Cách người Nhật chiến đấu với nạn tự sát - nỗ lực cứu vớt một cộng đồng bị xã hội "ruồng bỏ"

J.D, Theo Helino 17:46 09/04/2019

Năm 2003, có đến hơn 30.000 trường hợp tự sát tại Nhật Bản. Sự kiện ấy đã khiến dư luận thế giới quan tâm, và buộc người Nhật phải thay đổi.

Taeko Watanabe - một bà mẹ tại Nhật Bản - choàng tỉnh giấc trong một đêm đông lạnh giá tháng 3. Watanabe thấy một vệt máu kéo dài khắp hành lang, dẫn vào phòng ngủ của Yuki - con trai bà. Trên dường là một con dao nhuốm máu, còn Yuki thì chẳng thấy đâu cả.

Cảnh sát sau đó tìm thấy thư tuyệt mệnh trong căn phòng đó. Còn xác của Yuki được phát hiện dưới con kênh cạnh ngôi đền thờ gần nhà.

"Cảnh sát tìm thấy con tôi dưới kênh, rồi quấn nó vào một cái chăn. Khám nghiệm tử thi xong, con tôi được đưa về trong quan tài. Trái tim tôi như sụp đổ vậy," - bà mẹ đáng thương hồi tưởng lại với đôi mắt ngấn lệ, trên tay vẫn cầm di ảnh của cậu con trai Yuki. 

Cách người Nhật chiến đấu với nạn tự sát - nỗ lực cứu vớt một cộng đồng bị xã hội ruồng bỏ - Ảnh 1.

Hình ảnh Taeko Watanabe mắt ngấn lệ bên cạnh di ảnh của con trai

Sự việc trên xảy ra vào năm 2008, và Yuki lúc đó 29 tuổi. Anh cũng chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp tự tử tại tỉnh Akita phía Bắc thành phố Tokyo vào năm đó. Trong vòng 2 thập kỷ, Akita đã luôn nằm trong số những nơi có tỉ lệ tự tử cao nhất Nhật Bản, thậm chí đứng đầu các nước thuộc nhóm G7 (7 nước kỹ nghệ tiên tiến trên thế giới).

Người nghèo, người già và người cô đơn

Tự sát là một hành vi có một lịch sử khá dài tại Nhật Bản. Trong quá khứ, đây là cách để các samurai gột rửa sự ô nhục, xóa đi sự kỳ thị. Nó đã trở thành một biểu tượng trong văn hóa người Nhật qua nhiều thế kỷ.

Nhưng đến năm 2003, khi số lượng người tự sát lên tới 34.427 người thì các nhà làm luật không thể làm ngơ được nữa. Dư luận quốc tế cũng quan tâm, và từ đó buộc Nhật Bản phải thay đổi. 

Cách người Nhật chiến đấu với nạn tự sát - nỗ lực cứu vớt một cộng đồng bị xã hội ruồng bỏ - Ảnh 2.

Tỉ lệ tự sát tại Nhật Bản vào năm 2003 là rất cao

"Ai cũng nghĩ tự tử là vấn đề của cá nhân, vậy nên trong thời gian dài chính phủ đã không thực sự để tâm đến nó. Không chỉ Akita, mà là trên cả nước." - trích lời Hiroki Koseki, công chức phụ trách ngăn chặn tự sát tại tỉnh Akita. 

Có rất nhiều nguyên nhân khiến một người quyết định tước đi mạng sống của mình và nó xảy ra ở khắp nơi, nhưng Akita lại có tỉ lệ tự sát cao nhất. Theo các chuyên gia, lý do là vì đây là một tỉnh khá hẻo lánh, ít công việc dẫn đến tỉ lệ thất nghiệp cao, mùa đông kéo dài khiến tâm trạng con người trở nên ảm đạm. 

Ngoài ra, số lượng người già cô đơn ở đây cũng ở mức cao. Và cuối cùng là những người mắc nợ chồng chất cũng ở đây. 

Có nghĩa, đối tự sát thường là người nghèo, người già, và những người cô đơn.

Cách người Nhật chiến đấu với nạn tự sát - nỗ lực cứu vớt một cộng đồng bị xã hội ruồng bỏ - Ảnh 3.

"Tình hình nay đã khác"

Đó là những gì được chính Watanabe nhận định. Bà cho biết nếu con trai mình phải đối mặt với tình huống tương tự vào thời điểm này thì "nó sẽ không chết. Sẽ có những người ngăn cản được thằng bé."

Bản thân Watanabe cũng đã cố gắng tự kết liễu bản thân sau cái chết của Yuki nhưng không thành. Giờ đây, bà đang lãnh đạo một nhóm những người sống sót sau tự tử tại Nhật, và trở thành một trong những nhân tố chính đưa tỷ lệ tự sát tại Nhật Bản giảm đến 40% sau 15 năm - vượt quá chỉ tiêu chính phủ đề ra. Ở thời điểm hiện tại, tỉ lệ tự sát tại tỉnh Akita đang ở mức thấp nhất trong 40 năm qua.

Cách người Nhật chiến đấu với nạn tự sát - nỗ lực cứu vớt một cộng đồng bị xã hội ruồng bỏ - Ảnh 4.

Nỗ lực giảm tỉ lệ tự sát tại Nhật Bản được khởi động vào năm 2007, với một kế hoạch quy mô lớn và toàn diện. Các tổ chức và chính phủ tìm cách xác định những nhóm có rủi ro cao, đồng thời giao trách nhiệm xuống cấp thấp hơn để có kế hoạch phù hợp với từng khu vực.

Dưới áp lực từ chính phủ, người lao động được tạo điều kiện để dễ nghỉ phép hơn, được hỗ trợ về mặt tâm lý, và bị giới hạn số giờ làm thêm. Hàng năm, các công ty có trên 50 nhân viên sẽ buộc phải kiểm tra mức độ căng thẳng do chính phủ đảm nhiệm.

Lắng nghe và ngăn chặn - Nỗ lực giải cứu cả một thế hệ

Năm 1999, Akita trở thành tỉnh đầu tiên tại Nhật thành lập quỹ ngăn chặn tự tử. Nhận được sự cổ vũ rất lớn từ truyền thông và dư luận, các nhóm tình nguyện ngăn tự sát ngày càng lớn mạnh. Để rồi giờ đây, thật nghịch lý khi một tỉnh chưa tới 1 triệu dân nhưng lại sở hữu mạng lưới trợ giúp kết nối xã hội lớn nhất Nhật Bản.

Chính quyền bắt đầu thực hiện tầm soát trầm cảm mỗi năm cho những người có nguy cơ cao. Ngoài ra, có cả các tổ chức tình nguyện hoạt động hết sức năng nổ, như của Hisao Sato. 

Sato đã phải mất nhiều năm để giải quyết căn bệnh trầm cảm đeo bám sau khi công ty phá sản vào năm 2000. "Một người bạn của tôi khi đó đã nhảy cầu tự sát, một số khác công ty cũng phá sản." - Sato chia sẻ. "Tôi đã thực sự tức giận. Tôi không muốn họ bị dồn ép đến mức phải tự tử."

Năm 2002, ông thành lập "Kumonoito" - một mạng lưới gồm các luật sư và chuyên gia tài chính chuyên để giúp đỡ những người có nhu cầu. 60% quỹ duy trì đến từ chính phủ, số còn lại là quyên góp từ người dân. 

"Kinh doanh thất bại không chỉ là câu chuyện về kinh tế, đó còn là vấn đề với con người," - Sato nhận định. 

Cách người Nhật chiến đấu với nạn tự sát - nỗ lực cứu vớt một cộng đồng bị xã hội ruồng bỏ - Ảnh 5.

Những người nhận ra và ngăn chặn ý định tự tử được gọi là "gatekeeper" tại Akita

Một trong những thay đổi quan trọng nhất tại Akita, đó là họ thành lập được mạng lưới những "gatekeeper" - tạm dịch là "người canh gác". Đây là những người được huấn luyện với nhiệm vụ xác định và ngăn cản những ai đang có ý định tự tử. Cái hay ở đây là bất kỳ ai cũng có thể trở thành một "gatekeeper", chỉ cần vài giờ tập huấn tại các cơ sở y tế của Akita.

"Về cơ bản, ai cũng là một phần của cộng đồng ngăn chặn tự tử. Đó là trách nhiệm của tất cả." - Yutaka Motohashi, giám đốc Trung tâm hỗ trợ chống tự tử Nhật Bản chia sẻ.

Một thay đổi đáng kể khác là mạng lưới những người tình nguyện lắng nghe. Ume Ito - người phụ nữ 79 tuổi - là một trong số đó. Bà tình nguyện ngồi bên điện thoại, trò chuyện với những người đang gặp vấn đề về tâm lý (thường là người già). Mỗi cuộc điện thoại có thể lên đến hàng giờ. 

Cách người Nhật chiến đấu với nạn tự sát - nỗ lực cứu vớt một cộng đồng bị xã hội ruồng bỏ - Ảnh 6.

"70 - 80% những người gọi đến cho biết họ muốn chết, nhưng sau khi nói chuyện họ đã thôi nghĩ về điều đó, và bày tỏ mong muốn được gặp người mình đã nói chuyện," - Ito cho biết. 

Theo số liệu thống kê vào năm 2018, tỉ lệ tự sát tại Akita đã giảm từ 44,6 xuống 20,7:100.000 người kể từ năm 2003. Tính trên cả nước, tỉ lệ tự tử cũng giảm từ 27 xuống 16,3:100.000 người. 

Mục tiêu chính phủ hướng đến là tỉ lệ 13:100.000 trường hợp vào năm 2027. Để dễ so sánh thì tại Mỹ, tỷ lệ là 14:100.000 người vào năm 2017, nhưng dân số của họ đông hơn gấp đôi. 

Vẫn còn những góc tối của câu chuyện

Năm 2008, 543 người Nhật dưới 19 tuổi đã tự sát. Đây là mức cao nhất trong 30 năm qua.

Tỉ lệ tự sát ở thanh thiếu niên đang là một vấn đề quan trọng đối với kế hoạch của Nhật Bản. Theo Ryusuke Hagiwara - công chức phụ trách ngăn chặn tự tử thuộc Bộ Y tế Nhật Bản, những trường hợp tự sát đã xuất hiện ngay từ bậc tiểu học. 

Cách người Nhật chiến đấu với nạn tự sát - nỗ lực cứu vớt một cộng đồng bị xã hội ruồng bỏ - Ảnh 7.

"Khi căng thẳng dâng lên, cũng là lúc thế giới của các em thu hẹp lại," - Yoshiaki Takahashi, chuyên gia nghiên cứu về tự sát từ Viện Nakasone Peace cho biết.

Bởi vậy, bộ Giáo dục Nhật Bản đang hướng tới việc tạo động lực cho trẻ em và thanh thiếu niên qua truyện tranh nhằm đánh giá cảm xúc, từ đó hướng dẫn các phương pháp giảm căng thẳng, và khuyến khích các em tìm kiếm sự trợ giúp lúc cần thiết.

"Nếu chúng ta dạy trẻ em về việc tìm kiếm sự giúp đỡ, khi trưởng thành chúng sẽ cởi mở hơn với điều này. Nuôi dạy những đứa trẻ như vậy sẽ giúp giảm thiểu trường hợp tự tử trong tương lai." - một người dân tại Akita chia sẻ.

Tham khảo: CNN, BBC, Channel News Asia