với tài khoản Amazon của tôi lập tức trừ đi số tiền vừa mua sắm, chuẩn xác từng li. Amazon Go biết tôi đã chọn những món gì nhờ vào hệ thống camera và cảm ứng gắn chi chít trên dưới trái phải bên trong cửa hàng.

Chuyện kể của tiền vô hình: Vì sao cả thế giới đang cố gắng xóa sổ tiền mặt? - Ảnh 2.

Tác giả bài viết đứng trước cửa hàng Amazon Go tại Mỹ.

Vâng, đã vào kỷ nguyên mà chúng ta có thể ra khỏi nhà, đi làm 8888 thứ, nhưng không cần lăn tăn trong ví mình có tiền mặt hay một mớ thẻ lằng nhằng.

Câu chuyện 2: Ít xài tiền mặt, nước càng phát triển

Hàng năm, việc in tiền, vận hành các hình thức rút tiền mặt, phục vụ giao dịch chuyển tiền đang tiêu tốn lớn ngân sách của các chính phủ và ngân hàng. Một nghiên cứu vào năm 2018 đã ước tính rằng chi phí để in tiền giấy trên toàn cầu là khoảng 35,3 tỷ USD. Con số này chưa bao gồm chi phí để vận chuyển tiền, thu thập và hủy tiền hỏng. Chính vì khoản chi khổng lồ này mà nhiều nước đã và đang tích cực xây dựng một xã hội không tiền mặt.

Ngoài ra, các số liệu cũng chỉ ra rằng khi một nước càng tiến gần hơn đến xã hội không tiền mặt thì kinh tế càng phát triển.

Ví dụ như tại Mỹ, việc người dân dùng thẻ để mua sắm và thanh toán các nhu cầu cuộc sống đã đóng góp khoảng 296 tỷ đô la từ năm 2011 đến 2015, ứng với mức tăng GDP 0,1%. Điều này dễ hiểu thôi: Khi chi tiêu bằng tiền mặt, bạn chùn tay bởi động tác lấy tiền mặt ra khỏi túi và đưa cho người khác. Nhưng với thanh toán điện tử, bạn dễ chểnh mảng không biết mình đã chi ra bao nhiêu. Các loại thẻ ngân hàng giúp việc chi trả khi mua sắm online dễ dàng hơn, vì vậy người dân nhặt hàng sướng tay hơn, bỏ vào giỏ nhiều món ngoài kế hoạch hơn khi lướt web. Và kết quả: Khi người dân chịu chi thì kinh tế sẽ từ đó mà khởi sắc.

Chuyện kể của tiền vô hình: Vì sao cả thế giới đang cố gắng xóa sổ tiền mặt? - Ảnh 3.

Một ví dụ khác là Singapore. Sau khi chính phủ khuyến khích các hình thức thanh toán không tiền mặt, Singapore cũng chứng kiến ​​sự tăng trưởng 0,1% trong GDP, chiếm khoảng 400 triệu đô-la Singapore mỗi năm. Khi mọi người chi tiêu nhiều hơn, các công ty cần thêm nhân viên để xử lý nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ - chính điều này tạo ra nhiều việc làm hơn cho xã hội. 

Câu chuyện 3: Cuộc đua từ bỏ tiền mặt

Các nước đang dẫn đầu thế giới trong cuộc đua “xã hội không tiền mặt” là Thụy Điển, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore...

Tại Thụy Điển, chẳng lạ khi thấy dòng chữ “No Cash Accepted” (Không nhận tiền mặt) trong các cửa hàng, cửa hiệu. Theo số liệu từ Hội đồng Thanh toán Châu Âu, những giao dịch tiền mặt chỉ chiếm 1% GDP của Thụy Điển trong năm 2019, và số tiền mặt rút ra đã giảm đều đặn 10% mỗi năm.

Trung Quốc, đất nước đã phát minh ra tiền giấy, đang cho rất nhiều nước phát triển ngửi khói trên đường đua không-tiền-mặt. Đất nước này đã nhảy cóc, bỏ qua giai đoạn dùng thẻ thanh toán ngân hàng mà tiến thẳng đến các hình thức thanh toán di động. Trong những năm gần đây, tại Trung Quốc, người ta đã có thể thanh toán bằng quét mã QR, bằng Bluetooth, bằng vân tay, bằng nhận diện mắt, bằng giọng nói, vân vân. 86% người dân sử dụng các hình thức thanh toán di động. Gần 2/3 doanh số bán hàng trực tuyến và hơn 1/3 thanh toán tại các cửa hàng được thực hiện thông qua các ví di động như Alipay và WeChat Pay. Ngoài ra, việc chuyển đổi mạnh sang không-tiền-mặt cũng giúp nâng cao đời sống của người nông dân, từ đó rút ngắn khoảng cách thu nhập và xã hội. Nhờ vào thanh toán điện tử, người nông dân có thể mua các nhu yếu phẩm, phân bón, và tiếp cận các khoản vay dễ dàng hơn, đồng thời họ cũng có điều kiện bán sản phẩm nông thôn cho người tiêu dùng ở thành phố.

Câu chuyện 4: Trên tiền có bao nhiêu vi khuẩn?

Tiền giấy là một trong những thứ dơ bẩn nhất thế giới theo đúng nghĩa đen. Có ví von rằng tiền giấy còn bẩn hơn giấy nhà xí. Chưa kể, các loại vi khuẩn, virus có khả năng sống trên bề mặt tiền đến tận 17 giờ đồng hồ.

Một nghiên cứu ở New York đã phát hiện ra có tới hơn 3000 loại vi khuẩn ẩn náu trên tờ 1 USD, bao gồm cả vi khuẩn gây nhiễm trùng da, loét dạ dày và ngộ độc thực phẩm.

Chuyện kể của tiền vô hình: Vì sao cả thế giới đang cố gắng xóa sổ tiền mặt? - Ảnh 4.

Tiền của Mỹ in trên giấy cotton và linen, được xem là tạo ra môi trường sống lý tưởng với vi khuẩn hơn tiền bằng polymer. Thế nhưng, một nghiên cứu quy mô lớn tại Singapore trên tiền polymer của nước này cho kết quả gây sốc không kém. Tiền được thu thập từ máy ATM, các trung tâm ăn uống kiểu Sing (hawker), bệnh viện, siêu thị và chợ. Trong các mẫu, tiền thu được từ chợ có số lượng vi khuẩn cao nhất, trung bình 48000 trên mỗi tờ tiền. Tiền từ các trung tâm hawker có số lượng vi khuẩn trung bình là 3500, từ bệnh viện là 1000, từ siêu thị là 120.

Chính vì tiền dơ như vậy mà trong lúc Covid-19 hoành hành, các chính phủ càng thúc đẩy việc áp dụng các hình thức thanh toán không tiền mặt, xem như là một cách giúp giảm bớt con đường phát tán lây lan của virus.

Câu chuyện 5: Theo dấu data

Việc chúng ta quẹt thẻ hay quẹt ví điện tử sẽ để lại dấu vết của các giao dịch, chính xác đến từng xu.

Nhờ vào lịch sử chi tiết này mà chúng ta có được số liệu (data) chi li về tình hình tài chính và thói quen chi tiêu của mình, từ đó có cơ sở để xem xét cắt giảm các khoản chi không cần thiết nếu đang lên kế hoạch tiết kiệm. Về lâu về dài, các công ty tài chính có thể sử dụng những data về thu nhập, chi tiêu, trả nợ để xác định khoản vay mua nhà, vay mua xe cung cấp cho chúng ta trong tương lai, hoặc tư vấn các khoản đầu tư phù hợp với khẩu vị rủi ro của từng người.

Chuyện kể của tiền vô hình: Vì sao cả thế giới đang cố gắng xóa sổ tiền mặt? - Ảnh 5.

Nhưng việc lưu dấu data này cũng khiến nhiều người nhíu mày lo nghĩ. Thanh toán điện tử không riêng tư bằng thanh toán bằng tiền mặt. Việc càng có nhiều thông tin của chúng ta trôi nổi ở trên mạng thì càng nhiều khả năng thông tin đó bị hack, bị ăn cắp. Chính vì vậy, các tổ chức cung cấp thanh toán điện tử phải liên tục nâng cấp các công nghệ bảo mật, cũng như người dân cần biết các cách cơ bản để bảo mật thông tin của mình (không đưa thẻ ngân hàng cho người lạ, dán che số trên thẻ credit, không đưa số OTP cho người trên mạng, vân vân).

Thật ra, tương lai đã ở đây rồi!

Xã hội không tiền mặt không còn là một ước mơ. Nó đã ở đây rồi, và từng người chúng ta đều đang bước nhanh bước chậm vào đấy. Nhìn xem, các ngân hàng đua nhau ra mắt đủ loại thẻ credit, debit, ATM. Chưa kể hàng loạt loại ví điện tử (Momo, Moca, Zalo Pay, AirPay…) ra mắt đón đầu làn sóng giới trẻ chưa có đủ chứng minh tài chính để làm thẻ ngân hàng nhưng vẫn muốn trải nghiệm cashless. Sắp tới lại còn triển khai dịch vụ tiền điện tử trên thuê bao di động (mobile money) nữa chứ.

Tôi nghĩ, cái ngày mình ra đường hay thậm chí là đi du lịch trong nước với đúng cái điện thoại trong túi sẽ đến sớm hơn dự kiến. Có điện thoại là có thể thanh toán vé tàu điện, ăn tối, mua hàng lặt vặt, đóng tiền nhà, đóng tiền khám bệnh… nhanh như chớp. Và vào cái ngày đó, không phải ví hay thẻ là vật bất ly thân, mà tốt nhất đi đâu cũng nên mang theo cục pin dự phòng hoặc dây sạc. Vì chỉ cần pin điện thoại tắt là chúng ta ngay lập tức rơi vào cảnh không còn một xu!