"Chạy Đi Rồi Tính": Đủ hài, đủ kịch tính, đủ cảm xúc

Đoàn Dự, Theo Trí Thức Trẻ 11:25 30/12/2016

"Chạy Đi Rồi Tính" - bộ phim điện ảnh thứ hai của cặp đôi đạo diễn Bảo Nhân - Nam Cito sôi động, ồn ào, hài hước nhưng vẫn giữ được sự văn minh vốn có.

Thay vì công chiếu vào mùng Một tết Âm Lịch 2017, Chạy Đi Rồi Tính đã có một giai đoạn tăng tốc trong đường đua phim Việt cuối năm khi rời thời điểm công chiếu lên Tết Tây. Như những gì hai đạo diễn và các diễn viên đã chia sẻ trong buổi ra mắt, quá trình thực hiện bộ phim từ lúc ghi hình cho đến hậu kì, quảng bá và đẩy nhanh công chiếu đều luôn ở trong trạng thái chạy việt dã không "dám" ngừng. Và bản thân bộ phim với cuộc chạy trốn của gia đình ồn ào khỏi các thế lực "tào lao" cũng phản ánh rất đúng tinh thần của bộ phim - chạy đi rồi tính. Tức là, cứ chạy và xem đi đã, những gì hay ho hẵng còn nằm ở cuối hành trình.

Chạy Đi Rồi Tính: Đủ hài, đủ kịch tính, đủ cảm xúc - Ảnh 1.

Poster phim Chạy Đi Rồi Tính

Elizabeth Phương Trinh (Diễm My 9x) là một cô ca sĩ phòng trà đã ngoài 30 nhưng vẫn lận đận trong sự nghiệp. Cuộc sống của cô lúc nào cũng bí bách với gánh nặng trụ cột kinh tế trong gia đình cùng khát khao nổi tiếng. Vì thế mà Phương Trinh luôn cáu gắt với người chồng Đông Hùng (Hứa Vĩ Văn) bán sữa đậu nành và cậu con trai mê quay phim Subin (Trọng Khang). Khi Phương Trinh quyết định mang chiếc nhẫn cưới đến tiệm vàng bán để lấy tiền đầu tư cho nhan sắc, gia đình cô không may chạm trán băng cướp Xà Neo (Nam Thư và Puka) và Subin đã quay lại được cảnh hai tên cướp đang lộng hành. Vì muốn thủ tiêu chứng cứ, hai tên cướp đột nhập vào nhà Phương Trinh nhưng thất bại. Ngay sau đó, nữ đặc vụ "trời hành" từ Sở Cảnh sát – Mỹ Lệ Tuyền (Việt Hương) bất ngờ xuất hiện với nhiệm vụ hộ tống gia đình Phương Trinh đến nơi an toàn theo chương trình Bảo vệ nhân chứng. Thế là hành trình "chạy đi rồi tính" của họ bắt đầu với sự truy đuổi ráo riết của băng cướp Xà Neo cuồng Chanel và hai vệ sĩ "thích tạo nét" (Diệu Nhi và Duy Khánh) từ "trên trời rơi xuống".

Kịch bản của Chạy Đi Rồi Tính được chia rõ ràng thành 3 giai đoạn. Phần đầu chủ yếu là giới thiệu các nhân vật và những mâu thuẫn nội tại của gia đình Phương Trinh, phần hai là "trò chơi" rượt bắt của toàn bộ các nhân vật chính và phần cuối là những biến chuyển trong nội tâm của Phương Trinh, hướng đến không khí đoàn viên ngày Tết. Vì là phim hài hành trình dành cho gia đình nên Chạy Đi Rồi Tính không có những cú "twist" gây bất ngờ hay những bi kịch tang tóc, chất hài tưng tửng thậm chí ồn ào được duy trì gần như dày đặc xuyên suốt bộ phim, chủ yếu để mang lại tiếng cười sảng khoái.

Chạy Đi Rồi Tính: Đủ hài, đủ kịch tính, đủ cảm xúc - Ảnh 2.

Gia đình của Phương Trinh luôn "rộn ràng" vì những cuộc cãi vã

Tuy nhiên, vì hơi tham mà bộ phim trở thành ôm đồm nhiều thứ từ những xung đột gia đình, hào quang của nghệ sĩ đến những mâu thuẫn đồng nghiệp. Bản thân mỗi nhân vật lại có những tâm sự riêng như Đông Hùng luôn nhẫn nhịn để giữ lại gia đình êm ấm cho cô ca sĩ lỡ thời, như Phương Trinh luôn che giấu quá khứ đau thương về người mẹ đoản mệnh, thậm chí là những uất ức mà ả "đặc vụ trời hành" Mỹ Lệ Tuyền luôn canh cánh. Quá nhiều những băn khoăn trong một câu chuyện lấy hài hước làm tâm điểm khiến cho mạch phim đôi chỗ hơi loạn nhịp, dẫn đến những đoạn chuyển tông không tạo được hiệu quả như ý. Nếu kịch bản biết tiết chế hơn ở một vài chỗ dư thừa, bớt ồn ào và tập trung hơn vào một câu chuyện trọng tâm thì chắc chắn sẽ hoàn hảo hơn.

