"Chọn con tim hay nghe lý trí"? Phân vân mãi nhưng chúng ta sẽ theo con tim bởi những lý do này đây

Vân Ngọc, Theo Helino 16:16 07/04/2018

Tại sao mọi người lại thường đưa ra những quyết định thiên về cảm tính mà không dựa vào lý trí nhỉ? Khoa học đã cho bạn câu trả lời.

Trước đây, các nhà nghiên cứu và các nhà kinh tế học tin rằng con người luôn đưa ra những quyết định logic sau khi xem xét kĩ lưỡng. Tuy nhiên, trong vài thập kỷ gần đây, các nhà nghiên cứu và các nhà tâm lý học đã tìm ra các lỗi thuộc về tinh thần làm suy nghĩ của chúng ta đi sai hướng.

Trong cuộc sống, có nhiều khi chúng ta đưa ra lựa chọn thiên về tình cảm, vô lý và khó hiểu. Điều đó là do chúng ta bị tác động từ một trong 5 lỗi tinh thần dưới đây ảnh hưởng đến việc đưa ra quyết định đúng đắn.

1. Không muốn mất mát

Ghét cảm giác mất mát nghĩa là con người thường muốn tránh những thiệt hại hơn là nhận lợi ích. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu ai đó cho bạn $10 thì bạn sẽ chỉ cảm thấy hài lòng 1 chút, nhưng nếu bạn mất $10 thì sẽ cảm thấy buồn.

Chọn con tim hay nghe lý trí? Phân vân mãi nhưng chúng ta sẽ theo con tim bởi những lý do này đây - Ảnh 1.

Đây là những phản ứng trái chiều nhau và mức độ của chúng cũng khác xa nhau. 

Xu hướng tránh thiệt hại khiến chúng ta phải thay đổi hành vi của mình hoặc đưa ra quyết định ngớ ngẩn với mục đích đơn giản và duy nhất là giữ những thứ chúng ta đang có.

Con người luôn muốn bảo vệ những thứ mình đang có trong tay. Ví dụ: Bạn có vài đôi giày, trong số đó có 1 đôi bạn không đi đến nữa nhưng bạn vẫn luôn muốn giữ nó lại, không muốn vứt đi hay cho bất kỳ ai khác mặc dù không sử dụng. 

Đây chính là ví dụ điển hình cho việc không muốn mất mát, luôn muốn giữ những gì chúng ta đang sở hữu.

2. Cảm tính về sự có sẵn

Cảm tính về sự có sẵn là lỗi tâm lý do bộ não của chúng ta gây ra: Bộ não thường đưa ra giả định, phán đoán dựa trên ký ức hoặc ấn tượng của bản thân chứ không thực sự dựa vào thực tế.

Giáo sư Steven Pinker thuộc Đại học Harvard chỉ ra rằng: "Chúng ta hiện đang sống trong thời kỳ ít bạo lực nhất trong lịch sử. Bây giờ có nhiều người đang sống trong hòa bình hơn bao giờ hết. Tỷ lệ giết người, hiếp dâm, xâm hại tình dục và lạm dụng trẻ em đều đang giảm."

Chọn con tim hay nghe lý trí? Phân vân mãi nhưng chúng ta sẽ theo con tim bởi những lý do này đây - Ảnh 2.

Hầu hết mọi người đều ngạc nhiên khi nghe kết quả nghiên cứu này. Thậm chí, một số người vẫn không tin kết quả này. Họ đưa ra câu hỏi: Nếu đây là thời kỳ hòa bình nhất trong lịch sử, tại sao ngày nay vẫn có rất nhiều cuộc chiến tranh? Tại sao hàng ngày tôi lại vẫn nghe nói về hãm hiếp, giết người, tội phạm hoặc khủng bố?

Thực tế, số liệu thống kê cho thấy các sự kiện nguy hiểm đang giảm, nhưng khả năng bạn nghe về một trong số những sự kiện này lại đang tăng. Chính vì ngày nay thông tin được phổ biến rộng rãi hơn bao giờ hết nên những sự kiện này có sẵn trong tâm trí của chúng ta và bộ não của chúng ta luôn tự đặt ra giả định rằng sự kiện đó xảy ra thường xuyên trong xã hội với tần suất lớn.

Chúng ta đánh giá quá cao tác động của những điều chúng biết được và nhớ được nhưng lại đánh giá thấp tính chính xác của thông tin mà chúng ta chưa từng nghe.

3. Hiện tượng mỏ neo

Hiện tượng mỏ neo ám chỉ rằng lời nói, hành động hoặc đề nghị đầu tiên sẽ trở thành cột mốc cho những cái tiếp sau đó.

