Ca tử vong vì Covid-19 vượt mốc 10.000, Pháp siết chặt việc đi lại

Huỳnh Điệp, Theo VOV 08:28 08/04/2020

Tại Pháp, số ca tử vong vì Covid-19 tính đến ngày 7/4/2020 đã vượt mốc 10.000 người. Chính quyền các địa phương siết chặt các biện pháp hạn chế.

Việc đi lại của người dân được chính quyền hạn chế và tăng mức xử phạt các hành vi vi phạm nhằm đảm bảo người dân tuân thủ lệnh phong tỏa toàn quốc.

Ngày 7/4, nước Pháp ghi nhận thêm 597 ca tử vong tại các bệnh viện trong 24 giờ, đưa tổng số ca tử vong tại bệnh viện lên trên 7.000 ca. Như vậy, cùng 3.237 ca tử vong trong các trung tâm chăm sóc người cao tuổi, tổng số ca tử vong vì Covid-19 tại Pháp kể từ ngày 1/3 đã là 10.328 ca. Hiện có 30.000 người nhập viện, trong đó 7.131 ca đang được hồi sức, cấp cứu.

Nước Pháp đã trải qua 3 tuần phong tỏa liên tiếp và chỉ còn 1 tuần nữa là kết thúc, dự kiến hết ngày 15/4. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trong những ngày qua vẫn còn diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Bộ Y tế Pháp khẳng định dịch Covid-19 tại nước này vẫn chưa đạt đỉnh, còn quá sớm để nói đến việc dỡ bỏ phong tỏa. Chính phủ Pháp tiếp tục kêu gọi người dân không buông lỏng các nỗ lực nhằm chiến đấu chống sự lây lan của virus Sars-CoV-2.

Ca tử vong vì Covid-19 vượt mốc 10.000, Pháp siết chặt việc đi lại - Ảnh 1.

Đường phố Paris vắng người vì nỗi lo Covid-19. (Ảnh: Reuters)

Trong những ngày qua, ý thức chấp hành lệnh phong tỏa của người dân Pháp có dấu hiệu giảm sút. Chính phủ nước này quyết định siết chặt hơn nữa quy định đi lại trên lãnh thổ Pháp, cũng như giữa Pháp và quốc tế. Kể từ ngày 8/4, những người di chuyển từ nước ngoài vào Pháp hay tới các vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp sẽ phải có giấy xác nhận. Kể cả việc di chuyển từ Pháp tới các vùng lãnh thổ hải ngoại cũng cần có giấy xác nhận.

Ngày 7/4, Bộ Nội vụ nước này cho biết, các vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp sẽ tiến hành kiểm tra y tế bắt buộc đối với tất cả những người đến từ nước ngoài, những trường hợp nghi vấn có thể sẽ được cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà. Kể từ ngày 8/4, người vào lãnh thổ nước Pháp cần phải đáp ứng các tiêu chí nhất định, chẳng hạn như phải có nơi cư trú chính tại Pháp, là nhân viên y tế phục vụ cuộc chiến với Covid-19, là nhân viên ngoại giao hay làm việc cho các tổ chức quốc tế...

Trong khi đó, ở cấp độ địa phương, chính quyền nhiều địa phương cũng tăng cường các biện pháp hạn chế đi lại và nâng mức xử phạt hành chính nhằm răn đe các hành vi vi phạm lệnh phong tỏa. Tại thủ đô Paris, người dân bị cấm ra ngoài vì mục đích tập thể dục trong khoảng thời gian từ 10 - 19h hàng ngày. Tại tỉnh Nord, phía Bắc nước Pháp, giáp biên giới với Bỉ, người dân sẽ bị phạt 68 euro nếu có hành vi như khạc nhổ trên đường phố, hắt hơi mà không che mặt, vứt khẩu trang hay găng tay bừa bãi. Thành phố Sceaux (tỉnh Hauts-de-Seine) bắt buộc người dân, từ 10 tuổi trở lên, phải che mũi và mặt trước khi ra ngoài.

Việc mang khẩu trang có bắt buộc hay không vẫn là một vấn đề gây nhiều bất đồng tại Pháp. Ngày 7/4, khi được hỏi liệu trong những ngày tới người dân có bắt buộc phải mang khẩu trang hay không, Bộ trưởng Y tế nước này, ông Olivier Véran cho biết, câu trả lời vẫn chỉ là "có thể".

“Tôi nói với các bạn một lần nữa, với tất cả sự khiêm tốn, khi chúng ta đối mặt với một dịch bệnh, với một virus lạ, câu trả lời là "có thể". Tôi biết đây không phải là câu trả lời mà các bạn mong đợi, cũng không phải là câu trả lời mà người dân thường nghe thấy từ một Bộ trưởng. Nhưng với tất cả sự khiêm tốn, tôi buộc phải nói, câu trả lời là có thể" - ông Olivier Véran nói.

Dù cho chính phủ có chính thức bắt buộc hay không thì trên thực tế, việc mang khẩu trang tại Pháp đã dần trở nên phổ biến. Thành phố Nice, phía Nam nước Pháp, sẽ cấp 1 chiếc khẩu trang vải cho mỗi người dân để sử dụng trong vòng 1 tháng. Trong khi đó, thành phố Paris cũng sẽ cấp khoảng 2 triệu chiếc khẩu trang vải cho người dân sử dụng trong những ngày tới.