Chính thức công nhận một lợi ích "không thể chối cãi" của... chuyện ấy

J, Theo Trí Thức Trẻ 08:03 31/12/2016

Thực ra, "chuyện ấy" của con người và các loài động vật không phải là hinh thức sinh sản thuận lợi, vì quá tốn thời gian mà hiệu quả thì không cao. Vậy tại sao chúng ta lại phải sex?

Sex chẳng phải đặc quyền riêng của con người. Rất nhiều loài động vật khác cũng... động phòng như chúng ta. Và câu hỏi là, tại sao tất cả lại sex?

Câu hỏi này thoạt nghe có phần... ngớ ngẩn, nhưng không thừa chút nào đâu. Nhiệm vụ chính của sex là để giúp một loài duy trì nòi giống. Tuy nhiên, có cách khác hoàn thành mục tiêu này. Ví dụ như vi khuẩn, chúng sinh sản vô tính - tức là chỉ cần 1 cá thể là đủ để có con rồi. 

Nếu so sánh với sinh sản vô tính, "chuyện ấy" của động vật bậc cao rõ ràng bất lợi hơn. Chúng ta tốn quá nhiều năng lượng để sex, cần ít nhất là 2 cá thể để sinh sản, và không phải lần nào cũng... thành công. Chưa kể, một nửa thế hệ sau sẽ mang giới tính đực, tức là không thể trực tiếp sinh nở. Điều này có nghĩa rằng tốc độ tăng trưởng của loài cũng theo đó giảm đi một nửa.

Bất lợi như vậy, nhưng tại sao các loài động vật lại chọn sex? Các chuyên gia tại ĐH Stirling (Scotland) mới đây đã giải đáp được bí ẩn này. Họ đã nhận ra rằng, sinh sản hữu tính sẽ giúp sức đề kháng của thế hệ sau mạnh hơn, cùng lượng kháng thể đa dạng hơn

Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã thực hiện các thí nghiệm trên bọ chét nước. Tại sao lại là bọ chét nước? Vì chúng có thể sinh sản theo cả 2 cách: hữu tính và đơn tính.

Chính thức công nhận một lợi ích không thể chối cãi của... chuyện ấy - Ảnh 1.

Bọ chét nước

Các chuyên gia đã để cho chúng sinh sản theo cả 2 cách, rồi cho chúng tiếp xúc với một loại ký sinh trùng. Ký sinh trùng này đã từng nhiễm trên cá thể bố mẹ.

Kết quả thí nghiệm cho thấy nhóm bọ chét ra đời do sinh sản hữu tính có thể kháng lại ký sinh trùng với tỉ lệ cao hơn gấp 2 lần so với nhóm còn lại. Nguyên do đơn giản là vì những cá thể sinh sản vô tính mang bộ gene của một bố hoặc mẹ - tức là những ký sinh trùng từng nhiễm lên cơ thể bố mẹ chúng hoàn toàn có thể lây nhiễm sang các thế hệ sau.

Trong khi đó, nhóm may mắn có cả bố lẫn mẹ mang bộ gene được trộn lẫn, qua đó xây dựng được hệ kháng thể mạnh hơn, và được giải thoát khỏi lũ ký sinh trùng đáng ghét nọ.

Chính thức công nhận một lợi ích không thể chối cãi của... chuyện ấy - Ảnh 2.

Theo Stuart Auld - chủ nhiệm nghiên cứu: "Từ việc so sánh thế hệ sau từ 2 hình thức sinh sản, chúng tôi nhận thấy nhóm hữu tính ít bệnh tật hơn so với nhóm nhân bản vô tính. Điều này giải thích tại sao thế giới động vật lại hình thành "chuyện ấy", và thường ưu tiên hình thức sinh sản này dù không thuận lợi bằng"

Nghiên cứu được đăng trên Kỷ yếu khoa học Hoàng Gia Anh.

Nguồn: Kỷ yếu khoa học hoàng gia, IFL Science