Châu Âu đối mặt "nắng nóng địa ngục"

Cao Lực, Theo Người Lao Động 08:57 26/06/2019

Một đợt nắng nóng "chưa từng có" được dự báo là sẽ bao trùm toàn bộ khu vực châu Âu trong tuần này.

Từ Tây Ban Nha đến Thụy Sĩ, nhiệt độ có thể đạt hoặc vượt mức 40 độ C - các chuyên gia khí tượng cho biết, đồng thời cảnh báo độ ẩm không khí cao sẽ gây ra cảm giác như nắng nóng 47 độ C.

"Địa ngục đang đến gần" - chuyên gia khí tượng Silvia Laplana chia sẻ từ Tây Ban Nha, nơi nhiệt độ tại một số khu vực như thung lũng Ebro, Tagus, Guadiana và Guadalquivir được dự đoán sẽ đạt mốc 42 độ C trong ngày 27-6.

Châu Âu đối mặt nắng nóng địa ngục  - Ảnh 1.

Người dân giải nhiệt tại đài phun nước ở TP Nice - Pháp hôm 24-6 Ảnh: REUTERS

Trong khi đó, giới chức thủ đô Paris - Pháp quyết định thiết lập "phòng mát" trong các tòa nhà công trên khắp thành phố, mở cửa hồ bơi suốt đêm và lắp đặt thêm đài phun nước để giúp người dân đối phó với cái nóng gay gắt. Theo báo The Guardian, nhiệt độ Paris hôm 24-6 đạt mức 34 độ C và nhiều khả năng tăng lên 40 độ C trong tuần này, điều chưa từng xảy ra trong tháng 6.

Theo hãng tin AP, Cơ quan Khí tượng quốc gia Pháp đã đặt hơn một nửa lãnh thổ nước này vào tình trạng báo động cam - mức cảnh báo cao thứ hai trong thang cảnh báo 4 mức, tức có khả năng gây nguy hiểm. Tại Ý, "đợt nắng nóng khủng khiếp nhất trong suốt một thập kỷ qua" cũng đang hình thành và nhiều thành phố được dự đoán là sẽ thiết lập mức nhiệt cao kỷ lục từng được ghi nhận trong tháng 6.

Còn tại Đức, chuyên gia Sabine Krüger của Cơ quan Khí tượng quốc gia Đức (DWD) khẳng định mức nhiệt cao kỷ lục trong tháng 6 (38,2 độ C), được thiết lập ở TP Frankfurt vào năm 1947, nhiều khả năng bị phá vỡ vào giữa hoặc cuối tuần này khi nhiệt độ tại Frankfurt được dự báo đạt mức 39 độ C hoặc thậm chí 40 độ C.

Nhiều chuyên gia cho rằng những đợt nắng nóng bất thường như trên đang diễn ra thường xuyên hơn vì biến đổi khí hậu. Theo Ủy ban Liên minh chính phủ về biến đổi khí hậu, nắng nóng là một trong những biểu hiện rõ nét nhất của biến đổi khí hậu và châu Âu chắc chắn không phải là khu vực duy nhất bị ảnh hưởng.

Cơ quan Khí tượng quốc gia Pháp cũng cảnh báo tần suất của các đợt nắng nóng bất thường như trên có thể "tăng gấp 2 lần vào năm 2050" và nếu không có các biện pháp cắt giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính, chúng có thể trở nên gay gắt và kéo dài hơn.