Đối phó với áp lực tâm lí thi đấu (Kỳ cuối)

MinhMinh, Theo 17:57 15/07/2010

Nhận biết được khi nào bạn cần những lời khuyên, sự chỉ dẫn để đánh bại những thời điểm stress “xấu xí” không hề khiến bạn yếu đuối, nhỏ bé đâu nhé!

Phần III: Làm sao để giữ stress thể thao trong tầm kiểm soát?
 
Nếu như thể thao khiến bạn quá căng thẳng đến mức bạn gặp phải những cơn đau đầu rồi bị buồn nôn thật kinh khủng, hoặc không thể tập trung làm bất cứ một việc gì khác, thì chắc chắn bạn đang phải đối mặt với những triệu chứng sức khoẻ có khả năng dẫn đến bệnh stress kinh niên, mãn tính. Điều quan trọng là đừng giữ chặt áp lực đó trong người mình, tự ấp ủ những cảm xúc ấy của bạn có thể gây nên rắc rối to lớn về sức khoẻ cho bạn sau này.
 

Chia sẻ cảm xúc sẽ giúp bạn giảm stress.
 
Điều bạn cần làm là trò chuyện, chia sẻ sự lo lắng của mình với bạn bè. Đơn giản chỉ là việc giãi bày cảm xúc sẽ giúp bạn xoa dịu bớt sự hồi hộp nôn nao không cần thiết. Đôi khi, những lời khuyên từ người lớn - những người đã từng trải qua, chiến thắng căn bệnh tâm lí này, có thể là huấn luyện viên, thầy thể dục - có thể sẽ giúp ích cho bạn đáng kể. Dưới đây là một vài những lời khuyên khác giúp bạn dũng cảm đối diện với stress và chiến thắng nó:
 
“Đối xử” tốt với cơ thể của bạn : Ăn uống chế độ lành mạnh, đầy đủ, và ngủ thật ngon giấc, nhất là vào lúc trước các trận đấu, khi mà xuất hiện những căng thẳng áp lực ấy.
 
Tập luyện những bài tập thư giãn cho cơ thể cũng như tinh thần
 

Tập luyện nhẹ nhàng để thư giãn nhé!
 
Thử sức với những hoạt động thể thao khác với môn bạn đang tham gia. Có thể là đi bộ này, lòng vòng bằng xe đạp này… miễn là có thể rời xa khỏi suy nghĩ về môn thể thao đang khiến bạn căng thẳng càng xa càng tốt.
 
Đừng cố tỏ ra “tôi hoàn hảo” – ai cũng sẽ có những lần phạm những lỗi ngớ ngẩn, tâm lí “loạn xạ” khi đang chơi, đang thi đấu (vì vậy nên bạn cũng đừng quá kì vọng sự hoàn hảo từ đồng đội mình nhiều quá nhé!) Hãy học cách tha thứ cho bản thân, tự nhủ mình nhớ về những bàn thắng đẹp bạn đã ghi mà tiếp tục cố gắng.
 
Tâm lí hồi hộp cũng có thể là do sự lưỡng lự, không chắc chắn tin tưởng của bạn. Lúc này, hãy gặp riêng và trao đổi với huấn luyện viên; hỏi cho rõ ràng những hi vọng của huấn luyện viên liệu có mơ hồ hay hợp lí hay không. Dù cho hầu hết những huấn luyện viên đều hoàn thành tốt công việc huấn luyện thể chất cũng như lên tinh thần cho các cầu thủ của mình, mỗi vận động viên cũng nên là người chủ động giao tiếp, chia sẻ với huấn luyện viên. Bên cạnh đó, giãi bày với bố mẹ hay những người lớn khác trong nhà cũng là một ý hay.
 

Luôn giao tiếp và chia sẻ với Huấn luyện viên.
 
Tuy vậy, nếu như thực sự bạn cảm thấy mệt mỏi quá sức chịu đựng của mình, hãy nhớ lại những kí ức, những niềm vui, những điều hạnh phúc môn xì-po này đem đến cho bạn, khiến bạn đam mê, hăng say tập luyện. Đây là kế sách cuối cùng Kênh14 muốn đưa ra giúp bạn, nhưng nếu bạn không còn hào hứng với môn thể thao của bạn nữa, thì đây chính là lúc bạn hãy tìm đến một môn mới mẻ, lạ lẫm hơn, ít áp lực hơn. Nếu như chơi thể thao mà bị stress quá thì chẳng còn gì là vui vẻ cả - mà trong khi đó, vui vẻ chính là mục đích của thể thao mang lại cho bạn cơ mà?!
 
Nhận biết được khi nào bạn cần những lời khuyên, sự chỉ dẫn để đánh bại những thời điểm stress “xấu xí” không hề khiến bạn yếu đuối, nhỏ bé; mà hơn hết, đó là dấu hiệu của lòng can đảm và sáng suốt. Đừng dừng lại cho đến khi bạn tìm thấy được nguồn động viên hiệu quả của mình nhé.
 
Chiến thắng trong thể thao là điểu tuyệt vời không gì sánh bằng! Nhưng những mất mát bạn phải hi sinh, trong đó có stress là không thể không kể đến. Thể thao nâng cao sự tự tin, lòng tự trọng, xây dựng các kĩ năng mềm, những ý thức cộng đồng cho bạn; nhưng trên tất cả, mọi người chơi thể thao là tìm đến một cách giải trí, niềm vui và sự hứng khởi!