Cám cảnh sinh viên mới ra trường bị chèn ép chốn công sở: Do "luật làng" hay lẽ đời vốn dĩ đã như vậy?

Quiry, Theo Nhjp sống Việt 12:28 20/12/2019

Những sinh viên mới ra trường chẳng có gì ngoài một tấm bằng cử nhân đầy hãnh diện và lòng nhiệt huyết tràn đầy năng lượng. Họ vẫn còn quá non nớt để thực sự hiểu cuộc sống ngoài kia cực kỳ khắc nghiệt. Dẫu biết môi trường nào cũng có những luật ngầm, nhưng phải chăng đã đến lúc chúng ta nên nhìn nhận thẳng vào sự thật: Nhân viên cũ đang sợ nhân viên mới?

Tốt nghiệp xong, cầm tấm bằng trên tay và một chút kinh nghiệm dắt túi từ những năm học giảng đường, bạn sinh viên nào cũng muốn tìm cho mình một công việc thật tương xứng với trình độ, năng lực bản thân. Họ háo hức săn đón những cơ hội tốt với hi vọng mình sở hữu mức lương ngàn đô mà người khác đầy ao ước. Họ biết chỉ cần nỗ lực hết mình, họ có quyền khoe trên Facebook công việc của họ "fancy" đến cỡ nào.

Cám cảnh sinh viên mới ra trường bị chèn ép chốn công sở: Do luật làng hay lẽ đời vốn dĩ đã như vậy? - Ảnh 1.

Ôi thôi nhưng niềm hi vọng ngắn chẳng tày gang, đối diện với những cô cậu 23, 24 tuổi là cả một hiện thực phũ phàng. Họ luôn có cảm giác bị o ép, đối xử bất công bằng để rồi dễ chán nản, bỏ cuộc. Kể ra thì muôn hình vạn trạng. Nào là những việc vặt từ hội "chị đại công sở", như pha cà phê, tưới cây, rửa hộ cái cốc, order hộ đồ ăn, lấy hộ đồ từ người giao hàng. Nào là những deadline dày đặc chất chồng với suy nghĩ "Sinh viên còn trẻ, chưa lập gia đình nên phải tận dụng cơ hội mà hành!". Hay cả những sự bất công trong quyền lợi, điển hình nhất là lương thưởng: "Các em còn trẻ, còn phải đào tạo nhiều, công ty mất tiền vì các em nên ráng mà chịu mức thù lao thấp!".

Vậy, luật ngầm chốn công sở là "ma mới" sẽ luôn bị dằn mặt, chèn ép bởi lẽ đời vốn dĩ như thế?

01

Minh Chi, một cô nàng tốt nghiệp bằng xuất sắc khoa báo chí của trường Đại học danh tiếng vừa chân ướt chân ráo vào tòa soạn. Chi nghe các anh chị tiền bối nói môi trường ở đây giàu tiềm năng phát triển, mức thù lao thuộc hàng top trong giới báo chí. Chỉ cẩn hai yếu tố này thôi đã đủ để Chi dồn hết quyết tâm ứng tuyển. Trước đây, Chi cũng làm CTV cho một vài trang báo mạng nên cô tự tin mình không những có bằng cấp mà còn có cả kiến thức chuyên môn thực tế đủ để bắt đầu công việc. Quả trời không phụ lòng Chi, cuối cùng cô cũng đã trúng tuyển vị trí biên tập viên mảng giải trí.

Những ngày đầu làm việc, Chi được hướng dẫn cách tìm thông tin đắt giá để triển khai thành một bài viết. Từ bài viết đó, các anh chị cấp trên xét duyệt để Chi sửa bài rồi khi nào xong xuôi sẽ được xuất hiện trên tạp chí.

Với sự trẻ trung, chăm chỉ bắt tin nóng hổi cùng lối tư duy sâu sắc, logic, ngay trong tháng đầu Chi đã viết được rất nhiều bài hay, đồng thời 2 tuần đầu bài của cô được xuất hiện trên tạp chí tới 3 lần. Thậm chí bài đấy còn lên trang nhất.

Những tưởng con đường sự nghiệp của Chi cứ suôn sẻ như vậy, nhưng màu hồng dường như đã tan đi từ tuần thứ ba. Bài viết của Chi không được duyệt thường xuyên nữa mà thay vào đó là bị bắt sửa đi sửa lại nhiều lần với những lỗi đâu đâu: Văn phong không hợp, đề tài thiếu tính sáng tạo. Các anh chị tổng biên tập liên tục "om" bài của Chi và lấy lý do quên, vì bận quá chưa kịp xem lại.

Cám cảnh sinh viên mới ra trường bị chèn ép chốn công sở: Do luật làng hay lẽ đời vốn dĩ đã như vậy? - Ảnh 3.

