Cây bật gốc đè chết người trong mưa giông: “Phải loại bỏ những cây quá già chứ không thể giữ vĩnh cửu”

Hoàng An, Theo Trí Thức Trẻ 08:20 01/09/2019

Chuyên gia cho rằng, cần phải loại bỏ những cây cổ thụ quá già, phải có quy trình giám sát chặt việc trồng, chăm sóc cây xanh mới hạn chế tối đa tình trạng cây đổ gãy khi mưa giông.

Những ngày qua, trời Hà Nội liên tục xảy ra mưa lớn kèm theo giông lốc, gió giật mạnh khiến hàng loạt cây xanh trên các tuyến phố bị bật gốc, gãy cành.

Nghiêm trọng nhất vào chiều 29/8, nam thanh niên Nguyễn Hữu T. (SN 1993, trú tại Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm) trong lúc điều khiển xe máy di chuyển trên bờ Hồ Tây đã bị cây si đường kính lớn đè tử vong.

Cây bật gốc có rễ cụt, mục nát

Theo ghi nhận của PV, những cây bị đổ gãy được trồng lâu năm, có những cây đã thành cổ thụ, dưới gốc rễ bị cụt hoặc mục nát, phần thân sâu, rỗng.

Sau những sự cố liên quan đến gió lớn, Công ty Cây xanh Hà Nội đã cử công nhân tăng cường cắt tỉa cành nhằm hạn chế thấp nhất rủi do. Lãnh đạo công ty này cho biết, không phải chờ đến khi xảy ra gió bão đơn vị mới tiến hành cắt tỉa, mà hoạt động này được thực hiện thường xuyên.

Cây bật gốc đè chết người trong mưa giông: “Phải loại bỏ những cây quá già chứ không thể giữ vĩnh cửu” - Ảnh 1.

Cây xanh có đường kính khoảng 1 mét đổ chắn ngang giữa ngã tư Hoàng Hoa Thám - Lạc Long Quân trong cơn giông chiều 29/8.

Cây bật gốc đè chết người trong mưa giông: “Phải loại bỏ những cây quá già chứ không thể giữ vĩnh cửu” - Ảnh 2.

Phần gốc cây này chỉ toàn rễ nhỏ, không có rễ to đâm sâu xuống lòng đất giữ cây vững chắc.

Giáo sư Nguyễn Lân Hùng (chuyên gia nông nghiệp) cho rằng, vừa qua Hà Nội phải hứng chịu những cơn lốc chứ không phải là mưa bão thông thường. Khi lốc xoáy thì cây bị gãy cành, bật gốc là đương nhiên, không cây nào có thể chịu được nếu rơi vào đúng luồng gió.

Ông cho biết thêm trong cơn lốc gần đây, Hà Nội có hơn 50 cây đổ gãy. Theo ông, cần phải thay thế những cây đã quá già cỗi bởi phần gốc rễ đều đã mục.

"Bây giờ phải cố gắng khắc phục mức cao nhất, chúng ta phải loại bỏ những cây quá già chứ không thể giữ vĩnh cửu được. Có những cây nên giữ nhưng một số cây khác thì không nên, nó không còn phù hợp với đất", Giáo sư Nguyễn Lân Hùng nói.

Còn PGS – TS Nguyễn Hồng Tiến (nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng) chia sẻ quan điểm, nhiều cây xanh ở Hà Nội bị đổ gãy thời gian qua là do thời tiết cực đoan tạo nên những cơn gió trong dòng xoáy các tòa nhà cao tầng.

Có những cây đang sinh trưởng rất đẹp, thân chắc chắn nhưng do dòng xoáy mạnh của gió đã vô tình làm bật gốc, người di chuyển dưới đường không may bị đè trúng, chết oan.

Cây bật gốc đè chết người trong mưa giông: “Phải loại bỏ những cây quá già chứ không thể giữ vĩnh cửu” - Ảnh 3.

Một cây xanh khác trên đường Nguyễn Phong Sắc (Cầu Giấy) bị bật gốc trong cơn giông ngày 29/8, phần rễ khá ngắn.

Ông Tiến phân tích, đối với cây to, cây cổ thụ trên hè phố bị bật gốc, rễ những cây này mục nát có nguyên nhân xuất phát từ việc người dân không có ý thức bảo vệ, đổ dầu, nước sôi phá hoại từ gốc trở lên, hoặc có thể trước kia trồng, người ta lựa chọn loại cây rễ nông, không phù hợp với thổ nhưỡng.

Cần giám sát đặc biệt quy trình trồng, chăm sóc cây

Để hạn chế tối đa tình trạng cây đổ gãy, khi trồng ta phải kiểm tra kỹ phương pháp làm sao đảm bảo được độ sâu nhất định, không còn vỏ bao bọc đất thì khi trồng xuống rễ mới có thể sinh trưởng, phát triển tốt.

Cây bật gốc đè chết người trong mưa giông: “Phải loại bỏ những cây quá già chứ không thể giữ vĩnh cửu” - Ảnh 4.

Khu vực hiện trường cây si đổ đè nam thanh niên tử vong trên phố Quảng Bá (Hồ Tây) chiều 29/8. Cây có đường kính khá lớn.

Ông Tiến cho rằng, Hà Nội cần phải có quy trình quản lý giám sát đặc biệt từ việc lựa chọn giống cây, đưa cây từ vườn ươm về trồng vào hố trên đường cho đến kỹ thuật bảo vệ, chăm sóc sau khi cây trồng đã phát triển.

Ông chia sẻ thêm, trong giai đoạn từ năm 2016 – 2020, Hà Nội bắt đầu thực hiện chương trình trồng 1 triệu cây xanh. Đến thời điểm hiện tại, mục tiêu đã hoàn thành.

"Số cây được Hà Nội trồng trong thời gian qua làm tăng độ bao phủ, khách quan mà nói, trong những khu vực được trồng mới này đã tạo được bộ mặt đô thị, làm cho không gian xanh nhiều hơn. Điều đặc biệt làm giảm biến đổi khí hậu, tăng thêm độ mát", ông Tiến nói.

Nhưng nếu nhìn một cách tổng thể, ông Tiến đánh giá quá trình thiết kế, trồng cây trên nhiều tuyến phố Hà Nội hiện nay hơi bị rối mắt, có nhiều tầng, nhiều lớp.

"Cây xanh ở Hà nội chưa hình thành được tính chất đặc trưng riêng, cũng chưa thể hiện được cái vẻ đẹp mà nó mang lại. Cần phải căn chỉnh thêm nhiều nữa mới xứng tầm với Thủ đô nghìn năm tuổi", PGS – TS Nguyễn Hồng Tiến nhận xét.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày