Chuyên gia Nhật thả cá Koi xuống sông Tô Lịch để chứng minh chất lượng nước sau khi xử lý

Minh Nhân, Theo Nhịp Sống Việt 12:04 16/09/2019

Sáng nay (16/9), tại sông Tô Lịch - khu vực thí điểm làm sạch môi trường bằng công nghệ nano, chuyên gia Nhật Bản đã tiến hành thả cá Koi và cá chép Tam Dương, để chứng minh chất lượng nước sau xử lý.

Công ty Cổ phần Cải thiện môi trường Việt Nhật (JVE) - Đơn vị trực tiếp thí điểm làm sạch sông Tô Lịch đã tiến hành thả cá Koi - cá chép Nhật Bản và cá chép Tam Dương để chứng minh chất lượng nước sau xử lý bằng công nghệ Nano. 

Chuyên gia Nhật thả cá Koi xuống sông Tô Lịch để chứng minh chất lượng nước sau khi xử lý. Thực hiện: Kingpro

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty JVE thông tin: "Sau thời gian kết hợp sở ngành liên quan của thành phố Hà Nội, hôm nay chúng tôi tổ chức thả cá Koi (cá chép Nhật) tại hai điểm thí điểm công nghệ Nano là một đoạn sông Tô Lịch với một góc hồ Tây. Ngoài ra, cá chép của Việt Nam cũng được thả để chứng minh được kết quả sau thời gian xử lý nước ô nhiễm tại hai điểm trên. Bởi, với cá Koi, môi trường nước phải đảm bảo sạch không bị ô nhiễm không có vi khuẫn nhiễm bệnh thì cá Koi mới có thể sống được trong môi trường đó".

Chuyên gia Nhật thả cá Koi xuống sông Tô Lịch để chứng minh chất lượng nước sau khi xử lý - Ảnh 2.

Đàn cá Koi được chuẩn bị để thả xuống sông Tô Lịch chứng minh chất lượng nước sau xử lý bằng công nghệ Nano.

Cá nhỏ có thể sống và bơi khỏe mạnh bên trong bát nước sông đã qua xử lý, còn bên bát nước chưa qua xử lý thì một số chú cá đã chết nổi.

Đại diện công ty JVE cho biết, đơn vị sẽ thả 50 con cá Koi và 50 con cá vàng Việt Nam xuống bể số 4 (bể sau xử lý) trong hệ thống xử lý nước sông 4 bước của công ty trên sông Tô Lịch. Đồng thời thả 100 con cá rô phi, mè, chép loại nhỏ xuống một góc Hồ Tây. Việc thả cá này sẽ chứng minh nước Tô Lịch sau xử lý có các chỉ số như oxy hòa tan trong nước, mức độ ô nhiễm, các vi sinh vật có lợi đều nằm trong mức tốt, đảm bảo sinh vật như cá phát triển.

Công ty JVE cũng mang đến thiết bị "đo mùi" để chứng minh việc nước sông Tô Lịch sau xử lý giảm mùi. Theo chỉ số đo được, mùi của nước sông đã giảm vài trăm lần, từ 1000 xuống còn 6.

Mùi của nước sông cũng giảm đáng kể sau khi qua xử lý

Chuyên gia Nhật thả cá Koi xuống sông Tô Lịch để chứng minh chất lượng nước sau khi xử lý - Ảnh 5.

Các chuyên gia tiến hành thả cá Koi xuống đoạn góc Hồ Tây đã qua xử lý.

Chuyên gia Nhật thả cá Koi xuống sông Tô Lịch để chứng minh chất lượng nước sau khi xử lý - Ảnh 6.

Bên cạnh đó, một số loại cá khác như rô phi, mè, chép... cũng được thả xuống một góc Hồ Tây.

Chuyên gia Nhật thả cá Koi xuống sông Tô Lịch để chứng minh chất lượng nước sau khi xử lý - Ảnh 7.

Nước sông đổi màu rõ rệt giữa đoạn ngăn cách giữa góc Hồ Tây đã qua xử lý và chưa qua xử lý

Chuyên gia Nhật Bản cho biết, cá Koi Nhật Bản cũng như cá chép Tam Dương điều kiện sống phải ở môi trường nước sạch, nếu nguồn nước bị ô nhiễm cá sẽ chết. Tuy nhiên, tại sông Tô Lịch, sau khi được thí điểm xử lý bằng công nghệ Nhật Bản nguồn nước đã đạt quy chuẩn Việt Nam, 2 loại cá này hoàn toàn có thể sống được bình thường. 

"Hôm nay cơ quan chuyên môn tiến hành lấy mẫu để mang về phân tích, thì khoảng 10 ngày sau sẽ cho kết quả. Khi có kết quả, chúng tôi sẽ gửi báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND TP Hà Nội và các cơ quan chuyên môn liên quan" - đại diện của Dự án làm sạch sông Tô Lịch, góc Hồ Tây bằng công nghệ Nhật Bản cho biết.

Trước đó, sáng 16/5, một đoạn sông Tô Lịch (từ ngã tư Bưởi - Hoàng Quốc Việt xuôi về Cầu Giấy) được thí điểm lắp đặt 4 máy sục khí kèm các tấm vật liệu thiên nhiên. Theo các chuyên gia Nhật Bản, với công nghệ hiện đại này, thì sau 3 ngày, mùi hôi của sông Tô Lịch sẽ giảm. Dự kiến vài tháng sau, dòng sông này sẽ thực sự "hồi sinh".

Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội thông tin, mỗi ngày 150.000 m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý xả xuống sông Tô Lịch. Ngoài ra, hạ lưu sông còn phải tiếp nhận nước thải của các cơ sở sản xuất công nghiệp ở Vĩnh Tuy, Mai Động, Văn Điển.

Công nghệ Nhật Bản có thể xử lý được hơn 1,3 triệu m3/ngày đêm, tức là gấp khoảng 9 lần lượng nước chảy vào sông Tô Lịch hiện nay. Các máy sục khí khi được đặt chìm dưới nước sẽ tạo ra dòng khí nano khuếch tán vào dòng nước, kích thích các vi sinh vật hoạt động, từ đó giải phóng oxy, xử lý bùn thải, tạo nên môi trường trong lành hơn.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày