Chủ quan trong việc điều trị bệnh, chàng trai người Trung Quốc mắc bệnh ung thư ruột khi mới 22 tuổi

Gà, Theo Helino 23:15 23/03/2019

Tự ý sử dụng thuốc nhuận tràng không theo chỉ định từ bác sĩ để điều trị chứng táo bón, chàng trai người Trung Quốc bàng hoàng khi nhận được kết quả thông báo mình đã mắc bệnh ung thư ruột.

Táo bón là tình trạng đại tiện ra phân khô cứng, muốn đi mà không đi được, thậm chí còn phải rặn mạnh hoặc mất nhiều thời gian để điều trị. Người bị táo bón nếu không chủ động điều trị bệnh triệt để sẽ có nguy cơ mắc bệnh ung thư ruột rất cao. Điển hình như trường hợp của chàng trai người Trung Quốc sau đây.

Tiểu Cương (22 tuổi) đang sống tại thành phố Hàng Châu (Trung Quốc) gặp phải tình trạng táo bón kéo dài trong nhiều năm. Tuy nhiên, Tiểu Cương không đi khám mà tự ý sử dụng thuốc nhuận tràng để điều trị bệnh tại nhà. Sau một thời gian, chứng táo bón của Tiểu Cương không được cải thiện nhiều mà còn kèm theo tình trạng chảy máu hậu môn xảy ra. Có những lần đi đại tiện, Tiểu Cương cảm thấy đau rát không chịu nổi nhưng cậu vẫn nhất quyết không chịu đi khám. Bởi trong thâm tâm Tiểu Cương luôn nghĩ rằng, đây là một chuyện rất tế nhị và xấu hổ nên thật khó để có thể chia sẻ cùng bác sĩ.

Một thời gian sau, Tiểu Cương nhận thấy tình trạng máu trong phân xuất hiện ngày càng nặng. Lúc này, cậu mới quyết định tới bệnh viện để kiểm tra. Tại bệnh viện, bác sĩ yêu cầu Tiểu Cương phải làm xét nghiệm nội soi đại tràng. Sau khi chẩn đoán bệnh, họ đưa ra kết luận Tiểu Cương mắc bệnh ung thư ruột.

Chủ quan trong việc điều trị bệnh, chàng trai người Trung Quốc mắc bệnh ung thư ruột khi mới 22 tuổi - Ảnh 2.

Nghe kết quả xong, Tiểu Cương vô cùng bất ngờ và hối hận vì đã không chủ động đi khám từ sớm, dẫn đến tình trạng táo bón kéo dài gây ung thư. Bác sĩ chia sẻ thêm, nguyên nhân dẫn đến bệnh ung thư của Tiểu Cương không hoàn toàn do chứng táo bón mà còn xuất phát từ việc uống thuốc nhuận tràng không theo chỉ định từ người có chuyên môn.

Tại sao uống nhiều thuốc nhuận tràng lại gây bệnh ung thư ruột?

Bác sĩ giải thích rằng, do Tiểu Cương quá lạm dụng thuốc nhuận tràng nên khiến đường ruột được làm sạch quá mức. Điều này dẫn đến tình trạng rối loạn chức năng đường ruột và gia tăng sự nhạy cảm, về lâu dài có thể sinh ra nhiều bệnh nguy hại.

Chủ quan trong việc điều trị bệnh, chàng trai người Trung Quốc mắc bệnh ung thư ruột khi mới 22 tuổi - Ảnh 3.

Đặc biệt, khi sử dụng loại thuốc này liên tục có thể gây ảnh hưởng tới lớp màng nhầy của ruột, từ đó dẫn đến tình trạng rối loạn tiêu hóa và làm người gặp vấn đề táo bón hay tiêu chảy không thể ăn uống ngon miệng, khả năng hấp thụ thức ăn cũng trở nên kém hơn. Nếu để tình trạng bệnh kéo dài quá lâu có thể gây suy nhược cơ thể, người gầy nhom, xanh xao, bị căng thẳng thần kinh. Ngoài gây ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa thì chức năng gan, thận cũng có thể bị ảnh hưởng và hậu quả là dẫn đến trường hợp ung thư ruột giống như Tiểu Cương.

Nếu không dùng thuốc nhuận tràng thì phải làm gì để chữa táo bón?

Các bác sĩ cho biết, thay vì dùng thuốc nhuận tràng để điều trị táo bón, bạn nên thay đổi lối sống sinh hoạt của mình của để cải thiện tình trạng bệnh thông qua một số nguyên tắc sau:

- Chế độ ăn uống: Đảm bảo bổ sung thường xuyên các loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ. Bởi chất này sẽ giúp tích nước và làm mềm phân, từ đó giúp phân dễ di chuyển và bài tiết ra ngoài. Đồng thời, bạn cũng nên hạn chế tiêu thụ các món chế biến sẵn và các món cay trong thời gian này.

- Ăn chậm, nhai kỹ: Điều này sẽ giúp thức ăn được nghiền nhỏ và hỗ trợ việc tiêu hóa thức ăn dễ dàng hơn.

- Uống nhiều nước: Để giúp cơ thể thải bỏ các độc tố ra ngoài trơn tru thì bạn nên cố gắng uống đủ từ 2 - 2,5 lít nước hàng ngày.

- Không ăn quá no: Vì dễ gây đầy bụng, khó tiêu hóa thức ăn.

- Tập luyện thường xuyên: Giúp hỗ trợ hoạt động của nhu động đường ruột để thải phân ra ngoài dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên chủ động đi khám ngay khi thấy triệu chứng táo bón xuất hiện liên tục trong vài tuần. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc tại nhà bởi rất dễ gặp tác dụng phụ do chính loại thuốc này gây ra.

Nguồn: Sohu