Vạn sự đều có bắt đầu lẫn kết thúc, dù hành trình sống của em bé Vì Văn Lực (xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) chỉ vỏn vẹn 5 tháng, nhưng để lại cho cuộc đời một tình anh em quá đỗi đẹp đẽ giữa những đứa trẻ.

Chúng tôi quyết định dành chuyến đi cuối cùng của năm 2019 để kiếm tìm lại một trái tim biết yêu thương giữa rừng già Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. So với cách đây 9 tháng, nắng đã thôi không còn gắt, sương mờ bắt đầu bao phủ khắp không gian, những con đồi vẫn cứ thế nối tiếp nhau chạy dài đến vô tận. Đứng trên cao nhìn xuống, phía dưới chân đồi gần như bị "nuốt trọn", những căn nhà sàn đâu mất rồi, cũng chẳng ai rõ nữa.

17h chiều, bản Bống Hà khuất mình, lùi dần vào bóng tối. Không đèn đường, thứ ánh sáng yếu ớt duy nhất vụt ra từ những căn nhà gỗ, không đủ sức bừng tỉnh thôn bản nhỏ của người dân tộc Thái - vẫn đang mải đắm mình trong những miên man. Bất chợt, có tiếng hát vọng ra từ căn nhà nhỏ.

"Vì nhân dân quên mình vì nhân dân hy sinh

Anh em ơi vì nhân dân quên mình

Đoàn vệ quốc chúng ta ở nhân dân mà ra

Được dân mến được dân tin muôn phần"...


img
img
img
img

Cựu chiến binh 74 tuổi Vì Minh Sơn, người từng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chiến đấu tại thành cổ Quảng Trị và nước bạn Lào, bắt nhịp rồi hòa giọng cùng cháu nội Vì Quyết Chiến (13 tuổi) trong khúc hành ca "Vì nhân dân quên mình". Đi gần hết cuộc đời, điều ông tự hào nhất, có lẽ là truyền lại cho đứa cháu lòng quyết tâm, tinh thần dũng cảm và những câu hát của thời chiến.

Bắt đầu từ cuối tháng 3 - đầu tháng 4 năm 2019, "Vì Quyết Chiến" trở thành một trong những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên mạng xã hội. Một "thanh niên" chỉ 13 tuổi, lại dám giấu ông bà, bố mẹ, lén đạp xe hơn 103km từ Sơn La xuống Hà Nội thăm em trai bị ốm. Ngay cả khi đã trở thành một "hiện tượng" và đón nhận những luồng ý kiến trái chiều vào thời điểm đó, thì Vì Quyết Chiến vẫn chỉ là một đứa trẻ, bắt đầu "hành trình của trái tim" bằng động lực mà ai cũng có, là tình yêu thương. 

Chúng tôi tìm lại về nhà Chiến, không phải để tôn vinh "cuộc phiêu lưu" của em, cũng không tò mò liệu "sự nổi tiếng" bủa vây cậu bé dân tộc Thái như thế nào gần một năm qua. Chúng tôi muốn kiếm tìm lại giọng hát và nụ cười, sự hồn nhiên, trong trẻo, và đặc biệt một trái tim biết yêu thương đằng sau thân hình nhỏ nhắn của Vì Quyết Chiến. 

Một thứ mà chúng tôi vẫn luôn gọi, là "điều phi thường nhỏ bé".

Cậu bé Vì Quyết Chiến đạp xe 100km xuống Hà Nội thăm em: Nếu Lực còn sống, em mong Lực đừng cố chấp, liều lĩnh như em” - Ảnh 2.

Đợt này, Chiến "thất nghiệp" sau khi bố mẹ bán hết bò để gom tiền sửa nhà. Nhà Chiến bị mưa lũ tàn phá nặng nề từ năm 2018. Không ở được, cả gia đình phải sang sống nhờ nhà ông bà nội. Ngày đó, vợ chồng anh Vì Văn Nam (bố Chiến) đón bé Vì Văn Lực về nhà lo hậu sự, dân bản kéo đến hỏi thăm rất đông, đến nỗi phần bếp của căn nhà suýt đổ sập, may 2 cột chống vẫn đủ sức níu giữ bản lề.

