Cái chết bí ẩn của nhà vua Tây Ban Nha Charles II: Cơ thể không còn giọt máu, trái tim chỉ nhỏ bằng hạt tiêu

Joey Spiderum, Theo Thời Đại 20:06 02/12/2017

Dù được sinh ra trong một gia tộc nổi tiếng, quyền lực với nền thống trị trải rộng khắp châu Âu nhưng Charles II lại được biết đến rộng rãi như một ông hoàng yếu ớt, khiếm khuyết về cả thể chất, trí tuệ và tâm lý. Tình trạng khuyết tật này của ông tồi tệ đến mức người ta đặt cho ông biệt danh là “Kẻ bị nguyền rủa”.

Charles được sinh tại thành phố Madrid vào năm 1661, là con trai của nhà vua Philip IV xứ Tây Ban Nha và người vợ hai Mariana của Áo. Dù mang trên mình những khiếm khuyết nghiêm trọng nhưng Charles đã sống sót và dần dần trưởng thành. Chính vì lẽ đó, ông nghiễm nhiên là người thừa kế hợp pháp duy nhất của vua Philip IV và chính thức bước lên ngai vàng sau khi vua cha qua đời.

Người đời sau nói rằng, những khuyết tật mà Charles II phải chịu đựng chính là hậu quả của hôn nhân cận huyết kéo dài qua nhiều đời. Nhưng tại thời điểm đó, kết hôn cận huyết lại được coi là hợp pháp và nhiều gia tộc sử dụng nó như một cách để bảo vệ quyền lực, của cải không lọt ra ngoài.

Cái chết bí ẩn của nhà vua Tây Ban Nha Charles II: Thi thể ngài không còn giọt máu nào, trái tim chỉ nhỏ bằng hạt tiêu - Ảnh 1.

Nhà vua Charles II - Kẻ bị nguyền rủa (do họa sĩ Juan Carreño de Miranda, 1685 vẽ)

Dĩ nhiên, gia tộc Habsburg cũng không phải ngoại lệ. Trong hàng trăm năm, gia tộc Habsburg luôn "kiên cường" giữ vững truyền thống kết hôn với người trong gia đình. Và nhờ vậy, họ bảo vệ vững vàng nền thống trị và quyền lực tối cao của mình.

Hôn nhân cận huyết đã để lại di chứng không thể chữa lành trên người hậu duệ dòng tộc này. Charles II là một ví dụ, trong suốt cả cuộc đời, ông phải vật lộn với nhiều vấn đề về tâm lý và sức khỏe để rồi cuối cùng ra đi ở tuổi 38, chỉ 5 ngày trước sinh nhật lần thứ 39 của ông.

Tại thời điểm đó, những người thừa kế thuộc dòng họ Habsburg đều không còn, bản thân Charles II cũng không có một đứa con nào. Thế nên ngôi báu được truyền lại cho người cháu trai 16 tuổi, Philip, Bá tước vùng Anjou. Philip là cháu của vua Louis XIV nước Pháp. Sở dĩ Charles II chọn chàng vì người vợ đầu tiên của ông nội chàng chính là Maria Theresa xứ Tây Ban Nha - chị gái cùng cha khác mẹ của Charles II.

Cái chết bí ẩn của nhà vua Tây Ban Nha Charles II: Thi thể ngài không còn giọt máu nào, trái tim chỉ nhỏ bằng hạt tiêu - Ảnh 2.

Charles II khi còn trẻ

Dù phải sống trong tình cảnh bệnh tật đeo bám và không thể hoàn thành nghĩa vụ cai trị đất nước nhưng vương quốc Tây Ban Nha dưới thời Charles II vẫn là một cường quốc. Và trong suốt quãng thời gian ông cai trị, điều mà triều thần lo lắng, tranh cãi nhiều nhất chính là ai sẽ là người kế vị khi Charles II ra đi.

Cuộc tranh cãi này diễn ra ngay cả khi Charles II đã mất và thậm chí còn trở thành một cuộc khủng hoảng chính trị và mất cân bằng quyền lực ở châu Âu. Người ta gọi thời kỳ đó là cuộc chiến Người kế vị ở Tây Ban Nha.

Tuy nhiên, những vấn đề về chính trị ngày càng gia tăng này không phải là điều đáng chú ý khi nói về Charles II. Điều khiến người ta tò mò hơn chính là những điều kỳ quái xảy ra trong những ngày cuối cùng của Charles II và tình trạng cơ thể ông sau khi chết.

Càng về cuối đời thì sức khỏe của Charles II càng yếu ớt, đến mức ông trở nên lập dị và vô cùng mẫn cảm. Người ta đồn đại rằng, ông từng ra lệnh khai quật hầm mộ những người khác trong gia đình để có thể nhìn thấy xác chết của họ. Tình trạng của ông tệ hại hơn khi mà đất nước Tây Ban Nha đi xuống và Charles II bị đè nén dưới áp lực kéo đất nước ra khỏi cơn khủng hoảng về kinh tế.

Từ đó trở đi, ông sống một cuộc sống vô cùng đơn giản, chỉ chơi các trò chơi và dành thời gian cho những hoạt động nhàn rỗi tương tự. Lối sống này cũng là một điều bất thường vì nó không giống với cách cư xử thường thấy ở bất cứ vị vua nào đang cai trị một vương quốc hùng mạnh cả.

Cái chết bí ẩn của nhà vua Tây Ban Nha Charles II: Thi thể ngài không còn giọt máu nào, trái tim chỉ nhỏ bằng hạt tiêu - Ảnh 3.

Càng về cuối đời, sức khỏe Charles II càng yếu kém.

Trong cuốn sách "Câu chuyện của những Nền văn minh", hai nhà sử học người Mỹ, Will và Ariel Durant đã mô tả bề ngoài của Charles II là "lùn, yếu đuối, già cả và hói hoàn toàn khi chưa đến 35 tuổi, ông trông cứ như sắp sửa ra đi nhưng vẫn sống dai dẳng khiến nhiều tín đồ cảm thấy vô cùng khó hiểu".

Cuối cùng, ông đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 1 tháng 11 năm 1700. Lúc đó, kết quả khám nghiệm tử thi của nhà vua cho thấy, xác chết của ông "không có bất kỳ giọt máu nào; trái tim có kích cỡ chỉ bằng hạt tiêu, phổi bị ăn mòn, ruột đã hoại tử; chỉ còn một bên tinh hoàn, màu đen như than và đầu thì chứa đầy nước".

Dù vẫn giữ vững vị thế là cường quốc nhưng đất nước Tây Ban Nha dưới thời cai trị của Charles II trải qua rất nhiều biến cố. Quyền lực và uy tín của đất nước giảm sút nhanh chưa từng thấy. Nền kinh tế suy thoái, đặc biệt vào giữa những năm 1650 và 1700. Năng suất thấp, đói kém và dịch bệnh bùng nổ chỉ là một phần trong những thách thức mà Tây Ban Nha phải đối mặt. Điều này đã dẫn đến tình trạng dân số giảm và lãnh thổ quốc gia bị thu hẹp.

Thế mới nói, nếu duy trì một quốc gia vững mạnh thì luôn luôn phải có những nhà lãnh đạo mạnh mẽ nhất, vĩ đại nhất. Nếu không, hãy nhìn câu chuyện của vua Charles II và đất nước Tây Ban Nha và lấy đây là bài học xương máu.

Nguồn: The Vintage News