Chuyên gia lãnh đạo chống virus corona Trung Quốc: Dịch đạt đỉnh trong 10-14 ngày, không nhất thiết dùng khẩu trang N95

Hải Võ, Theo Trí Thức Trẻ 15:36 03/02/2020

Tổ trưởng Tổ chuyên gia đặc biệt cấp cao thuộc Ủy ban y tế quốc gia Trung Quốc, ông Chung Nam Sơn ngày 2/2 phổ biến về tình hình dịch viêm phổi do virus corona gây ra ở nước này.

Dịch viêm phổi sẽ không bùng phát trên toàn Trung Quốc

Theo ông Chung Nam Sơn, tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc hiện đang trong "giai đoạn lên cao, song các nhà khoa học hàng đầu phán đoán dịch do virus corona chủng mới (nCov) gây ra sẽ không bùng phát trên phạm vi toàn quốc mà chỉ bùng phát cục bộ.

"Đối với tình hình dịch viêm phổi do virus 2019-nCov lần này, giải pháp nguyên thủy và có hiệu quả nhất vẫn là 'phát hiện sớm, cách ly sớm,'. Chính phủ và các bộ ngành [Trung Quốc] đã áp dụng nhiều biện pháp mang tính toàn quốc như: Kéo dài kỳ nghỉ [Tết Âm lịch], quản lý và kiểm soát giao thông, kiểm tra thân nhiệt tại các địa điểm công cộng, tích cực tuyên truyền người dân bớt tụ tập, phổ biến kiến thức bảo vệ cá nhân,... Ý thức an toàn công cộng của người dân tăng cao cũng giúp bảo đảm các giải pháp được tiến hành thuận lợi."

Theo ông Chung, những biện pháp phòng dịch cho đến nay đã có hiệu quả ngăn chặn nguồn truyền nhiễm virus, giảm thiểu đáng kể tỉ lệ truyền nhiễm thứ cấp (cấp 2, cấp 3).

"Chúng tôi phán đoán rằng dịch bệnh lần này dự kiến sẽ đạt đỉnh điểm trong vòng 10 ngày cho đến 2 tuần tiếp theo. Nhưng chúng ta vẫn cần phải tăng cường kiểm soát phòng chống dịch, không được phép buông lỏng," ông Chung Nam Sơn nói.

Chuyên gia lãnh đạo chống virus corona Trung Quốc: Dịch đạt đỉnh trong 10-14 ngày, không nhất thiết dùng khẩu trang N95 - Ảnh 1.

Từ ngày 24/1, ông Chung Nam Sơn được bổ nhiệm đứng đầu nhóm chuyên gia cấp cao Trung Quốc trong chiến dịch phòng chống dịch viêm phổi do virus corona gây ra (Ảnh: Xinhua)

Phòng chống dịch ở Trung Quốc đang gặp thách thức

Ông Chung Nam Sơn nhận định công tác chống dịch viêm phổi ở Trung Quốc đang đối mặt với nhiều vấn đề và thách thức.

Trước hết, việc dịch bệnh bùng phát cục bộ, tập trung ở một số tỉnh thành, địa phương - mà vùng dịch lớn nhất ở tỉnh Hồ Bắc - đã gây tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn lực vật chất y tế. Hai bệnh viện dã chiến được gấp rút xây dựng tại Vũ Hán - Hỏa Thần Sơn và Lôi Thần Sơn - dự kiến cung cấp 2.300 giường bệnh, giúp giải quyết đáng kể nhu cầu khám chữa của người bệnh. Các tỉnh thành khác ở Trung Quốc cũng điều động nhiều đội ngũ bác sĩ, chuyên gia tới Vũ Hán.

Lãnh đạo nhóm chuyên gia cấp cao của Trung Quốc nhấn mạnh nhu cầu giảm nhẹ sức ép đối với các cơ sở y tế nhất định. Hiện nay năng lực của hệ thống y tế cấp cơ sở ở một số vùng có dịch không đủ đáp ứng việc chẩn đoán dịch virus corona, khiến các bệnh viện tuyến trên gặp sức ép lớn về lượng bệnh nhân, làm giảm hiệu quả khám chữa và phòng chống dịch.