Chiến nói, 5 con bò "cưng" trong số 12 con, được em nuôi từ bé, mỗi ngày đều dắt lên đồi chăn thả. Em đặt cho mỗi đứa một cái tên, gọi tên con nào là con đó ngoảnh mặt lại. Từ ngày nhà bán bò, vô tình "bán" luôn niềm vui bình dị của đứa bé 13 tuổi.

Chiến được nuôi lớn bằng sức mạnh của rừng già hùng vĩ và "tinh thần chiến đấu" của người cựu binh, giỏi bẫy thú, thành thạo trèo đèo, lội suối. Khắp bản làng, chưa nơi nào thiếu vắng dấu chân cậu bé. 

Cậu bé Vì Quyết Chiến đạp xe 100km xuống Hà Nội thăm em: Nếu Lực còn sống, em mong Lực đừng cố chấp, liều lĩnh như em” - Ảnh 3.

"Để bẫy sóc và chuột, chúng ta nên đi vào rừng tầm chiều muộn, tìm chỗ rậm và ẩm - đó là đường đi của những con vật", Chiến nói. "Rồi đặt bẫy vào đó, sáng mai quay lại xem. Em được ông nội hướng dẫn và đã bắt đầu bẫy thú từ năm lớp 2. Chắc mọi người chưa biết, chuột là món ăn không thể thiếu vào ngày Tết của người dân tộc Thái bọn em". 

Ông nội kể, Chiến là đứa trẻ đặc biệt khi thích nghe kể về chiến tranh, thích nghe hát. Thỉnh thoảng có sức khỏe ông vẫn hát cho Chiến nghe vài bài trong quân đội như để nhớ về một thời chiến trường đã qua. Chiến thích phiêu lưu, hay tò mò. Một khi đã quyết tâm thì sẽ theo đuổi mục tiêu đến cùng, kể cả khi bố hàn xì, sửa chữa máy móc, cậu bé cũng phải mò tay vào.

Cuộc đời Chiến có thể sẽ không đi theo "con đường mòn" như bất kể người đàn ông nào lớn lên từ buôn làng. "Quyết" là quyết tâm, "Chiến" hàm nghĩa chiến đấu. Một đứa trẻ sinh ra từ núi rừng, vốn đã rất mạnh mẽ. "Quyết Chiến" chạy theo cuộc đời em với kỳ vọng lớn lao của cha mẹ về một thế hệ mới đổi đời, cuộc sống khấm khá hơn.


img
img
img
img
img
img

Chiến sẽ là một cầu thủ bóng đá, ở vị trí tiền đạo, đá hay "không thua gì Quang Hải hay Công Phượng". Em mơ một ngày được cùng bố xuống sân Mỹ Đình, theo dõi trọn vẹn một trận đấu, để được biết "cảm giác ở trong sân như thế nào". Ở bản Bống Hà, Chiến là đội trưởng đội bóng đá nhí. Mới hôm trước thôi, trong giải đấu của xã, tuy không giành danh hiệu cầu thủ hay nhất giải, nhưng Chiến cũng đã làm tung lưới đối thủ với 2 bàn thắng xuất sắc của mình.

Sức khỏe là trở ngại lớn với Chiến trên hành trình chinh phục giấc mơ trái bóng tròn. Dù hoạt bát, lanh lợi, nhưng Chiến mắc một căn bệnh bẩm sinh liên quan đến thần kinh. Đôi lúc, em dễ ngất xỉu và không được tỉnh táo. Hồi mới sinh, Chiến đi viện nhiều hơn ở nhà. Bà nội Hà Thị Phời, 62 tuổi, nhớ lại trong một lần chăn bò trên đồi, cơ thể Chiến tím tái, may được một người quen bế xuống đưa đi trạm xá nên thoát chết.

Bởi thế, nếu sức khỏe không cho phép để trở thành một cầu thủ bóng đá, Chiến còn ấp ủ một giấc mơ khác "lấp lánh" không kém. 

- "Em sẽ là ca sỹ!".

Khi được đề nghị hát một bài hát yêu thích, Chiến cất cao giọng hát trong veo, đôi mắt sáng trong, ánh lên nhiều hy vọng.

"Vì cuộc sống đâu là dễ dàng/ Và những khó khăn còn vô vàn

Để thử thách ta lòng vững vàng/ Để gạt đi những hoang mang.

Vì lòng quyết tâm còn vô bờ/ Chặng đường bước đi còn bất ngờ.

Và đỉnh núi cao vẫn đón chờ/ Chờ ngày ta bước chân lên

Đón bình minh".

- "Tại sao Chiến lại chọn bài hát này?", chúng tôi hỏi. 

- "Vì nó như đánh thức tinh thần và cảm xúc của em ngày trước - thời điểm em đạp xe xuống Hà Nội thăm em Lực". 

- "Trong bài hát, Chiến thích nhất câu hát nào nhất?".

- "Nếu như có đôi lúc ta thấy giấc mơ này chợt như quá xa/ Hãy cố gắng nhớ đến lý do mà ta bắt đầu".

- "Thế trên hành trình thăm em, đã bao giờ Chiến nghĩ mình sẽ quay về?". 

- "Dạ chưa. Em cảm thấy điều gì mình đã cho là khó khăn thì phải cố gắng".

Vì Quyết Chiến - Cậu bé Sơn La đạp xe 100km xuống Hà Nội vì "sợ không thể nhìn mặt em lần cuối"

Cậu bé Vì Quyết Chiến đạp xe 100km xuống Hà Nội thăm em: Nếu Lực còn sống, em mong Lực đừng cố chấp, liều lĩnh như em” - Ảnh 6.

Cách đây 9 tháng, trưa 25/3, tan trường, Chiến đạp xe về nhà, vô tình nghe được cuộc nói chuyện giữa bà nội và bố. "Mẹ ở nhà nếu không có tiền, không vay mượn được thì bán cặp bò, chuẩn bị bộ áo quan hậu sự nhỏ. Cháu Lực ở dưới này không còn tia hy vọng nào cứu chữa".

Vì Văn Lực - con trai út của anh Vì Văn Nam và chị Hà Thị Sâm sinh non 1 tháng, viêm gan do rối loạn chuyển hoá, viêm phổi, vàng da ứ mật, suy dinh dưỡng nên phải nằm viện điều trị. Các bác sĩ tại Khoa Gan mật, Bệnh viện Nhi Trung ương đã phải cắt bỏ 10 phân đường ruột của bé. Để chăm con, bố mẹ Chiến để 2 con ở lại cùng ông bà nội, đưa bé út xuống Hà Nội thăm khám. 

Nằm trên ghế, Chiến ôm mặt khóc nức nở. Lúc xe cứu thương đi qua nhà, chuyển Lực cấp cứu sau sinh từ bệnh viện Mộc Châu xuống Bệnh viện Nhi Trung ương Hà Nội, Chiến chỉ kịp nhảy lên xe mấy giây, ngó thấy em nằm thoi thóp bên trong. Suốt từ đó, Chiến nuôi hy vọng và quyết tâm xuống gặp em trai. 

"Nó sợ em nó chết mà chưa nhìn thấy mặt" - bà Phời nói.

Cậu bé Vì Quyết Chiến đạp xe 100km xuống Hà Nội thăm em: Nếu Lực còn sống, em mong Lực đừng cố chấp, liều lĩnh như em” - Ảnh 7.

Chiều hôm đó, Chiến cất cặp sách vào bàn, xin ông nội 10 nghìn, giả vờ xuống trạm ăn quà, nhưng thực chất cậu băng qua đường bản Bướt, lén tìm cách ra quốc lộ 6, hướng thẳng Hà Nội.

Chiến đạp một mạch không nghỉ, không mệt, không đói. 5 tiếng trôi qua, đi qua 15 con đèo lớn nhỏ, Chiến mệt lả ở Hoà Bình. Không biết đường, cậu bé cứ chọn tuyến đường lớn mà đi, đoạn nào không biết thì hỏi. Đôi chân sưng vù, hai chiếc dép rách bươm. Mỗi lần đổ dốc hay qua đoạn đường khúc khuỷu, cậu bé phải lấy chân làm phanh "bất đắc dĩ", mùi dép chảy nhựa "khét lẹt" bốc lên. Đoạn nào khó đi, Chiến xuống xe dắt bộ.

"Em tưởng đi 2 tiếng là đến Hà Nội, nhưng khi lên đèo Thung Khe, em nghĩ lại, có khi là phải 1 tuần. Em đói lắm, nhìn xung quanh thấy có gói bánh gạo thờ cúng bên trong cái miếu ven đường, bèn quỳ xuống cầu khấn xin ăn tạm. Dọc đường, đoạn nào ngửi thấy mùi phở, mùi vịt quay, em chảy nước mắt nhưng không để họ thấy. Em còn bị chó đuổi nên cứ cắm đầu đạp xe, chân tay run lẩy bẩy. Em còn tính nếu mệt quá sẽ chui xuống cống ngủ qua đêm, sáng hôm sau đạp xe tiếp" - Chiến nói. 

4, 5h chiều không thấy cháu dắt bò về, bà Phời lo lắng, sợ Chiến ngất trong rừng, đi lạc hoặc bị bắt cóc, liền hô hào người dân trong bản đi tìm cháu. Đến từng nơi Chiến thường hay đi chăn bò vẫn không thấy cháu đâu, bà Phời mới quay về nhà rủ Vì Khánh Như (8 tuổi, em gái Chiến) cầm đèn pin đi theo. Khi đó, trời Chiềng Yên đã bắt đầu tối dần. 

Cùng lúc đó, tại viện nhi Trung ương, chị Sâm nhận được cuộc điện thoại từ số máy lạ. Người ta hỏi: "Có phải chị Sâm không? Có con tên Vì Quyết Chiến, học lớp 7 không?". Chị nói đúng, vẫn chưa biết đầu dây bên kia là ai. 

Anh ấy nói tiếp: "Chị bình tĩnh nhé, cháu Chiến ngất xỉu ở tỉnh Hòa Bình, hỏi cháu đi đâu thì cháu nói đạp xe xuống bến xe Mỹ Đình, rồi vào viện nhi thăm em". 

Chị Sâm hốt hoảng, chuyển máy cho chồng, ngờ vực có khi "Chiến" kia không phải con mình, cho đến khi anh Nam vội xuống bến xe đón con trai. Mấy anh phụ xe kiểm tra chứng minh thư của anh mới chắc chắn giao Chiến. Gặp lại bố, Chiến khóc oà, anh Nam cũng không cầm được nước mắt. 

Anh Nam ngỏ ý gửi chút tiền cảm ơn nhóm phụ xe. Họ gạt phăng: "Thôi ơn huệ gì, thằng nhỏ an toàn là được. Cố gắng thay cho cháu nó cái xe mới đi học, đứt phanh hết rồi". Anh Nam cười gượng. Nhà cửa, của cải trước đó dành hết để chữa bệnh cho Lực.

Cậu bé Vì Quyết Chiến đạp xe 100km xuống Hà Nội thăm em: Nếu Lực còn sống, em mong Lực đừng cố chấp, liều lĩnh như em” - Ảnh 8.

8h tối, anh gọi điện về báo cho người thân, "thằng Chiến nó đạp xe xuống Hà Nội, bố mẹ không phải đi tìm nữa". Không khí gia đình trở nên nặng nề, người lớn vừa bực vừa thương. Bữa cơm tối ông bà dọn sẵn, nhưng chưa ai dám ngồi ăn. 

Biết là con sai, nhưng anh Nam không dám đánh con, chỉ dạy rằng: "Con thương em là đúng, nhưng con sai vì tự ý đi không xin phép bố mẹ. Con phải hứa lần sau không dám như vậy nữa".

Trong đêm 25/3, hai mẹ con chị Sâm khóc oà khi nhìn thấy nhau. Đây là lần đầu tiên trong đời Chiến được nhìn ngắm khuôn mặt xinh xắn, thân hình bé hạt tiêu của em út Vì Văn Lực. Hạnh phúc ngập tràn, nhưng Chiến không dám khóc to, phần vì sợ bố la, phần khác lo em Lực tỉnh giấc giữa chừng.

Sáng 26/3, Chiến được ở lại bệnh viện, cùng ăn sáng với bố và mẹ, trước khi anh Nam bắt xe cùng con về lại Sơn La. Cảm động trước tình cảm của Chiến dành cho em trai, một bác sĩ tại Khoa Gan mật đã mua tặng em một đôi dép mới và chi trả lộ phí để 2 bố con về Sơn La bằng ô tô. Cùng ngày, rất nhiều nhà hảo tâm đã có mặt tại Viện nhi trung ương hỗ trợ và giúp đỡ gia đình anh Vì Văn Nam.

Trước khi về với bản làng Chiềng Yên, Chiến thủ thỉ với Lực: "Em à, cố gắng chống chọi với bệnh tật để sớm được về nhà. Sau này khoẻ mạnh, chúng mình sẽ cùng đi chăn bò, đá bóng. Anh sẽ rang cơm cho em ăn, đi học cùng em".

Nghe tin động trời Chiến đạp xe xuống Hà Nội, sáng hôm sau, dân làng tập trung tại nhà ông Sơn bà Phời. 4h chiều bố con anh Nam mới về đến nhà. Người khóc, người cười, người chê trách, người chế nhạo. 

Cậu bé Vì Quyết Chiến đạp xe 100km xuống Hà Nội thăm em: Nếu Lực còn sống, em mong Lực đừng cố chấp, liều lĩnh như em” - Ảnh 9.

"Ai bảo mày liều thế hả Chiến? Mày chỉ còn có mấy tích tắc thôi là mày toi đời rồi". 

"Chiến ơi, mày từ cõi chết trở về rồi, suýt nữa bố mày mất cả 2 thằng con trai thì làm thế nào?".

Một số người khác dặn con em mình, "Chúng mày đừng học thằng Chiến nha, nó có cái phước nên nó còn quay về".

Chiến chỉ im lặng, không dám nói một lời nào. Chỉ khi còn Chiến và ông nội, cậu bé mới bật khóc nức nở.

"Cháu sợ Lực mất nên muốn xuống Hà Nội. Cháu không biết Hà Nội ở đâu, nhưng nhớ em quá, chưa bao giờ 2 anh em được nhìn mặt nhau. Cháu đói, nhưng nghĩ đến em là no, kiểu no trong tâm trí. Lúc đó cháu chỉ nghĩ đến em, ngoài ra không nghĩ gì hết".

Cậu bé Vì Quyết Chiến đạp xe 100km xuống Hà Nội thăm em: Nếu Lực còn sống, em mong Lực đừng cố chấp, liều lĩnh như em” - Ảnh 10.

Chiếc xe đạp "dã chiến" giúp Vì Quyết Chiến băng đèo, lội suối xuống Hà Nội là món quà của một người bác tặng, gắn bó với em đã 4 năm. Xe bị đứt cả phanh trước lẫn phanh sau nhưng bố mẹ chưa kịp có thời gian sửa lại.

"Kinh tế gia đình khó khăn, để con đi chiếc xe đạp không phanh, tôi vừa thương con, vừa tự trách mình. Vì phải phấn đấu lo cho cả gia đình nên tôi chưa thể làm trọn trách nhiệm của một người cha đối với Chiến" - anh Nam nói. 

Xúc động trước hành trình của Chiến, rất nhiều mạnh thường quân đã xuống trực tiếp nhà em ở Chiềng Yên, Sơn La, trao tặng những chiếc xe đạp mới. 

Chiều 28/3, anh Nguyễn Công Tuyến (chủ một đại lý xe đạp ở phường Chiềng Lề, TP Sơn La) đã bàn với gia đình dành tặng cho Chiến một chiếc xe đạp địa hình. Anh Tuyến trước khi rời đi, đã xin lại chiếc xe cũ không phanh của Chiến với mục đích tổ chức đấu giá, dành toàn bộ số tiền gửi lại anh Nam chị Sâm tập trung điều trị cho bé Lực.

Trong chiều 29/3, đại diện một công ty bảo hiểm ở Sơn La cũng đã đến tận nhà tặng Chiến một chiếc xe đạp mới. Chiến ngỏ ý sẽ gửi tặng món quà này cho một bạn học khác có hoàn cảnh khó khăn hơn.

Chiều 4/4, sau 3 ngày tổ chức đấu giá công khai trên mạng xã hội, chiếc xe đạp không phanh của Chiến đã được một doanh nghiệp ở Quảng Nam mua lại với giá 103 triệu đồng, đúng bằng quãng đường Chiến vượt đèo, đổ dốc xuống Hà Nội thăm em trai. Phía đại diện công ty còn trao tặng thêm 20 triệu tiền ủng hộ cho 3 anh em Chiến. 50 triệu là số tiền cá nhân anh Đặng Như Quỳnh (người đứng ra tổ chức đấu giá), cùng các nhà hảo tâm dành tặng gia đình Chiến.


img
img
img
img
img

Tuy nhiên, sau gần 4 tháng điều trị, ngày 20/4/2019, tình hình Lực chuyển biến xấu, cơ thể ngừng phát triển, gia đình xin phép đưa bé về quê lo hậu sự. 

18h tối hôm đó, chiếc xe nhỏ được chuẩn bị đưa anh Nam, chị Sâm và bé Lực về bản Bống Hà, xã Chiềng Yên. 2 anh em Chiến và Như ngồi sẵn trước cổng, đợi chờ em trai về thăm nhà lần đầu, cũng là lần cuối. Cả làng kéo đến đông đúc, người nấu cơm, người chuẩn bị dưới sân. 

Khoảng 20h55 tối cùng ngày, chuyến xe có mặt tại Chiềng Yên, anh em Chiến - Lực nhìn nhau lần cuối. 10 phút sau, bác sĩ rút ống ô xi, Lực trút hơi thở cuối cùng sau khi được ngắm nhìn căn nhà nhỏ thân yêu, được gặp ông bà nội, được nhìn thấy anh Quyết Chiến và chị Khánh Như. Tâm nguyện cuối cùng của anh Nam chị Sâm coi như đã hoàn thành, đứa con trai bé nhỏ tuy có duyên đến với anh chị nhưng sau cùng, lại không có phận.

Chiến và Như khóc nhiều đến nỗi người thân phải bế 2 anh em vào gian nhà trong, ru ngủ thiếp đi để không ảnh hưởng tới sức khỏe. Ngày đưa Lực về với tổ tiên, Chiến một mực đòi đi theo, nhưng bố mẹ ngăn cản. 

Chị Sâm nhớ lại, lúc chửa bé Lực, Chiến rất vui vì nghĩ rằng sau này có 2 anh em cùng nhau vui đùa, đi chăn bò và đá bóng. Đôi khi 2 bố con đi vào ruộng, thấy quả đu đủ, Chiến bảo bố hái mang về để mẹ ăn, "cho em bé khỏe mạnh, không bị còi như con".

"Em nghĩ có rất nhiều bác sĩ giỏi ở Hà Nội, sẽ giúp được Lực. Trước đó nghe bố điện về báo Lực tăng được 2 cân rồi, em rất mong Lực có thể qua khỏi và về nhà. Kể từ khi út mất, lúc nào em cũng nhớ út. 

Nếu Lực còn sống, em mong Lực lớn lên học giỏi, sau này có nghề nghiệp, 'đừng giống như anh, đừng cố chấp, đừng liều lĩnh như anh'. Trong mơ, thỉnh thoảng em gặp Lực. Em nó chỉ mới biết đi, chưa thể nói".

Trong nhà, chiếc bàn thờ nhỏ của Lực được đặt riêng một góc. Hễ có quà bánh, Chiến và Như đều dành một phần thắp hương cho em út. Vài tháng nữa, Lực sẽ tròn một năm tuổi. Tuy đứa trẻ không còn tồn tại trên cuộc đời này, nhưng trong tâm trí, gia đình chưa bao giờ thôi nhớ mong.

- "Nếu quay lại khoảng thời gian đó, Chiến có liều lĩnh đạp xe xuống Hà Nội thăm em trai nữa không?", chúng tôi hỏi. 

- "Em sẽ không đạp xe, mà gọi điện nhờ bố đưa xuống Hà Nội". 

Cậu bé Vì Quyết Chiến đạp xe 100km xuống Hà Nội thăm em: Nếu Lực còn sống, em mong Lực đừng cố chấp, liều lĩnh như em” - Ảnh 12.

Nguôi ngoai nỗi nhớ em Lực, gia đình Chiến quay về với nhịp sống trước đây ở buôn làng. Sáng sớm, 2 đứa nhỏ lại đến trường, anh Nam cùng vợ mượn bò nhà hàng xóm dắt củi về nhà. 

Chị Sâm đùa, Chiến thì tuổi chó, còn Khánh Như tuổi mèo, lắm lúc 2 anh em hay cãi cọ. Một đứa trẻ sôi nổi là Như, bên cạnh người anh trai trầm tính như Chiến, là để bù trừ sự yêu thương và nhường nhịn nhau.

Sau những buổi tan học, bố con Chiến lại cùng đi đánh bẫy. Thỉnh thoảng, Chiến hỏi nhiều câu mà đôi khi anh Nam không biết nên trả lời con thế nào.

Có hôm, Chiến thắc mắc: "Bố ơi, dưới này khó khăn, không biết sau này con lớn lên, con sẽ làm gì để kiếm tiền. Hay mình chuyển đi chỗ khác sống. Con nghĩ Mộc Châu hay hơn bố ạ". Nghe con hỏi, anh Nam chỉ ngồi cười. Một đứa trẻ như Chiến, dù còn nhỏ, nhưng suy nghĩ đã có phần chín chắn. 

img
img
img
img
img

Cuộc sống đang tiếp diễn bên trong căn nhà nhỏ mà mấy tháng trước vẫn còn chìm đắm trong đau khổ. Sự ra đi của một ai đó, đôi khi lại bắt đầu cho một hành trình mới. Và bởi con người đều lệ thuộc vào nhau, nhất là những ai phải sống trong đau khổ, nghèo khó, lại càng trân trọng thứ tình cảm quý giá giữa người với người.

Chúng tôi vẫn luôn tin rằng, Vì Quyết Chiến cho đến hiện tại, không phải là người hùng của bất kỳ ai, càng không phải "hình tượng" mới cho giới trẻ. Đứa trẻ 13 tuổi, mãi là người con của núi rừng Tây Bắc, thật thà và giàu tình thương. 

Chúng ta có quyền ngăn cấm con em mình hành động dại dột như Chiến, nhưng xin đừng cấm chúng học cách nuôi dưỡng tình yêu như Chiến đã làm với em mình. Vạn sự đều có bắt đầu lẫn kết thúc, chỉ có anh em là luôn luôn bên nhau.


Minh Nhân
Kim Hưng, Minh Nhân
Jordy
Theo Trí Thức Trẻ