Cẩm nang dùng tiền lì xì nên biết ngay nếu không muốn vừa hết Tết đã hết tiền!

Mars; Design: Deluki, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 30/01/2017

Hãy ngâm cứu kĩ 6 tuyệt chiêu dùng tiền lì xì dưới đây để không phải rơi vào cảnh vừa hết Tết là cũng hết tiền nhé!

Ngoài những niềm vui được nghỉ học, nghỉ làm, được thoải mái vui chơi, thì còn có một hoạt động ngày Tết vô cùng thú vị được trông đợi nhất: nhận lì xì. Và chắc có lẽ, việc được nhận những phong bao may mắn đầu năm luôn là một trong những niềm vui ngày Tết đối với những ai còn ở độ tuổi từ còn đi học đến chưa lấy chồng.

Thế nhưng, cũng không ít bạn trẻ thường xuyên rơi vào tình trạng viêm màng túi cấp tính sau Tết do việc chi xài quá thoải mái. Và nếu năm nay, bạn thực sự muốn được một lần "lớn khôn", có thể sống sót tốt đẹp hậu Tết về trong suốt cả tháng còn lại, hãy ngâm cứu kĩ 6 tuyệt chiêu dùng tiền lì xì hợp lí nhé.

1. Bằng mọi cách, hãy lập một danh sách thu - chi ngay bây giờ!

Cẩm nang dùng tiền lì xì nên biết ngay nếu không muốn vừa hết Tết đã hết tiền! - Ảnh 1.

Cách tốt nhất để "lập kế hoạch chống nghèo" chính là biết rõ được mình có bao nhiêu. Hãy tập thói quen ghi lại toàn bộ các khoản thu - chi trong ngày. Ví dụ như, "cậu A. lì xì 50,000đ", "mua kem cho đứa em - 10,000đ" chẳng hạn. Càng chi tiết rõ ràng càng tốt.

Thật ra, theo kinh nghiệm bản thân thì điều này khá khó khăn với những ai lười biếng và hay quên. Tuy nhiên, năm mới làm điều mới. Hãy cố gắng bằng mọi cách để ghi chép lại các khoản chi tiêu mỗi ngày. Nếu bạn hay quên, hãy dùng điện thoại đặt nhắc nhở, cứ 2-3 tiếng/ngày chẳng hạn. Biết đâu lại tập được cho mình một thói quen hay ho để cuối năm còn có cái mà tự hào...

2. Những khoản tiền không-được-đụng-vào

Cẩm nang dùng tiền lì xì nên biết ngay nếu không muốn vừa hết Tết đã hết tiền! - Ảnh 2.

Nếu bạn đang sống xa nhà và có những khoản chi trả nhất định mỗi tháng, như tiền nợ thẻ ngân hàng, tiền thuê nhà, tiền internet... điều cần ưu tiên nhiều nhất chính là trích ra các khoản tiền đó và ghi chú rõ ràng. Như đã nói, vì đây là những khoản bắt buộc phải chi cho tháng sau nên bằng mọi cách, đừng xài lố vào rồi hết Tết lại ôm trọn niềm đau.

3. Giấu tiền đi muôn nơi

Cẩm nang dùng tiền lì xì nên biết ngay nếu không muốn vừa hết Tết đã hết tiền! - Ảnh 3.

Việc có trong tay (quá) nhiều tiền sẽ dễ khiến tay chân bạn bắt đầu ngứa ngáy và muốn mua sắm gì đó. Vậy nên, hãy nhanh chóng hạn chế "thiệt hại" trước khi quá muộn. Vào các ngày Tết, dĩ nhiên các ngân hàng đều chưa làm việc, nên hãy tạm gạt qua suy nghĩ "để qua Tết rồi gửi tiết kiệm". Thay vào đó, chiêu thức "giấu tiền đi muôn nơi" có vẻ khả thi hơn. Hãy trích ra một khoản tiền đủ cho bạn sống trong vòng 1 tháng sau Tết, tìm cách giấu đi. Cất tiền vào bao lì xì, cất bao lì xì vào một quyển sách, cất sách vào phần kệ (hoặc tủ) mà bạn ít khi nào đụng đến nhất. Và để chúng nằm nguyên vẹn nơi đó rồi quên đi. Nếu sợ quên luôn rồi bị mất, hãy cẩn thận ghi chú vào điện thoại một nhắc nhở và đặt hẹn là ngày-này-tháng-sau. Chúc bạn sẽ sống no sống đủ đến khi lời nhắc quay trở lại nhé!

4. Đừng khinh thường sức mạnh của tiền lẻ!

Cẩm nang dùng tiền lì xì nên biết ngay nếu không muốn vừa hết Tết đã hết tiền! - Ảnh 4.

Nhiều người thường cho rằng, tiết kiệm là cất tiền chẵn - xài tiền lẻ, tuy nhiên trên thực tế, cách này vẫn không thực sự hiệu quả với nhiều người. Việc tiết kiệm tiền chẵn sẽ khiến bạn phát sinh suy nghĩ "tiền còn nhiều, xài tí thôi có bao nhiêu". Nhưng cứ vài lần "tiêu một tí" đó sẽ khiến khoản tiết kiệm của bạn hao hụt nhanh chóng.

Vậy nên, hãy thử cách ngược lại: xài tiền chẵn - giữ tiền lẻ. Đầu tiên, bạn cần tìm một chiếc hũ đủ to và đặt ở vị trí dễ thấy nhất. Sau đó, mỗi ngày khi về tới nhà, hãy kiểm tra lại xem mình còn lại bao nhiêu tiền lẻ trong người, cho tất cả vào đấy. Hoặc chừa lại ít nhất vài nghìn để giữ xe cho ngày mai. Một hai ngàn, ba bốn ngàn, năm sáu ngàn... cứ thế đều đặn ngày qua ngày và đến một ngày nào đó đầy hũ, bạn sẽ bất ngờ với kết quả có được đấy!

5. Chỉ đem vừa đủ tiền theo người

Cẩm nang dùng tiền lì xì nên biết ngay nếu không muốn vừa hết Tết đã hết tiền! - Ảnh 5.

Việc có nhiều tiền trong người thường khiến bạn vung tay quá trán, hẳn nhiên rồi, ai mà chẳng vậy. Thế nên, một trong những chiêu thức quan trọng của việc tiết kiệm tiền chính là để vừa đủ tiền xài trong túi thôi. Việc này sẽ giúp bạn vượt qua được những "cám dỗ" dễ dàng hơn. À, lỡ mà có hết thì thôi nhé, đừng hỏi mượn bất kì ai đấy. Đầu năm chưa gì đã trở thành con nợ thì cả năm sẽ mệt mỏi vô cùng.

6. Luôn tỉnh táo và chi xài hợp lí

Cẩm nang dùng tiền lì xì nên biết ngay nếu không muốn vừa hết Tết đã hết tiền! - Ảnh 6.

Thật ra, có tiền trong tay rồi, sau khi đã có thu - chi rõ ràng rồi, thì việc tiêu xài cũng trở nên thong thả hơn. Bạn có thể ăn uống ngon lành hơn, có thể mua sắm chút đồ diện đẹp hơn. Và tất nhiên, hãy tỉnh táo. Đừng để những câu nói "Tết mà, có nhiêu đâu" làm bạn chao đảo rồi lại "thả ga". Giữ cho mình sự tỉnh táo, cái nào thấy cần thì chi, không thực sự cần thì thôi. Năm mới rồi, chúc bạn sẽ tránh được nhiều cám dỗ và quản lí hầu bao của mình thật thành công nhé!