Chạy Đi Rồi Tính: Đủ hài, đủ kịch tính, đủ cảm xúc - Ảnh 3.

Diệu Nhi và Duy Khánh trong vai bộ đôi vệ sĩ "thích tạo nét"

Bù lại, dàn nhân vật với tính cách rõ ràng lại là một điểm cộng của bộ phim. Mỗi người từ cô ca sĩ phòng trà ưa cáu gắt Phương Trinh đến cả ả vệ sĩ điên khùng Cam Ly hy sinh 10 năm làm vệ sĩ để năm thứ 11 làm cảnh sát đều được tô vẽ những đặc điểm rất độc đáo và riêng biệt. Tất cả nhân vật, kể cả nhân vật thừa, đều là một mảnh ghép trong bức tranh đa màu sắc của chuyến hành trình "vắt giò lên cổ". Cái hay nhất trong sự phân bổ các tuyến vai là sự tương hỗ cho nhau trong từng nhóm nhân vật chứ không người nào có thể một mình "cướp hết diễn đàn" . Ví dụ, khôn thể thiếu mất cậu bé Subin trong gia đình Phương Trinh vì cậu là người nắm giữ "mấu chốt" vụ án cướp bóc, hay khuyết mất số 9 khùng khùng trong bang cướp Xà Neo thì cũng không xong. Sự tương tác theo từng cặp, từng nhóm nhân vật kiểu này là một sự thông minh để các diễn viên có thể trợ lực cho nhau, đồng thời không làm cho nhân vật nào bị "chìm".


Chạy Đi Rồi Tính: Đủ hài, đủ kịch tính, đủ cảm xúc - Ảnh 4.

Lời thoại trong Chạy Đi Rồi Tính là một điểm cộng, đặc biệt là những phân đoạn gây cười. Sự biến hóa từ những câu nói đùa rất hợp thời theo những cách sáng tạo và văn minh làm cho nhân vật khó đỡ hơn, tình huống nhây hơn nhưng cũng mắc cười hơn. Chắc chắn khán giả sẽ cười nghiêng ngả với màn đối đáp "bá đạo" của băng cướp Xà Neo về vấn đề "tại sao người ta nuôi cừu" hay "đục một lỗ trên thân thể" mà hai chị em Nam Thư – Puka tung hứng. Những đoạn thoại đặc thù về nội tâm dù có ý tứ, thực tế, không quá sách vở nhưng cũng chưa thật sự lay động. Nhưng, đoạn thoại của Mỹ Lệ Tuyền ở cảnh gần cuối khi đấu tay đôi với băng cướp Xà Neo cân bằng rất tốt sự hài hước và sức nặng trong câu chuyện của bản thân nhân vật, cộng với diễn xuất của Việt Hương, phân đoạn này ít nhiều "chạm" được đến khán giả.

Song song với sự phân vai chính là khả năng đồng đều của dàn diễn viên. Việt Hương từ sau Gái Già Lắm Chiêu đã tiết chế hơn trong cách diễn hài của mình, giữ được nhân vật luôn nằm trong tầm kiểm soát, đoạn cần "bung" vẫn "bung" được chất Việt Hương. Hứa Vỹ Văn thì duyên dáng bất ngờ dù không còn sắm vai những anh quản lí đẹp trai lịch lãm nữa, nhân vật ông bố bán sữa đậu nành lúc nào cũng nhẫn nhịn người vợ hung dữ được Hứa Vỹ Văn diễn khá "ngọt", còn phải hy sinh luôn thân hình đẹp để tăng thêm vài kg mỡ bụng để hợp vai. Diệu Nhi và Duy Khánh đảm nhiệm vai gây cười, làm những trò khùng điên lố lăng, phong thái rất rõ ràng nhưng hai vai diễn này lại không đặc sắc, chỉ mang tính làm nền. Diễm My cũng chứng tỏ năng lực rõ ràng hơn trong vai Phương Trinh, những đoạn diễn tâm lý My làm tốt nhưng ở một số chỗ vẫn còn hơi "lên gân". Bất ngờ nhất chính là Nam Thư và Puka, hai "ả cướp" lần đầu chạm ngỏ điện ảnh. Sự duyên dáng đáng yêu của Puka đối trọng với nét hung hãn tỉnh rụi của Nam Thư khiến cặp đôi này có những màn song tấu rất chất, rất đã.

Chạy Đi Rồi Tính: Đủ hài, đủ kịch tính, đủ cảm xúc - Ảnh 5.

