Chuyến bay MH370: Tròn 5 năm từ ngày biến mất và 5 giả thiết đáng sợ được giới chuyên gia tiếp tục giải mã

Đ.L, Theo Helino 00:10 08/03/2019

Nhiều năm sau khi chiếc máy bay chở 239 người đột ngột mất tích, các chuyên gia vẫn không thể khẳng định nó đã đâm xuống chỗ nào và tại sao. Nhưng đến giờ, họ vẫn kiên trì giải mãi dựa theo 5 giả thiết khả dĩ dưới đây.

Ngày 8/3/2014, máy bay số hiệu MH370 của hãng Malaysia Airlines đã rời sân bay quốc tế ở Kuala Lumpur lên đường đến Bắc Kinh. Nhưng nó chưa bao giờ chạm được vạch đích.

40 phút sau khi cất cánh, MH370 chở theo 239 hành khách và phi hành đoàn đột nhiên rẽ hướng, bay chệch về phía nam Ấn Độ Dương.

Sau đó, không ai biết chính xác chuyện gì xảy ra với chiếc máy bay xấu số. Ngay cả những cuộc dò tìm dưới đáy biển tốn kém nhất lịch sử cũng không thể tìm ra dấu vết nào. Đến giờ thứ dễ dàng có được chỉ là hàng loạt giả thiết nối tiếp nhau. Dẫu vậy, nỗi khắc khoải mong chờ của thân nhân và khao khát khám phá bí ẩn của toàn thế giới đã khiến cho suốt 5 năm nay, chiếc máy bay chưa bao giờ bị lãng quên.

Chuyến bay MH370: Tròn 5 năm từ ngày biến mất và 5 giả thiết đáng sợ được giới chuyên gia tiếp tục giải mã - Ảnh 1.

Nhiều người kí tên trên tấm bảng có hình vẽ máy bay MH370 và dòng chữ "KHÔNG TỪ BỎ" (Ảnh: EPA)

2014: Giả thiết máy bay đã hướng về phía bắc, vào trong đất liền

Ngay sau sự kiện mất tích gây chấn động cả thế giới, một giả thiết sớm xuất hiện là MH370 được điều khiển về phía bắc, hướng đến Trung Á. Ban đầu, người ta không có đủ bằng chứng phản bác giả thiết này, do máy bay đã tắt thiết bị chuyển tiếp tín hiệu (transponder) sau 40 phút kể từ khi cất cánh. Tuy vậy, về sau các nhà điều tra dựa vào radar quân đội để theo dõi hành trình bay chính xác hơn.

Thông tin chính thức công bố rằng MH370 bắt đầu bay theo hướng đông bắc đến Bắc Kinh, sau đó đột ngột quay đầu về hướng tây nam, rồi lại chuyển sang hướng tây bắc về phía Ấn Độ. Nhưng cũng chỉ tới đó, radar không thể theo dấu tiếp.

Giới chức lại thông qua dữ liệu vệ tinh để kiểm tra hành trình của MH370. Dữ liệu vệ tinh không thể chỉ ra chính xác vị trí máy bay, mà nó chỉ xác định phạm vi bay trong một vòng tròn, mà bản thân vệ tinh chính là tâm của đường tròn.

Chuyến bay MH370: Tròn 5 năm từ ngày biến mất và 5 giả thiết đáng sợ được giới chuyên gia tiếp tục giải mã - Ảnh 2.

Đường bay khả dĩ của MH370 sau khi mất tín hiệu (Đồ họa: The Guardian)

Kết quả cho thấy, MH370 dần dần bay xa ra khỏi vệ tinh (tâm điểm). Nhưng cũng không thể nói nó bay theo hướng nam xuống vùng biển gần nước Úc, hay là bay về hướng bắc vào sâu lục địa Á châu.

Kế đó, giả thiết máy bay hướng về đất liền bị bác bỏ bởi công ty Inmarsat - đơn vị sở hữu vệ tinh. Hơn nữa vào năm 2015, người ta phát hiện một số mảnh vỡ nghi của máy bay ở bờ biển châu Phi, càng củng cố giả thiết máy bay đã hướng về biển. Tin tức này đánh động các nhà điều tra rằng họ đang phải đối mặt với một sứ mệnh vô cùng khó khăn, khi việc tìm ra máy bay giữa đại dương chẳng khác gì "mò kim đáy biển".

Kết luận: Giả thiết năm 2014 bị bác bỏ thẳng thừng.

2015: Giả thiết máy bay thiếu oxy, hành khách bất tỉnh, MH370 tiếp tục bay một quãng rồi lao xuống biển Tây Úc

Lại nói về manh mối những mảnh vỡ bị sóng đánh dạt vào bờ biển châu Phi năm 2015. Nó nói lên điều gì?

