Chứng hoang tưởng của Arsene Wenger

Dương Quảng, Theo Trí Thức Trẻ 08:08 17/09/2017

Arsenal gặp Chelsea trong hoàn cảnh tương quan phong độ của hai đội đã xuất hiện độ vênh lớn đến nỗi, hệ thống dự báo SPI của ESPN dự đoán khả năng có điểm của thầy trò Wenger chỉ là… 11,5%. Một con số đáng báo động thực sự.

Wenger có lẽ là trường hợp độc nhất vô nhị trong lịch sử bóng đá hiện đại. Vị thế của ông chỉ thua kém Sir Alex chút đỉnh nhưng bề dày thành tích chỉ ngang bằng một HLV hạng trung. Wenger được gọi là "giáo sư" nhờ bộ não thông thái và tài thao lược bẩm sinh nhưng ít chiến lược gia nào dễ đoán và ngây thơ như ông. Wenger trị vì ở Bắc London suốt hai thập kỷ dù số lần bị cả thế giới ngoảnh mặt nhiều không đếm xuể.

Chứng hoang tưởng của Arsene Wenger - Ảnh 1.

Wenger đã ở đâu trong những ngày Arsenal chết đi rồi sống lại? Rốt cuộc, ông có công hay mắc tội với các Gunner? Wenger đáng trách trước những kết quả tệ hại của Arsenal hơn thập kỷ qua nhưng cũng đáng khen cho nỗ lực đưa Arsenal thành một thương hiệu toàn cầu.

Giống Van Gaal, Wenger mang tư tưởng độc tài. Tuy nhiên, mục đích đến với bóng đá của Wenger khác xa cựu HLV của Man Utd. Năm 2007, trả lời phỏng vấn tờ L’Equipe, Wenger bảo "Kết quả quan trọng nhưng thỏa mãn khán giả quan trọng hơn".

Chuyện này nghe hoang đường. Chẳng ai đi làm để chiều lòng những người không trực tiếp trả lương cho mình. Nhưng hãy nhớ rằng, Wenger sinh ra trong thời đại loạn lạc. Gia đình ông ngụ ở Strasbourg, sát vùng biên giới Pháp - Đức.

Chứng hoang tưởng của Arsene Wenger - Ảnh 2.

Lúc Wenger lọt lòng, bố ông đang phục vụ quân đội tham gia thế chiến hai. Năm 7 tuổi, Wenger bị đám con nít trong vùng tẩy chay vì ông ăn kem - thứ quà đắt đỏ ngày ấy. Cảnh bom đạn và những mảnh đời bất hạnh bao trùm tuổi thơ của Wenger. Vì thế, ông rất nhạy cảm.

Wenger chú tâm vào cảm xúc hay các yếu tố cử chỉ, hành vi của con người. Ông quan niệm bảng tỷ số hay kỷ niệm chương là những vật vô tri vô giác. Con người tạo ra chúng. Bởi con người là trung tâm của vạn vật nên lý tưởng cao đẹp phải hướng tới con người.

Hậu chiến tranh, đống đồ nghề lính Đức bỏ lại được bố ông tận dụng, cơi nới thành cửa hàng sửa ô tô. Tranh thủ diện tích, họ mở thêm quán rượu cóc vào buổi tối. Chiếc tivi đen trắng thửa lại trên chiến trường phục vụ nhu cầu xem bóng đá của thượng khách.

Chứng hoang tưởng của Arsene Wenger - Ảnh 3.

Đội bóng Wenger thần tượng thuở nhỏ là M’Gladbach. Thực ra, ông mến mộ Gladbach phần nhiều vì cảnh quan hùng vĩ trên các khán đài. Thật khó để chàng thanh niên mới hiểu nổi tại sao người ta lại vô tư thưởng thức bóng đá trong bối cảnh tàn dư chiến tranh để lại còn quá nặng nề. Nhiều năm liền, Wenger yêu bóng đá vì vẻ đẹp thuần khiết của môn thể thao vua, vì những gì ông cảm nhận từ Gladbach.

