Chông chênh con đường đem ánh sáng tới bản làng: Khi những ước mơ không còn viết lên trong bóng tối

Diệp thiết kế Tom, Theo Trí Thức Trẻ 19:30 15/05/2019

Đâu đó trên khắp Việt Nam, có những ước mơ của bao em học sinh và người dân vẫn le lói trong ánh đèn dầu hay ánh nến. Người ta mơ cửa, mơ nhà còn với những người dân tại Chiềng Nơi (Sơn La) hay huyện Trần Văn Thời (Cà Mau), các em mơ ước giản đơn là có ánh sáng đủ đầy hơn để học tập và sinh hoạt.

Người ta hỏi có điều gì đặc trưng của thành thị nhất? Có lẽ là ánh đèn, những ánh đèn mà hai chị em Liên và An trong tác phẩm “Hai đứa trẻ” từng mơ ước mỗi đêm khi nhìn đoàn tàu. Từ trên máy bay nhìn xuống mỗi đêm, người ta không nhìn thấy tòa nhà chọc trời, Bitexco hay Landmark 81 - chỉ còn một khoảng sáng rực rỡ. Thành thị đó, dưới tầm mắt chúng ta là cuộc sống hiện đại, dòng chảy bất tận của người thành phố bất kể đêm ngày.

Nhưng thử nhìn xa ra hơn xem, từ trên cao như vậy, bạn cũng thấy những khoảng đen u ám, chẳng có lấy một ánh đèn nhỏ le lói. Chúng ta coi ánh sáng như một điều tất yếu của cuộc sống, nhưng với nhiều em nhỏ nơi vùng sâu, vùng xa, có ánh sáng như một ước mơ xa xỉ vậy. Chưa bao giờ tôi nghĩ, thứ ánh sáng thừa thãi nơi thị thành lại là mơ ước lớn lao của một cô bé cậu bé đâu đó trên đất nước Việt Nam.

Chông chênh con đường đem ánh sáng tới bản làng: Khi những ước mơ không còn viết lên trong bóng tối - Ảnh 1.

Bản Huổi Do, Pá Hốc, Nà Phặng nằm giáp biên giới Việt - Lào, là 3 bản khó khăn nhất của xã Chiềng Nơi (Mai Sơn - Sơn La). Ở đây không có điện, mọi thứ tù mù trong ánh đèn dầu hay ánh nến; người dân mong chờ ban ngày để xua đi cái tối tăm của cuộc sống nơi núi rừng Tây Bắc. Không có điện, chẳng có ánh sáng, mọi sinh hoạt dường như chỉ diễn ra cho tới khi mặt trời khuất hẳn xuống núi. Đâu đó trong đêm sâu lờ mờ đèn dầu, có tiếng đứa trẻ thì thầm tai mẹ: “Tối quá, con không nhìn thấy chữ gì mẹ ơi”.

Chông chênh con đường đem ánh sáng tới bản làng: Khi những ước mơ không còn viết lên trong bóng tối - Ảnh 2.

Có lẽ, em Lò Thị Minh Hà ở bản Huổi Do là một trong số đó. Cứ mỗi cuối tuần, em lại được ông ngoại đón về nhà sau 1 tuần học nội trú ở trường ngoài xã. Hỏi em thích về nhà hay ở trường, Hà nói rằng có lúc em thích ở trường hơn.

“Ở trường có điện…”, cô bé rụt rè đáp.

Cứ tối đến, Hà lại cùng các bạn làm bài dưới ánh điện trên trường. Con chữ và những ước mơ của em được soi tỏ trong ánh đèn, dù leo lắt nhưng vẫn đỡ hơn ở nhà khi tất cả những gì em có được chỉ là đốm sáng nhỏ của ánh đèn dầu; thi thoảng sẽ có một ít ánh sáng từ bóng đèn dây tóc phát sáng được nhờ chiếc máy phát điện tự chế của ông ngoại. Ông Hạnh - ông của Hà đã làm một chiếc “máy phát điện” thô sơ bằng khung nứa, có một thiết bị như ròng rọc nhỏ đặt dưới suối. Nhờ sức nước chảy, ròng rọc quay đều sẽ phát ra điện nhưng cũng chỉ đủ duy trì ánh sáng yếu ớt cho chiếc bóng đèn dây tóc duy nhất đã thế máy lại thường xuyên bị hư.

