"Chí Phèo ngoại truyện": Khi cảm hứng được thể hiện quá khác biệt!?

Quân Du, Theo Trí Thức Trẻ 10:00 15/09/2017

Phim điện ảnh được cho là "phiên bản ngoại truyện" của Chí Phèo - "Chí Phèo ngoại truyện" thực chất chỉ là lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học nổi tiếng.

Chí Phèo ngoại truyện là bộ phim điện ảnh được quảng cáo là xây dựng trên cơ sở lấy chất liệu từ tác phẩm văn học Chí Phèo của nhà văn Nam Cao. Các nhân vật trong phim có nét tương đồng dễ nhận ra với những nhân vật trong cốt truyện gốc như Chí (Chí Phèo), Na (Thị Nở), Thiên Bá (Bá Kiến)...

Tuy nhiên, ekip làm phim dịch chuyển tuyến nhân vật về thời hiện đại, từ bối cảnh làng quê nông thôn miền bắc Việt Nam dưới thời thực dân nửa phong kiến về bối cảnh thế giới ngầm Sài Gòn năm 2017, tô vẽ thêm màu sắc mới cho các nhân vật với mục đích tạo ra một cái nhìn hoàn toàn mới về câu chuyện diễn ra ở làng Vũ Đại trong nguyên tác văn học cũng như phiên bản điện ảnh chuyển thể năm 1982.

Chí Phèo ngoại truyện: Khi cảm hứng được thể hiện quá khác biệt!? - Ảnh 1.

Câu chuyện xoay quanh Na (Thu Trang) – một cô nàng thiệt cả phần tài lẫn phần sắc, đụng đâu hỏng đấy và có ngoại hình được ví như Thị Nở. Tuy chỉ là một lao công quét dọn nhưng Na luôn mơ ước một ngày được trở thành một thám tử thực thụ. Nắm được tâm lý này của Na nên Jolie (Lily Nguyễn) – nữ nhân viên có thân hình bốc lửa nhất công ty đã lợi dụng cô để làm tay sai, điều tra thay mình những vụ vặt vãnh như đi tìm mèo mất tích, án ngoại tình...

Trong một lần đi tìm mèo, Na đụng độ Chí (Tiến Luật), một tay giang hồ với quá khứ chuyên đâm thuê chém mướn. Na và Chí có một điểm chung là đang đi tìm sự thật về cái chết của một viên cảnh sát, anh trai Na. Từ đây, với óc suy đoán của Na (dựa trên kinh nghiệm điều tra ngoại tình!?) và sức mạnh cơ bắp của Chí, cả hai kết hợp thành một bộ đôi thám tử, sát cánh trên con đường đi tìm sự thật hết sức lầy lội. Cũng từ đây họ phát hiện ra những bí mật của một đường dây điều chế và kinh doanh ma tuý, có liên quan đến tập đoàn do ông trùm Thiên Bá (Nhan Phúc Vinh) đứng đầu.

Chí Phèo ngoại truyện: Khi cảm hứng được thể hiện quá khác biệt!? - Ảnh 2.

Chí Phèo ngoại truyện có một phần gợi mở về nội dung khá hấp dẫn, dễ khơi gợi được tưởng tượng nơi khán giả với nhiều cải biên sáng tạo từ nguyên tác văn học. Câu nói kinh điển "Ai cho tao lương thiện" của Chí Phèo khi tuyệt vọng vì bị đổ oan trong nguyên tác giờ đây được biến tấu thành câu nói của một kẻ chứng minh sự trong sạch cho mình theo kiểu phim hành động Mỹ.

Thị Nở cũng từ một cô gái xấu ma chê quỷ hờn trở thành một bà thám tử nửa mùa ế chỏng chơ. Bá Kiến trong truyện là một tay điền chủ xảo quyệt, chuyên gia lợi dụng người khác, ức hiếp dân lành thì trong bản này lại là một ông trùm tội phạm trẻ tuổi, điển trai cao ráo.

Nếu nguyên tác là "một tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than" (theo như lời Nam Cao trong một tác phẩm khác của ông) thì bản mới là một câu truyện trinh thám, phiêu lưu dưới bối cảnh thế giới ngầm. Với nền tảng đó, bộ phim có thể sẽ rất hay nếu kịch bản được phát triển tốt hơn, kể chuyện hay hơn. Tuy nhiên, với tác phẩm điện ảnh đầu tay của Danny Đỗ, dường như anh đã bị quá sức rồi lúng túng.

Chí Phèo ngoại truyện: Khi cảm hứng được thể hiện quá khác biệt!? - Ảnh 3.

Chưa kể bộ phim khó có thể coi là một "ngoại truyện" bởi vì hệ thống nhân vật tách biệt với hệ thống nhân vật gốc. Nhân vật Chí Phèo của Tiến Luật không phải là một phiên bản khác của Chí Phèo của Nam Cao mà chỉ là một người trùng tên và hâm mộ tập truyện tranh Chí Phèo do nhân vật chính sở hữu cùng nhiều tương đồng trong số phận.

