Chuyện con sông ở Bến Tre và những người thầm lặng ra tay chống “cát tặc”

Thục Hạnh, Theo Trí Thức Trẻ 07:35 03/04/2019

Sạt lở đất khiến nhiều hộ dân sinh sống ven sông lâm vào cảnh mất đất, mất nhà. Đội phòng chống cát tặc ấp Tân Phú, Tân Bắc ra đời từ đó, như là cách để người dân địa phương cùng nhau giữ gìn mảnh đất, con sông quê hương và loại trừ hành vi phạm pháp.

Trung bình 1 năm khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long mất 300ha đất do sạt lở. Nguyên nhân gây sạt lở là do biến đổi khí hậu làm thay đổi dòng chảy, triều cường, địa chất... Đặc biệt, 1 nguyên nhân lớn khác chính là do khai thác cát trái phép trên sông.

Sạt lở khiến mất đất, mất nhà lại làm phát sinh nhiều tình huống nguy hiểm, những người dân ấp nhỏ Tân Phú, Tân Bắc (Châu Thành, Bến Tre) để bảo vệ chính con sông, mảnh đất quê hương đã cùng nhau thành lập nên Đội phòng chống "cát tặc", ngăn chặn những kẻ khai thác cát trái phép. Từ đó chẳng quản nắng hay mưa, đêm hay ngày, những con người miền Tây thật thà, chất phác cứ thay nhau gìn giữ quê hương mình.

Câu chuyện về những con người thầm lặng bảo vệ quê hương ấy đã tiếp nối Hành trình truyền cảm hứng - WeChoice Awards của chúng tôi ngày hôm nay.

Clip: Chuyện con sông ở Bến Tre nơi người dân ra tay chống “cát tặc”.

Con sông bị đe dọa bởi "cát tặc", nhiều nhà dân dịch chuyển dần vào trong vì sợ rơi xuống sông

Ấp Tân Phú, Tân Bắc, xã Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre được bao bọc bởi 2 con sông lớn là sông Tiền và sông Hàm Luông. Trữ lượng cát lòng sông rất lớn, phù sa phì nhiêu tạo điều kiện cho cây trồng xứ miệt vườn phát triển, thế nhưng cũng lại là lý do rất nhiều đối tượng đã tìm đến đây bơm hút cát trái phép, gây sạt lở bờ sông rất nghiêm trọng.

Chuyện con sông ở Bến Tre và những người thầm lặng ra tay chống “cát tặc” - Ảnh 2.

Bờ sông sạt lở do nạn khai thác cát trái phép.

Chuyện con sông ở Bến Tre và những người thầm lặng ra tay chống “cát tặc” - Ảnh 3.

Nhiều ngôi nhà ven sông sụt lún, hư hỏng.

Chuyện con sông ở Bến Tre và những người thầm lặng ra tay chống “cát tặc” - Ảnh 4.

Các bãi bồi trồng màu cũng sạt lở xuống dòng nước.

Ngồi trên mũi chiếc thuyền chạy dọc theo sông Hàm Luông, ông Trần Hoàng Quân (Tổ phó Tổ 2, Đội phòng chống "cát tặc" ấp Tân Phú) chỉ ra phía xa, nghẹn ngào nhớ về bãi bồi nhiều năm trước còn lấn xa hàng chục mét giờ đã sạt lở sát nhà dân.

"Ngày xưa thời ông cha cái bãi này nó bồi xa dữ lắm, bây giờ nó mới lở như thế chứ ngày xưa nó bồi xa ra kia tới mấy chục mét.

Cuối năm 2017 - đầu năm 2018, tụi khai thác cát trái phép này nó đậu y như chợ nổi Cái Bè, hàng mấy chục chiếc vừa sà lan vừa ghe. 1 cái sà lan cát là 100 khối, 1 lần nó khai thác 10 chiếc là 1000 khối, rồi 1 năm không biết bao nhiêu, đất của bà con nơi đây là sạt lở xuống sông hết" - ông Quân kể lại.

Chuyện con sông ở Bến Tre và những người thầm lặng ra tay chống “cát tặc” - Ảnh 5.

