Cảnh báo việc giả mạo con dấu, chữ ký của trường Đại học để lừa đảo học sinh nộp hồ sơ

Công Hiếu, Theo Helino 11:36 26/03/2019

Sau khi nhận được phản ánh về việc giả mạo thông tin tuyển sinh bằng "Thông báo tuyển sinh chương trình cử nhân quốc tế - chu trình đào tạo liên kết doanh nghiệp quốc tế năm học 2019", mới đây Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đã ra thông báo chính thức về vụ việc này.

Cụ thể, vào chiều 25/3 vừa qua, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã đăng tải trên website thông báo cảnh báo về việc bị giả mạo thông tin tuyển sinh.

Cảnh báo việc giả mạo con dấu, chữ ký của trường Đại học để lừa đảo học sinh nộp hồ sơ - Ảnh 1.

Thông báo chính thức của nhà trường được đăng tải trên website. (Ảnh chụp màn hình)

Cùng ngày, trao đổi với báo chí Thạc sĩ Nguyễn Thiện Duy (Chánh văn phòng Đại học Kinh tế TP.HCM) cho biết rằng nhà trường không ban hành thông báo cũng không tổ chức tuyển sinh, đào tạo chương trình này.

Theo như tìm hiểu, vụ việc này được kịp thời phát hiện bởi một nữ sinh đang trong quá trình tìm nơi học cử nhân quốc tế, thì thấy thông báo mang tên Đại học Kinh tế TP.HCM tuyển sinh "chương trình cử nhân quốc tế - chu trình đào tạo liên kết doanh nghiệp quốc tế năm học 2019". Vì thế nữ sinh đã đi đóng tiền, nhưng phát hiện bị lừa đảo và kịp thời báo cho nhà trường.

Cảnh báo việc giả mạo con dấu, chữ ký của trường Đại học để lừa đảo học sinh nộp hồ sơ - Ảnh 2.

Trường ĐH Kinh Tế TP. HCM.

Điều đáng nói, trong thông báo giả mạo này khẳng định sẽ đảm bảo đầu ra 100% sinh viên được làm việc đúng chuyên môn tại doanh nghiệp do trường liên kết và cam kết thu nhập sau khi ra trường từ 10-12 triệu đồng/tháng (có tăng theo năng lực). Học phí mỗi học viên lên tới 62 triệu đồng/khóa, bao gồm phí đào tạo, tài liệu học tập, ngôn ngữ, đi thực tế, đồng phục… Người học đóng tiền bằng cách quẹt thẻ ATM (thanh toán một lần), cuối thông báo có chữ ký của trưởng phòng Tài chính - Kế toán và con dấu của trường Đại học Kinh tế TP.HCM.

Đây không phải là trường hợp đầu tiên một trường ĐH ở Việt Nam gặp phải bởi trước đó vào tháng 10/2018, Đại học Bách khoa TP.HCM cũng bị một đơn vị bên ngoài giả con dấu, chữ ký hiệu trưởng để thông báo về chương trình liên kết quốc tế với đối tác Australia, lừa người học.