Chuyên gia nói về vụ nữ sinh cấp 3 bị bố đánh dã man ở Hà Nội: Nếu nạn nhân im lặng, bạo lực sẽ càng diễn biến nghiêm trọng hơn

Bá Cường, Theo Tổ Quốc 10:56 28/12/2018

Nạn nhân bị bạo hành gia đình nếu chọn cách im lặng thì mức độ tổn thương sẽ không ngừng tăng lên, có thể dẫn đến án mạng. Thậm chí, những đứa trẻ sinh ra trong những gia đình tồn tại tình trạng bạo hành sẽ có những biểu hiện cực đoan, sẵn sàng phạm tội để giải tỏa và giải thoát khỏi những bức xúc, ức chế.

Mới đây, một clip dài hơn 01 phút đăng tải trên mạng xã hội ghi lại cảnh một người đàn ông trung tuổi, cởi trần có hành vi đánh đập, chửi bới một bé gái khiến nhiều người phẫn nộ. Trong clip, người đàn ông liên tục có hành động đấm, đá, chửi bới, thoá mạ. Khi nạn nhân ngã xuống đất thì người này tiếp tục dùng cùi chỏ đánh vào lưng.

Chuyên gia nói về vụ nữ sinh cấp 3 bị bố đánh dã man ở Hà Nội: Nếu nạn nhân im lặng, bạo lực sẽ càng diễn biến nghiêm trọng hơn - Ảnh 1.

Sự việc được chia sẻ trên mạng xã hội.

Được biết, vụ việc trên xảy ra vào đêm 22/12 tại xã Đồng Thái (huyện Ba Vì, Hà Nội). Người đàn ông có hành vi bạo hành là Trần Văn T. (SN 1977), là bố của nạn nhân Trần Thư H. (SN 2003, con gái thứ 2 của T). Theo chủ nhân clip, chuyện con cái anh T. bị bố hành hung xảy ra như cơm bữa, tuy nhiên không ai dám can ngăn vì sợ trả thù.

Nạn nhân và những người xung quanh "chọn" im lặng

Chia sẻ với PV, cháu H. cho biết do không về kịp để nấu cơm cho 2 em nhỏ nên bị bố đánh. "Ngoài đánh 3 chị em cháu bố còn hay đánh mẹ, chuyện xảy ra trong nhiều năm qua. Chúng cháu không dám nói chuyện bị bố đánh với ai", H. nghẹn ngào nói trong nước mắt.

Trong ngày 25/12, chính quyền xã Đồng Thái đã mời mẹ con H. lên làm việc để làm rõ hành vi của T. và có biện pháp xử lý, tuy nhiên cho đến ngày hôm sau vẫn chưa xác định được T. đang ở đâu, không thể triệu tập người này. Hiện tại mẹ con H. đang ở nhờ bên nhà ông bà ngoại, không dám về nhà.

Chia sẻ với PV, chị N.T.H.Đ. (SN 1977) - mẹ của H. nói: "Việc chồng đánh các con thường xuyên xảy ra khoảng 3 năm nay. Bản thân tôi cũng từng là nạn nhân của những trận đánh đập, bạo hành, nhưng tôi chỉ biết chịu đựng".

Chuyên gia nói về vụ nữ sinh cấp 3 bị bố đánh dã man ở Hà Nội: Nếu nạn nhân im lặng, bạo lực sẽ càng diễn biến nghiêm trọng hơn - Ảnh 2.

Ba mẹ con chị Đ. chia sẻ vụ việc.

"Chúng tôi lấy nhau năm 1999, chỉ vài năm sau thì anh T. bắt đầu cờ bạc, rượu chè, gái gú rồi nợ nần. Cũng kể từ đó tôi thường xuyên bị chồng tra tấn, hành hạ. Cách đây 3 năm, tôi bị anh ta đánh chảy máu đầu, phải chạy ra bãi tha ma để trốn.

Sau nhiều trận đòn roi, tôi quyết định ly thân, đi làm thuê dành dụm lo cho các cháu. 1 tháng, tôi lại về nhà thăm các cháu 1 lần tranh thủ lúc chồng đi vắng. Mấy lần bị bố đánh, các cháu bị bố đuổi ra khỏi nhà. Mỗi lần như vậy tôi thường dặn các cháu tránh ra nhà hàng xóm, khi nào bố hết giận thì hãy quay về.

Tôi nghĩ rằng cái số tôi khổ nên tôi đành cắn răng chịu đựng. Xấu chàng thì hổ ai, nghĩ vậy nên tôi chẳng dám nói cho người ngoài biết, cũng chẳng dám ly hôn", chị Đ nói.

Một trường hợp khác cũng tương tự xảy ra ngày 25/12 trên phố Trung Kính (Hà Nội), một người chồng đã đóng cửa đánh đập vợ dã man, người vợ chỉ biết chịu trận và van xin trong vô vọng. Những người hàng xóm cho biết chuyện này vẫn thường xuyên xảy ra từ gần 1 năm nay nhưng họ không thể can thiệp, cũng không muốn báo cơ quan chức năng, người vợ cũng chỉ im lặng chịu đựng.

Giải thích rõ hơn về nguyên nhân của việc hầu hết mọi người chọn cách im lặng trước bạo lực gia đình, chuyên gia tâm lý, tiến sỹ Vũ Thu Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết: "Người Việt chúng ta xưa nay vẫn có văn hóa làng xã, nghĩa là mọi việc đều nhìn theo lăng kính đánh giá của người khác, đặc biệt là hàng xóm.

