Chứng trầm cảm của bạn trai tôi khiến tôi hoài nghi về tương lai của chính mình

Agent.P | Design: Nhật Ánh, Theo Trí Thức Trẻ 08:42 02/04/2019

Đây là một lá thư được gửi tới nhà trị liệu tâm lý. Người viết có bạn trai bị trầm cảm, và thông qua bài viết, có lẽ bạn sẽ hiểu được phần nào cách chung sống với người mắc bệnh trầm cảm.

Thưa bác sỹ,

Tôi và bạn trai mình đều đang ở ngưỡng tuổi chớm đôi mươi. Chúng tôi vừa mới chuyển vào ở với nhau sau 4 năm yêu xa. Tôi vẫn luôn biết là anh bị trầm cảm, và anh đang cố hết sức để chiến đấu với căn bệnh tâm lý đó. Ngoài ra, anh còn mắc chứng rối loạn phát triển nhẹ. 

Dạo này tình trạng trầm cảm của anh trở nên khá xấu. Và bởi đây cũng là lần đầu tôi tiếp xúc trực tiếp với anh khi anh rơi vào trạng thái tâm lý tồi tệ này. Tôi bỡ ngỡ, vụng về vô cùng. Việc giao tiếp với anh giống như đi chân trần trên con đường đầy vỏ trứng. Chỉ một câu lỡ miệng thôi, tôi có thể khiến anh gục ngã hoàn toàn. Tôi không thể hỏi han anh quá mức, cũng chẳng dám nhờ cậy anh giúp đỡ việc trong nhà. Chúng tôi gần như chẳng bao giờ có được một cuộc hội thoại tử tế. Tôi cảm thấy cô đơn vô cùng. 

Tôi yêu anh, yêu rất nhiều. Thậm chí tôi đã lên kế hoạch dành hết phần đời còn lại của mình bên anh. Nhưng tôi không biết phải xoay sở với tình trạng bấp bênh cảm xúc của anh như thế nào. Anh cũng đề nghị giúp đỡ tôi đấy, nhưng anh từ chối việc thăm khám bác sỹ tâm lý, hay các biện pháp để cải thiện tình hình. Tôi cảm thấy lo sợ. Cái ngày mà tôi trở thành vợ của anh cũng sẽ là ngày mà tôi đặt chân lên chuyến tàu lượn siêu tốc mang tên "cảm xúc". Không bao giờ có quãng ổn định, lên xuống thất thường, và bạn không bao giờ biết nó sẽ lao xuống lúc nào.

Tôi muốn anh phải sống ổn hơn. Và tôi muốn chúng tôi ổn hơn. 

Chứng trầm cảm của bạn trai tôi khiến tôi hoài nghi về tương lai của chính mình - Ảnh 1.

Khi anh không rơi vào trạng thái tồi tệ ấy, anh thể hiện mình là một người có gu hài hước tinh tế, biết yêu thương và vô cùng vui vẻ. Dường như chính tôi là người đã khiến anh trầm cảm khi kéo anh ra khỏi ngôi nhà an toàn để chuyển tới sống cùng tôi. Tôi sợ rằng một ngày nào đó, anh cũng sẽ đi đến kết luận tương tự như tôi đã từng nghĩ, và rời bỏ tôi. 4 năm qua, chúng tôi sống cách nhau chỉ 2 tiếng lái xe. Tôi kiếm được một công việc ở tiểu bang khác. Chính anh là người động viên tôi nhận công việc ấy, rồi cũng chính anh đã quyết định đến ở cùng tôi - bỏ lại gia đình, bạn bè và vùng an toàn của chính anh. 

Mỗi lần tôi và anh tâm sự, tôi đều hỏi anh liệu anh có hối hận khi theo tôi đến đây, câu trả lời mà tôi nhận được luôn là: "Anh đến đây vì em, và anh sẽ không trở về nhà cho đến khi chúng ta sẵn sàng về chung với nhau".

Thú thực, câu trả lời này khiến tôi cảm thấy bị áp lực. Tôi yêu công việc của tôi, đây là một cơ hội tuyệt vời dành cho tôi, nhưng tôi cũng yêu anh, yêu anh nhiều hơn cả cách mà tôi yêu công việc này. Tôi bị giằng xé bởi suy nghĩ nên về nhà để anh được hạnh phúc hay để anh trở về một mình vì cơ hội sự nghiệp tuyệt vời này. 

Tôi hiểu rằng tôi không thể làm gì để khắc phục chứng trầm cảm của anh. Tôi muốn ở bên anh nhưng tôi không thể hy sinh bản thân mình chỉ vì căn bệnh của anh. Tôi cần người bạn trai trước đây của tôi trở lại. 

Làm ơn hãy giúp đỡ tôi.