Đất cát mỗi năm sạt lở một nhiều khiến bà con sinh sống ven sông vô cùng lo lắng. Sợ căn nhà chênh vênh mép sông có thể bị sụt lún bất cứ lúc nào, nhiều gia đình cứ một vài năm lại xây nhà dịch vào trong, kinh tế sa sút cũng chỉ vì phải chuyển dịch nhà quá nhiều.

"Lần này nhà tôi dịch vô là lần thứ 3 kìa, lần trước ở đằng kia kìa. Giờ không biết có cần phải vô nữa không, không là rơi xuống sông" - ông Tư Dần ( Tổ viên Tổ 1, Đội phòng chống "cát tặc" ấp Tân Bắc) buồn rầu kể về câu chuyện của gia đình mình.

Chuyện con sông ở Bến Tre và những người thầm lặng ra tay chống “cát tặc” - Ảnh 6.

Đội phòng chống "cát tặc" ra đời - cách bà con nơi miệt vườn bảo vệ con sông và mảnh đất quê hương

Từng khối đất sạt lở xuống sông, sụp đổ theo đó còn là biết bao tài sản, công sức của bà con ấp Tân Phú, Tân Bắc. Quyết tâm giữ lấy mảnh đất và con sông quê hương, Đội phòng chống khai thác cát trái phép ra đời.

"Bà con ở đây mới họp nhau lại, mình ra mình đuổi nó (nhóm "cát tặc" - PV), không thì mình mướn ghe ra chọi đất, chọi đá cho nó chạy. Từ đó mới sinh ra Đội phòng chống khai thác cát trái phép thành lập vào tháng 5/2017" - ông Nguyễn Văn Lai - Tổ trưởng Tổ 1, Đội phòng chống khai thác cát trái phép ấp Tân Bắc chia sẻ.

Chuyện con sông ở Bến Tre và những người thầm lặng ra tay chống “cát tặc” - Ảnh 7.

Từ ngày có Đội phòng chống "cát tặc" ra đời, những thành viên của Đội gồm cả đàn ông, phụ nữ thay phiên nhau ra trông nom phía bờ sông, thấy bóng dáng nhóm khai thác cát trái phép là dùng đất đá, cành cây ném để xua đuổi. Dù cho ghe nhỏ không thể đuổi kịp thuyền máy của những tên "cát tặc", thế nhưng sự xuất hiện của Đội cũng khiến những kẻ vi phạm pháp luật phải dè chừng, khiếp sợ, tình hình khai thác cát trái phép từ đó cũng giảm đi rõ rệt.

Chuyện con sông ở Bến Tre và những người thầm lặng ra tay chống “cát tặc” - Ảnh 8.

Đội phòng chống "cát tặc" đi tuần tra trên sông.

Chuyện con sông ở Bến Tre và những người thầm lặng ra tay chống “cát tặc” - Ảnh 9.

Phát hiện tàu hút cát trái phép sẽ dùng gạch đá, cành cây ném để xua đuổi.

Nhờ tinh thần quả cảm cùng hoạt động hiệu quả, Đội phòng chống khai thác cát trái phép ấp Tân Phú, Tân Bắc vào hồi cuối năm 2018 đã được nhận Giấy khen của Công an huyện Châu Thành (Bến Tre), tuyên dương là mô hình tiêu biểu trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Theo đó, sau hơn 1 năm hoạt động, các tổ của Đội đã tổ chức tuần tra trên sông 214 cuộc; trực tiếp và phối hợp lực lượng công an bắt quả tang 14 tàu bơm hút cát trái phép.

Hành trình truyền cảm hứng - WeChoice Awards do Công ty cổ phần truyền thông VCCorp hợp tác cùng Trung tâm Tin tức VTV24 (Đài Truyền hình Việt Nam) và đơn vị đồng hành triển khai là Công ty cổ phần PSC, sẽ tìm kiếm những nhân vật, những câu chuyện đem đến cho người xem những cảm xúc đầy tích cực. Chương trình được phát sóng lúc 17h35 ngày thứ 4 và Chủ Nhật hằng tuần; phát lại vào thứ 2 và thứ 6 hằng tuần trên kênh VTV1.

Hãy chia sẻ với BTC WeChoice Awards những câu chuyện, những nhân vật truyền cảm hứng cho bạn qua email: truyencamhung@wechoice.vn . Xem thêm thông tin về giải thưởng tại: http://wechoice.vn/.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày