Cái khó của Văn Mai Hương và hiện tượng cover của nhạc Việt

Tiến Vũ - Beachy - Design: Thành Đạt, Theo Trí Thức Trẻ 23:59 04/06/2021

Văn Mai Hương không phải là một ca sĩ trẻ nổi lên như một hiện tượng nhưng chỉ vừa được khán giả tung hô không lâu, cô lại trở thành tâm điểm tranh cãi bởi chính những ca khúc cover từng gây sốt mạng xã hội.

Đầu năm 2021, Văn Mai Hương nổi lên như một hiện tượng phủ sóng mạng xã hội với màn hát lại ca khúc Always Remember Us This Way của ca sĩ Lady Gaga. Vài tháng sau, chính ca khúc này lại khiến Văn Mai Hương nhận khá nhiều chỉ trích từ cộng đồng fan "mẹ quái vật" tại Việt Nam.

Những người này nói rằng thần tượng của họ chưa đăng tải bất kì một video hát trực tiếp ca khúc này lên YouTube, dù là ca sĩ sở hữu bản quyền. Trong khi đó ở Việt Nam, Always Remember Us This Way được Văn Mai Hương bê đi diễn khắp từ sân khấu này qua sân khấu khác, hết Sài Gòn rồi lên tới Đà Lạt... Ai không biết, nói đó là bản hit riêng của Văn Mai Hương chắc cũng không có gì bất ngờ.

Cái khó của Văn Mai Hương và hiện tượng cover của nhạc Việt - Ảnh 1.

Tới thời điểm hiện tại, các video, clip Văn Mai Hương hát ca khúc nói trên đã đạt hàng chục triệu lượt xem và vẫn xuất hiện bình thường trên YouTube. Văn Mai Hương cho biết phía Universal Music Group (đơn vị hiện đang sở hữu bản quyền các ca khúc) đã phê duyệt chúng, nên mới không bị YouTube đánh bản quyền.

Cái khó của Văn Mai Hương và hiện tượng cover của nhạc Việt - Ảnh 2.

Lịch sử âm nhạc thế giới từng chứng kiến không ít trường hợp tác phẩm cover nổi tiếng và được yêu thích hơn cả bản thu gốc. Ở Việt Nam vài năm trở lại đây, phong trào cover phát triển rất mạnh. Nhiều người nhờ cover mà trở nên nổi tiếng, tìm thấy cơ hội lấn sân sang con đường ca hát chuyên nghiệp như Juky San, Quân A.P, Hoa Vinh, Hương Ly, Ngô Lan Hương, Minh Châu, Vicky Nhung… Nhiều kênh YouTube chuyên đợi chờ ca sĩ ra nhạc để cover mọc lên như nấm.

Điểm chung của những hiện tượng cover là họ có một giọng hát rất tốt, lối xử lý bài hát được lòng số đông nên thu hút một lượng người yêu thích đón chờ những bản hit nổi tiếng có cảm xúc thế nào qua thể hiện của họ. Cả Hương Ly, Tăng Phúc… đều rất nhiều lần đạt thứ hạng cao trên top trending, đánh bại loạt MV bom tấn nhờ những clip cover đơn giản. Thế nhưng, khi rời xa những bản hit quen thuộc, sản phẩm cá nhân của họ không mấy được đón nhận. Dù nỗ lực liên tiếp ra sản phẩm, lượt xem những ca khúc riêng của Tăng Phúc và Hương Ly rất ít ỏi, không thể so sánh những clip đơn giản mà họ cover.

"Thương hiệu của những giọng ca cover chính là giọng hát và cách hát. Còn thương hiệu của ca sĩ ngôi sao lại là cá tính âm nhạc. Các ngôi sao có thể có cách hát không xuất sắc bằng những giọng ca cover, nhưng họ đã định hình được thương hiệu cá nhân với những màu sắc âm nhạc ổn định, làm công chúng khi nghe đến thương hiệu của họ là click vào nghe những sản phẩm âm nhạc mới do họ ra mắt công chúng.

Cái khó của Văn Mai Hương và hiện tượng cover của nhạc Việt - Ảnh 3.

Đó là một khoảng cách rất lớn mà những giọng ca cover khi ra sản phẩm riêng sẽ chật vật gian nan để xây cho mình một thương hiệu màu sắc âm nhạc riêng, được công chúng tin tưởng" - một chuyên gia nhận định.

Không chỉ Việt Nam mà cả ở thế giới, những ngôi sao cover cũng chật vật để làm nên tên tuổi như một ca sĩ độc lập. Thế nhưng, để xây dựng được cá tính âm nhạc chẳng hề là chuyện dễ dàng, kể cả những ngôi sao hạng A trên thị trường chăm chút cả năm cho 1 sản phẩm vẫn bị flop như thường. Thế nên không chỉ các giọng ca chưa thành danh cover, mà những ca sĩ nổi tiếng có thế mạnh về vocal cũng thường xuyên cover bài đồng nghiệp tặng khán giả như một cách duy trì sức nóng và nhấn mạnh đến công chúng khả năng hát vượt trội của mình. Từ Mỹ Tâm, Hà Anh Tuấn hay Đức Phúc, Erik, Orange... cũng thường xuyên hát lại bài hát của đồng nghiệp.

Cái khó của Văn Mai Hương và hiện tượng cover của nhạc Việt - Ảnh 4.

Cái khó của Văn Mai Hương và hiện tượng cover của nhạc Việt - Ảnh 5.

Mặt trái của sự thật cover tràn lan hiện nay, chính là vấn đề bảo vệ bản quyền. Cuối năm 2019, hiện tượng cover Hương Ly bị tố sử dụng ca khúc Bước Qua Đời Nhau mà không xin phép tác giả là ca sĩ Khắc Việt. Và làng nhạc có hàng trăm câu chuyện mang bài của người khác đi diễn tương tự như vậy, dẫn đến suốt một thời gian dài, những sự vụ cướp hit xảy ra như cơm bữa khiến khán giả ngán ngẩm.

Bước Qua Đời Nhau - Lê Bảo Bình

Luật sở hữu trí tuệ quy định chủ sở hữu tác phẩm có quyền độc quyền tác phẩm của mình, toàn quyền tự sử dụng hoặc cho phép người khác sử dụng. Một người cover tác phẩm của người khác và đưa lên mạng xã hội, dù người đó hát cho vui hay hát để thu tiền thì họ vẫn phải xin phép tác giả, và phải trả tiền bản quyền nếu tác giả yêu cầu. Bài hát là một loại tài sản dân sự, việc định giá tùy vào thỏa thuận dân sự của người bán, người mua, nhà nước không can thiệp.

Một bài hát hay, hàng nghìn giọng ca thể hiện vẫn là chưa đủ với nhu cầu nghe nhạc đa dạng của khán giả. Trên những nền tảng như Quora, người nghe cho biết hướng thể hiện mới lạ, đa dạng hình thức trình diễn của những bài hát cover khiến họ cảm thấy mới mẻ và thỏa mãn hơn.

Cái khó của Văn Mai Hương và hiện tượng cover của nhạc Việt - Ảnh 7.

Có thể nói, trào lưu cover đã làm sống dậy biết bao nhiêu bài hát cũ, và cũng đồng thời giúp cho những bài hát mới ra đời được phổ biến với khán giả hơn. Đó là lý do những năm qua, nhiều ca sĩ khi ra mắt ca khúc mới đều có kế hoạch truyền thông bằng cách mời các bên chuyên cover hát lại bài của mình.

Một câu chuyện khá tương đồng với tình huống Văn Mai Hương gặp phải. Đó là bản cover Ngắm Hoa Lệ Rơi mà Hoa Vinh thể hiện bỗng nổi như cồn, tới mức ca sĩ Châu Khải Phong lên tiếng khẳng định ca khúc này hot trở lại là nhờ Hoa Vinh. Thời điểm đó, Hoa Vinh cũng bế bài này đi khắp các sân khấu lớn bé để biểu diễn dù chưa bao giờ mở lời mua bài. Khi phát hành bản audio chính thức, Hoa Vinh không chú thích "cover" như thể đây là ca khúc của mình dù chiếc beat sử dụng cũng của Châu Khải Phong, thậm chí còn dính cả tiếng bè.

Chuyện cover tràn lan đến lạm dụng không chỉ xảy ra với các ca sĩ mạng, ca sĩ tỉnh lẻ thiếu hit. Vpop có không ít câu chuyện trớ trêu khi đàn chị diva nhờ đàn em cho phép trình diễn lại bản hit đang nổi trong một chương trình nọ, sau khi đàn em miễn cưỡng đồng ý thì tiếp tục bê bản cover này đi diễn tất cả mọi nơi như hit của riêng mình. Chuyện thiếu hit, thiếu cột mốc trong chặng đường âm nhạc cá nhân rất dễ dàng đẩy các ca sĩ đến chỗ thiếu tôn trọng bản quyền hoặc "cướp hit" đàn em một cách rất thô và sống sượng như thế.

Cái khó của Văn Mai Hương và hiện tượng cover của nhạc Việt - Ảnh 8.

Cái khó của Văn Mai Hương và hiện tượng cover của nhạc Việt - Ảnh 9.

Trong cái rủi có cái may, còn trong cái may này của Văn Mai Hương lại chứa nhiều rủi ro khi cô lâm vào tình thế được khán giả yêu thích bởi một bài hát nước ngoài không thuộc sở hữu.

Nói một cách công bằng, Văn Mai Hương hoàn toàn không phải một gương mặt không nổi tiếng hay thiếu cá tính âm nhạc như những hiện tượng cover. Nói về hit quốc dân, Văn Mai Hương sở hữu Nếu Như Anh Đến vừa debut ăn luôn và đóng đinh đến sự nghiệp. Cả về năng lực lẫn cá tính, mức độ cống hiến, Văn Mai Hương không là một cái tên thiếu sức hút và năng lực tới mức phải dựa trên một bài cover để hâm nóng tên tuổi. Sự nghiệp âm nhạc của cô có nhiều thăng trầm, nhưng không thiếu những nỗ lực nghiêm túc đối với nghề nghiệp.

Nếu Như Anh Đến | Văn Mai Hương | Official Music Video

Cái khó của Văn Mai Hương và hiện tượng cover của nhạc Việt - Ảnh 11.

Văn Mai Hương bằng tuổi Sơn Tùng M-TP và khi cô nổi tiếng thì Sơn Tùng vẫn là cái tên chưa ai biết đến. Đến lúc cô đạt Á quân Vietnam Idol thì Bích Phương bị loại khi ở top 7. Tính đến nay, Văn Mai Hương đã đến với làng nhạc tròn đầy 1 thập kỉ. Ở âm nhạc của Văn Mai Hương, người ta nhận thấy sự rắn rỏi của một cô ca sĩ trẻ có năng lực thuộc hàng top đầu lẫn cái bình tâm của người phụ nữ đã chạm ngưỡng tuổi 27.

Với nhiều ca sĩ trẻ thành công sớm như Văn Mai Hương, 1 thập kỉ là khoảng thời gian đủ để khiến nhiều người bước vào trạng thái bão hoà. Có nghĩa là nhạc vẫn ra đấy, có thể vẫn hay và chất lượng đấy, nhưng mức độ đón nhận của khán giả sẽ không thể mạnh mẽ như xưa. Văn Mai Hương, có lẽ rơi vào trường hợp này.

Cái khó của Văn Mai Hương và hiện tượng cover của nhạc Việt - Ảnh 12.

Âm nhạc của cô chú trọng vào những giá trị cảm xúc mang đến từ một giọng hát được đào tạo bài bản, cùng các ca khúc có chiều sâu ngữ nghĩa, không phải món đồ ăn nhanh, ăn vài lần là chán. Album phòng thu thứ 3 mang tên Hương (Scent) là một ví dụ rõ rệt. Album có 8 ca khúc, trong đó 6 bài do Hứa Kim Tuyền sáng tác gồm Đốt, Cầu Hôn, Tình Lãng Phí, Trên Cây Cầu Bên Sông, Nghe Nói Anh Sắp Kết HônHương. Ngoài ra còn có Mai Đây Em Thương Một Chàng Trai, do Nguyễn Duy Anh sáng tác sau khi đọc xong bức tâm thư thanh xuân của Văn Mai Hương.

Đã Lâu Lắm Rồi là sản phẩm tiếp theo Văn Mai Hương kết hợp với nhạc sĩ Vũ Ngọc Bích kể từ sau ca khúc Nghĩ Về Anh khá thành công trước đó. Ấn tượng nhất chính là ca khúc chủ đề album Hương, kết hợp với rapper Negav, nhận được nhiều khen ngợi từ giới chuyên môn. Thế nhưng thật đáng tiếc khi ngay trên chính YouTube của Văn Mai Hương, các ca khúc trong album hay ho này lại có lượt nghe khá khiêm tốn nếu so với các bản cover của nữ ca sĩ.

Cái khó của Văn Mai Hương và hiện tượng cover của nhạc Việt - Ảnh 13.

