Cảnh báo mắc bệnh tâm thần vì nghiện game

P.V, Theo VTV 18:26 02/07/2019

Các trò chơi điện tử ngày càng trở nên thu hút giới trẻ. Nhiều phụ huynh chỉ nghĩ đơn giản trẻ chơi để giải trí hoặc nếu có gây "nghiện" thì sẽ không quá nguy hiểm.

Cảnh báo mắc bệnh tâm thần vì nghiện game - Ảnh 1.

Nếu năm 2008, Việt Nam chỉ có khoảng 1,5 triệu người chơi game online thì đến năm 2011, con số này là 11 triệu người. Theo Báo cáo Điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam lần thứ 2, có đến 38% trẻ vị thành niên sử dụng thời gian rảnh rỗi vào việc chơi game.

Các chuyên gia khẳng định: nghiện game khó cai và khó điều trị hơn nghiện ma túy. Để một trẻ nghiện game trở về cuộc sống bình thường không hề dễ dàng. Đặc biệt, trẻ bị ảnh hưởng tâm lý nên rất khó hồi phục.

Nghiện game gây ra những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng về tâm lý cũng như sự phát triển của trẻ. Trong hướng dẫn phân loại bệnh của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nghiện chơi game được ghi nhận là bệnh tâm thần.

Ông Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết: Rối loạn do hành vi gây nghiện là hội chứng lâm sàng gắn với sự đau khổ hoặc ảnh hưởng tới chức năng của cá nhân gây ra do hậu quả của các hành vi thỏa mãn và lặp đi lặp lại. Ở phiên bản phân loại bệnh tật quốc tế ICD10, nghiện game nằm trong các rối loạn do hành vi gây nghiện. Hiện nay nghiện game là một bệnh mới, sự thay đổi này phản ánh sự thay đổi của xã hội - sự ra đời và sự phổ biến của chơi game cũng như các báo cáo về rối loạn do hành vi gây nghiện, bao gồm cả online và offline.

Quyết định đưa nghiện game vào ICD 11 dựa trên xem xét các bằng chứng trên toàn thế giới và ý kiến của các chuyên gia tham gia vào quá trình phát triển ICD11.

Ông Kidong Park cho biết thêm: Để kết luận một người bị rối loạn chơi game cần dựa vào mức độ nặng của hành vi. Hành vi phải đủ lớn để gây ra suy giảm các chức năng cá nhân, gia đình xã hội, học tập công tác và các chức năng quan trọng khác. Về thời gian phải kéo dài ít nhất 12 tháng, tuy nhiên thời gian cũng có thể ngắn hơn nếu các tiêu chuẩn chẩn đoán có đầy đủ và có biểu hiện bệnh nặng.

Để phòng tránh nghiện game, ông Kidong Park khuyến nghị tới các bậc cha mẹ:

- Khống chế thời gian chơi: Nếu trẻ em nhà bạn chơi game quá nhiều, bạn cần khống chế thời gian chơi.

- Hoạt động thay thế: Cho trẻ tham gia các hoạt động khác thay vì chơi game.

- Hoạt động ngoài trời: Khuyến khích trẻ thực hiện các hoạt động ngoài trời và chơi với bạn bè.

- Phần thưởng: Làm cho trẻ có được quyền chơi game khi hoàn thành việc gì đó.

- Trao đổi: Cách tốt nhất phòng tránh trẻ nghiện game là nói với nó một cách trực tiếp. Giải thích cho con bạn hậu quả xấu của nghiện game.