Bối cảnh trong phim dàn trải ở nhiều nơi, xuyên suốt từ Sài Gòn đến Phan Thiết, từ đồi cát đến trại cừu, bệnh viện thậm chí là nhà ma! Bỏ qua những sự phi lý trong việc gắn kết các đặc trưng địa lý (như ở Phan Thiết mà vẫn có xe cứu thương của bệnh viện 115) thì việc đầu tư vào cảnh trí, đạo cụ và trang phục là điều đáng ghi nhận. Đoạn ở ngôi nhà ma "xào" lại những chi tiết trong các bộ phim kinh dị Hollywood nổi tiếng rất tốt, vừa kịch tính nhưng cũng vô cùng hài hước. Thêm nữa là phân đoạn phục dựng lại cảnh trí phòng trà của 32 năm trước với câu chuyện xúc động trên nền nhạc của danh ca Bảo Yến sẽ khiến nhiều khán giả bùi ngùi. Đoạn credit mở đầu với những góc máy fly-cam kết hợp với kĩ thuật slow-motion và kĩ xảo được dựng hàng tháng trời thực sự rất ấn tượng, vừa cho thấy sự đầu tư nghiêm túc vừa tạo được không khí cuộc sống ngay từ những khung cảnh giản dị.

Chạy Đi Rồi Tính: Đủ hài, đủ kịch tính, đủ cảm xúc - Ảnh 6.

Một cảnh dễ thương với diễn xuất rất tốt của Hứa Vỹ Văn và Trọng Khang

Đây cũng là một đặc trưng không thể nhầm lẫn trong các phim của Namcito và Bảo Nhân, từ truyền hình đến điện ảnh, bối cảnh luôn được chăm chút. Nhưng đáng tiếc là "cái tâm" trong cảnh trí vẫn thiếu một chút xúc tác cần thiết với nội dung để đạt hiệu quả tốt hơn. Hy vọng ở những phim sau, Bảo Nhân và Namcito sẽ "chắc tay" hơn trong việc nhào nặn đường dây cảm xúc của khán giả dành cho bộ phim chứ không chỉ là những hào nhoáng bên ngoài. Thêm một điểm đáng tiếc là dù thời gian diễn ra trong phim là trước tết Nguyên Đán, phần mở đầu và phần cuối đều làm rất tốt không khí mùa xuân nhưng phần giữa lại bị "bỏ rơi". Nếu những nơi diễn ra cuộc hành trình có thêm không khí "xuân sang" của người, của cảnh thì đã tuyệt vời hơn.

Chạy Đi Rồi Tính: Đủ hài, đủ kịch tính, đủ cảm xúc - Ảnh 7.

Nhạc phim được sản xuất bởi Christopher Wong, cái tên quen thuộc của điện ảnh Việt nhưng ở Chạy Đi Rồi Tính không có những đoạn nhạc "bắt cóc" được tâm trí khán giả, thay vào đó là những bản nhạc phim. Các ca khúc đa dạng từ nhạc xuân, nhạc rap đến ballad và cả bolero. Hồ Quỳnh Hương sẽ tiếp tục đảm nhiệm vai trò "ca chính" trong phim bằng một ca khúc ballad hứa hẹn thành "hit" và những bản bolero quen thuộc. Đặc biệt, sự xuất hiện của danh ca Bảo Yến trong ca khúc Đêm Tâm Sự của nhạc sĩ Trúc Phương sẽ là một điểm nhấn bất ngờ.

Tóm lại, Chạy Đi Rồi Tính dù có một "tấm áo" hào nhoáng từ lúc công bố dự án đến những buổi ra mắt truyền thông hoành tráng, một quá trình PR bài bản nhưng vẫn thiếu một "người mặc" thật vừa vặn tấm áo đó. Có lẽ bộ phim sẽ gây ra hiệu ứng hai chiều vì phe cho rằng phim vô nghĩa và phe bảo vệ vì phim có chất riêng. Thực chất với xuất phát điểm là phim làm ra cho mùa Tết thì Chạy Đi Rồi Tính đã hoàn thành sứ mạng vì nó đủ hài, đủ kịch tính và đủ cảm xúc.

Chạy Đi Rồi Tính: Đủ hài, đủ kịch tính, đủ cảm xúc - Ảnh 8.

Không chỉ hài hước, kinh dị, hành trình, hành động, xuân Tết mà Chạy Đi Rồi Tính còn mang cả "The Face" vào phim theo cách không thể… khó đỡ hơn

Bản thân bộ phim này là một sản phẩm vừa sức, vừa tầm của Namcito và Bảo Nhân – những kẻ ngoại đạo say mê điện ảnh. Dù vẫn chưa tạo được bứt phá trên đường đua rất đông đúc của điện ảnh Việt nhưng sự chắt chiu mà cả Nam-Nhân dành cho bộ phim từ những thứ nhỏ nhất xứng đáng để Chạy Đi Rồi Tính nhận được một tràng pháo tay. Cứ chạy đi đã, tính sau cũng được, năm mới đến rồi.