Chuyên gia tội phạm học: “Phải xử lý hình sự những kẻ khởi xướng đường dây lừa đảo dự án iFan”

Ngọc Thắng, Theo Thời Đại 16:08 11/04/2018

Theo chuyên gia tội phạm học, đây là một vụ án lừa đảo đa cấp dưới hình thức huy động vốn trái phép, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, cần thiết phải xử lý hình sự đối với những kẻ khởi xướng đường dây lừa đảo đa cấp này.

Không phải bị hại nào cũng đáng thương

Liên quan đến vụ việc hàng chục ngàn người lên tiếng tố cáo dự án iFan của Công ty ModernTech lừa đảo 15.000 tỷ đồng ngày 11/4, Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an chia sẻ, đây là vụ việc rất nghiêm trọng, các cơ quan tố tụng cần nhanh chóng vào cuộc.

Theo ông Hiếu, trong vụ án này nói riêng cũng như những vụ án lừa đảo đa cấp đã xảy ra, nạn nhân luôn có một phần lỗi khi sẵn sàng biến mình thành con mồi.

Chuyên gia tội phạm học: “Phải xử lý hình sự những kẻ khởi xướng đường dây lừa đảo dự án iFan” - Ảnh 1.

Hàng ngàn người tố bị iFan lừa đảo hàng ngàn tỷ đồng.

Kẻ phạm tội sở dĩ gây án thành công, tất cả là vì lòng tham, do tính hám lợi cố hữu của con người đã bị kích hoạt. Chính lòng tham làm con người ta hoa mắt, không nhận ra ẩn họa phía sau những lời đường mật hứa hẹn về lợi ích vô cùng hấp dẫn khi đầu tư vào đồng tiền ảo.

"Từng làm việc với hàng ngàn bị hại trong các vụ án đa cấp lừa đảo trước đây, chúng tôi nhận thấy không phải bị hại nào cũng đáng thương. Nhiều người biết là việc tham gia có rủi ro, thậm chí là lừa đảo nhưng vì cái lợi trước mắt nên vẫn tham gia.

Hoặc lỡ tham gia rồi thì cố lôi kéo người khác vào để rút được vốn ra và được hưởng hoa hồng phát triển mạng lưới", ông Hiếu chia sẻ.

"Phải xử lý hình sự những kẻ khởi xướng đường dây lừa đảo này"

Là một trong những điều tra viên thụ lý vụ án lừa đảo đa cấp lớn nhất Việt Nam thời điểm năm 2012 xảy ra tại Công ty MB24, ông Hiếu đánh giá, vụ iFan là một vụ án lừa đảo đa cấp dưới hình thức huy động vốn trái phép, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, cần thiết phải xử lý về hình sự.

Chuyên gia tội phạm học: “Phải xử lý hình sự những kẻ khởi xướng đường dây lừa đảo dự án iFan” - Ảnh 2.

Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an.

Hoạt động của Modern Tech là theo phương thức đa cấp, bởi công ty này xây dựng mạng lưới người tham gia kinh doanh đồng tiền ảo iFan gồm nhiều cấp, nhiều nhánh.

Thông qua chính sách trả thưởng cho người tham gia lên đến 8% số tiền nếu lôi kéo người mới tham gia vào hệ thống, công ty đã xây dựng được mạng lưới nhà đầu tư lên đến 32.000 người.

Chuyên gia tội phạm học: “Phải xử lý hình sự những kẻ khởi xướng đường dây lừa đảo dự án iFan” - Ảnh 3.

Nhiều người mong muốn nhận lại số tiền đã đầu tư.

Hơn thế, đây là hoạt động lừa đảo đa cấp, bởi Modern Tech đã mạo nhận công ty được ủy quyền của các đối tác nước ngoài làm ăn uy tín. Cùng với đó là tuyên truyền sai sự thật về ích lợi khi tham gia vào mạng lưới đầu tư đồng Ifan.

