Chuyên gia thực phẩm, thú y: Không nên ăn thịt lợn bị áp xe, đó không phải là lợn sạch

Định Nguyễn, Theo Trí Thức Trẻ 16:01 31/08/2017

Theo bác sĩ thú y và chuyên gia thực phẩm, trường hợp lợn bị áp xe chảy mủ từ miếng thịt ra như mới đây phát hiện tại trường phổ thông Đoàn Thị Điểm EcoPark (Hưng Yên), người dân không nên sử dụng mà phải cắt bỏ.

Liên quan đến vụ phát hiện ổ mủ trong miếng thịt lợn ở khu bếp ăn trường phổ thông Đoàn Thị Điểm EcoPark (Hưng Yên) ngày 15/8, thấy có dấu hiệu bất thường, phía nhà trường đã chủ động dừng toàn bộ việc chế biến lô thịt, mời đại diện ban phụ huynh đến để cùng chứng kiến và giám sát việc giao trả toàn bộ lô thịt nạc vai không đảm bảo chất lượng. Nhà trường cũng đã lập biên bản làm việc 3 bên gồm: trường THPT Đoàn Thị Điểm Ecopark, đại diện phụ huynh học sinh và phía đơn vị cung ứng thực phẩm; đồng thời yêu cầu đơn vị cung ứng phối hợp giải quyết, đưa mẫu thịt đi làm xét nghiệm.

Chuyên gia thực phẩm, thú y: Không nên ăn thịt lợn bị áp xe, đó không phải là lợn sạch - Ảnh 1.

Hình ảnh miếng thịt chảy mủ khiến nhiều người sợ hãi.

Ngay sau khi thông tin trên được một phụ huynh đăng tải lên mạng xã hội đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều người. Ai cũng tỏ ra kinh hãi khi thấy hình ảnh trên. Nhiều người cũng đặt ra câu hỏi liệu đây có phải thực phẩm an toàn, thịt lợn bị áp xe có phải lợn bệnh?...

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, lợn rất ít khi bị áp xe. Khu áp xe có thể bị do nguyên nhân nào đó như sau tiêm phòng... tạo nhọt trong khối thịt.

Chuyên gia thực phẩm, thú y: Không nên ăn thịt lợn bị áp xe, đó không phải là lợn sạch - Ảnh 2.

PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, người dân không nên ăn thịt khi phát hiện bị áp xe.

"Chẳng hạn sau khi tiêm phòng, cơ thể lợn kháng thuốc hoặc bị phản ứng đã tạo thành lớp bao bọc bảo vệ chất đó để không gây ảnh hưởng đến cơ thể. Lâu ngày sẽ tạo thành chất dịch màu trắng sữa có hàm lượng chủ yếu là chất béo", ông Thịnh thông tin.

Theo ông Thịnh, thường trong quá trình giết mổ lợn người làm thịt sẽ phát hiện ra khu áp xe và cắt bỏ đi, xung quanh khu thịt bị áp xe cũng không ăn được. Tuy nhiên, lợn bị áp xe như vậy không nhiều.

"Trong trường hợp người dân phát hiện thấy lớp áp xe trong thịt lợn tốt nhất bỏ đi, không nên ăn để tránh ảnh hưởng sức khỏe", ông Thịnh nói thêm.

Chuyên gia thực phẩm, thú y: Không nên ăn thịt lợn bị áp xe, đó không phải là lợn sạch - Ảnh 3.

Bác sĩ Mẫn cho rằng, khi giết mổ lợn bị áp xe cần phải giết thịt riêng.

Về vấn đề này, TS Nguyễn Hữu Mẫn, bác sĩ nhiều năm công tác trong lĩnh vực tư vấn thú ý cho rằng, trên phương diện một bác sĩ, nhìn miếng thịt lợn chảy mủ như thế có thể thấy đó là con lợn đã bị tiêm phòng hoặc tiêm điều trị.

"Rất có thể đã bị điều trị trong một thời gian dài (có thể là 15 ngày) mà không giữ được vô trùng gây nên khối áp xe sinh lượng mủ lớn như vậy. Về bệnh của con lợn thì không thể nhìn miếng thịt mà phán đoán được. Chỉ có điều, tại sao lại để khối áp xe có mủ lớn như vậy mà không cắt bỏ đi lại còn chuyển đến bếp ăn trường học. Có thể lợn đã khỏi bệnh, là lợn sạch nhưng cung cấp thịt có mủ thì không thể nói là thịt sạch được. Khi giết mổ con lợn áp xe cần phải giết thịt riêng và xử lý khéo, tránh bị vỡ để khỏi phát tán vi khuẩn sinh mủ vào thịt", tiến sĩ Mẫn nói.

Trước đó, ngày 15/8, bộ phận phụ trách nhận kiểm định thực phẩm của bếp ăn trường Đoàn Thị Điểm Ecopark đã phát hiện kịp thời lô thịt nạc 153kg do Aeon Long Biên cung cấp cho trường không đảm bảo chất lượng.

Sau đó, nhân viên y tế và bếp trưởng quyết định rạch thớ thịt để kiểm tra thì phát hiện ổ mủ bã đậu chảy ra từ trong miếng thịt. Nhà trường, Ban phụ huynh và đại diện Aeon đã cùng lập biên bản sự việc. Cả lô thịt được trả về Aeon, cũng đã đưa mẫu thịt đi làm xét nghiệm.

Tại buổi làm việc với nhà cung cấp Aeon Long Biên, qua kết quả kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm được công bố thì các chỉ số về dư lượng kháng sinh và chất tạo nạc của mẫu thịt lợn phát hiện ngày 15/8 đều phù hợp về quy định an toàn thực phẩm và vệ sinh thú y của pháp luật.

Đại diện Aeon Long Biên cho biết, sản phẩm thịt lợn ngày 15/8 được nhập từ nhà cung cấp Vinh Anh, một nhà cung cấp có dây chuyền giết mổ an toàn, hiện đại, vệ sinh tốt trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Đại diện của nhà cung cấp Vinh Anh khẳng định: "Xét về chuyên môn cũng như bằng thực nghiệm, việc con lợn có ổ áp xe là hết sức bình thường, không phải lợn bị bệnh. Đây là hiện tượng thường gặp trong chăn nuôi và giết mổ".

Trường Phổ thông Đoàn Thị Điểm EcoPark cũng cho biết, qua kiểm tra khối lượng sản phẩm thịt lợn đã giao cho nhà trường ngày 15/8 ngoài khu vực bị khối áp xe thì còn lại vẫn đạt chất lượng. Tuy nhiên, toàn bộ thịt lợn ngày 15/8 đã được đổi, trả theo yêu cầu của nhà trường.