Choáng với chi phí đầu tư cho các nhóm nhạc, bảo sao idol Kpop phải làm việc cật lực để “trả nợ” công ty

Thùy Dương, Theo Trí Thức Trẻ 10:00 27/10/2018

Chi phí cho mỗi nhóm nhạc lên đến cả tỷ Won, gánh nặng “nợ nần” cũng chẳng hề nhỏ.

Nền giải trí Hàn Quốc nói chung và Kpop nói riêng được ví như ngành công nghiệp không khói, mang về khoản thu lớn cho xứ sở kim chi. Với độ phổ biến ngày càng lan rộng ở châu Á cùng nhiều nước khác, việc đầu tư để tạo ra các nhóm nhạc thần tượng ở Hàn Quốc vẫn được nhiều công ty giải trí ưu tiên. Đi cùng với dân số đông đúc của Kpop thì chi phí đầu tư để tạo nên và duy trì mỗi nhóm nhạc cũng khiến dân tình choáng ngợp.

Mới đây, JYP Entertainment – một trong Big3 của Kpop đã tiết lộ số tiền mà công ty này chi ra để cho ra mắt, comeback cùng các hoạt động quảng bá 1 nhóm nhạc. Theo thống kê của công ty này, nó có thể tốn kém đến 900 triệu Won chỉ để đào tạo một nhóm K-Pop mới!

Con số dựa trên giả định nhóm nhạc gồm 5 thành viên, mỗi thành viên được đào tạo trung bình khoảng 3 năm. Chỉ như vậy thôi đã tiêu tốn từ 700 đến 900 triệu Won (gần 19 tỷ VND).

Choáng với chi phí đầu tư cho các nhóm nhạc, bảo sao idol Kpop phải làm việc cật lực để “trả nợ” công ty - Ảnh 1.

Chi phí để đào tạo và cho ra mắt đã đắt đỏ là vậy nhưng việc duy trì, phát triển nhóm nhạc sau debut cũng "ngốn" khoản tiền không hề nhỏ. Một mini-album với ba bài hát cần 12 triệu Won để thu âm và 15 triệu Won để sản xuất. Tổng cộng 27 triệu Won, chỉ để cho ra 3 ca khúc mới!

Công đoạn tiếp theo là sản xuất MV. Để cho ra mắt 1 MV đẹp mãn nhãn thì cũng cần số tiền khủng, có thể lên tới 150 triệu Won (khoảng hơn 3 tỷ VND). Nếu công ty phát hành video nhạc cho mọi bài hát trong mini-album thì họ sẽ phải trả 450 triệu won, chưa kể đến chi phí chụp hình khoảng 20 triệu won!

MV "Hi High" của tân binh LOONA từng gây choáng với khoản đầu tư 4 tỷ Won (tương đương 80 tỷ VND)

Mỗi đợt comeback của các nhóm nhạc không chỉ đơn thuần là phát hành sản phẩm mới. Để quảng bá và tăng độ phổ biến thì hầu hết các nhóm nhạc sẽ cần tham gia các chương trình phát sóng âm nhạc trong nước. Đi kèm theo đó là hàng tá chi phí phải bỏ ra. Trung bình, số tiền quảng bá cho nhóm tại các show âm nhạc khoảng 500 triệu Won, bao gồm: 50 triệu Won cho vũ đạo, 100 triệu Won cho vũ công dự phòng, 170 triệu cho trang phục sân khấu (dành cho 6 tuần quảng cáo, 4 chương trình âm nhạc một tuần) và 10 triệu Won chỉ dành cho trang điểm!

Như vậy, tính sơ qua, cần đến hơn 1,5 tỷ Won (khoảng hơn 30 tỷ VND) để ra mắt 1 nhóm nhạc cùng lần comeback đầu tiên. Quả là không hổ danh một nền âm nhạc sôi động nhưng cũng thật đắt đỏ!

Choáng với chi phí đầu tư cho các nhóm nhạc, bảo sao idol Kpop phải làm việc cật lực để “trả nợ” công ty - Ảnh 3.

Trong thị trường âm nhạc đang dần bão hòa, cạnh tranh ngày càng gay gắt thì các công ty lại càng phải đầu tư nhiều công sức và tiền bạc để nhóm nhạc của mình có được danh tiếng và thành công. Bởi vậy nên mỗi nhóm nhạc thần tượng khi được debut sẽ đồng thời gánh trên vai khoản nợ không hề nhỏ. Nhiều nhóm phải làm việc cật lực để trả hết khoản tiền mà công ty đã đầu tư, sau đó mới được nhận những đồng lương đầu tiên.

Choáng với chi phí đầu tư cho các nhóm nhạc, bảo sao idol Kpop phải làm việc cật lực để “trả nợ” công ty - Ảnh 4.

Chỉ khi thành công với hit "Up&Down", EXID mới thoát khỏi bờ vực tan rã và nhận những đồng lương đầu tiên sau vài năm debut

Mặc dù các công ty trong Big3 (SM, JYP, YG) không "ghi nợ" cho thực tập sinh thì áp lực làm việc để thu hồi vốn cũng chẳng giảm đi là mấy. Comeback liên tục vài lần trong năm, chăm chỉ đi show, tổ chức concert khắp trong nước rồi quốc tế, thời gian nghỉ ngơi đối với nhiều nhóm nhạc trở thành điều xa xỉ. Điều này khiến fan xót xa, cho rằng công ty quản lý đang bóc lột idol quá đáng, không cho họ thời gian nghỉ ngơi.

Choáng với chi phí đầu tư cho các nhóm nhạc, bảo sao idol Kpop phải làm việc cật lực để “trả nợ” công ty - Ảnh 5.

Nhiều fan lo lắng cho sức khỏe của Red Velvet khi idol comeback 3 lần trong năm 2018 cùng hàng loạt các hoạt động âm nhạc không ngừng nghỉ

Tuy nhiên, khi nhìn những con số khủng này và đứng trên lập trường của công ty chủ quản, có lẽ nhiều người hâm mộ cũng trở nên bối rối. Dẫu sao, điều fan mong muốn cuối cùng vẫn là được thấy idol của mình thành công và luôn mạnh khỏe, việc cân bằng giữa lợi ích của công ty và idol dù biết là khó nhưng vẫn cần được xem xét và quan tâm thích đáng hơn nữa.

Choáng với chi phí đầu tư cho các nhóm nhạc, bảo sao idol Kpop phải làm việc cật lực để “trả nợ” công ty - Ảnh 6.

Nguồn tham khảo: KB