Cái chết bí ẩn của ông trùm ngân hàng Ý chuyên rửa tiền, kéo theo một loạt bê bối nổi cộm thập niên 1980

Vũ Huế, Theo Trí Thức Trẻ 00:10 17/09/2020

Sáng ngày 18/6/1982 tại London, người đưa thư chết sững dưới cảnh tượng một thi thể đàn ông treo lủng lẳng dưới gầm cầu. Đó là Roberto Calvi, trùm nhà băng Italia đang bị truy nã, có quan hệ mờ ám với cả mafia và các tổ chức bí mật.

Roberto Calvi (13/4/1920-17/6/1982, Ý gốc Milan) là chủ tịch nhà băng Banco Ambrosiano, người được báo chí thế kỷ XX mệnh danh là "kẻ giữ tiền nhân danh thánh thần".

Cái chết bí ẩn 

Vào lúc 7h30 sáng ngày 18/6/1982, một nhân viên bưu điện ở London (Anh) băng qua cầu Blackfriars, sông Thames đi làm như thường lệ thì phát hiện có thi thể treo lủng lẳng dưới gầm cầu. Anh lập tức gọi điện báo cảnh sát.

Roberto Calvi

Điều tra ban đầu cho thấy, người chết là Roberto Calvi - "bố già nhà băng" nức tiếng nhất Italia. Một tuần trước, ông ta bỏ trốn khỏi tư dinh tại Rome, chạy tới Venice rồi lén lút chuồn sang Anh. Tất cả túi quần, túi áo trên thi thể Calvi đều bị nhét đầy gạch. Lẫn trong mớ gạch này là 3 loại tiền tệ khác nhau, tổng trị giá khoảng 15.000 USD.

Cảnh sát London tuyên bố Calvi tự vẫn. Tuy nhiên kết quả khám nghiệm pháp y lại cho thấy, vết thương trên cổ Calvi không khớp với dây thòng lọng. Giàn giáo Cầu Blackfriars cũng không có dấu giày hay bất cứ vết tích nào của ông.

 Thi thể Calvi có khả năng bị cột vào gầm cầu Blackfriars khi nước lên để giả hiện trường treo cổ tự sát

Vào thời điểm thi thể Calvi được phát hiện, nước sông Thames đã rút nhưng trước đó, nó có thể đủ cao để ngồi thuyền tạo hiện trường giả treo cổ. Một số nhà điều tra suy đoán, Calvi đã bị sát hại từ nơi khác rồi mới đem đến gầm cầu Blackfriars. Dù vậy, cảnh sát Anh vẫn đóng vụ án với nguyên nhân tự sát.

Bố già chuyên rửa tiền

Roberto Calvi bắt đầu làm việc cho Banco Ambrosiano, ngân hàng lớn thứ 2 ở Ý đương thời vào năm 1947. Sau 24 năm, ông lên chức giám đốc và từ năm 1975 thì đảm nhiệm vị trí chủ tịch.

Chỉ 3 năm kể từ ngày Calvi lãnh đạo, Banco Ambrosiano bị truy tố với tội danh rửa tiền cho xã hội đen. Số tiền bất hợp pháp qua tay y lên đến vài tỷ lire (tiền Ý). Năm 1981, Calvi bị bắt vì đã chuyển 27 triệu đô "tiền bẩn" ra khỏi quốc gia - vi phạm nghiêm trọng luật tiền tệ của Ý. Calvi bị kết án 4 năm tù treo, và kèm theo khoản tiền phạt 19,8 triệu đô.

Trong thời gian ngắn ngồi tù chờ xét xử, Calvi từng tự tử bất thành. Trước đó thì vào năm 1974, ông ta cũng liên quan đến các giao dịch khiến Tòa Thánh thất thoát cả $30 triệu.

Vừa được trả về nhà hưởng án treo không lâu, Calvi viết một bức thư gửi Giáo hoàng John Paul II (1920-2005) vào ngày 5/6/1982 với nội dung: Sẽ sớm xảy ra một thảm họa ngoài tưởng tượng và Vatican không thể tránh khỏi bị tổn thất vô cùng nặng nề.

Cái chết bí ẩn của ông trùm ngân hàng Ý chuyên rửa tiền, kéo theo một loạt bê bối nổi cộm thập niên 1980 - Ảnh 3.

