Lái xe máy, xe điện đã lâu nhưng ai cũng bỏ qua điểm đặc biệt cần lưu ý này mỗi khi chọn xe

NPQM, Theo Trí Thức Trẻ 08:00 22/11/2017

Hãy tự trang bị cho mình những hiểu biết đúng đắn vì an toàn và lợi ích của bản thân cũng như mọi người khi điều khiển xe máy.

Xe máy là phương tiện phổ biến nhất Việt Nam, khi mà nơi đâu cũng tràn ngập bóng dáng loại xe này khắp các nẻo đường phố. Do vậy, không quá khó hiểu khi luật lệ giao thông dành cho người điều khiển xe máy luôn được thắt chặt và lưu tâm hàng đầu - cũng chỉ hướng đến một sự an toàn, chuẩn mực cho giao thông nói chung thôi.

Lái xe máy, xe điện đã lâu nhưng ai cũng bỏ qua điểm đặc biệt cần lưu ý này mỗi khi chọn xe - Ảnh 1.

Tuy nhiên, có một đặc điểm cấu tạo trên xe máy đóng góp rất nhiều đến sự an nguy và tính mạng của người điều khiển, nhưng lại ít khi được chú ý đến: Đó chính là phanh xe

Không chú ý đến không phải là không dùng bao giờ, mà thường thì chúng ta không chịu tìm hiểu kỹ càng về những loại phanh khác nhau. Để đến khi 1 mẫu xe máy ưa thích ra mắt, nhưng lại đa dạng về lựa chọn loại phanh xe - chẳng hạn như Wave có cả phanh đĩa và phanh cơ - thì chúng ta cứ nhắm mắt chọn đại một màu đẹp nhất mà bỏ qua chi tiết này.

Và dưới đây là lời giải đáp thích đáng nhất cho thắc mắc này đối với nhiều người.

Hiện giờ, trên thị trường xe máy, và thậm chí cả xe điện sẽ xuất hiện phổ biến nhất là 2 loại phanh đĩa và phanh cơ. 

1. Phanh đĩa

Lái xe máy, xe điện đã lâu nhưng ai cũng bỏ qua điểm đặc biệt cần lưu ý này mỗi khi chọn xe - Ảnh 2.

Phanh đĩa hay còn được gọi là phanh dầu, bao gồm các cấu tạo bộ phận chính như đĩa phanh, piston chính, piston phụ, má phanh, tay phanh, ống dẫn và chứa dầu… Nhìn chung, phanh đĩa khi sử dụng thực tế sẽ dùng lực nén dầu tác động vào má phanh trước, tiếp tục chi phối phần đĩa phanh và dần làm giảm tốc độ của xe khi đang di chuyển.

Ưu điểm:

- Kết cấu gọn nhẹ, đơn giản hơn nhiều so với loại phanh khác, dễ dàng kiểm tra, chăm sóc nhanh chóng khi cần bảo trì.

- Tỏa nhiệt tốt, do diện tích chủ yếu của phanh đĩa được tiếp xúc nhiều với không khí.

- Thích nghi tốt với các tác động như nước, có thể tự điều chỉnh khoảng trống giữa má và đĩa để hoạt động tối ưu.

Nhược điểm:

- Má phanh dễ bị mài mòn, lâu dần ảnh hưởng tới khả năng phanh hiệu quả.

- Dễ xảy ra sự cố trượt, xòe xe khi di chuyển nếu không phản ứng đúng cách do phanh gấp đột ngột.

2. Phanh cơ

Lái xe máy, xe điện đã lâu nhưng ai cũng bỏ qua điểm đặc biệt cần lưu ý này mỗi khi chọn xe - Ảnh 4.

Phanh cơ, hay còn gọi là phanh tang trống, gắn trực tiếp lên trục của xe, điều khiển bằng dây cáp để tác động lên ống phanh và piston, ép má phanh để ma sát và dừng xe.

Ưu điểm:

- Má phanh bền bỉ, ổn định, chịu được nhiệt độ khắc nghiệt.

- Dễ dàng thích nghi với địa hình phức tạp, khúc khuỷu nhiều liên tục lên xuống phải hãm phanh.

Nhược điểm:

- Vẫn dễ bị mài mòn tự nhiên, kêu to khi cọ xát, hay bị bó, giảm hiệu quả an toàn khi cần phanh gấp.

Như vậy, chúng ta có thể thấy một điểm cần lưu ý chung là cả phanh đĩa và phanh cơ đều dễ gây ra hiện tượng bó cứng phanh đột ngột - khi bóp phanh quá mạnh và nhanh sẽ dẫn đến việc bánh xe dừng quay hẳn dù xe vẫn lao đi theo quán tính - dẫn đến việc bánh xe trượt lê trên mặt đường, khiến cho tính thăng bằng, ổn định còn kém hơn cả khi đang đi nhanh, vẫn chưa đủ đảm bảo an toàn để dừng gấp tối ưu.

Tuy nhiên, đừng lo vì vẫn còn một vị cứu tinh nữa hiện đang được coi là một trong những tiêu chuẩn và công nghệ phanh an toàn hàng đầu trên thế giới: Phanh ABS

Muốn tìm một chiếc xe có đặc điểm này ư? Trước tiên phải nhận biết qua việc vành bánh xe bắt buộc phải có một vòng tròn gần khung giữa, được đục lỗ và rãnh đều đặn trên đó.

Lái xe máy, xe điện đã lâu nhưng ai cũng bỏ qua điểm đặc biệt cần lưu ý này mỗi khi chọn xe - Ảnh 6.

Phanh ABS trên bánh xe.

Phanh ABS (Anti-lock Braking System) có cơ chế được tính toán để không bao giờ bó cứng phanh một cách tuyệt đối. Nó gồm cả một hệ thống có CPU kiểm soát và cảm biến trên từng bánh xe, tính toán để má phanh liên tục kẹp cọ xát rồi lại nhả, rồi lại lặp lại liên tục rất nhanh - không bám ghì cố định khi bóp phanh như các loại khác.

Do vậy, sẽ không bao giờ có chuyện bánh và lốp xe trượt lê "cháy đường" do ngừng quay đột ngột cả, vì bánh sẽ được dừng chậm dần đều mà vẫn đủ nhanh, kịp thời và hiệu quả nhờ lực phanh phân phối rất đều và chuẩn - kẹp rồi lại nhả chứ không bó cứng.

Lái xe máy, xe điện đã lâu nhưng ai cũng bỏ qua điểm đặc biệt cần lưu ý này mỗi khi chọn xe - Ảnh 7.

Chiếc motor phân khối lớn Kawasaki Z1000 2012.

Chắc hẳn đến giờ bạn đã có được lựa chọn xứng đáng và phù hợp và đúng đắn hơn mỗi khi chọn mua một chiếc xe mới cho mình hoặc người thân rồi chứ? Tất nhiên, giá thành cho công nghệ phanh ABS cũng "mắc" hơn đôi chút rồi, vì nó cần lắp đặt cả chip xử lý, cảm biến và các phụ kiện khác. Được biết, hệ thống phanh ABS này mới chỉ xuất hiện trên các xe tay ga cao cấp như SH 125i, SH 150i (2017)... hoặc nhiều dòng motor phân khối lớn hiện đại thường thấy.