Đem ít sách vở về nhà để học bài nhưng hiếm khi Hà làm được vì ban ngày em phải phụ giúp gia đình, khi đêm xuống, ánh đèn không đủ sáng để em nhìn rõ mặt chữ. Tù mù trong màn đêm, em lại gác cuốn sách sang một bên, khẽ nhìn ra cửa sổ. Có bao giờ cô bé nghĩ rằng, ước mơ của đời mình sẽ gác lại trong bóng tối không?

Chông chênh con đường đem ánh sáng tới bản làng: Khi những ước mơ không còn viết lên trong bóng tối - Ảnh 3.

Cách nhà cô bé Hà không xa là nhà chị Hà Thị Hoàn. Căn nhà nhỏ của chị bao năm vẫn thiếu ánh đèn điện, chỉ có vùng sáng quanh bếp lửa bập bùng mỗi đêm, đủ để in lên vách những nhọc nhằn, khó khăn của cuộc sống người dân vùng cao. Ngần đấy năm trên đời, ba đứa con nhỏ của chị Hoàn chưa biết ánh sáng đèn điện là gì. Khi ngô nghê em hỏi, “ánh điện là gì mẹ ơi mà con thấy trong sách báo nhiều quá”, chị Hoàn cũng không biết trả lời con sao cho đỡ buồn tủi.

Xuôi xuống phương Nam xa xôi, nơi có mũi đất Cà Mau đánh dấu điểm tận cùng đất liền của Tổ quốc, người dân ở ba xã Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc, Hòn Chuối thuộc huyện Trần Văn Thời cũng không biết tới ánh điện là gì. Xa lưới điện quốc gia, điều kiện tự nhiên lại khắc nghiệt, nhà chỉ có thể xây tạm bợ vì người dân phải liên tục chuyển nhà trong năm để tránh gió. Điện vì vậy cũng trở thành thứ xa xỉ với những hộ dân nơi đây. Bao đời nay không có điện, người dân cũng quen với cuộc sống lựa theo tự nhiên. Nhưng giữa thế kỷ 21, khi đám trẻ con thành phố đã vươn xa với 4.0, với ước mơ dọc ngang thế giới, lũ trẻ ở Chiềng Nơi hay huyện Trần Văn Thời vẫn xoay vần cuộc đời trong bóng tối. Ông Lò Văn Toàn, trưởng bản Huổi Do tâm sự: “Có ánh điện quý lắm để còn nghe đài đọc báo, theo dõi thời tiết, biết được thông tin mà còn trồng cà phê, nuôi gà, nuôi vịt. Đêm xuống, không có điện, người già thì quen rồi nhưng trẻ con thiệt thòi lắm. Có ánh điện thì tụi nhỏ sẽ học thêm cái chữ, làm cái gì cũng dễ dàng hơn”.

Ước mơ bên ánh đèn dầu lay lắt, đến bao giờ mới thành hiện thực được đây?

Chông chênh con đường đem ánh sáng tới bản làng: Khi những ước mơ không còn viết lên trong bóng tối - Ảnh 4.
Chông chênh con đường đem ánh sáng tới bản làng: Khi những ước mơ không còn viết lên trong bóng tối - Ảnh 5.

Khi những ánh đèn điện lưới còn là ước mơ xa vời của người dân vùng sâu vùng xa, có những con người thầm lặng, đưa nguồn sáng hỗ trợ lên bản, rọi soi con chữ trong bóng đêm. 1000 “chiếc đèn mơ ước” đã theo chân những nhân viên Samsung đi từ bản cao tới vùng biển xa xôi. Đây là những chiếc đèn được làm bằng chất liệu không bám bẩn và thấm nước, hoàn toàn linh động, có thể linh hoạt sử dụng, giúp thắp sáng từng góc học tập, từng bữa cơm hay trong những hoạt động sinh hoạt của gia đình.

Đặc biệt hơn cả, những chiếc đèn đặc biệt này do chính đội ngũ nhân viên Samsung lắp ráp, linh kiện của những chiếc đèn này được mua từ số tiền tiết kiệm có được sau hoạt động tắt đèn tại các trụ sở và chi nhánh trên toàn cầu của Samsung nhằm hưởng ứng chiến dịch giờ Trái Đất với mục đích “chia sẻ ánh sáng” đến các khu vực còn thiếu thốn điện năng tại Việt Nam.

Chông chênh con đường đem ánh sáng tới bản làng: Khi những ước mơ không còn viết lên trong bóng tối - Ảnh 6.