Câu chửi "không giống ai" là cách chửi hết sức nặng nề cho thấy ai ai cũng mong muốn mình hành xử, được xung quanh công nhận, tốt nhất là giống tất cả mọi người. Hay câu răn đe "người ta cười cho" rất quen thuộc cho thấy người Việt sợ nhất là ánh nhìn soi mói, miệt thị của người khác. Chính điều này, rất nhiều hành động xấu xa, vi phạm pháp luật đã được che giấu bằng chính những nạn nhân nếu kẻ phạm tội cùng ở trong gia đình".

Tiến sỹ Hương cho biết bà đã từng gặp một trường hợp, có 1 bé gái bị chú ruột xâm hại nhưng khi mẹ bé định tố cáo ra pháp luật đã bị cả gia đình dọa đuổi ra khỏi nhà vì sợ chính cái sự "xấu hổ" này. Theo bà, chính sự lạc hậu, cổ hủ đã tạo ra những quan niệm kì dị như vậy. Vì thế, khó có thể thay đổi hiện trạng tồi tệ này ngày một ngày hai.

Hậu quả khó lường

Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, nếu nạn nhân chọn cách im lặng thì bạo lực sẽ diễn biến theo chiều hướng ngày càng nghiêm trọng hơn. Mới đầu nó chỉ là đấm, tát, nhưng vì nạn nhân im lặng chịu đựng, bạo lực sẽ tăng tiến nặng dần đến mức đánh trói hoặc nghiêm trọng có thể dẫn đến án mạng.

Cũng theo tiến sỹ Hương, hậu quả có thể nói rất dễ đoán ra với những đứa trẻ sinh ra và sống trong những gia đình tồn tại tình trạng bạo hành. "Ngoài tổn thương thân thể, nỗi sợ hãi bị bạo hành ra, những đứa trẻ còn hoảng sợ vì người có trách nhiệm bảo vệ chúng lại là người ra tay với chúng.

Đặc biệt việc cha mẹ đánh nhau sẽ để lại nỗi kinh hoàng cho những đứa trẻ khi phải chứng kiến những người gần gũi nhất, mình yêu thương nhất đánh đập lẫn nhau. Bênh vực ai, chống lại ai? Làm sao để bảo toàn chữ hiếu lúc này? Những mâu thuẫn đó sẽ khiến đám trẻ kiệt sức và hoảng loạn.

Tình trạng này kéo dài có thể khiến đứa trẻ trở nên hung tính, sẵn sàng bạo hành người khác hoặc tổn thương đến mức mất lòng tin vào hôn nhân, tự ti, co người lại, trầm cảm. Ngoài ra, chính sự im lặng của người mẹ khiến lũ trẻ không hiểu đâu là đúng và sai?

Lớn hơn, lũ trẻ sẽ thấy bất lực và cuộc sống bi đát, không có cách thoát ra khỏi bi kịch nặng nề này. Nhiều trường hợp trẻ sẽ trở nên coi khinh mẹ mình, căm thù bố mình và sẵn sàng phạm tội để giải tỏa bức xúc", tiến sỹ Hương nói.

Theo bác sỹ Nguyễn Trọng An, Nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD), tại RTCCD, các chuyên gia đã gặp không ít trường hợp các em nhỏ sinh sống trong các gia đình bị bạo hành có các biểu hiện tâm lý bất thường, tổn thương sâu sắc dẫn đến tâm thần, loạn thần.

Trao đổi với Luật sư Nguyễn Văn Ngọc, Công ty luật hợp danh Thái Bình Dương - Đoàn luật sư Nghệ An, dưới góc độ pháp lý, luật sư cho biết: Các hành vi ngược đãi, hành hạ người khác được hiểu là việc đối xử một cách tàn nhẫn, trái với lẻ phải, với đạo đức, là hành vi tàn ác được thể hiện như đánh đập và những hành động bạo lực khác một cách có hệ thống được lặp đi lặp lại nhiều lần.

Chuyên gia nói về vụ nữ sinh cấp 3 bị bố đánh dã man ở Hà Nội: Nếu nạn nhân im lặng, bạo lực sẽ càng diễn biến nghiêm trọng hơn - Ảnh 3.

Luật sư Nguyễn Văn Ngọc

Đối với hành vi thường xuyên bạo hành vợ quy định tại Điều 185 Bộ luật Hình sự, người chồng có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ngược đãi, đánh đập con cái dưới 16 tuổi, bố mẹ có thể bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

Tuy nhiên luật sư Ngọc cũng cho biết vì việc bạo hành vợ có thể đã xảy ra cách đây nhiều năm, sẽ rất khó trong việc tìm căn cứ xử lý, vì vậy trong vụ việc này, cơ quan chức năng sẽ chú trọng đến việc xử lý hành vi bạo hành con cái đã được quay clip lại.

Bên cạnh việc xử lý hình sự theo quy định tại Điều 185, người đại diện hợp pháp của bị hại cũng có thể đưa nạn nhân đi giám định tỷ lệ thương tật và có đơn yêu cầu xử lý đối tượng theo quy định tại Điều 134 Bộ luật  Hình sự tội "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác".

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày