Chán cuộc sống thị thành, cặp đôi lên núi xây túp lều tranh ngày ngày dệt vải nuôi chó trồng rau cho sướng!

L.T, Theo Helino 21:00 27/06/2018

Ngày thì cuốc đất làm vườn kiếm ăn, tối về đàn hát vui với thiên nhiên, cây cỏ hoa lá, suốt 7 năm qua cặp vợ chồng ấy vẫn sống bình yên ở nơi chẳng ai thèm ngó tới.

Trong một căn nhà nhỏ đơn sơ núp dưới những bóng cây xanh trên lưng chừng ngọn núi cao nhất ở miền đông Trung Quốc, có một cặp vợ chồng đã tạo dựng cuộc sống êm đềm, hạnh phúc ở đó suốt 7 năm qua. Đó chính là anh Đường Quan Hoa (Tang Guan Hua) và chị Hình Chấn (Xing Zhen).

Anh Đường vốn là một nhà thiết kế quảng cáo còn chị Hình là một nhà phân tích chứng khoán. Với trình độ, khả năng của họ, không khó để cặp đôi có được một cuộc sống khá giả và thoải mái ở thành phố nhưng họ lại không thích sự ồn ào nơi phồn hoa đô thị và muốn sống gần gũi với thiên nhiên nên đã quyết định bỏ lại tất cả sau lưng để về miền núi, sống cuộc sống yên bình thân thiện với môi trường và tránh xa phố thị ồn ào.

Chán cuộc sống thị thành, cặp đôi lên núi xây túp lều tranh ngày ngày dệt vải nuôi chó trồng rau cho sướng! - Ảnh 1.

Anh Đường Quan Hoa và chị Hình Chấn đã dũng cảm bỏ tất cả mọi thứ để về vùng núi heo hút sinh sống.

Ý tưởng về một cuộc sống như vậy không phải bỗng dưng mà có. Anh Đường nói: "Từ khi còn học đại học, tôi luôn mơ ước một ngày nào đó sẽ được sống cùng người mình yêu ở một nơi yên tĩnh, ít tác động tới môi trường nhất. Thế rồi cô ấy xuất hiện, chúng tôi tìm được niềm vui chung và nhanh chóng lên kế hoạch".

Năm 2011, khi mọi thứ đã sẵn sàng, họ quyết định xin nghỉ việc và chọn một vị trí trên núi Laoshan, cao 1.132m, ở khu vực bờ biển phía Đông Nam của tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc để làm nơi định cư lâu dài với sự giúp đỡ của một số bạn bè thân thiết.

Chán cuộc sống thị thành, cặp đôi lên núi xây túp lều tranh ngày ngày dệt vải nuôi chó trồng rau cho sướng! - Ảnh 2.

Căn nhà nhỏ đơn sơ cặp vợ chồng dựng trên núi khi mới đến ở.

Để đạt được ước mơ của mình, họ đã phải học trước những kỹ năng sinh tồn mà "cuộc sống nơi đô thị chẳng bao giờ cần đến". Chị Hình lấy ví dụ về việc hai vợ chồn cô phải học cách tự cắt tóc cho nhau, tự làm xà phòng... Họ sử dụng những vật liệu tái chế để dựng một căn nhà nhỏ 2 tầng, mỗi tầng có 3 phòng bởi họ luôn sẵn sàng đón những vị khách muốn trải nghiệm cuộc sống "như thời nguyên thủy".

Họ không dám gọi ngôi nhà của mình là một phát minh bởi nó sử dụng những kỹ thuật từ thời nhà Tần (221-206 trước Công nguyên). Anh Đường đưa hai bàn tay thô ráp với những vết chai sạn của mình ra và nói: "Tất cả những gì chúng tôi cần là cát, đất sét và sức lực để làm".

Chán cuộc sống thị thành, cặp đôi lên núi xây túp lều tranh ngày ngày dệt vải nuôi chó trồng rau cho sướng! - Ảnh 3.

Hàng ngày chị Hình xới đất, trồng rau và làm những việc vặt trong gia đình.

Chán cuộc sống thị thành, cặp đôi lên núi xây túp lều tranh ngày ngày dệt vải nuôi chó trồng rau cho sướng! - Ảnh 4.

Cặp đôi tự sản xuất các vật dụng thiết yếu cho cuộc sống sinh hoạt và thức ăn hàng ngày. Họ phân công lao động chẳng khác gì thời xa xưa, vợ có trách nhiệm sản xuất các sản phẩm thiết yếu hàng ngày như giày dép, quần áo, xà phòng, đường, muối, dầu ăn, dấm... Trong khi chồng xây dựng, thiết kế nhà cửa, hệ thống nước, điện chiếu sáng…

Chán cuộc sống thị thành, cặp đôi lên núi xây túp lều tranh ngày ngày dệt vải nuôi chó trồng rau cho sướng! - Ảnh 5.

Nguồn nước của họ là một con suối nhỏ xíu phụ thuộc vào lượng mưa.

Chán cuộc sống thị thành, cặp đôi lên núi xây túp lều tranh ngày ngày dệt vải nuôi chó trồng rau cho sướng! - Ảnh 6.

Nhưng Đường đã biết thiết kế thùng chứa nước mưa từ mái nhà.

Anh Đường và chị Hình còn chia sẻ câu chuyện và những kinh nghiệm của mình trên trang web anotherland.org. Họ cũng dùng trang web đó để bán những món đồ từ thiên nhiên mà họ tự tay làm ra để có thêm tiền trang trải cuộc sống, đồng thời giúp duy trì trang web.

"Nguồn nước ngầm duy nhất nằm trong một hồ nước nhỏ, nó bắt nguồn từ một dòng suối nhỏ cách đó khoảng 50 mét", chị Hình giải thích và cho biết thêm rằng nó là nguồn nước không ổn định vì nó phụ thuộc vào lượng mưa. Vì vậy, để bù đắp cho việc thiếu nước, cặp đôi đã sáng tạo ra một thiết bị thông minh khác. Họ lắp đặt các thùng chứa nước trên mái nhà để thu gom nước và đưa nó vào máy lọc, cũng được làm thủ công.

Còn nguồn điện, Đường dùng một chiếc xe đạp vừa để tập thể dục vừa tạo ra điện cho sinh hoạt của hai vợ chồng. Bên cạnh đó, họ cũng sử dụng những tấm pin mặt trời để đảm bảo có đủ ánh sáng ngay cả khi Đường không có sức đạp xe.

Chán cuộc sống thị thành, cặp đôi lên núi xây túp lều tranh ngày ngày dệt vải nuôi chó trồng rau cho sướng! - Ảnh 8.

Chiếc xe đạp tạo ra điện.

Là một tỉnh ven biển, thời tiết ở Sơn Đông có thể cực kỳ lạnh vào mùa đông và độ cao của Laoshan cũng khiến cho cặp đôi gặp khó khăn lớn khi phải chịu đựng cái lạnh đến thấu xương.

Để giữ ấm cho ngôi nhà, Đường dùng phương pháp cách nhiệt với 15.000 chai nhựa nén. Anh nói: "Chúng tôi đã sử dụng chai đựng chất thải để đảm bảo thân thiện với môi trường". Điều đáng nói là việc thu gom 15.000 chai nhựa không hề dễ dàng bởi các nhà máy tái chế không muốn cho họ số chai đó. May mắn thay, một số người bạn của cặp đôi tại Đại học Ocean đã giúp được bằng cách mở chiến dịch được gọi là "Save Your Bottle" vào năm 2011 và thu thập đủ số lượng vỏ chai trong vòng ba tháng. Trong thời gian Đường làm những việc xây dựng nhà cửa thì chị Hình trồng rau, học cách lấy sợi gai, quay sợi để dệt, làm giày hoặc quần áo. Cô còn học cách nuôi tằm để lấy tơ dệt vải.

Tuy vậy nhưng cặp đôi vẫn không hoàn toàn tách biệt khỏi xã hội công nghiệp. Do thiếu đất, họ chỉ trồng được rau, vẫn phải mua lúa mì và gạo. Hình cũng nuôi một chú chó tên là Tuotuo và khi bất kỳ ai trong số họ cần được chăm sóc y tế, họ sẽ xuống núi để đến bệnh viện hoặc gặp bác sĩ thú y.

Chán cuộc sống thị thành, cặp đôi lên núi xây túp lều tranh ngày ngày dệt vải nuôi chó trồng rau cho sướng! - Ảnh 10.
Chán cuộc sống thị thành, cặp đôi lên núi xây túp lều tranh ngày ngày dệt vải nuôi chó trồng rau cho sướng! - Ảnh 11.

Cuộc sống yên bình tươi đẹp của cặp đôi.

Mong muốn của cặp đôi là sẽ phát triển thành một cộng đồng những người có niềm đam mê và sở thích chung là sống cuộc sống thân thiện với môi trường. "Mọi người cần có những cách sống khác nhau. Tôi muốn xây dựng một cộng đồng có lối sinh hoạt không giống thành phố", Đường nói.

Chán cuộc sống thị thành, cặp đôi lên núi xây túp lều tranh ngày ngày dệt vải nuôi chó trồng rau cho sướng! - Ảnh 12.

Hình ảnh hai vợ chồng đang đàn hát cùng anh Yoshitomi Haruki người Nhật Bản.

Sau 7 năm sống cách biệt với thành thị đông đúc, cuộc sống của họ cũng đã có nhiều thay đổi. Họ chuyển nhà vài lần nhưng vẫn duy trì lối sống cũ. 

Năm 2016, cặp đôi đã chuyển tới Phúc Châu để xây dựng một ngôi làng nhỏ cùng những người chung ý tưởng tạo dựng cuộc sống mới. Với sự giúp đỡ của một quỹ phúc lợi của địa phương, họ thuê khoảng 33 ha đất của làng với hợp đồng thuê 20 năm. Có 7 người đã tới sinh hoạt cùng họ. 

Chán cuộc sống thị thành, cặp đôi lên núi xây túp lều tranh ngày ngày dệt vải nuôi chó trồng rau cho sướng! - Ảnh 13.

Anh Yoshitomi Haruki tự xây nhà bằng các vật liệu tự nhiên.

Họ đưa ra những quy tắc chung để sống vui vẻ, hòa thuận và đặc biệt là "làm bạn" với môi trường. Chẳng hạn, mọi người sống cùng thì luôn giúp đỡ nhau trên tinh thần hữu nghị, không được sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học để trồng cây, sử dụng các nguyên liệu tự nhiên để làm thức ăn, nơi trú ẩn và nhu yếu phẩm hàng ngày...

(Nguồn: Chinadaily)