Càng nghiên cứu, khoa học càng thấy Sao Hỏa từng là một nơi "đáng sống"

J, Theo Trí Thức Trẻ 17:08 05/06/2017

Sao Hỏa có một sự tương đồng với Trái đất một cách kỳ lạ. Càng nghiên cứu, khoa học càng nhận ra điều đó.

Sao Hỏa có nước dạng lỏng - điều này đã được NASA chứng minh. Sao Hỏa có các khí và phân tử hữu cơ - những yếu tố chỉ tồn tại khi có sự sống. Một trong những ứng cử viên sáng giá nhất để tìm kiếm người ngoài hành tinh cũng chính là sao Hỏa.

Qua hàng thập kỷ nghiên cứu, càng ngày khoa học càng nhận ra đây là một nơi rất phù hợp để duy trì sự sống. Và mới đây, một nghiên cứu từ ĐH Stony Brook (New York, Mỹ) cũng cho một kết quả tương tự.

Càng nghiên cứu, khoa học càng thấy Sao Hỏa từng là một nơi đáng sống - Ảnh 1.

Cụ thể, Joel Hurowitz từ ĐH Stony Brook cùng các cộng sự đã đánh giá lại những khám phá do robot tự hành Curiosity mang lại, về miệng núi lửa Gale Crater trên sao Hỏa. Miệng núi lửa này được cho là đã duy trì một hồ nước trong vòng vài chục triệu năm ở thời điểm 3,5 tỉ năm trước.

Họ nhận thấy trong lòng cái hồ này có thể chứa oxy ở các mức khác nhau. Khu vực quá sâu có thể không có, nhưng các vùng nông hơn có tiềm năng rất giàu oxy. 

"Phát hiện này cho thấy đây đã từng là một cái hồ với hệ sinh thái đa dạng," - Hurowitz cho biết. "Nếu ở đây có sự sống dưới dạng vi sinh vật, chúng hẳn đã từng phát triển rất mạnh".

Từ thời xa xưa ở Trái đất, sự sống đã từng sinh sôi trong điều kiện cực kỳ thiếu oxy. Đến khi các sinh vật sống có khả năng quang hợp xuất hiện, oxy mới bắt đầu xuất hiện trong bầu khí quyển. Vậy nên điều đó chứng tỏ, sao Hỏa từng rất giống với Trái đất thuở sơ khai.

Càng nghiên cứu, khoa học càng thấy Sao Hỏa từng là một nơi đáng sống - Ảnh 2.

Các bằng chứng mà nhóm của Hurowitz thu được là về thành phần đất do Curiosity gửi về. Một số tảng đá mang dấu vết xói mòn do dòng nước từ sông đổ vào, đồng thời có các dấu vết cho thấy sự có mặt của nước giàu oxy.

Nghiên cứu cho thấy sao Hỏa đã trải qua một cuộc biến đổi khí hậu vào khoảng 3,8 tỉ năm trước, biến một hành tinh khô lạnh trở thành nóng ẩm, cho phép các hồ nước như tại Gale Crater xuất hiện.

Tuy nhiên khoảng 3,1 tỉ năm trước, lớp từ trường bao quanh sao Hỏa đã biến mất vì một nguyên nhân bí ẩn nào đó. Hệ quả, gió Mặt trời quét qua hành tinh, khiến nước trên hành tinh bốc hơi hết, để lại một thế giới khô cằn chúng ta đang thấy ngày hôm nay.

"Chúng ta có thể thấy sự tương đồng rất lớn giữa sao Hỏa và Trái đất trong quá khứ. Điều đó góp phần tăng thêm sự tự tin cho chúng ta trên con đường truy tìm bằng chứng về sự sống trên sao Hỏa".

Nguồn: IFL Science