Con đường đưa ánh sáng tới cho trẻ em vùng cao tại xã Chiềng Nơi quả thật vô cùng chênh vênh. Quãng đường từ Hà Nội đến xã Chiềng Nơi dài gần 300km, mất 12 tiếng để đoàn di chuyển. Nằm trong những thung lũng sâu xa nhất của các huyện, tới được Huổi Do, Pá Hốc, Nà Phặng thực sự là một thử thách khi đoàn xe phải vượt qua nhiều cung đường hiểm trở với một bên là vách núi, một bên là vực sâu. Đường đi bụi mù và gập ghềnh, nhiều lúc cả đoàn phải xuống xe vì đường quá xấu. Mệt mỏi và vất vả là vậy, ai cũng giữ tinh thần lạc quan và hy vọng, họ hiểu rằng những khó khăn này chưa xá gì so với sự thiếu thốn ánh sáng, khao khát tri thức của lũ trẻ nơi bản làng xa xôi.

Ngời lên trong ánh mắt lũ trẻ khi nhìn thấy những chiếc đèn mặt trời và đoàn xe Samsung là niềm vui ngập tràn, từ đây cuộc sống của các em sẽ đổi thay phần nào. Không phải một ngôi nhà mới khang trang hay công trình hiện đại; những điều vĩ đại đều bắt đầu từ điều nhỏ nhoi và con đường tìm đến tri thức bắt nguồn từ một ánh đèn thắp lên niềm tin cho bao trẻ em. Sẽ cần rất nhiều thời gian và nỗ lực để lũ trẻ có thể thực sự reo vui khi ánh điện về khắp buôn làng, nhưng mọi sự sẻ chia đều đáng quý. Ngần đấy chiếc mặt trời được trao đi là bao nhiêu ước mơ của lũ trẻ được khơi lên. Giờ đây, đó là điều lũ trẻ cần nhất.

Chông chênh con đường đem ánh sáng tới bản làng: Khi những ước mơ không còn viết lên trong bóng tối - Ảnh 7.
Chông chênh con đường đem ánh sáng tới bản làng: Khi những ước mơ không còn viết lên trong bóng tối - Ảnh 8.

Niềm vui của lũ trẻ ở Tri Lễ - một điểm trường cũng đầy khó khăn tại tỉnh Nghệ An, giờ đã lan sang tới Chiềng Nơi. Chương trình năm nay tổ chức tại tỉnh Sơn La tiếp nối dự án “Mặt trời Mơ ước - Thắp sáng hy vọng và tương lai cho Tri Lễ”, được thực hiện vào cuối năm 2018 tại Nghệ An. 1.000 chiếc đèn năng lượng mặt trời cùng một trường học khang trang đã được xây dựng ở Tri Lễ với tổng kinh phí dự án lên tới 6 tỷ đồng đã góp phần mang “ánh sáng tri thức” cho vùng đất “4 không”: không điện, không đường, không nước sạch, không sóng điện thoại này.

Con đường từ Tri Lễ tới Chiềng Nơi là con đường đem ánh sáng mà Samsung đang muốn đem đến cho người dân trên khắp cả nước, như thông điệp được thể hiện trên mỗi chiếc đèn “Share the light" (Sẻ chia ánh sáng). Mỗi một chiếc đèn thắp lên, mỗi căn nhà sáng đèn là mỗi một cuộc đời được soi rọi. Phải có mặt ở Chiềng Nơi khi những chiếc đèn được trao cho các em, người ta mới hiểu ý nghĩa của nó như thế nào. Giữa niềm vui rạng rỡ, một em nhỏ đã viết ước mơ của mình treo trên cây đèn mơ ước. Tôi không nhìn rõ ước mơ đó, nhưng đó hẳn phải là một thứ thật đẹp, ấp ủ bao lâu trong bóng tối núi rừng.

Những chiếc đèn của dự án “Mặt trời Mơ ước” đã khơi dậy biết bao ước mơ, niềm hy vọng trong những trái tim bé nhỏ của hàng trăm trẻ em. Ước mơ của lũ trẻ, dù ở nông thôn hay thành thị, đều đáng được chúng ta trân trọng. Chiếc đèn mặt trời không chỉ soi rọi những trang sách, soi sáng những nếp nhà đơn sơ, nó thắp lên niềm tin cho từng đứa trẻ. Rồi mai đây, từ bản làng xa xôi kia, các em sẽ lại mang ánh sáng đến những nơi còn khó khăn hơn trên khắp dải đất hình chữ S thân yêu.

Chông chênh con đường đem ánh sáng tới bản làng: Khi những ước mơ không còn viết lên trong bóng tối - Ảnh 9.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày