Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội: "Thực phẩm bẩn đang tuồn vào cả những siêu thị uy tín"

Thu Hường, Theo Trí Thức Trẻ 23:22 04/05/2016

Không chỉ khẳng định rau xanh mất an toàn, phát biểu tại buổi tọa đàm "Doanh nghiệp phải làm gì trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn", ông Vũ Vinh Phú (Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội) còn khẳng định, thực phẩm bẩn đang tuồn vào cả những siêu thị uy tín, trở thành quốc nạn, nguyên nhân gây bệnh tật, nhất là ung thư.

Thực phẩm bẩn tuồn vào siêu thị uy tín

Liên tiếp gần đây, nhiều vụ việc liên quan đến quy trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn đang khiến nhiều người cảm thấy rất hoang mang. Những thực phẩm thiết yếu hàng ngày như rau, củ, thịt, cá hay ngay cả dầu ăn, nước mắm... tất cả đều có nguy cơ nhiễm bẩn.

Trao đổi về vấn đề này, tại buổi tọa đàm trực tuyến "Doanh nghiệp phải làm gì trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn" do báo Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức, ông Vũ Vinh Phú (Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội) khẳng định nhiều rau xanh hiện nay đang mất an toàn.

Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội: Thực phẩm bẩn đang tuồn vào cả những siêu thị uy tín - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Theo phân tích của ông Lê Văn Hưng – Chuyên gia cao cấp – Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam, để phân biệt thực phẩm bẩn, cần dựa vào 4 tiêu chí. Thứ nhất là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc kháng sinh và chất phụ gia được phép hay là bị cấm. Thứ hai là kim loại nặng; thứ ba là số lượng vi sinh vật gây hại có trong hoa quả, thực phẩm và thứ tư là hàm lượng Nitrat (NO3) trong hoa quả.

Căn cứ vào các tiêu chí này, ông Phú cho rằng, rau xanh hiện nay bẩn vì không kể đến việc sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật mà ngay cả nguồn đất, nước để trồng rau cũng bị ô nhiễm bởi các loại rác, chất thải độc hại.

Vị Chủ tịch này còn khẳng định, thực phẩm bẩn đang trở thành quốc nạn. Chúng không chỉ xuất hiện ở chợ mà còn đi vào cả các siêu thị uy tín – nơi mà rất đông người tiêu dùng gửi gắm niềm tin.

Theo ông Phú, người tiêu dùng hiện nay đang lạc vào ma trận hàng hóa và không thể phân biệt đâu là thực phẩm bẩn, đâu là thực phẩm an toàn.

"Họ đang thiếu phương tiện kỹ thuật trong tay. Các công cụ que thử, máy sục ozone đều không thể chỉ ra chính xác thực phẩm bẩn và người tiêu dùng thì không thể chỉ dùng mắt thường mà biết được".

Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội: Thực phẩm bẩn đang tuồn vào cả những siêu thị uy tín - Ảnh 2.

Ông Vương Vinh Phú.

Ông Phú cho rằng, sản xuất và kinh doanh thực phẩm bẩn phải được xem là một tội ác. Vì các loại hóa chất độc hại có trong lương thực, thực phẩm cũng đã gây nên nhiều loại bệnh trong đó có bệnh ung thư với trung bình mỗi năm có ít nhất 125.000 trường hợp mắc mới. Số người chết hàng năm do ung thư lên tới 82.000, chiếm 73,5% của tổng số người bệnh.

Theo ông Phú, nhà nước cần có cách quản lý chặt chẽ, khoa học hơn vì nếu chỉ lo chạy theo những vấn đề phát sinh thì e rằng, 8-10 năm nữa nhìn lại, Việt Nam vẫn ngập chìm trong vấn nạn thực phẩm bẩn.

Thực phẩm bẩn do đất trồng, nguồn nước và không khí ô nhiễm

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Mỹ (Giám đốc công ty quan trắc tự động hóa) cho rằng, thực phẩm bẩn, lỗi nhiều khi không phải do người sản xuất, kinh doanh.

Bà Mỹ phân tích, đã có nhiều thực phẩm từ Việt Nam xuất khẩu đi thị trường EU, Nhật Bản bị trả lại vì mất an toàn. Ngoài việc sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép, lý do khiến nhiều loại thực phẩm nhiễm bẩn là ngay chính đất trồng, nước tưới, không khí đã bị ô nhiễm quá nặng.

Bà Mỹ cho hay, 70% nước ngọt là để phục vụ sản xuất nông nghiệp. "Tuy nhiên, hiện nay nguồn nước đang bị ô nhiễm rất nặng. Tôi đã làm nghiên cứu nhiều năm ở sông Mê Kông và thấy rằng cho dù chúng ta không làm ô nhiễm nước sông thì từ các nước thuộc vùng thượng nguồn con sông đã làm ô nhiễm nó rồi và khi nước chảy về Việt Nam, trở thành nguồn tưới tiêu kém an toàn cho rất nhiều hecta hoa màu".

Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội: Thực phẩm bẩn đang tuồn vào cả những siêu thị uy tín - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Mỹ.

Vì thế, bà Mỹ khẳng định, người nông dân Việt Nam đang rất thiệt thòi khi phải hứng chịu hậu quả của việc sản xuất thực phẩm bẩn trong khi, những lý do gây ra vấn nạn này, đôi lúc không đến từ bản thân họ.

Để giải quyết việc này, bà Mỹ cho rằng, các cơ quan nhà nước cần tuyên truyền loại bỏ tư duy thâm canh. "Nhà nước cần tiến hành dự báo khí hậu, đưa ra kết quả quan trắc, nhu cầu thị trường theo từng năm để khuyến cáo các loại cây trồng phù hợp với từng vùng đất".

Trong khi đó, ông Hưng cho rằng, để chống lại thực phẩm bẩn, cần đẩy mạnh sản xuất thực phẩm hữu cơ, không sử dụng giống biến đổi gen, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh. Ngoài các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, ông Hưng cho rằng, nhà nước cần có các cơ chế khuyến khích mô hình sản xuất này được nhân rộng. Tiếp đó là phía người tiêu dùng nên ủng hộ các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm sạch.

Đồng tình với quan điểm này, bà Mỹ cho rằng: "Chúng ta không thể đòi ăn thực phẩm rẻ, rẻ mãi, rẻ hết cỡ nhưng vẫn phải sạch. Chúng ta cũng không thể bàng quan đứng ngoài, không tin tưởng các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất thực phẩm sạch trong nước và sính ngoại, tin tưởng vào thực phẩm ngoại quốc. Làm như thế, chúng ta đang giết chết những nguồn cung làm ra thực phẩm an toàn".