Ông trùm Francesco Marino Mannoia (1951), người tuyên bố Calvi bị mafia ám toán

Từ lâu, Tòa Thánh đã là khách hàng kiêm cổ đông quan trọng nhất của Banco Ambrosiano. Họ nắm giữ 10% cổ phần, liên kết với ngân hàng mẹ này qua chi nhánh Ngân hàng Vatican. Đúng 2 tuần sau ngày Calvi gửi thư cảnh báo, Banco Ambrosiano sụp đổ. Tổng các khoản nợ rơi vào khoảng 700 triệu - $700 triệu - $1,2 tỷ đô, mà phần lớn lại đổ xuống đầu Ngân hàng Vatican.

Sau cái chết của Calvi 2 năm, Ngân hàng Vatican thừa nhận "có can dự về mặt đạo đức" đối với sự sụp đổ của Banco Ambrosiano. Họ đồng ý chi $224 triệu, thanh toán cho 120 chủ nợ của nhà băng mẹ. Các công tố Ý không đụng chạm gì đến Ngân hàng Vatican trong suốt quá trình điều tra. Họ cũng không xét hỏi gì Paul II, trừ phần nội dung bức thư cảnh báo của Calvi.

Tái mở, đóng án nhiều lần

Trước kết quả điều tra đầy sơ hở của cảnh sát Anh, gia đình Calvi tỏ ra không tin tưởng. Họ tự thuê thám tử điều tra, thu thập thông tin và đệ đơn xin tái mở án. Tháng 7/1983, vụ án Calvi được tra xét lại lần thứ nhất và đưa ra kết quả "bố già nhà băng" bị giết.

Trong khi các bên điều tra vẫn chưa thu thập được chứng cứ nào quyết định thì vào tháng 7/1991, ông trùm của tổ chức Sicily Mafia - Francesco Marino Mannoia (1951) tuyên bố: Calvi bị xã hội đen ám toán. Ông ta chỉ điểm, 2 tên mafia là Giuseppe Calò (1931) và Licio Gelli (1919 - 2015) đã thuê sát thủ Francesco Di Carlo (1941 - 2020) đang sống ở London ra tay. Di Carlo bị bắt giữ nhưng phủ nhận tội giết người. Hắn ta cho biết, có nhận yêu cầu từ Calò nhưng không thực hiện.

Giuseppe Calò (trái) và Licio Gelli - 2 mafia bị tình nghi thuê người sát hại Calvi

Tháng 7/2003, giới điều tra Ý tuyên bố Calvi bị mafia sát hại. Tháng 9/2003, cảnh sát London quyết định lật lại hồ sơ. Họ phát hiện trước khi qua đời, Calvi đã sống cùng căn hộ với tay buôn ma túy tên Sergio Vaccari ở Chelsea Cloisters. Gã này cũng đã tử vong và trong túi áo, túi quần nhét đầy gạch. Người ta suy đoán, cả Calvi và Vaccari đều dính dáng đến tổ chức bí mật Propaganda Due, bị thành viên trong hội thanh trừng.

Cái chết bí ẩn của ông trùm ngân hàng Ý chuyên rửa tiền, kéo theo một loạt bê bối nổi cộm thập niên 1980 - Ảnh 5.

Kẻ giết thuê Francesco Di Carlo cho biết, có nhận lệnh thanh toán Calvi nhưng không ra tay

Trong 2 người bị "bố già" Mannoia chỉ điểm giết Calvi, Licio Gelli là kẻ đứng đầu Propaganda Due. Các nhà điều tra cho rằng, hắn thuê giết Calvi vì bị "ông trùm ngân hàng" này biển thủ hết "tiền đen" của mình. Cũng có khả năng, Propaganda Due và các tổ chức mafia Ý đã lợi dụng Banco Ambrosiano rửa tiền. Calvi chỉ phát hiện khi đã muộn màng, chưa kịp thoát thân và tố cáo thì đã bị chúng sát hại nhằm bịt miệng.

Năm 2005, Ý và Anh kết hợp điều tra Vụ án Calvi. Họ đưa tất cả các đối tượng tình nghi ra trước vành móng ngựa, nhưng cuối cùng không kết tội một ai cả. Kết quả, chỉ có cái chết của Calvi là được thay đổi thành "bị giết". Ngoài ra, tất cả đều vẫn rất mù mịt.

Tham khảo: Calvi Death, History