Đầu thập niên 60, bóng đá Anh du nhập vào Pháp. Chung kết FA Cup 1961 giữa Tottenham và Leicester là lần đầu tiên, quán rượu nhà Wenger tràn ngập khách nước ngoài. "Gà trống" thắng 2-0 và ngay lập tức, chai lọ bay tứ tung. CĐV hai đội lao vào đánh nhau. Ngồi kế bên, cậu bé 11 tuổi nghĩ thầm: "Xem bóng đá để vui mà phải căng thẳng thế sao?".

Wenger xin bố mua đầu đọc băng. Ông bắt đầu theo dõi bóng đá theo cách chẳng giống ai. Wenger dành hàng giờ đồng hồ tua lại băng hình, nghiên cứu kỹ lượng phản ứng của khán giả trong các pha bóng khác nhau. Thậm chí, Wenger đối chiếu từng biểu cảm với tỷ lệ cược trực tuyến trên truyền hình do lo ngại bóng đá không "đẹp" như ông nghĩ. Wenger tìm hiểu khán giả thích gì, ghét gì, vì sao buồn, vì sao vui, từ đó rút ra triết lý "quái gở". Với ông, đội thắng mà khán giả buồn ngủ chẳng khác nào thất bại.

Chứng hoang tưởng của Arsene Wenger - Ảnh 4.

Giai đoạn đầu ở Arsenal, Wenger thực hiện hàng loạt cải cách ở cấp vĩ mô, gạt bỏ tiềm thức bóng dài xấu xí trong tư tưởng cầu thủ. Arsenal của Wenger lĩnh xướng trào lưu bóng ngắn, ưu tiên phối hợp. Đấy chính là mục đích sau cuối của Wenger.

Ban đầu, ông chỉ hy vọng Arsenal sẽ từng bước thay đổi quan niệm thưởng thức bóng đá của Anh, biến bóng đá thành môn nghệ thuật nức lòng người xem. Thật ngạc nhiên, thay đổi ấy vượt quá trí tưởng tượng của Wenger. Nhắc tới Arsenal, NHM sẽ biết "À, đấy là đội đá đẹp nhất châu Âu, thua mỗi Barca thôi". Nhắc tới Arsenal, NHM sẽ biết "Nhà vô địch bất khả chiến bại 2003/04". Ai đó đã nói rằng, người làm công việc yêu thích lại kiếm ra tiền là kẻ hạnh phúc nhất. Wenger đã từng như thế.

Sau đỉnh cao ấy, Arsenal tiếp tục bám sát sợi chỉ đỏ Wenger vạch sẵn. Nhưng phần còn lại của Premier League không ngừng vận động. Các CLB thay đổi từng ngày, từng giờ. Phản công, kiểm soát bóng, 4-2-3-1, tiền đạo ảo – tất tần tật điểm nhấn chiến thuật đáng chú ý được phô diễn ở xứ sương mù. Trong khi đó, Arsenal và Wenger vẫn bước vào sàn đấu với con người ấy, triết lý ấy, cách tiếp cận ấy. 13 năm trước, Arsenal thổi luồng gió lạ vào giải Ngoại hạng nhưng 13 năm sau, họ mới là tập thể cần luồng sinh khí mới.

Chứng hoang tưởng của Arsene Wenger - Ảnh 5.

Arsenal sa sút nhưng thứ bóng đá vị nghệ thuật của Wenger không mai một. Trái lại, nó phát triển âm ỉ, bảo đảm chỗ đứng cho Arsenal và giữ NHM ở lại bên họ. Nếu phải tìm một lý do giúp Arsenal duy trì lượng fan đông đảo bất chấp thành tích yếu kém, đấy chắc chắn là lối chơi hoa mỹ.

Trong mắt giới chuyên gia, Wenger là kẻ thua cuộc. Nhưng cá nhân ông coi thất bại ấy là vĩ đại, vì nó làm đòn bẩy cho lý tưởng của Wenger. Danh hiệu và các kết quả tích cực xuyên suốt chưa bao giờ là thước đo công danh mà Wenger hướng tới. Chỉ khi nào khán giả ngừng mỉm cười, Wenger mới thật sự gục ngã.

Chứng hoang tưởng của Arsene Wenger - Ảnh 6.

Và vì vậy, ngay cả khi có thua Chelsea tối nay trong trận đấu thuộc khuôn khổ vòng 5 Premier League, Wenger vẫn ung dung… kê cao gối ngủ.