Thứ nhất, chiếc máy bay đã không còn nguyên vẹn. Thứ hai, dựa trên việc mô phỏng dòng chảy, nhà điều tra cho rằng MH370 có thể đâm xuống Ấn Độ Dương tại vị trí gần Tây Úc, sau đó dòng chảy đưa mảnh vỡ trôi đến châu Phi vào một năm sau (2015).

Liệu có khả năng MH370 đâm xuống biển châu Phi? Không thể nào, giới chức khẳng định. Bởi dữ liệu vệ tinh cho thấy máy bay đã chếch xuống phía nam Ấn Độ Dương.

Chuyến bay MH370: Tròn 5 năm từ ngày biến mất và 5 giả thiết đáng sợ được giới chuyên gia tiếp tục giải mã - Ảnh 4.

Mảnh vỡ được tìm thấy trên bờ biển châu Phi năm 2015 (Ảnh: EPA)

Tạm gác lại câu hỏi máy bay đã đi về phía nào và rơi xuống ở đâu, người ta lại tiếp tục thắc mắc: Vì sao? Chuyện gì đã xảy ra bên trong buồng lái?

Các chuyên gia liệt kê nhiều khả năng có thể xảy ra: cháy, sự cố đột ngột do con người, một bộ phận ngưng hoạt động... Rất nhiều điều có thể khiến cho phi hành đoàn phải lái máy bay sang hướng khác nhằm tìm phương án hạ cánh khẩn cấp.

Càng bàn luận nhiều, người ta dần đi đến 1 giả thiết gây sốc: một sự cố đã khiến toàn bộ khoang máy bay thiếu oxy, "hạ gục" phi hành đoàn và hành khách trước khi họ nhận ra chiếc máy bay sẽ lao xuống biển. Đáng nói là trong lúc mọi người bất tỉnh, MH370 vẫn bay trên bầu trời một quãng ngắn nhờ chế độ tự lái, cho đến khi nó hết nhiên liệu và đâm thẳng xuống Ấn Độ Dương.

Giả thiết trên - bao gồm việc cho rằng cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah bất tỉnh từ phút thứ 40 đến phút cuối cùng trên chuyến bay định mệnh - vẫn chưa hề bị bác bỏ. Chính phủ Malaysia và Ủy ban An toàn Giao thông Úc (ATSB) tuyên bố họ giữ quan điểm này cho đến khi có bằng chứng mới.

Kết luận: Giả thiết năm 2015 vẫn trụ vững.

2016: Nghi ngờ cơ trưởng chủ ý khiến máy bay mất tích

Vào năm này, các nhà điều tra Mỹ và cơ quan ATSB của Úc bất ngờ phát hiện một tài liệu tại nhà riêng cơ trưởng Zaharie. Đó là bản mô phỏng lộ trình bay tiến về Ấn Độ Dương, tương tự như hành trình mà giới chức tin MH370 đã thực hiện vào ngày định mệnh.

Nhưng sau đó, ATSB đã lập tức phủ nhận vị cơ trưởng làm chệch hướng bay để tự sát cùng với toàn bộ hành khách trên MH370.

Chuyến bay MH370: Tròn 5 năm từ ngày biến mất và 5 giả thiết đáng sợ được giới chuyên gia tiếp tục giải mã - Ảnh 6.

Cơ trưởng Zaharie

Nói về bản mô phỏng, đến giờ vẫn chưa công bố là ai vẽ nên nó.

Gia đình cơ trưởng Zaharie cho biết ông sống một cuộc đời tràn ngập yêu thương, hồ sơ "sạch" và không thể có khả năng nảy sinh ý định điều khiến máy bay lao xuống biển.

Từ năm 2016 khi tin đồn về cơ trưởng bắt đầu xuất hiện, chính phủ Malaysia nhiều lần lên tiếng phủ nhận. Thay vào đó, họ tái khẳng định sẽ điều tra theo giả thiết của một năm trước, rằng Zaharie cũng bất tỉnh và là 1 trong những nạn nhân bất hạnh của thảm kịch.

Kết luận: Giả thiết năm 2016 chưa bao giờ được các nguồn chính thức thừa nhận.

2017: Giới chức Úc nói máy bay rơi trong "khu vực ưu tiên" rộng 25.000 km vuông

Chỉ đến năm 2017, cơ quan ATSB mới lần đầu công bố 1 bản báo cáo dễ hiểu về toàn cảnh vụ máy bay mất tích. Theo đó, chính phủ Úc nói họ đã không ngừng tìm kiếm suốt từ năm 2014 trên phạm vi 120.000 km vuông.

