Cái giá phải trả cho thành tích học tập xuất sắc của học sinh Singapore: Căng thẳng, áp lực và tự tử

Bơ Spiderum, Theo Thời Đại 23:30 27/09/2017

Singapore luôn nổi tiếng là nơi có thành tích học tập đứng đầu thế giới. Nhưng đằng sau những tấm huy chương vàng ấy là cả chặng đường học hành đầy áp lực. Nhưng liệu những thứ đó có đáng để học sinh Singapore phải hy sinh thời gian làm quen với các kỹ năng mềm, thậm chí cả sức khỏe và những niềm hạnh phúc rất đỗi giản dị?

Cái giá phải trả cho thành tích học tập xuất sắc của học sinh Singapore: Căng thẳng, áp lực và tự tử - Ảnh 1.

Bảng xếp hạng Pisa có thực sự chính xác?

Nền giáo dục của Singapore từ lâu đã nổi tiếng là nơi sản sinh ra nhiều học sinh đạt thành tích học tập xuất sắc. Mới đây, quốc gia này lại vinh dự đứng đầu bảng xếp hạng những nền giáo dục uy tín nhất trên thế giới, Pisa.

Bảng xếp hạng Pisa do các chuyên gia tại Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế nghiên cứu, đánh giá và công bố kết quả 3 năm/lần. Mặc dù là quốc gia dẫn đầu bảng xếp hạng này nhưng xem ra, cái giá mà Singapore phải trả để có được vị trí này khá "đắt".  

Theo đó, trẻ em ở Đảo Quốc Sư Tử luôn chịu áp lực nặng nề về chuyện học hành ngay từ khi còn ở tiểu học. Tất cả áp lực này đều đến từ nhà trường và bố mẹ. Liệu chúng ta có chắc chắn rằng, đạt được điểm số cao ngay từ khi còn nhỏ sẽ khiến các em trở thành người có tư duy phản biện tốt chứ không phải là những "chú vẹt"? Liệu chúng ta có chắc chắn rằng, "chăm học" sẽ giúp các em trau dồi các kỹ năng xã hội?

Cái giá phải trả cho thành tích học tập xuất sắc của học sinh Singapore: Căng thẳng, áp lực và tự tử - Ảnh 2.

Mới đây, Singapore vinh dự đứng đầu trong bảng xếp hạng nền giáo dục uy tín trên thế giới - Pisa.

Năm 2015, báo chí Singapore từng đưa tin về 27 vụ tự sát của học sinh ở nước này. Đáng buồn thay, tất cả đều trong độ tuổi từ 10 đến 19 tuổi. Con số này gấp đôi năm 2014 và cao nhất trong 1 thập kỷ trở lại đây, theo trang Samaritans. Vào tháng 5 năm 2016, một cậu bé 11 tuổi đã nhảy lầu tự tử từ tầng thứ 17 của một tòa chung cư, chỉ vì sợ sẽ phải nói với bố mẹ về bài kiểm tra điểm kém của mình. Đó là lần đầu tiên cậu thi trượt. 

Vấn đề của nền giáo dục Singapore có vẻ tương tự với Hong Kong, Đặc khu hành chính thuộc Trung Quốc đang đứng ở vị trí thứ 9 trong bảng xếp hạng Pisa. Cả hai quốc gia và vùng lãnh thổ đều tổ chức các lớp học với sĩ số đông, có tính cạnh tranh cao và bắt ép học sinh phải học thuộc lòng rất nhiều môn. Một điểm tương đồng khác giữa hai nền giáo dục chính là, cả hai đều xa rời các hoạt động ngoại khóa.

Tỷ lệ học sinh Hong Kong tự tử cũng rất đáng e ngại. Theo một nghiên cứu của chính phủ mới được công bố vào năm ngoái, 71 học sinh đã tự tử trong khoảng thời gian từ năm 2013 đến năm 2016.

Cái giá phải trả cho thành tích học tập xuất sắc của học sinh Singapore: Căng thẳng, áp lực và tự tử - Ảnh 3.

Cả hai quốc gia và vùng lãnh thổ đều có đông học sinh trong một lớp, có tính cạnh tranh, và tập trung vào việc học thuộc lòng phục vụ thi cử.

Sai lầm trong cách dạy con

Howard Tan, một giáo viên cũ tại Singapore, chia sẻ lý do ông lui về dạy học tại nhà chính là bởi phụ huynh Singapore đặt áp lực lên con cái họ quá nhiều. 

"Thật không đúng khi nói rằng, áp lực này chỉ đến từ nền giáo dục, bởi nó còn đến từ các bậc phụ huynh. Tôi đã gặp rất nhiều biểu cảm thất vọng của phụ huynh đối với con mình khi chúng chỉ đạt điểm… dưới 90. Là một giáo viên, tôi không muốn khiến học sinh của mình phải khổ đến vậy.", ông chia sẻ.

Hiện tại, ông Tan đang dạy một số học sinh 8-9 tuổi. Lớp học của ông thường kết thúc vào lúc 9 giờ tối. "Tôi dạy một cô bé học sinh 8 tuổi. Nhưng không chỉ học tôi, cô bé còn đi học rất nhiều lớp khác cho cùng một môn học, tổng cộng là 11 lớp một tuần. Liệu cô bé có thời gian để làm những thứ khác?"

Ông chia sẻ thêm rằng, ông đã dạy môn Vật Lý tại trường tiểu học. Trong quá trình giảng dạy, ông nhận ra rằng, rất nhiều học sinh thiếu các kỹ năng cơ bản. "Ở trường tiểu học, học sinh cần kết bạn, học cách giao tiếp và giải quyết bất đồng với những đứa trẻ khác. Tuy nhiên, nhiều học sinh không biết làm thế nào để đối mặt với các quan điểm bất đồng. Chúng sẽ chỉ hét lên vì chẳng biết phải làm như thế nào".

Ác mộng phân chia lớp theo năng lực

Sự tương tác và truyền đạt giữa thầy trò chính là một trong những vấn đề khiến học sinh tại Singapore chịu áp lực. Ông Tan chia sẻ áp lực lớn nhất đến từ thầy giáo là chuyện phân lớp. Mỗi năm một lần, học sinh tại đất nước này lại được xếp lại lớp dựa theo kết quả học tập của mỗi em. Đây là điểm khác biệt của Singapore so với Hong Kong. Tại Hong Kong, việc phân loại học sinh giỏi và kém lại thường thể hiện ở thương hiệu trường học. 

Tại Singapore, bậc tiểu học phân thành 6 lớp, bậc trung học là 4 và bậc phổ thông là 3. Học sinh sẽ phải trải qua 2 bài thi lớn nếu muốn chuyển khối. Cuối năm lớp 4 tiểu học, học sinh sẽ tham gia một kỳ thi bao gồm Tiếng Anh, Toán, tiếng mẹ đẻ, và Khoa học. Sau đó 2 năm, chúng lại thực hiện một bài kiểm tra chuyển khối và kết quả sẽ được dùng để xét duyệt phân lớp cấp II.

Cái giá phải trả cho thành tích học tập xuất sắc của học sinh Singapore: Căng thẳng, áp lực và tự tử - Ảnh 4.

Một số bố mẹ học sinh coi chuyện phân lớp theo năng lực là có lợi cho học sinh.

Tại Singapore, năng lực của học sinh được thể hiện qua 4 loại: Xuất sắc, giỏi, nghiên cứu học tập, nghiên cứu khoa học. Số học sinh vào lớp Xuất sắc thường chiếm 10% và gần như những học sinh này sẽ được tuyển thẳng vào các trường đại học. 50% học sinh vào lớp Giỏi cũng gần như chắc chắn đỗ vào các trường Đại học và Cao đẳng. 20% học sinh chuyên nghiên cứu học tập sẽ được học trong viện nghiên cứu bách khoa. Trong khi đó, những em chuyên nghiên cứu khoa học sẽ học để lấy bằng chứng nhận tại viện kỹ thuật.

Một số bố mẹ học sinh coi chuyện xếp lớp theo năng lực là có lợi cho học sinh. Maida Genato, người mẹ của 3 đứa con đang đi học, nói rằng: "Đối với những em học chậm, nếu giáo viên giảng nhanh, chúng sẽ cần có thời gian nhiều hơn để hiểu. Trong khi đó, nếu dạy quá chậm, học sinh tiếp thu nhanh sẽ chóng chán."

Tuy nhiên, ông Tan chia sẻ, nếu một lớp có tầm 30-40 học sinh theo cách này thì rất nhiều em học sinh sẽ không có cơ hội "tỏa sáng".

Đồng quan điểm với ông Tan, Jamie Sisson, một tiến sỹ Giáo dục tại Đại học Nam Úc nói rằng, việc phân lớp theo năng lực và những kỳ kiểm tra tương tự sẽ khiến các em học sinh và phụ huynh cảm thấy căng thẳng. "Việc này giới hạn cơ hội cho học sinh và ảnh hưởng đến tương lai của chúng. Con người là một loại động vật bậc cao và phức tạp. Vậy nên việc định hướng ngành nghề phù hợp với các em ngay từ lúc nhỏ là một sai lầm.", bà chia sẻ.

Người Hoa và áp lực thi cử

Genato, một phụ huynh người Philippines kể rằng, những học sinh người Hoa thường bị đặt áp lực rất nhiều trong việc thi cử. "Đây giống như một truyền thống vậy." - Genato chia sẻ.

Trước đây, Sisson cũng từng nghiên cứu những học sinh nhỏ tuổi người Hoa và kết quả thu được là: Tất cả chúng đều rất khó thích ứng với cách dạy học mới mẻ của trường đại học.

Cái giá phải trả cho thành tích học tập xuất sắc của học sinh Singapore: Căng thẳng, áp lực và tự tử - Ảnh 5.

Bên cạnh đó, Sisson cũng cố gắng xây dựng một nền giáo dục dân chủ, lấy sinh viên làm "trung tâm". Với phương pháp này, sinh viên đóng vai trò quan trọng trong cách dạy học. Cô cho rằng, việc tự nghiên cứu sẽ khiến học sinh tìm ra được nhiều vấn đề hơn là chỉ đơn thuần nghe giảng. Nếu học sinh chỉ biết học thuộc lòng mà không hiểu quy luật vận động của các sự vật thì việc làm này đã sẽ hạn chế khả năng linh hoạt xử lý các vấn đề, một tố chất rất cần thiết cho cuộc sống sau này của các em." 

Ngoài ra, cô cũng nhắc đến một nghiên cứu tại Anh của giảng viên Sally Chan, mang tên Học sinh Trung Quốc - một dấu hỏi của phong cách học. Ông Chan viết: "Việc học quá nhiều lý thuyết dẫn đến căng thẳng đã khiến học sinh Trung Quốc có rất ít lựa chọn. Chỉ thi sát hạch tốt thôi là chưa đủ. Tôi tin rằng cách dạy học này đang tiếp diễn ở rất nhiều nơi có người Hoa sinh sống như: Hong Kong, Trung Quốc và Đông Nam Á."

Đừng chỉ làm bài tập về nhà! Hãy luyện các kỹ năng khác nữa!

Mặc dù học sinh tiểu học tại Singapore dành một thời gian khổng lồ đề làm bài tập về nhà và học gia sư nhưng lợi ích của việc làm này vẫn đang gây tranh cãi. "Một nghiên cứu hiếm hoi được thực hiện trên các học sinh phổ thông cho thấy, bài tập về nhà không có tác động tích cực đến chuyện học hành." Cụ thể, Phần Lan, một nước không có bài tập về nhà và chẳng có chuyện dạy thêm, vẫn đang dẫn đầu về giáo dục.

Phần Lan đứng thứ 6 trong bảng xếp hạng Pisa, nhưng học sinh của các trường Phần Lan có tư duy phản biện và có khả năng giải quyết nhanh nhạy nhiều sự cố.

Cái giá phải trả cho thành tích học tập xuất sắc của học sinh Singapore: Căng thẳng, áp lực và tự tử - Ảnh 6.

Phần Lan đứng thứ 5 trong bảng xếp hạng Các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới năm 2016, trong khi Singapore đứng thứ 26.

Khi lên 7 tuổi, học sinh Phần Lan mới bắt đầu đến lớp. Các em cũng không phải trải qua các bài kiểm tra đầu vào hay cuối cấp. Không những vậy, kỳ nghỉ ở Phần Lan cũng kéo dài hơn. 

Hơn nữa, Phần Lan đứng thứ 5 trong bảng xếp hạng Các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới năm 2016, trong khi Singapore đứng thứ 26.

Cái giá phải trả cho thành tích học tập xuất sắc của học sinh Singapore: Căng thẳng, áp lực và tự tử - Ảnh 7.

Khi lên 7 tuổi, học sinh Phần Lan mới bắt đầu đến lớp.

Năm ngoái, Bộ trưởng Giáo dục Singapore thông báo rằng, một hệ thống tính điểm mới sẽ ra đời vào năm 2021, hứa hẹn sẽ giảm áp lực bằng cách khuyến khích các em học sinh tập trung vào học hơn là đấu đá với bạn cùng lớp.

Hiện tại, kết quả của thi chuyển cấp lên Trung học là tổng của 4 môn thi, xếp từ cao xuống thấp. Tuy nhiên, từ năm 2021, Singapore sẽ không còn bảng xếp hạng các học sinh trong cùng lớp nữa.

Roy Ngerng, một nhà hoạt động xã hội tại Singapore từng đề xuất việc giảm giờ học trong lớp. Chỉ có như vậy mới khiến giáo viên sáng tạo hơn với những hoạt động kích thích trí não cho học sinh.

Singapore đang dần từng bước đổi thay nền giáo dục của mình...