Hay nói cách khác, trong thế giới của Chí Phèo ngoại truyện thì "Chí Phèo" là tên của một tác phẩm hư cấu. Thiết nghĩ đạo diễn không nhất thiết phải đưa chi tiết này vào làm gì vì nó rất thừa thãi và gây rối cho khán giả khi theo dõi phim cũng như tạo ra những kỳ vọng, liên tưởng không cần thiết.

Chỉ riêng nhân vật Chí này đã có tận 2 câu chuyện trong quá khứ. Cả 2 câu chuyện đều rất trùng lặp với những tình tiết như bị đổ oan tội giết người, vào tù, ra tù và tìm lại sự trong sạch cho bản thân. Nó khiến cho phim trở nên rối rắm cũng như cản trở thông điệp "đi tìm lương thiện" - vốn là một tinh thần rất tiên quyết trong tác phẩm văn học.

Thứ hai, ngoài ra cách kể chuyện thiếu hợp lý, nhịp phim vụng về thì khán giả cũng phải gặp khó khăn không ít trong việc nắm bắt câu chuyện vì yếu tố hài hước được cài vào xen kẽ nhưng không thực sự hiệu quả.

Có một tình huống hài là nhân vật Sáu Bảnh (Kiều Minh Tuấn) bị chiếc giường trong bệnh viện tra tấn mà bộ phim dùng đi dùng lại khá lâu, làm mất thời lượng của bộ phim và giảm hứng thú của khán giả. Ngoài ra còn có những tình huống hài rất thô như khi nhân vật của Thu Trang đi tìm 2 con mèo thì phát hiện ra Chí và một xác người nằm cạnh, cô liền suy luận rằng: "2 người, 2 mèo, không lẽ chơi vòng tròn?".

Đây là một chi tiết khá thô và vô lý mà lại xuất hiện ở ngay đầu phim, dễ khiến gây ra phản cảm ngay từ khi câu chuyện còn chưa nên hình. Điều này là cực kì không nên có ở một tác phẩm điện ảnh hài, giải trí. Những tình huống hài thô kiểu Mỹ này về sau cũng còn khá nhiều, tuy không nhảm nhưng nó lại không hiệu quả với khán giả Việt Nam vì... làm chưa tới, có lẽ khán giả Việt Kiều sẽ dễ cười hơn chăng!?

Thiết nghĩ, bộ phim nên tiết chế các cảnh hài thừa thãi đi, giữ lại đường dây câu chuyện xuất phát từ nhân vật Chí Phèo. Bắt đầu từ việc anh là một tay giang hồ lớn lên trên đường phố rồi vào tù, hoàn lương nhưng vẫn bị cái bóng "thế giới ngầm" đeo bám khi đã được tự do. Sau đó bị vu oan và phải vừa lẩn trốn, vừa chứng minh sự trong sạch. Trong quá trình đó thì anh gặp Na và hai người tìm được sự đồng cảm do đều phải chịu định kiến của xã hội. Thứ cần khai thác ở Chí là quá khứ. Còn vấn đề ở Na chính là sự đánh giá bề ngoài. Nếu mạnh tay bỏ đi những yếu tố tay trong, thám tử, cô dì nuôi... mà tập trung vào câu chuyện của hai người thì sẽ "Chí Phèo" và hấp dẫn, dễ theo dõi hơn.

Dù có những tiếc nuối như trên nhưng Chí Phèo ngoại truyện vẫn có những điểm cộng như diễn xuất của diễn viên khá ổn và nhạc phim xuất sắc. Các diễn viên đều hầu như làm tròn được vai diễn của mình. Thu Trang diễn tả được sự hậu đậu, kém duyên đến mức khó đỡ của Na. Tiến Luật dù kinh nghiệm điện ảnh chưa nhiều nhưng cũng khắc hoạ được cho mình một Chí Phèo thô ráp, xù xì bên ngoài nhưng nhạy cảm, yếu đuối bên trong.

Nhan Phúc Vinh thì tiếp tục có một vai ông trùm thú vị khác sau Đường đua năm 2013. Vẻ phong độ và sự điển trai của anh góp phần khiến cho ông trùm Thiên Bá toát ra một thứ khí chất "Tao có thể bị phản bội, nhưng không bao giờ là kẻ thua cuộc" rất lợi hại, cuốn hút.

Hai bản OST trong phim do Thu Minh Linh Phi thể hiện cũng rất bắt tai, khơi dậy cảm xúc. Tóm lại, nếu bạn là một khán giả đã quen với thể loại hài nhây nhây và muốn tìm đến một buổi tối vui vẻ thì Chí Phèo ngoại truyện có thể là một lựa chọn khả dĩ. Còn nếu bạn vẫn tò mò về một phiên bản "ngoại truyện" của Chí Phèo thì khó lòng thoả mãn. Chí Phèo ngoại truyện thực chất giống như một thứ cảm hứng rất thú vị, đầy hứng khởi được khơi lên nhưng rồi nhanh chóng lạc đường và phiêu tán.