Maggie.

Chứng trầm cảm của bạn trai tôi khiến tôi hoài nghi về tương lai của chính mình - Ảnh 2.

***

Gửi Maggie, 

Tôi hoàn toàn hiểu ý cô khi cô nói rằng cô cần người bạn trai của cô trở lại. Nhưng tôi nghĩ rằng cô nên hiểu, bạn trai của cô chưa đi đâu cả. Anh ta vẫn ở đó, vẫn là người đàn ông mà cô biết từ trước tới giờ - "khôi hài, biết yêu thương, vui vẻ" - và vẫn đang chật vật chống lại chứng trầm cảm lẫn hội chứng Asperger. (Người mắc hội chứng Asperger trải qua các cảm giác giống người bị trầm cảm do họ luôn cảm thấy bản thân bị cô lập).

Tuy nhiên tin tốt ở đây là các bạn đã chuyển đến sống cùng nhau. Maggie, cô sẽ hiểu bạn trai của mình hơn nhiều so với việc cứ mãi trong mối quan hệ yêu xa trước đây. Cô sẽ có cái nhìn bao quát hơn về đối phương bằng cách thức dậy cùng nhau ngày qua ngày, cùng nhau ngồi trong phòng khách. Chính những điều này sẽ thúc đẩy hai người có với nhau những câu chuyện chung, và cô, hay bạn trai cô, cũng sẽ dần biết cách có với nhau những khoảnh khắc của-hai-người, chứ không chỉ đơn giản theo khía cạnh từ cô, hay từ anh ấy.

Chúng ta có nhiều cách để giúp đỡ bạn đời mình khi họ đang trải qua căn bệnh trầm cảm. Nhưng trước đó, tôi vẫn cần phải nhắc nhở hai bạn rằng hai bạn vẫn còn rất trẻ. Tình yêu giữa hai người là khá nhiều, tuy nhiên trong một số hoàn cảnh, dù rất yêu nhau nhưng chúng ta lại chẳng thể đến với nhau. Bạn trai cô có thể không hoàn toàn muốn sống ở Florida với cô. Hoặc bản thân cô, chính cô cũng có thể không muốn hành hạ bản thân bằng cách bước lên chuyến tàu lượn siêu tốc mà cô gọi là "cảm xúc" ấy. 

Trầm cảm đúng là một con tàu lượn siêu tốc, nó đi đấy, rồi sau một quãng lên xuống thất thường, nó vẫn trở lại, tạo thành vòng lặp liên tục. Việc hiểu được cơ chế quay lại của trầm cảm sẽ khiến cô biết cách để giúp đỡ bạn trai mình lúc này. Hãy coi việc cô đối phó với sự trầm cảm của bạn trai lúc này là một vòng "chạy thử", để từ đó cô nắm lấy cơ hội này để hiểu anh ấy hơn, hiểu bản thân cô hơn, và xoay sở với những thách thức chung trong tương lai. 

Chứng trầm cảm của bạn trai tôi khiến tôi hoài nghi về tương lai của chính mình - Ảnh 3.

Trầm cảm cũng như các bệnh lý khác, vẫn nằm trong vòng kiểm soát được. Nhưng người mắc chứng trầm cảm sẽ phải sống chung với căn bệnh ấy cả đời. Điều này nghĩa là bản thân cô cũng sẽ phải "sống chung với lũ" cả đời thôi. Chung sống với chứng tâm lý của bạn trai không có nghĩa là cô buộc phải hy sinh cuộc đời mình, chỉ có cái là cô buộc phải chỉnh lại nhận thức của cô, coi trầm cảm là một phần cuộc sống của cả hai người. Hãy cân nhắc kỹ, liệu cô có muốn sống một cuộc đời phải đuổi bắt cảm xúc của bạn trai mãi hay không. Từ đó, tôi nghĩ bản thân cô sẽ có cho mình lựa chọn sáng suốt nhất.

Vấn đề đầu tiên, bạn trai cô không muốn cải thiện tình hình trầm cảm. Đây là điều bình thường. Dược phẩm hỗ trợ trầm cảm có tác dụng khá tốt, tuy nhiên để tìm ra phác đồ trị liệu chuẩn cho bệnh nhân cần nhiều phép thử. Đương nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng thành công ngay lần đầu sử dụng thuốc, phải có những lần thất bại, và kể cả khi chúng ta sử dụng đúng loại thuốc cũng phải cần thời gian để thuốc có tác dụng. Tác dụng phụ mà thuốc đem đến cũng không phải dễ chịu. Rất nhiều người đã bỏ cuộc, đơn giản họ nghĩ rằng chẳng thứ gì có thể giúp đỡ được tình trạng của họ. 

Tôi khuyến khích cô nên tìm hiểu kỹ về lý do mà bạn trai cô từ chối việc điều trị. Nếu như anh ấy không chịu chia sẻ (một biểu hiện của trầm cảm chính là rơi vào trạng thái buồn vô tận, một biểu hiện khác là giận dữ không kiểm soát), hãy vuốt ve anh ấy, nói với anh ta rằng cô yêu anh ta đến nhường nào, cô không muốn anh ta phải chịu đựng cảm giác đau khổ như lúc này. 

Sau đó, hãy khuyến khích anh ta đến gặp một bác sỹ tâm thần để được kê thuốc, hoặc một nhà trị liệu tâm lý để hỗ trợ anh về mặt cảm xúc. Dù khó khăn ở đây là anh ta còn mắc thêm chứng Asperger khiến anh ta khó có thể mở lòng trò chuyện với người lạ. Một cách khác nữa là hãy đưa anh đến gặp một nhà trị liệu tâm lý hành vi - nhận thức. Người trầm cảm thường có những nhận thức sai lầm về bản thân, đại loại như "Tôi chẳng làm nổi cái gì", "Tôi không xứng đáng được yêu" hay "Tôi sẽ chẳng bao giờ cảm thấy hạnh phúc nữa". 

Tôi cũng khuyên cô nên gặp các nhà trị liệu cặp đôi. Hai người sẽ hiểu hơn về cách kiểm soát tình hình như một team đích thực. Bởi không chỉ bạn trai cô cảm thấy khổ sở khi bị trầm cảm, bản thân cô cũng phải đối phó với luồng năng lượng tiêu cực khi bạn trai cô rơi vào trạng thái u uất. Hãy nhớ rằng, bạn trai cô đã chuyển đến ở với cô, không còn người thân ở đó hỗ trợ anh những lúc anh cần. Một nhà trị liệu có thể giúp cả hai người trò chuyện về những thay đổi lớn đang diễn ra, các ảnh hưởng của nó đến tâm lý của cả hai. Bất kỳ con đường nào mà hai bạn đang tiến tới, hãy luôn chắc chắn rằng luôn có người đủ chuyên môn đủ khả năng theo dõi chứng trầm cảm của bạn trai cô và khiến anh ta quên đi những ý nghĩ tự sát. 

Chứng trầm cảm của bạn trai tôi khiến tôi hoài nghi về tương lai của chính mình - Ảnh 4.

Cô cũng có thể giúp đỡ bạn trai cô bằng cách không được lơ là việc chăm sóc bản thân, cho cả cô và cho cả anh ấy. Bằng cách hướng dẫn bạn trai cô trong các hoạt động sinh hoạt thường nhật (tập thể dục, ra ngoài hóng nắng, ăn uống khoẻ mạnh, liên lạc với người thân, bạn bè). Tuy nhiên, cô không thể là nhà tâm lý trị liệu cho anh ta được. Chỉ cần đừng chấp anh ấy quá. Cô cũng nên phân chia việc nhà ưu tiên anh ấy một chút, cho anh ấy làm những việc dễ dễ thôi. 

Ví dụ, khi anh ta không khoẻ thì việc lau nhà hay lau rửa bàn ghế cũng trở nên khá khó khăn. Tuy nhiên anh ấy có thể đi mua thức ăn, hoặc đi lấy đồ giặt là (việc này khiến anh ta phải ra khỏi nhà, khá tốt cho việc điều trị trầm cảm của anh ấy).

Cuối cùng, luôn nhớ rằng cô không phải làm điều này một mình. Cô có thể nhờ gia đình, bạn bè của anh ta trợ giúp một phần. Họ cũng quan tâm đến bạn trai cô nhiều như cách mà cô yêu anh ấy, thậm chí họ còn có nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc anh ấy vì rõ ràng, họ từng ở bên anh ta nhiều hơn trước khi cô tới. 

Được yêu nhưng lại chẳng làm được gì cho người yêu mình không phải một chuyện dễ để chấp nhận. Người bị trầm cảm đối với người yêu mình luôn có một sự mặc cảm nhất định, và chính cảm giác này sẽ dễ dàng dẫn đến hành vi giận dữ, hoặc rất có thể, là sự chạy trốn khỏi tất cả những gì mình đang có. 

Đây là khoảng thời gian để cô cân bằng lại mọi thứ, nếu như bạn trai của cô sẵn sàng nhận sự trợ giúp, hãy trợ giúp anh ấy thật nhiệt tình, đồng thời nhớ chăm sóc thật tốt cho bản thân. Rồi chính hai bạn sẽ nhận được những trải nghiệm vô giá cho quãng đường sắp tới khi sống cùng nhau. 

Chứng trầm cảm của bạn trai tôi khiến tôi hoài nghi về tương lai của chính mình - Ảnh 5.