Chết không phải là hết, bạn hoàn toàn có thể quyết định làm gì để góp phần bảo vệ môi trường

Umbrella, Theo Trí Thức Trẻ 14:14 09/07/2017

Đừng sợ, dù gì thì sinh lão bệnh tử là vòng tuần hoàn không thể tránh khỏi đối với bất cứ ai.

Trong thời đại dân số bùng nổ, đất chật người đông như hiện nay thì rõ ràng không gian dành cho người chết cũng đang ngày càng thu hẹp. Không những vậy, việc chọn đâu là nơi an nghỉ cuối cùng còn là một vấn đề đau đầu với nhiều quốc gia.

Để giải quyết vấn đề này, nhiều công ty trên thế giới đã nảy ra ý tưởng cung cấp các dịch vụ hậu mai táng, cho phép khách hàng quyết định làm gì với thân xác mình sau khi chết. 

Bạn có thể biến thành một cái cây xinh đẹp, có thể trở về với đại dương hay tung bay trên bầu trời đêm trong một màn pháo hoa tuyệt đẹp.

1. Mộ "xanh"

Đến năm 2050, đất dành cho nghĩa trang tại Sydney sẽ bị cạn kiệt, trong khi lượng người chết trong giai đoạn đó lại tăng gấp đôi do sự gia tăng dân số. Trước tình trạng này, công ty Upright Burial đã lên ý tưởng tạo ra những ngôi "mộ" tiết kiệm không gian hết mức có thể: không cần quan tài, không bia mộ và không cần chất bảo quản cơ thể.

Cơ thể người chết được bao phủ trong tấm vải liệm tự phân hủy, và được chôn cất trong một khu nông trại yên bình. Cơ thể sẽ trở về với đất theo một cách tự nhiên nhất.

Chết không phải là hết, bạn hoàn toàn có thể quyết định làm gì để góp phần bảo vệ môi trường - Ảnh 1.

Hiện nay đã có 40 người được chôn cất theo cách đó, cùng với hàng trăm người đã "đặt chỗ" sẵn. Tuy vẫn còn nhiều quan niệm về tôn giáo ngăn cản người dân thực hiện cách mai táng này, nhưng theo thời gian, mọi người đều sẽ nhận ra rằng đây là một việc làm rất kinh tế, đơn giản và giảm thiểu tác hại đối với môi trường.

2. Cây tưởng niệm

Những công ty mai táng thân thiện với môi trường như BioUrns đã cho con người một cơ hội "sống" trở lại: họ sử dụng tro của người chết làm nguồn nuôi dưỡng một cái cây.

"Thật ý nghĩa khi mà chúng ta có thể giúp người thân yêu hoàn thành được vòng luân hồi." – theo Bryce Roberts thuộc bộ phận phân phối dịch vụ của BioUrns.

Dịch vụ này khá hợp túi tiền khi chỉ tốn của bạn 159 USD (khoảng 3,5 triệu VNĐ). Cái cây có thể được trồng bất cứ nơi nào bạn muốn. Điều tuyệt hơn là dịch vụ này có thể áp dụng cho cả thú cưng.

Chết không phải là hết, bạn hoàn toàn có thể quyết định làm gì để góp phần bảo vệ môi trường - Ảnh 2.

"Tôi có một người bạn hay dẫn chú chó của mình ra biển chơi. Nó sẽ ngồi chờ trên bờ cho đến khi anh ấy quay lại. Giờ khi người bạn nhỏ đã chết, anh trồng cái cây cạnh bờ biển để mỗi khi lướt sóng, anh có thể thấy chú chó thân yêu của mình đang ngồi chờ." – Bryce nói.

3. Mộ trên cao

Nếu xây dựng nghĩa trang theo quy mô thẳng đứng - giống như các bãi đậu xe - thì đó là một phương pháp cực kỳ tiết kiệm không gian. Điều này phù hợp với các quốc gia đông đúc nhưng thiếu hụt không gian như Nhật Bản hay Úc.

Họ tiến hành xây dựng các cao ốc, thay vì để người ở, thì dùng để cho người chết an nghỉ. Ngay cả Rookwood - nghĩa trang lớn nhất của Úc - cũng đang hướng đến việc xây dựng lên cao. Mặc dù hiện tại họ vẫn chưa xây cao ốc, nhưng tại Rookwood đã có 3 lăng mộ cho phép mai táng người chết theo phương án này.

Nói vui một tí, nếu bạn là một mọt phim, thì sẽ nhận ra đây là một ý tưởng không lạ gì khi nó đã xuất hiện trong bộ phim Terminator 3: Rise of the Machines.

4. Không chôn cất, không tro tàn

Nếu như bạn không muốn thân thể mình nằm lạnh lẽo dưới 8 tấc đất, hãy đến với Ashes To Ashes để được bắn lên trời trong một màn pháo hoa rực rỡ.

Ngoài ra, tại công ty Heart Diamond ở Úc, tro người chết có thể được chiết lấy carbon để tạo thành những viên đá quý (kim cương chẳng hạn). Từ đó, người ta làm ra các món đồ trang sức và truyền lại đến đời sau.

Chết không phải là hết, bạn hoàn toàn có thể quyết định làm gì để góp phần bảo vệ môi trường - Ảnh 3.

Một viên đá quý được làm từ tro người chết

Đối với những người yêu đại dương, công ty Rest-in-Reef cho phép những gì còn lại của người chết được trả về với biển, bằng cách sử dụng thân thể họ để tạo thành các rạn san ô nhân tạo. Đây là một cách mai táng thân thiện với môi trường, góp phần bảo vệ hệ sinh thái san hô.

Đấy, bạn thấy chưa, chết đâu phải là hết?

Nguồn: Dailytelegraph