Sau cùng, họ vẫn không thể tìm thấy (xác) máy bay, nhưng đi đến 2 phát hiện mới.

Chuyến bay MH370: Tròn 5 năm từ ngày biến mất và 5 giả thiết đáng sợ được giới chuyên gia tiếp tục giải mã - Ảnh 8.

Thứ nhất, có thêm bằng chứng để củng cố giả thiết năm 2015 - cơ trưởng đã lái "máy bay ma" trước khi đâm xuống đại dương. Giới chức Úc cho rằng máy bay có dấu hiệu "hạ thấp độ cao với biên độ lớn và ngày càng tăng theo chiều hướng lao xuống biển".

Thứ hai, cơ quan chính phủ Úc cho rằng máy bay đã rơi ở vùng mà họ gọi là "khu vực ưu tiên" (priority zone). Xét thấy máy bay đã biến mất 3 năm, việc người Úc đề xuất khu vực có diện tích nhỏ hơn này có thể là một bước đột phá. Nó nằm ngay phía bắc so với phạm vi mà chuyên gia Úc đã lùng sục thất bại từ năm 2014 - 2017.

Kết luận: Giả thiết mới thắp lên hi vọng nhưng bị dập tắt vào năm 2018.

2018: MH370 không phải "lao xuống" mà đã "trượt xuống" đại dương

Cuộc tìm kiếm năm 2018 bắt đầu với "khu vực ưu tiên" mà người Úc đề xuất nhưng vẫn không có phát hiện chấn động nào.

Công ty Ocean Infinity của Mỹ lùng sục khu vực 25.000 km vuông suốt nhiều tháng trời, đem về tổng số phát hiện bằng 0, và họ đã làm việc "không công", không lấy 1 đồng thù lao nào. Họ thậm chí nỗ lực tiến sâu hơn về phía bắc "khu vực ưu tiên" nhưng vẫn hoài công.

Thất bại năm thứ 4 khiến người ta nghi ngờ mọi giả thiết từng đặt ra. Các giả thiết "điên rồ" hơn xuất hiện.

Chuyến bay MH370: Tròn 5 năm từ ngày biến mất và 5 giả thiết đáng sợ được giới chuyên gia tiếp tục giải mã - Ảnh 10.

Cựu phi công Simon Hardy cho rằng, cơ trưởng Zaharie đã kịp thời nhận ra máy bay gặp sự cố. Ông không bị thiếu oxy dẫn đến bất tỉnh như giả thiết ban đầu mà tiếp tục cầm cự cho đến lúc vô vọng.

Nếu đúng vậy, máy bay sẽ không đâm sầm xuống biến mà "trượt dài" cho đến khi hết nhiên liệu, quãng đường này có thể dài hơn 200 km so với tưởng tượng ban đầu. Nghĩa là, phạm vi tìm kiếm phải là một đường tròn có bán kính rộng hơn 200 km so với hiện tại. Điều này giải thích vì sao MH370 vẫn chưa được tìm ra.

Bất chấp những luận điểm trên, cơ quan ATSB của Úc lạnh lùng phản bác, dẫn về bằng chứng họ đưa ra năm 2017, rằng trong những khoảnh khắc cuối cùng máy bay đã "hạ thấp độ cao với biên độ lớn và ngày càng tăng theo chiều hướng lao xuống biển".

Cuộc tìm kiếm của Ocean Infinity tạm dừng.

Kết luận: Giả thiết năm 2018 cũng bị bác bỏ.

2019: Bí ẩn chưa được giải mã

5 năm sau khi MH370 biến mất, tổng diện tích tìm kiếm tổng cộng lên tới 200.000 km vuông trên biển nhưng không có bước đột phá nào. Không có bằng chứng đủ thuyết phục để biết vị trí rơi, và càng khó để khẳng định điều gì dẫn đến thảm kịch.

Dù vậy, đầu năm 2019, Bộ trưởng Bộ Giao thông Malaysia - Anthony Loke nói rằng ông sẽ mở lại cuộc tìm kiếm sau khi nhận được lời đề nghị của công ty Ocean Infinity. Họ đã khổ sở đưa ra quyết định ngưng tìm kiếm vào năm ngoái, nhưng giờ đây sẵn sàng để nối lại chiến dịch.

Chuyến bay MH370: Tròn 5 năm từ ngày biến mất và 5 giả thiết đáng sợ được giới chuyên gia tiếp tục giải mã - Ảnh 12.

8/3/2014 - 8/3/2019: Năm năm đã trôi qua nhưng đến giờ, MH370 vẫn là một trong những bí ẩn lớn nhất trong lịch sử hàng không thế giới...

(Theo The Guardian)