Bữa nào thấy cô Liên đi chợ về qua ngõ, cô hàng xóm cũng hỏi sao nay mua nhiều khổ qua quá vậy. Cô Liên cười.

"Thằng Thanh nó khoái món khổ qua dồn thịt nhất, sắp Tết, thằng nhỏ nhà tôi chắc cũng sắp về rồi!"

"Sắp Tết" là từ đầu tháng Chạp, khi tờ lịch mới sang trang được một ngày. Nỗi niềm đợi con trở về của cô Liên, chưa năm nào vơi bớt, khéo còn sớm hơn qua từng năm. Khổ qua đã đủ, thịt cũng đã được cô Liên dặn mối quen chuẩn bị sẵn từ đầu tháng, món ngon ngày Tết đã được cô chu toàn chuẩn bị. Nhìn trong nhà, ngoài sân, thấy không khí ngày Tết như về cùng nắng xuân. Nhưng với cô Liên, Thanh chưa về là ngày Tết vẫn còn chưa ươm nắng vàng.

"Nhiều lúc chỉ mong nó nhỏ hoài, nhìn nó chạy lăng xăng quanh nhà cũng thấy Tết nhất rộn ràng hơn. Thanh nó thích món khổ qua dồn thịt cô làm nhất, cô cứ làm món đó là "hao cơm" lắm. Mới năm đầu đại học về nghỉ Tết cả tháng, ăn chán khổ qua rồi mới quay lại Sài Gòn làm việc. 2 năm rồi thằng nhỏ đi làm, cứ gần 30 Tết mới về. Nhà còn 2 vợ chồng nhưng cô vẫn chuẩn bị một nồi khổ qua thật lớn, để con vừa về là có ăn ngay".

Có người đợi con bằng những cuộc điện thoại, tin nhắn - "ngày nào con về thế?" còn niềm mong ngóng con trai của cô Liên ướp trọn hương vị của nồi khổ qua dồn thịt kỳ công. Ở xóm nhỏ bình yên, có nồi khổ qua dồn thịt đợi cậu con trai từ phố thị xa xôi về để vét đến cạn đáy, hương thoang thoảng lan ra cả ngõ. Những nhớ thương, mong chờ từ nơi quê nhà mang mùi hương khổ qua, để Thanh chỉ muốn thu xếp công việc thật nhanh. Trở về nhà có ba có má, có đồ ăn ngon được nêm nếm bằng cả yêu thương và nỗi nhớ con những ngày cuối năm.

Gian bếp đỏ lửa sớm tối, nồi khổ qua mẹ dày công chuẩn bị cả tháng ròng. Những điều ấy mang dáng hình của tiếng gọi trở về đầy khắc khoải, chỉ còn đợi mỗi lời hồi đáp "Mẹ ơi!" trước cửa nhà nữa thôi là Tết đến viên mãn, vẹn tròn.

Thành phố vừa thức giấc sau một đợt gió mùa đông bắc, người dân háo hức đổ ra đường sắm sửa Tết trong những ngày cuối năm nắng ấm. Vừa bước qua tháng Chạp, người ta đã thấy những chuyến xe chở quất, chờ đào nối nhau vào thành phố, gương mặt ai cũng hồ hởi mong một năm mua may bán đắt. Chỉ có ông Hải không vui. Nắng sớm thì đào nở hoa sớm, đào nở hoa sớm thì con ông đang du học nào có kịp về nhà để nhìn ngắm cành đào ngày Tết?

“Bố ơi, 15 ngày nữa con về rồi, cây đào bích ở vườn sau có nở được đúng dịp con về không bố?” - Hùng videocall hỏi bố, bên ngoài trời tuyết rơi dày phủ kín hiên nhà.

“Cứ về đi con, rồi thể nào cũng nở kịp.”

Kinh nghiệm chơi đào vài chục năm, ông Hải biết khi nào đào nở sớm, khi nào đào nở muộn. Năm nay nắng sớm, ông sợ đào nở sớm. Trời trở nắng, ông đưa đào vào trong nhà, tìm cách hãm để đào nở đúng dịp Tết, lùi ngày tuốt lá. Ngày nào ông cũng nhìn xem đã có nụ bích đào nào nở sớm không - một nụ nở sớm thôi cũng khiến ông lo lắm. Cây đào tươi sắc đợi người cháu con trở về, ông Hải chăm chút cho cây đào như chăm chút cả ngày Tết cho gia đình. Ngày nào Facetime với con trai, ông cũng “khoe” cây đào vẫn đang chờ nở bừng đúng ngày Hùng trở về nhà ăn Tết. “Con về vài ngày nữa hả? cây đào nhà mình cũng sắp nở rồi đấy con.”

Từ khung cửa sổ châu Âu xa xôi, Hùng nghe trong cơn gió đông có tiếng gọi trở về, có tiếng lép bép nồi bánh chưng trên sân của những ngày thơ bé, có mùi hương thịt đông của mẹ tìm mỏi mắt chẳng ra ở nơi xứ người, có khóm cúc, cành đào bố vun vén cho ngày Tết; Hùng như nhìn thấy sắc đào in trên nền tuyết trắng đang mở lời thúc giục.

Cành đào nở muộn để đợi bạn về ngắm, có bao nhiêu thứ ngọt lành, gia đình cũng gom góp để dành quyết đợi được con cháu phương xa trở về khui. Tất cả những điều đó, chỉ còn cách hai chữ "trọn vẹn" vừa bằng số bước chân bạn về đến cửa nhà. Còn chờ gì nữa mà không bắt đầu hành trình hồi đáp yêu thương?

Sáng ra mở cổng, thấy hàng xóm tay xách nách mang nào cúc mâm xôi, nào vạn thọ mua từ chợ hoa trên xã, ông Hùng vội vàng vào bảo vợ: "Bà ơi, chợ hoa mở rồi, vừa nãy nhà ông Tám kế bên mới xách mấy chậu về chưng. Bà gọi hỏi xem khi nào con về, trễ quá tôi sợ hết hoa đẹp".

Thoáng buồn trên gương mặt, bà Hoa quay sang nhìn chồng rồi thở dài: "Ngọc nó bận việc, hối quá tôi sợ con thức đêm, thức hôm làm rồi đổ bệnh ra đấy. Vợ chồng mình ráng đợi thêm chút, con nó về ngay ấy mà. Năm nào cả nhà cũng đi chung, năm nay ai lại đi sớm".

Thế mới thấy, có chợ hoa Tết mẹ cũng để dành chờ con về để cùng cả nhà diện quần áo mới, đi chọn vài khóm cúc, chậu hoa trang trí nhà ngày Tết. Đã thành thói quen, cứ 26-27 Tết là cả nhà lại đi chợ hoa, từ lúc con gái còn lũn chũn theo cha mẹ cho đến khi tự biết chọn hoa cho gia đình. Tết của bà Hoa và gia đình là cái Tết đợi con về. Bao yêu thương con cái, bao yêu thương gia đình, mẹ gom góp lại để dành cho ngày Tết của con.

"Mẹ muối được vại dưa ngon lắm, khi nào con về thì nấu cá ăn cũng ngon"

"Nhà mình có đàn gà đến Tết này ăn là vừa kịp, chứ ở thành phố gà không ngon như vậy đâu"

"Mẹ để phần cho mày cả vườn bưởi đấy, bưởi nhà mình ngon nhất xóm mà mẹ chưa bán quả nào."

Bà Hoa nhìn màn hình điện thoại là bức ảnh chụp chung cả gia đình từ Tết năm ngoái rồi chợt có tiếng chuông báo tin nhắn.

"Ba mẹ không được đi chợ hoa sớm đâu nhé, đợi con trở về rồi mới đi! Tết này con phải thay ba mẹ trang trí nhà cửa chứ, 2 hôm nữa con về tới nhà rồi!"

"Ráng chờ chút nữa, Tết sắp về rồi," bà Hoa nhìn chồng hạnh phúc.

Trong 5 ngôn ngữ tình yêu, người Việt không giỏi bày tỏ bằng câu từ ngôn ngữ nhưng luôn gom góp, chắt chiu yêu thương bằng những quan tâm giản dị đời thường. Má không nói rằng "má nhớ các con lắm, về ăn Tết với má đi con", má kho một nồi thịt to rồi dặn dò đám nhỏ về ăn cho hết. Ba không nói "cả nhà mong con về nhà ăn Tết", ba chụp cho con xem cành đào trước nhà đã đầy nụ, khóm mai nơi góc vườn đã được tuốt lá cẩn thận để chờ con về. Đám cháu ở nhà không kêu "Út ơi, chừng nào Út mới về?", đám cháu phụng phịu rằng, "bà nội bảo không được ăn mứt dừa vội, phải chờ Út về mới được ăn".

Cả năm dài rong ruổi với đam mê, vẫy vùng khắp biển rộng trời sâu để thu vào mình những trải nghiệm mới lạ, đến cuối cùng ta mới chợt nhận ra, hành trình ý nghĩa nhất vẫn là hành trình trở về với gia đình. Tết đến cũng để ta biết rằng, dù gần hay xa, dù ở trong nước hay đi bốn phương trời, nơi quê nhà vẫn luôn có thứ đợi bạn. Cành đào nở rộ đợi bạn trở về ngắm, đôi dép ba chà sạch đợi bạn trở về mang, hủ mắm tép mẹ làm đợi bạn trở về khui và cả những niềm vui sum họp, chỉ đợi bạn nữa thôi là đủ tròn đầy. Tất thảy những điều ấy, dung dị mà cảm động, giản đơn mà khiến ai cũng thấy bồi hồi, cũng thấy thôi thúc để trở về thật nhanh.

Tết này, hãy cùng Bitis Hunter đáp trả tiếng gọi yêu thương bằng những bước chân rộn rã, đi để trở về.