Giáo sư Leigh Thompson thuộc Đại học Northwestern cho biết: "Nhiều người cho rằng mình không bao giờ nên là người đặt vấn đề trước. Nhưng nghiên cứu của chúng tôi lại chỉ ra điều ngược lại. Những người đưa ra yêu cầu trước thường có kết quả tốt hơn".

Chọn con tim hay nghe lý trí? Phân vân mãi nhưng chúng ta sẽ theo con tim bởi những lý do này đây - Ảnh 3.

Hiệu ứng này dễ dàng nhìn thấy trong môi trường kinh doanh. Một nghiên cứu chỉ ra rằng: Nếu người bán nói "giới hạn một khách hàng chỉ được mua nhiều nhất 12 cái" thì số lượng sản phẩm bán ra gấp đôi so với khi nói "không giới hạn số lượng".

Một ví dụ khác, khi bạn nhìn thấy một chiếc đồng hồ giá $500, bạn sẽ nghĩ nó đắt và không mua. Nhưng nếu bạn nhìn thấy một chiếc đồng hồ giá $5.000 trước khi thấy chiếc đồng hồ giá $500 thì bạn sẽ nghĩ ngay rằng $500 là mức giá hợp lý, thậm chí là rẻ và bạn có thể mua nó.  

Vì vậy, đôi khi quyết định của chúng ta đưa ra không thực sự dựa vào lý trí mà bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng mỏ neo.

4. Thiên về xác nhận

Đây là xu hướng tìm kiếm và ủng hộ thông tin khẳng định niềm tin, suy nghĩ có trước của ta, đồng thời phủ nhận những điều mâu thuẫn với niềm tin trước đó.

Chẳng hạn bạn vừa mua một chiếc ô tô mới và bạn tin, đó là chiếc xe tốt nhất trên thị trường hiện nay. 

Chọn con tim hay nghe lý trí? Phân vân mãi nhưng chúng ta sẽ theo con tim bởi những lý do này đây - Ảnh 4.

Hẳn bạn sẽ tự động tìm đọc bài viết khen ngợi, chỉ ra điểm tốt của chiếc xe đó, đồng thời lờ đi bài viết tiêu cực về chiếc xe. Không những thế, bạn sẽ tự giả định rằng bài báo đó không có giá trị, chỉ đưa ra thông tin sai lệch.

Các nhà khoa học cũng thường tự xây dựng một giả thuyết và sau đó nghiên cứu, thử nghiệm, chứng minh để khẳng định luận điểm của mình là đúng.

Thay đổi suy nghĩ là điều khó hơn bạn tưởng. Hầu hết mọi người không muốn có thông tin mới, họ muốn xác nhận thông tin họ biết là đúng. Bạn càng tin rằng bạn biết điều gì đó, bạn càng lọc và bỏ qua tất cả thông tin theo chiều ngược lại.

5. Thiên vị sống sót

Thiên vị sống sót là xu hướng tập trung vào người thành công trong một lĩnh vực cụ thể, cố gắng học hỏi từ họ nhưng hoàn toàn quên mất còn nhiều người khác cũng làm như vậy nhưng chưa may mắn thành công. 

Chọn con tim hay nghe lý trí? Phân vân mãi nhưng chúng ta sẽ theo con tim bởi những lý do này đây - Ảnh 5.

Bill Gates và Mark Zuckerberg đều bỏ học và trở thành tỷ phú! Điều đó không có nghĩa là bạn không cần đi học mà vẫn thành công, hay doanh nhân không cần lãng phí thời gian trong lớp học mà hãy ra khởi nghiệp sớm. 

Ngoại trừ Gatesvà Zuckerberg - có hàng ngàn doanh nhân khác khởi nghiệp thất bại, nợ ngân hàng và bằng cấp chưa hoàn thành.

Vì vậy, những quyết định bị ảnh hưởng bởi thiên vị sống sót làm chúng ta chỉ nhìn thấy bề nổi của sự việc mà không biết chắc chắn rằng nó có thực sự phù hợp và hiệu quả với hoàn cảnh thực tế của bản thân mình hay không.

Nếu bạn đã biết về những lỗi tinh thần thường gặp, đừng coi đó là những vấn đề tiêu cực mà hãy hiểu và tận dụng nó trong trường hợp cụ thể. Đồng thời, bạn cũng nên tự nhận thức về bản thân để đưa ra những lựa chọn, quyết định đúng đắn nhất.

Nguồn: James Clear