Ngoài ra, ông Chung Nam Sơn cảnh báo tình trạng dụng cụ y tế thiếu hụt ở Vũ Hán, trong khi số người bị lây nhiễm gia tăng nhanh chóng, rất dễ gây nên tình trạng truyền nhiễm tại môi trường bệnh viện, đe dọa sự an toàn của quần chúng và các nhân viên y tế. Ông Chung nhắc lại yêu cầu bảo đảm quy trình quản lý, đảm bảo hiệu quả việc phân bổ cơ sở vật chất, trang thiết bị và dụng cụ liên quan cho các bệnh viện tuyến đầu.

Tỉ lệ tử vong của bệnh viêm phổi do virus nCov tương đối thấp

Ông Chung Nam Sơn chỉ ra, tính đến ngày 2/2, tỉ lệ các ca xác nhận lây nhiễm virus corona đã tử vong là khoảng 2.3-2.4%, trong đó tỉ lệ tử vong ở Vũ Hán cao hơn các địa phương khác do lượng người lây nhiễm tập trung tại đây.

"Tuy nhiên, không nên buông lỏng cảnh giác khi thấy tỉ lệ tử vong thấp. Nhìn chung, so với dịch do virus H7N9, MERS, H5N1 thì tỉ lệ tử vong [do virus 2019-nCov] là tương đối thấp, nhưng vẫn cao hơn so với bệnh cúm thông thường."

Ông Chung lý giải, số lượng các ca được xác định lây nhiễm virus đã tăng nhanh chóng trong những ngày qua, chủ yếu tập trung ở Vũ Hán. Ông khẳng định chính sách của trung ương Trung Quốc khi tiến hành phong tỏa, "bao vây" Vũ Hán là chính xác.

"Nếu như [dịch viêm phổi] đã có quy mô lớn như dịch SARS trước đây thì nhiều địa phương trên cả nước đã có thể bùng phát lớn, nhưng hiện nay chúng ta gần như không thấy nơi nào có sự bùng phát rõ rệt. Tình trạng gia tăng [số người lây nhiễm] có thể còn tiếp tục trong một khoảng thời gian, nhưng theo tôi là không dài."

Đề cập vấn đề được người dân Trung Quốc quan tâm nhiều trong thời gian qua là việc đeo khẩu trang, cũng như sử dụng khẩu trang thế nào để khoa học và tiết kiệm hơn, ông Chung Nam Sơn nói rằng thông thường "rất ít sử dụng khẩu trang N95, và cũng không cần thiết".

"Có thể dùng khẩu trang phổ thông hoặc khẩu trang phẫu thuật thông thường là được," ông nêu. "Hiện nay tại các vùng có dịch thì việc đeo khẩu trang là nên làm, ngoài ra chỉ cần là những nơi có đông người tụ tập thì tôi cho rằng nên cân nhắc đeo khẩu trang. Dù vậy cũng không nhất thiết là bất cứ nơi nào cũng phải đeo. Ví dụ bạn đi đến sân bóng không có quá đông người thì cũng không cần đeo."

"Khẩu trang không nhất thiết là phải thay sau mỗi lần dùng, mà thường là sau 4 tiếng đồng hồ. Không cần phải một lần dùng xong là vứt đi. Chỉ cần bảo vệ tốt, gấp kỹ phần tiếp xúc mặt và không đụng chạm bằng tay sau khi tháo ra, như thế có thể tiếp tục sử dụng."

Ủy ban y tế quốc gia Trung Quốc thông báo, tính đến 24h ngày 2/2, nước này đã có 17.205 ca xác nhận lây nhiễm virus corona, 361 người thiệt mạng. Ngoài ra, tổng cộng 475 người đã được điều trị khỏi và xuất viện.

Trong ngày 2/2, Trung Quốc ghi nhận báo cáo 2.829 trường hợp xác nhận lây nhiễm mới và 57 người chết, trong đó 56 người tử vong ở tỉnh Hồ Bắc và 1 người ở Trùng Khánh. 5.173 ca nghi lây nhiễm cũng được xác định.

Theo Ủy ban, nhà chức trách đang theo dõi 189.583 người có tiếp xúc gần với những người bị lây nhiễm, và 10.055 người trong số đó đã được dỡ bỏ tình trạng quan sát y tế vào ngày 2/2.

Chuyên gia lãnh đạo chống virus corona Trung Quốc: Dịch đạt đỉnh trong 10-14 ngày, không nhất thiết dùng khẩu trang N95 - Ảnh 3.