Một lần nọ, Chi ngồi nói chuyện với một đồng nghiệp hơn cô 2 tuổi, ngày trước học cùng trường Đại học mới vỡ lẽ nguyên nhân đằng sau. Rằng mới vào nhưng Chi đã lập công viết xuất sắc, xuất hiện trên trang nhất hẳn hoi. Điều này có khi một nhân viên kinh nghiệm 1, 2 năm cũng khó mà có được. Vậy nên các anh chị cấp trên không thể để Chi tỏa sáng quá nhiều, phải kiềm chế lại nhường hào quang cho những biên tập viên khác.

Hơn nữa, chẳng ai nhìn ra sự xuất sắc của Chi mà luôn cho rằng có một "bàn tay chống lưng" đằng sau cô nên Chi mới được như thế. Chứ đời nào một con bé sinh viên mới ra trường lại dám vượt mặt các "chị đại"?

Cô đồng nghiệp kia nói với Chi ban đầu ai vào cũng vậy thôi, quan trọng là phải biết cương nhu cho đúng mực. Không phải cứ cố gắng hết mình mà đã tốt. Mới vào môi trường này, điều cần thiết là biết san sẻ thành công cho người khác, và không được quên mình cũng chỉ là một nhân viên quèn, cản đường thăng tiến của người khác thì sớm muộn cũng bị đá khỏi công ty ngay.

Cám cảnh sinh viên mới ra trường bị chèn ép chốn công sở: Do luật làng hay lẽ đời vốn dĩ đã như vậy? - Ảnh 4.

02

Giang Lam vừa tốt nghiệp Đại học Ngoại thương chuyên ngành Kinh tế đối ngoại. Mặc dù Lam biết có nhiều định kiến về trường của cô như sinh viên hay nhảy việc, "chảnh", đòi hỏi mức lương quá cao so với năng lực... nhưng Lam vẫn tự tin rằng mình nằm trong số những người không quá tham vọng.

Lam trở thành nhân viên thử việc tại một doanh nghiệp mảng vận tải logistics có tiếng ở Hà Nội. Không giống Chi ở câu chuyện trên, Lam thậm chí còn không được động tay vào công việc trong suốt hai tháng thử việc. Tất cả những gì Lam được giao là sáng đến công ty pha trà, cà phê cho sếp cũng như các anh chị đồng nghiệp; khi nào công ty liên hoan thì cầm dao gọt hoa quả, dọn dẹp khi tan hội. Rồi là photo 1001 giấy tờ giúp mọi người, mua cơm trưa cho các chị đồng nghiệp.

Đến khi cô hỏi cấp trên, anh sếp mới quẳng cho Lam một hợp đồng và bắt cô soạn thảo lại, kèm nhiệm vụ phải đi chào hàng được khách dựa trên những hợp đồng đó. Không ai chỉ bảo cho Lam biết cô cần làm thế nào cho đúng, tất cả những gì Lam nhận lại chỉ là cái lắc đầu kèm câu móc mỉa "Sinh viên bằng Giỏi của Ngoại thương tự làm đi em!". Từ những sự chối từ phũ phàng, Lam luôn cảm thấy bản thân thật tệ hại, vô dụng. Cô chỉ cần định hướng để làm việc thật hiệu quả mà cũng khó vậy sao?

Cám cảnh sinh viên mới ra trường bị chèn ép chốn công sở: Do luật làng hay lẽ đời vốn dĩ đã như vậy? - Ảnh 5.

Hoá ra, những chèn ép chốn công sở đôi khi lại xuất phát từ cảm giác bị đe dọa của hội nhân viên lâu năm

Thử hỏi rằng chúng ta có thực sự muốn một môi trường cạnh tranh sòng phẳng và văn minh? Hay ai nấy đều mong muốn bản thân được thăng tiến nhanh nhất có thể còn người khác thì bị "dìm" không ngóc đầu lên được? Chúng ta ai cũng ích kỷ, chỉ cần có một kẻ nhen nhóm trở thành vật cản đường, kẻ đó ắt phải chịu hậu quả từ những toan tính cá nhân.

Với trường hợp của Chi, các chị biên tập viên cũ sợ rằng cô bé năng động này sẽ làm ảnh hưởng đến con đường thăng tiến của họ. Báo chí đang trẻ hóa mà họ thì già đi từng ngày. Hội "chị đại công sở" luôn thấp thỏm rằng mình không thể mãi chạy theo những xu hướng mới và sẽ dần bị đào thải. Nên cách họ cho rằng tốt nhất là phải diệt hết những người tiềm năng. Chỉ khi ấy, họ mới được lên chủ mục, tổng biên tập.

Cám cảnh sinh viên mới ra trường bị chèn ép chốn công sở: Do luật làng hay lẽ đời vốn dĩ đã như vậy? - Ảnh 6.

Những đề tài nóng hổi, những câu chữ sắc nét trong hai tuần đầu của cô sinh viên mới ra trường như con dao vô hình cứa vào lòng tự trọng của những nhân viên lâu năm. Từ cảm giác xấu hổ khi ở đây lâu như vậy mà không thực hiện được những nội dung như thế, các chị sinh ra căm ghét cô nhân viên mới. Trong đầu họ luôn toan tính phải dìm bằng được Chi xuống, để cho Chi phải rén mình lại, không dám cạnh tranh và nhụt ý chí phấn đấu.

Lời khuyên của bạn Chi rằng khi đi làm phải biết "ngu si hưởng thái bình" nghe đau đớn làm sao! Chỉ cần Chi tỏ ra ngốc nghếch và không màng danh lợi, cô sẽ không bị ai ghét cả. Chi vẫn sẽ được lên bài trên tạp chí, chỉ là số lượng có hạn và không được lên trang nhất.

Còn với Lam, các anh chị trong công ty khi tuyển cô vào đã mặc định ngay: Chúng ta luôn phải nhớ con bé này là sinh viên Ngoại thương. Tức là nó có tính kiêu chảnh, nhảy việc bất cứ lúc nào. Vậy nên nếu để Lam cảm thấy thoải mái và thỏa mãn ở đây, cô sẽ dễ bay nhảy tìm kiếm cơ hội mới. Như thế sẽ tổn hại nhiều đến công ty. Chi bằng cứ cho Lam thấy cô chả có tài cán gì, luôn phải học hỏi, phải cần môi trường này mới sống được.

Mặt khác, những nhân viên lâu năm còn nghĩ nếu để Lam lấn lướt ngay từ đầu, thì sớm muộn những hợp đồng đối tác ngon nghẻ nhất sẽ rơi vào tay cô sinh viên trẻ đẹp ăn nói khéo léo này.

Vậy đấy, chung quy lại, nhân viên cũ đang sợ! Họ sợ một thứ đe dọa bản thân mình từng ngày, từng ngày một. Trong đầu họ luôn thường trực cả tá những câu hỏi với ý đồ thâm hiểm: Khi nào mình được thăng chức? Khi nào những con bé nhân viên kia sẽ bị đào thải? Làm cách nào để mình giữ vững chiếc ghế này?

Cám cảnh sinh viên mới ra trường bị chèn ép chốn công sở: Do luật làng hay lẽ đời vốn dĩ đã như vậy? - Ảnh 7.

Cái thời của việc sinh viên mới ra trường kém cỏi, dốt nát và không biết điều có lẽ đã qua rồi. Chúng ta đang sống ở những ngày cuối cùng năm 2019, chuẩn bị bước sang 2020. Ấy là khi sinh viên thời nay đã tự biết trang bị cho mình những kiến thức chuyên môn cần thiết và một thái độ sống "xanh chín". Vậy tại sao không cho họ được nỗ lực hết mình để bung tỏa khả năng tuyệt vời nhất? Chắc chắn nếu được chỉ đường, họ sẽ có thể vươn cao, vươn xa và mang lại những giá trị không ngờ cho doanh nghiệp, công ty. Còn nếu cứ đe nẹt, những cô cậu này sẽ sớm rơi vào khủng hoảng tuổi 25, để rồi như một con ốc luôn thu mình vào trong vỏ.

Tạm kết

Thật khó để thay đổi lối suy nghĩ ích kỷ, hèn hạ và vô lý của những nhân viên cũ luôn dồn nanh nọc để hạ bệ người khác. Tuy nhiên, đã đến lúc bỏ đi tư tưởng "luật nhân quả" hay đợi "trời cao có mắt", về cơ bản thì mỗi cá nhân tồn tại bằng chính năng lực và bản lĩnh của bản thân - chẳng tội gì phải mãi luồn cúi hạy chịu chèn ép, đợi nhân-quả thì hết xừ thanh xuân rồi!

Chúng ta cư xử phải phép chứ không được nhún nhường vô lý. Cùng lắm thì chiến đấu lại một cách sòng phẳng và văn minh. Nếu như sự chèn ép vẫn xảy ra, con đường tốt nhất cho bạn là rời đi. Ngoài kia chẳng thiếu môi trường cho chúng ta thực sự phát triển đâu!

Cám cảnh sinh viên mới ra trường bị chèn ép chốn công sở: Do luật làng hay lẽ đời vốn dĩ đã như vậy? - Ảnh 8.

Chúc các bạn sinh viên sẽ luôn dồi dào nhiệt huyết, cháy rực ngọn lửa đam mê và sẵn sàng bước chân vào chốn công sở nhiều chông gai nhưng cũng đầy những cơ hội phía trước!

(Tổng hợp)