Chân lý kết bạn ngày nay: Kẻ thù của kẻ thù là bạn?

TYPN, Theo Helino 10:46 05/12/2018

“Sự tương đồng có sức hấp dẫn vô đối, tôi không muốn ám hạ thấp vai trò của chia sẻ sở thích trong việc kết bạn”, trích lời của Jennifer Bosson, giáo sư tâm lý học tại đại học Nam Florida. “Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu cho thấy những người có chung kẻ thù, ghét cùng một thứ, thường tạo dựng được một mối quan hệ khăng khít".

Bạn gặp một người “bạn của bạn” lần đầu. Cô ấy có vẻ hồi hởi, phóng khoáng, cô ấy thích BTS. Bạn cũng thích BTS. Đây có vẻ là một người thú vị để kết bạn.

Cho đến khi cô ấy bắt đầu kể về những khuyết điểm của người bạn chung, cây cầu nối đã dẫn bạn và cô ấy đến với nhau. Sau 5 phút nói xấu người bạn đó, bạn và cô ấy đã trở thành những-người-bạn-thân-thiết?

Từ tận những năm 40 của thế kỷ trước, tâm lý học xã hội đã nhận ra rằng: hai người xa lạ dễ kết bạn với nhau hơn nhờ chia sẻ những cảm xúc tiêu cực. Nhưng một nghiên cứu đầy đủ mới đây đã mở rộng kết quả đó thành một chân lí mới: nói xấu, đặc biệt là nói xấu một người khác dường như là cách nhanh và hiệu quả nhất để hai người kết bạn với nhau. Nếu bạn muốn bắt thân với ai đó, chẳng còn con đường nào nhanh và ngắn hơn là cùng nhau “gossip” về những người mà cả hai bạn cùng ghét.

Chân lý kết bạn ngày nay: Kẻ thù của kẻ thù là bạn? - Ảnh 1.

“Sự tương đồng có sức hấp dẫn vô đối, tôi không muốn ám hạ thấp vai trò của chia sẻ sở thích trong việc kết bạn”, trích lời của Jennifer Bosson, giáo sư tâm lý học tại đại học Nam Florida. “Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu cho thấy những người có chung kẻ thù, ghét cùng một thứ, thường tạo dựng được một mối quan hệ khăng khít hơn”.

Đầu những năm 2000, một vài thí nghiệm đã được Jennifer Bosson triển khai để tìm ra mối liên hệ giữa những cảm xúc tiêu cực (thù hận, căm ghét, phê phán, chỉ trích) với việc kết bạn của con người. Trong một nghiên cứu năm 2006, Bossons và đồng nghiệp nhờ một vài người ngồi nghe cuộc hội thoại sau: Brad và Melissa cùng nhau viết ra những điểm mình thích và không thích ở nhau.

Sau đó, Brad được các chuyên gia tâm lý thông báo rằng: có một người A đồng ý với những điều Brad thích ở Melissa; đồng thời có một người B đồng tình với những điểm Brad ghét ở Melissa.

Phía ngược lại, Melissa cũng được thông báo rằng, có một người A thích Brad với cùng những lí do giống như cô, và một người B ghét Brad chính vì những lí do cô liệt kê.

Và không bất ngờ lắm, cả Brad và Melissa đều có hứng thú làm bạn với người B hơn. Trong khi A và B đều là những nhân vật được tưởng tượng ra nhằm mục đích thử lòng hai người.

Chuyên gia Jennifer Bosson, qua một vài thí nghiệm tương tự đã ngày càng củng cố kết luận của mình. Không cần biết bạn thuộc giới tính nào, chủng tộc nào, ghét chung một thứ là cách nhanh nhất kéo hai người lạ mặt lại với nhau; thậm chí còn thân nhau nhanh hơn cả hai người có chung sở thích.

Chúng ta có thể giải thích điều này như thế nào? “Khi một lạ người nói xấu người khác, chúng ta thường bi thu hút bởi suy nghĩ: “Trời ơi, mình có đồng minh này!”. Đặc biệt khi người lạ đó tâm sự về những điều ta chưa hề hay biết, não bộ chúng ta sẽ bị kích thích vô cùng và cảm giác như mình học được điều gì đó hay ho và thú vị lắm.

“Cùng ghét một thứ gì đó khiến con người xích lại gần nhau hơn, bởi chúng ta cảm thấy đối phương công nhận quan điểm đúng đắn của mình. Ồ, đây chính là tri kỉ!”.

Chân lý kết bạn ngày nay: Kẻ thù của kẻ thù là bạn? - Ảnh 2.

Vẫn còn một lí do khác giải thích kĩ càng hơn việc tại sao con người lại thích đến với nhau nhờ chia sẻ những quan điểm tiêu cực. Các chuyên gia nói rằng: suốt cả triệu năm qua, sự tiến hóa của loài người có lẽ đã ngầm lập trình một hệ thống kết nối con người qua những thứ mà chúng ta căm ghét.

“Về mặt tâm lý, chúng ta dễ bị hấp dẫn bởi một người có chung kẻ thù với mình”, trích lời giáo sư Frank McAndrew của trường đại học Knox College, bang Illinois, Mỹ. “Họ xuất hiện trong đời ta để công nhận những gì ta nói, ta nghĩ, ta làm, khiến ta nghĩ mình không phải người hẹp hòi hay cực đoan”.

Giáo sư McAndrew nghiên cứu sâu về tâm lí học xã hội và phát triển. “Mọi nghiên cứu của tôi đều dựa trên giả định rằng con người tồn tại với bộ não của người tiền sử, sinh hoạt trong những nhóm nhỏ và giao thiệp với nhau qua những tương tác trực tiếp”, ông nói. Trong thế giới đó, mọi người lạ đều có thể đến từ một nhóm đối thủ khác và nhiều khả năng sẽ làm hại người thân của bạn. Nhưng nếu người lạ đó bày tỏ sự căm ghét với một bộ lạc khác mà bạn cũng ghét, từ đây lập tức sẽ nảy sinh ra một sự hợp tác và tin tưởng.

“Kẻ thù của kẻ thù là bạn”, nghiên cứu sâu về sự hợp tác này quả thật như gãi vào chỗ ngứa nguyên thủy của loài người. Được giao lưu kết bạn, được hòa nhập vào hội nhóm là nhu cầu cơ bản của chúng ta. Nhưng việc bạn được kết nạp vào đồng nghĩa với việc ai đó phải bị loại ra. Đó là lí do con người ta nói xấu nhau, và thích nghe người khác nói xấu những người khác nữa.

Ngay cả trong những mô hình xã hội nguyên thủy như bộ lạc, loài người vẫn thích kết bạn với nhau trên nguyên tắc “kẻ thù của kẻ thù là bạn” hơn là chia sẻ những sở thích tốt đẹp. Giáo sư McAndrews nói: cấu trúc xã hội loài người là có phân cấp và đương nhiên, sẽ thay đổi liên tục. Người ở bậc thang thấp hơn luôn muốn trèo cao, và họ phải kéo người phía trên xuống. Từ đó mới sinh ra nói xấu. “Chúng ta luôn thích những thông tin tiêu cực bởi chúng cực kì hấp dẫn với những cái đầu đang hăm hở tính toán làm sao để hất cẳng một ai đó”, giáo sư McAndrews nói.

“Cố tìm ra những điểm tốt của kẻ đang cạnh tranh với bạn là một hành động dở hơi, nhưng bới ra lỗi của họ thì lại cực kì hữu ích cho công cuộc lật đổ”.

(Điều này có thể giải thích những nụ cười xấu xa của bạn khi đồng nghiệp bị sa thải hoặc đứa bạn bị cắm sừng. Khi cuộc đời người khác trở nên tồi tệ, tự bạn cảm thấy (hình như là) đời mình còn tốt chán, và đang tốt đẹp lên).

“Kẻ thù của kẻ thù là bạn” rõ ràng là một xu hướng tiêu cực; bởi bạn có chắc rằng một người đến với bạn chỉ vì ghét người khác, sẽ không bao giờ quay mũi tên về phía bạn?

Internet ra đời khiến chúng ta ta thù ghét nhau nhiều hơn. “Chính mạng xã hội đã khơi dậy khao khát nguyên thủy của loài người - nói xấu sau lưng, cũng như nhu cầu khẳng định bản thân bằng cách giao thiệp với các “tri kỉ” có cùng chí hướng”, giáo sư Mc Andrews nói. Nói xấu online có thể mang nhiều người lạ đến gần nhau hơn, trở thành bạn bè, cảm thấy được kết nối, sẻ chia, tuy nhiên, nó cũng nhấn chìm chúng ta trong những quan điểm tiêu cực, sơ sài, nghèo nàn về người khác.

Chuyên gia Jennifer Bosson cũng đồng ý rằng: “Kẻ thù của kẻ thù là bạn - tư tưởng này có thể củng cố tính bầy đàn, bè phái trong quan hệ xã hội”. Bà cho rằng rất nhiều nền tảng mạng xã hội hiện nay kiếm lợi từ hoạt động “mai mối” cho những người ghét nhau thành lập cộng đồng và chia sẻ những suy nghĩ tiêu cực như: “Hội anti Idol ABC”, “nhóm bài trừ ca sĩ XYZ”, "Hội bóc phốt các beauty bloggers". Việc con người được kết bạn và kết nối là tốt, nhưng nối vòng tay lớn chỉ để bắt nạt một người khác thì chưa bao giờ đáng khuyến khích cả.

Chân lý kết bạn ngày nay: Kẻ thù của kẻ thù là bạn? - Ảnh 3.

Khi mọi chuyện nóng dần lên và một nhóm người coi kẻ thù của mình không còn là con người nữa, “kết cục tất yếu chính là chiến tranh”.

Dựa theo bài viết được đăng tải trên Medium