Người cầm đầu lấy lợi ích làm mồi nhử, hứa hẹn những lợi ích vô cùng hấp dẫn khi tham gia (hưởng lợi nhuận thấp nhất 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa bốn tháng) để kích thích lòng tham, tính hám lợi của người dân.

Trên thực tế, chúng dùng tiền của người vào sau trả cho người vào trước, thậm chí cắt một phần số tiền người tham gia đóng vào công ty để trả cho họ với danh nghĩa trả lãi nhằm tạo lòng tin để mở rộng mạng lưới.

Chuyên gia tội phạm học: “Phải xử lý hình sự những kẻ khởi xướng đường dây lừa đảo dự án iFan” - Ảnh 4.

Theo ông Hiếu những nạn nhân của vụ lừa đảo cần sớm trình báo công an.

Thứ hai, đây là sự huy động vốn trái phép để chiếm đoạt, vì bản chất thực sự của việc bán đồng tiền ảo iFan (không có giá trị và giá trị sử dụng) là chỉ nhằm thu tiền của các nhà đầu tư.

Sản phẩm dịch vụ hay các vật ảo đó chỉ là cái cớ, là vỏ bọc che đậy cho mục đích thu hút nguồn tài chính từ xã hội.

Thứ ba, yếu tố chiếm đoạt đã được thể hiện rõ ràng bằng việc sau khi huy động được số tiền lên đến 15.000 tỉ đồng, bộ sậu lãnh đạo công ty đã ôm tiền bỏ trốn. 

Chuyên gia tội phạm học: “Phải xử lý hình sự những kẻ khởi xướng đường dây lừa đảo dự án iFan” - Ảnh 5.

Ông Hiếu cho rằng, cần phải xử lý hình sự những kẻ khởi xướng đường dây lừa đảo đa cấp iFan.

Đó là những căn cứ để xác định hành vi của các đối tượng "chóp bu" tại Công ty Modern Tech đã có dấu hiệu phạm vào điểm d khoản 1 Điều 290 - Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) quy định về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

"Cần khẩn trương truy tìm các đối tượng, xác minh sự việc, phong tỏa, kê biên tài sản và khởi động tiến trình tố tụng hình sự đối với những kẻ khởi xướng đường dây lừa đảo đa cấp này", ông Hiếu chia sẻ.

Trước đó, sáng 8/4, hàng chục người đã tập trung tại Toà nhà Vietcomreal 68 Nguyễn Huệ, TP.HCM, nơi đặt trụ sở của Modern Tech, đơn vị đứng ra ký kết với iFan tại Việt Nam để đòi công ty này trả lại tiền cho nhà đầu tư.

Người dân mang theo băng rôn, biểu ngữ tố cáo các nhân vật bị cho là lừa đảo, đồng thời kêu cứu các cơ quan chức năng.

Theo nội dung tố cáo, có khoảng 32 nghìn nạn nhân của iFan bị lừa số tiền lên đến 15.000 tỷ đồng.

Người dân tố cáo, đội ngũ sáng lập iFan gồn 7 người Việt Nam, để tạo niềm tin cho nhà đầu tư, nhóm người này đã truyền thông cho dự án đến từ Singapore, Pincoin đến từ Dubai. Modenrn Tech tổ chức các sự kiện tại TP.HCM và Hà Nội nhằm huy động vốn từ chủ đầu tư.

Nhóm phát triển iFan kêu gọi nhà nhà đầu tư mua các đồng tiền ảo iFan. Giống như một loại cổ phiếu có giá trị, nhưng thay vì phát hành cổ phiếu, Modern Tech lại phát hành ra đồng tiền số này để huy động vốn nhằm tránh việc kiểm tra từ Ủy ban chứng khoán nhà nước.

Theo các nhà đầu tư, nhóm sáng lập đã hứa hẹn với nhà đầu tư sẽ trả mức lãi suất đầu tư ít nhất là 48%/tháng và thời gian hoàn vốn lâu nhất là 4 tháng. Ngoài ra, khi nhà đầu tư giới thiệu thêm được người khác vào hệ thống thì sẽ nhận được thêm 8% số tiền người mới tham gia vào hệ thống.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày