Rắc rối “kinh hoàng” vì “ngày ấy”

Ms. Cà chua, Theo 00:00 06/02/2010

Nói đến “ngày ấy” chắc mọi người tưởng tớ là XX hử? Nhưng nhân vật chính là tớ đây lại là một “X-men” chính hiệu đấy. Và tớ đã gặp bao nhiêu là rắc rối chỉ vì cái “ngày ấy” này!!! <img src='/Images/EmoticonOng/01.png'><img src='/Images/EmoticonOng/02.png'>

Từ một ngày “đại xui xẻo”

Hôm ấy đúng là một ngày đáng nhớ vì… quá xui xẻo của tớ. Đầu tiên là mới sáng ngủ dậy, tớ loay hoay chuẩn bị tập tạ, cầm cầm nắm nắm thế nào mà làm cái tạ rơi bụp xuống đất, đã thế trước khi “2 em tạ” tiếp đất thì còn “tặng” cho tớ một cú va đập choáng váng ở chân. May mà chỉ là tạ tập tay chứ không thì chắc bàn chân "oai dũng” của tớ cũng “tiêu” rồi. Đang nhăn nhó xuýt xoa vì bị đau thì mẹ tớ nhìn thấy đã “quạt” cho một bài vì tội “lớn rồi mà còn hậu đậu”.

Chưa hết, vừa lên lớp, thằng bạn “nối khố” đã chặn tớ ở ngay cầu thang rồi tay lôi tay kéo: “đi ra căng-tin ăn sáng với tao”. Mọi khi thì tớ đã hồ hởi phi ngay cùng nó, nhưng hôm í không hiểu sao tớ lại “khó tính” đột xuất, lại thêm cái chân đang sưng nên tớ bảo: “Thôi mày đi đi. Tao ăn rồi”. Thằng bạn tớ trố mắt: “Hôm nào mày chả ăn ở nhà, mà hôm nào mày vẫn chả ra căng-tin với tao. Hôm nay bị “hấp” à?”. Bình thường, tớ với nó vẫn vui vẻ gọi nhau bằng những “mĩ từ” kiểu như “điên, chập, hấp”, í thế mừ hôm nay nghe nó bảo mình “hấp”, tớ bỗng sửng cồ lên: “ừ tao hấp đấy” xong rồi đùng đùng bỏ vào lớp mặc cho thằng bạn đang há hốc miệng đằng sau.



Ngay tiết Toán đầu tiên, cô giáo đã gọi tớ lên làm bài tập ứng dụng cho lí thuyết vừa học. Bài toán cơ bản không khó lắm, công thức lại có rồi, chỉ biến đổi “vặn vẹo” đi một tí là ra thui, thế mà tớ cứ loay hoay mãi không làm được. Rõ ràng là dạng toán này không khó, thế mừ chẳng hiểu sao hôm í tớ đứng nghĩ mãi vẫn không ra cách biến đổi. Thấy tớ “như gà mắc tóc”, cô giáo đành cho về làm tớ cảm thấy “xí hổ” quá (vì bình thường tớ vẫn được xem là học Toán khá trong lớp mừ).

Mọi chuyện chưa dừng lại ở đó, trên đường đi học về, lúc rẽ vào ngõ, tớ còn phi vào con mèo nhà hàng xóm làm nó kêu váng lên thảm thiết, bà hàng xóm chạy ra vừa bê con mèo vừa trách tớ đi đứng ẩu đoảng. Rối rít xin lỗi bà ấy xong, tớ thất thểu đi vào nhà trong tâm trạng của một kẻ “thất bại”, trong lòng thầm nghĩ: “trời ơi, sao hôm nay mình xui xẻo thế cơ chứ!”.


Đến khám phá bất ngờ

Tối hôm đó, tớ uể oải ngồi vào bàn học và cố gắng làm hết bài tập ngày hôm sau. “Lê lết” hết đống bài tập, vẫn chưa đến 10h, tớ bèn mở máy tính ra vào mạng đọc báo linh tinh “xả xui”. Lang thang thế nào tớ lại lạc vào một website về y khoa, định tắt đi luôn vì chả thấy có gì hấp dẫn thì tớ bỗng thấy có bài viết về “ngày ấy” của boys. Ngạc nhiên nghĩ: “trang web này có nhầm không? “Ngày ấy” là của bọn con gái cơ mà”, tớ bèn click vào đọc. Hóa ra bài báo không hề nhầm mà chính tớ mới là người “nhầm nhọt”. 

Bài báo nói rằng cơ thể của boys hay girls đều có chu kì sinh học và XY cũng có chu kì “ngày ấy” của riêng mình như XX. Chỉ khác một điều là, các XX có thể dễ dàng nhận biết được kỳ “nguyệt san” của mình qua các dấu hiệu như: kinh nguyệt, đau bụng, mụn trứng cá,… thì với XY lại khó nhận biết hơn nhiều (thậm chí là đa phần boys còn không biết là mình có “ngày ấy” í chứ, tiêu biểu là tớ đây nè).


Các nhà khoa học giải thích rằng “ngày ấy” của boys là do tác động của hormone nam tính testosterone, song XY rất khó nhận biết được những tác động do hormone này gây ra. “Ngày ấy” của XY khó “nhận diện” là bởi vì testosterone có thể bị biến đổi vì nhiều yếu tố và nó cũng liên tục thay đổi, vì thế tại một vài thời điểm trong ngày hoặc một vài ngày trong tháng, “phe đầu đinh” chúng ta sẽ phải chịu sự tác động đó.

Thông thường thì lượng testosterone sẽ tăng cao vào buổi sáng, xuống thấp vào buổi trưa và đặc biệt thấp vào buổi tối. Sự thay đổi của lượng hormone này diễn ra theo chu kỳ 15 phút một lần hoặc diễn ra vào một vài ngày nào đó trong tháng. Sự tăng giảm của testosterone tác động đến tâm lý cũng như sức khoẻ của XY. Ảnh hưởng của nó cũng gần giống với hiện tượng diễn ra ở XX như khó chịu, đau đầu, đau lưng, giảm sút năng lực, đặc biệt là tính khí (vì testosterone “trào dâng” thẳng lên não mừ). Bài báo còn nói thêm rằng, vào những “ngày ấy”, y như XX, các XY cũng cảm thấy căng thẳng, “xì trét”, mệt mỏi, dễ cáu giận do chỉ số sinh lý, trí tuệ, cảm xúc bị xuống đến mức thấp nhất (thảo nào mà hôm nay tớ lại dễ cáu và “ngu đột xuất” đi như thế).


Tìm hiểu thêm, tớ còn biết được rằng, nếu “phe đầu đinh” chúng ta muốn “nhận diện” được chu kì “ngày ấy” của mình thì có một cách là nhớ lại và tự chú ý những ngày mình cảm thấy mệt mỏi, buồn bực, căng thẳng; chịu khó đánh dấu những ngày í vào cuốn lịch (như các girl vẫn hay làm ấy) thì sẽ xác định được chu kỳ của boys. Và để giảm bớt sự khó chịu, mệt mỏi vào những “ngày ấy”, XY phải chăm chỉ tập thể dục, đặc biệt là trong những ngày “u ám” đó thì nên tăng dinh dưỡng trong khẩu phần thức ăn (những bữa ăn ít chất béo sẽ làm lượng testosterone giảm đi khoảng 14% đó).

Sau khi đọc bài báo, tớ ngồi ngẫm nghĩ lại và thấy đúng là tháng nào mình cũng có vài ngày “đen đủi” như thế cả. Vậy là sáng hôm sau, tớ in bài báo ra rồi hí hửng mang lên lớp “thanh minh” với thằng bạn. Nhưng hóa ra là nó chả thèm chấp tớ, còn tớ thì sau đó cũng quên luôn cả việc đánh dấu vào lịch để “nhận diện” “ngày ấy”. Thui, cứ coi như là bổ sung thêm 1 kiến thức hữu ích vậy!