Trước bài của Lady Gaga, Văn Mai Hương cũng từng cover nhiều ca khúc khác nhau, Tây Tàu Hàn Nhật có đủ, nhận về biết bao lời khen. Nhưng phải thừa nhận, kể từ sau Cầu Hôn (2019), bản cover đầy duyên nợ Always Remember Us This Way mới là thứ giúp tên tuổi cô tỏa sáng một lần nữa. Văn Mai Hương càng ghi điểm với khán giả hơn vì rơi ngay tại thời điểm làn sóng chỉ trích các ca sĩ đẹp mẫu mã, dở chất giọng nhưng vẫn ung dung cầm mic lên hát, dâng cao.

Cái khó của Văn Mai Hương và hiện tượng cover của nhạc Việt - Ảnh 14.

Một nhà sản xuất nhận định" "Việc bất ngờ thành công với một bản hit không phải của mình thực ra đặt Văn Mai Hương vào một thế khó. Rất lâu rồi cô không có một hit đại chúng, thế nên bỏ thì thương vương thì tội. Bản thân ca sĩ luôn khát khao được đón nhận, được trình diễn trên sân khấu trong tiếng vỗ tay cũng như có show diễn ổn định để đầu tư cho sự nghiệp".

Cái khó của Văn Mai Hương và hiện tượng cover của nhạc Việt - Ảnh 15.

Văn Mai Hương dĩ nhiên không cư xử tệ và thiếu chuyên nghiệp như trường hợp của Hoa Vinh. Cô cho biết đơn vị tổ chức chương trình mời cô trình diễn ca khúc trên đều đã đóng tiền bản quyền và xin phép đầy đủ đúng với quy định của pháp luật.

Điều đáng tiếc là Văn Mai Hương lại thiếu tinh tế ở chi tiết cô không để tên Lady Gaga ở phần credit trong một clip cover khiến cộng đồng người hâm mộ "mẹ quái vật" giận dữ. Trước khi Văn Mai Hương cover, Always Remember Us This Way là bản nhạc đẫm nước mắt trong phim A Star Is Born, nhưng lại chưa được nhiều khán giả đại chúng ở Việt Nam biết đến. Sau đó khi bản cover được đón nhận, Văn Mai Hương liên tục diễn ở hàng trăm sân khấu lớn nhỏ như thể đó là dấu ấn riêng, khiến không ít người cảm thấy cô đang lạm dụng thương mại hóa ca khúc của người khác.

Always Remember Us This Way - Văn Mai Hương cover

Như bình luận dí dỏm: "Nếu ai chưa biết đến ca khúc gốc thì sẽ nhầm tưởng rằng Văn Mai Hương mới là chính chủ". Khi tìm kiếm từ khóa tên bài hát, kết quả cho ra nhiều bản cover do Văn Mai Hương thể hiện không có tên chính chủ trên tiêu đề hay phần miêu tả. Điều này chắc chắn sẽ vô cùng đụng chạm đến những ai yêu thích Lady Gaga và bản gốc nổi tiếng thế giới.

Cái khó của Văn Mai Hương và hiện tượng cover của nhạc Việt - Ảnh 17.

"Thực tế, những nghệ sĩ có cái tôi âm nhạc cao thường không thích, hoặc thận trọng khi thể hiện lại ca khúc gắn liền với tên tuổi ca sĩ nổi tiếng khác. Một phần, họ cũng phải tự tin rằng mình thể hiện sẽ có sức hút riêng đối với bài; nhưng khi đó họ vẫn phải đứng dưới cái bóng rất lớn của ca sĩ gốc hoặc thậm chí hứng chịu sự chỉ trích, kỳ thị đến từ tự ái của khán giả trung thành với bản gốc" - một nhạc sĩ nhận xét.

Nếu như những ca sĩ chưa thành danh cần bám víu vào những bản cover để duy trì tên tuổi, tìm cơ hội vụt sáng thì những ngôi sao đã khẳng định được tài năng và cá tính âm nhạc thậm chí phải thận trọng hơn một nghìn lần trước bẫy hào quang từ những bản cover. Khác với các tên tuổi mới, họ có những cống hiến và thành tựu để mất và chịu khắt khe hơn rất nhiều. Danh tiếng, sự ca ngợi và cả lợi ích kinh tế mà một bản cover mang lại đều không đủ bù đắp cho những rủi ro mà ca sĩ phải gánh chịu nếu họ không đủ tỉnh táo lẫn khéo léo trước cái khó ngọt ngào dang ra trước mắt.

Cái khó của Văn Mai Hương và hiện tượng cover của nhạc Việt - Ảnh 18.